Xác định tội danh của B
Sau khi nghiên cứu bài viết “B phạm một tội hay hai tội?” của tác giả Th.S Đỗ Ngọc Bình và Th.S Nguyễn Bá Nhất, tôi đồng ý với quan điểm của các tác giả khi xác định hành vi của B phải phạm vào hai tội. Tuy nhiên, về tội danh mà B phạm vào lại có phần chưa phù hợp với tình tiết, diễn biến hành vi của đối tượng.
Thứ nhất, chúng ta thấy ban đầu, H đồng ý đi cùng B về nhà của B để nói chuyện cho rõ ràng. Tại đây, do bực tức vì H cho rằng mình có quan hệ tình cảm bất chính với chồng của H là L nên B đã có hành vi chửi bới, túm tóc và tát vào mặt của H khoảng 4-5 cái, dùng chai nhựa và mũ cối ném vào người của H. Bên cạnh đó, H chỉ có một mình, trong khi ngoài B ra thì còn 04 người khác (A, C và 02 người thanh niên chưa rõ nhân thân, lai lịch). Mặc dù không tham gia đánh đập, chửi bới H nhưng những người này có đi cùng xe với B và khi thấy B chửi bới, đánh đập H thì không có ý kiến hay can ngăn gì. Vì vậy, H hoàn toàn có cơ sở để nhận định những người này cùng phía với B và hỗ trợ B trong việc giải quyết mâu thuẫn với mình. Từ đó, H đã rất lo sợ, nhiều lần yêu cầu B cho mình đi về nhưng không được và B cho biết chỉ khi nào H chịu xin lỗi thì B mới cho H về. Rõ ràng, đây là hành vi trái pháp luật và trái với ý muốn của H nên hành vi này của B là hành vi không cho H di chuyển vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình trái pháp luật trong khoảng thời gian nhất định. Do vậy, B phạm vào tội Giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS.
Thứ hai, trong quá trình giữ người trái pháp luật, B nhớ đến việc H và L còn nợ mình số tiền 150 triệu đồng nên đã yêu cầu H phải trả ngay số tiền này thì mới cho H về. Thấy vậy, H liền liên lạc và nói L nhanh chóng trả tiền cho B. Sau khi nhận đủ số tiền 150 triệu đồng và H chấp nhận xin lỗi thì B đã cho H đi về theo đúng thỏa thuận. Chúng ta thấy B đã có hành vi lợi dụng việc giữ người trái pháp luật để buộc H phải trả tiền nợ trái với ý muốn của bản thân. Theo Khoa học Luật Hình sự thì hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi cố ý chuyển biến một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác thành tài sản của mình. Rõ ràng, hành vi đòi nợ của B trong trường hợp này cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản khi đã cố ý chuyển biến một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của con nợ thành tài sản của mình. Vì vậy, hành vi đòi nợ trái pháp luật của B là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước khi yêu cầu trả số tiền 150 triệu đồng, B đã có hành vi chửi bới, đánh đập H, không cho H di chuyển vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình cũng như lợi dụng việc H đang ở nhà của mình và có đông người ở phía mình để làm cho H sợ. Ngay sau đó, B đã có hành vi yêu cầu H phải trả ngay số tiền 150 triệu đồng thì mới cho H về. Căn cứ vào diễn biến hành vi và thái độ tâm lý, H hoàn toàn có cơ sở để nhận định nếu mình không nhanh chóng trả tiền thì nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị B và những người khác đánh, chửi bới. B cũng mong muốn H nhận thức như vậy để nhanh chóng trả tiền cho mình, mặc dù bản thân có thể không có ý định thực hiện việc đánh đập, chửi bới nếu không trả tiền theo như suy nghĩ của H. Vì vậy, việc chiếm đoạt tài sản của B được thể hiện thông qua hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với H nhằm chiếm đoạt tài sản. Đến đây, để xác định được chính xác tội danh của B, chúng ta cần làm rõ hành vi đe dọa dùng vũ lực của B là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hay là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là căn cứ quan trọng để phân biệt giữa tội Cưỡng đoạt tài sản và tội Cướp tài sản, cụ thể:
Trong Khoa học Luật Hình sự, hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội Cưỡng đoạt tài sản khác với hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội Cướp tài sản ở chỗ: Hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực và không diễn ra ngay tức khắc, không làm cho người bị đe dọa bị tê liệt về ý chí như hành vi đe dọa dùng vũ lực trong tội Cướp tài sản. Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực không làm cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được mà chỉ có khả năng khống chế ý chí của người bị đe dọa. Người bị đe dọa vẫn còn điều kiện, khả năng để cân nhắc, tính toán, lựa chọn và quyết định hành động của mình cho phù hợp. Bên cạnh đó, để xác định một hành vi đe dọa dùng vũ lực có phải là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hay không thì cần phải dựa vào những căn cứ như: Nội dung và hình thức đe dọa (đe dọa để làm gì, thái độ khi đe dọa, công cụ, phương tiện được sử dụng để đe dọa…); tương quan lực lượng giữa hai bên; hoàn cảnh, không gian, thời gian nơi xảy ra hành vi đe dọa; tình hình an ninh chính trị, trật tự tại lúc và nơi xảy ra hành vi đe dọa; nhân thân người phạm tội…
Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy B đe dọa dùng vũ lực với H là nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng mà H và L đã nợ mình trước đó. Việc đe dọa này được thực hiện thông qua những điều kiện, hoàn cảnh, lời nói, cử chỉ và hành động của B. Lợi dụng việc đánh đập, chửi bới H trước đó cũng như việc H chỉ có một mình trong khi phía B đông người hơn, B đã liên tục hối thúc, yêu cầu H gọi điện cho L phải nhanh chóng chuyển số tiền 150 triệu đồng thì mới cho H về. Với tâm lý của người vừa mới bị đánh, chửi bới, bị giữ trái pháp luật không cho di chuyển vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các đối tượng, bản thân là phụ nữ chỉ có một mình trong khi xung quanh lại đông người hơn và có nam thanh niên cũng như liên tục bị hối thúc phải nhanh chóng chuyển tiền thì H hoàn toàn không có khả năng kháng cự, bị tê liệt về ý chí dẫn đến buộc phải chuyển tiền cho B và chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đe dọa, yêu cầu H trả nợ thì B đã nhận đủ số tiền 150 triệu đồng.
Vì vậy, xét một cách tổng thể toàn bộ quá trình diễn biến hành vi và thái độ tâm lý giữa B và H thì hành vi đe dọa dùng vũ lực của B phải là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và hành vi này đã làm cho H lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản nên B phải phạm vào tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS.
Thứ ba, căn cứ vào diễn biến hành vi phạm tội của B, có thể thấy hành vi chiếm đoạt tài sản của đối tượng chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở hành vi giữ người trái pháp luật, cụ thể: Ban đầu, B thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật đối với H là để buộc H phải xin lỗi mình. Trong quá trình này, B lại nảy sinh ý định chiếm đoạt và có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng của H. Mặc dù hành vi chiếm đoạt tài sản diễn ra khi B vẫn đang thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật nhưng hành vi giữ người trái pháp luật khi này không còn là hành vi giữ người trái pháp luật đơn thuần nữa mà nó cũng chính là một trong những hình thức thể hiện của hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc mà B mong muốn thực hiện đối với H nhằm chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng.
Đồng thời, B cũng lợi dụng hành vi giữ người trái pháp luật mà mình đã thực hiện ngay trước khi nảy sinh ý định chiếm đoạt để củng cố thêm cho hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, khiến cho H không còn khả năng kháng cự và buộc phải giao tài sản. Như vậy, hành vi giữ người trái pháp luật và hành vi chiếm đoạt tài sản được B thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó hành vi giữ người trái pháp luật là tiền đề, điều kiện để B thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, đồng thời cả 02 hành vi này đều có tính nguy hiểm cho xã hội độc lập nhau, không loại trừ được lẫn nhau và có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm của 02 tội là tội Giữ người trái pháp luật và tội Cướp tài sản nên B phải phạm vào 02 tội là tội Giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý luận khoa học về định tội danh và Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC khi xác định: “Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm”.
Thông qua tình huống này, có thể thấy việc xác định hành vi đe dọa dùng vũ lực của người phạm tội là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hay là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc trong thực tế không đơn giản mà đòi hỏi cần phải có sự phân tích, đánh giá thận trọng, khách quan, kỹ lưỡng trên cơ sở những điều kiện, hoàn cảnh sẵn có và diễn biến hành vi, thái độ tâm lý của người phạm tội và bị hại. Có như vậy, chúng ta mới xác định được chính xác tội danh của người phạm tội để có mức hình phạt thật nghiêm khắc nhằm trừng trị một cách thích đáng những hành vi coi thường pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các quý bạn đọc.
Tòa án nhân dân huyện Chư Păh, Gia Lai xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản - Ảnh: Hữu Phong
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận