Xác định tuổi của đương sự trong tố tụng dân sự
Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số trường hợp cụ thể cần phải xác định tuổi, nêu những bất cập về xác định tuổi trong thực tiễn hiện nay và đề xuất nhắm hoàn thiện pháp luật.
Trong tố tụng dân sự, nhiều trường hợp bắt buộc Tòa án phải xác định chính xác tuổi của đương sự như: tuổi của đương sự trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; tuổi của con chưa thành niên trong vụ án ly hôn, tuổi của đương sự trong trường hợp có đơn yêu cầu miễn án phí… Tuy nhiên, hiện nay chỉ có quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội và bị hại trong vụ án hình sự còn mà chưa có quy định về xác định tuổi trong tố tụng dẫn sự. Điều này dẫn đến những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án mà cần phải xác định được tuổi của đương sự, người làm chứng…
1. Một số trường hợp cụ thể cần phải xác định tuổi
Thông thường trong các giấy tờ tùy thân của cá nhân như: Giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà trong các giấy tờ tùy thân của họ chỉ có năm sinh mà không có ngày và tháng sinh. Nhiều trường hợp như vậy, bắt buộc Tòa án phải làm rõ chính xác tuổi của họ. Như trong một số trường hợp sau:
1.1 Trong vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo Điều 586 của BLDS năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
Như vậy, trong một vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra thì cần phải xác định tuổi của người chưa thành niên. Tùy thuộc vào từng độ tuổi của người chưa thành niên mà Tòa án xác định ai là bị đơn. Về xác định tư cách đương sự của người chưa thành niên gây thiệt hại theo quy định tại Điều 568 của BLDS năm 2015 thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trước đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn về xác định tư cách đương sự trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra tại tiểu mục 3.1 mục 3 phần 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 như sau:
“3.1. Khi thực hiện quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần phải chú ý xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp; cụ thể như sau:
– Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự, trừ khi họ mất năng lực hành vi dân sự;
– Trong trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 606 BLDS thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự;
– Trong trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 606 BLDS thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 606 BLDS thì cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự.”
Theo hướng dẫn trên nếu người gây thiệt hại từ đủ 18 tuổi trở lên thì cha mẹ của họ là bị đơn. Nếu người gây thiệt hại dưới 15 tuổi thì cha mẹ của họ là bị đơn. Nếu người gây thiệt hại từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì họ là bị đơn. Nếu người gây thiệt hại dưới 18 tuổi mà có người giám hộ thì người giám hộ là bị đơn. Nghiên cứu quy định tại Điều 606 BLDS năm 2005 và Điều 568 BLDS năm 2015 thì không có gì khác nhau. Như vậy, trong vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra thì cần phân biệt ba độ tuổi sau để xác định tư cách đương sự của người chưa thành niên: một là, người đó dưới 15 tuổi; hai là, người đó từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; ba là, người đó từ đủ 18 tuổi trở lên.
Dẫn chứng vụ án sau đây để thấy rằng thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (thiệt hại về sức khỏe) vẫn còn vướng mắc trong việc xác định bị đơn trong vụ án. Nội dung vụ án như sau: Ngày 12/5/2019, Nguyễn Văn A, sinh năm 2004 (giấy khai sinh của A không ghi ngày tháng sinh) đánh Trần Văn B, sinh năm 2003 gây thương tích (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) và B phải nằm viện điều trị 02 ngày. Gia đình của B khởi kiện yêu cầu gia đình A bồi thường chi phí điều trị thương tích. Trong vụ án này, ai là bị đơn.
Có quan điểm cho rằng theo giấy khai sinh A sinh năm 2004 nên xác định A sinh ngày 01/01/2004. Do đó, A khi gây thương tích cho B đã trên 15 tuổi nên A là bị đơn. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cần phải tiến hành các biện pháp xác minh về ngày tháng sinh của A. Nếu có căn cứ cho rằng A sinh trước ngày 12/5/2004 thì A chưa đủ 15 tuồi nên cha mẹ A là bị đơn. Nếu có căn cứ xác định A sinh sau ngày 12/5/2019 thì A đã trên 15 tuổi nên A là bị đơn.
1.2 Trong vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con
Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.” Theo quy định này thì trong vụ án ly hôn mà vợ chồng có con chưa thành niên thì Tòa án phải giải quyết giao con chưa thành niên cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng nếu Tòa án giải quyết vợ chồng ly hôn. Còn nếu con từ đủ 18 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ không xem xét giải quyết việc nuôi con. Do đó, nếu người còn chưa đủ 18 tuổi mà Tòa án không xem xét giải quyết giao con cho vợ hoặc chồng nuôi thì không đúng quy định. Nhưng nếu con từ đủ 18 tuổi mà Tòa án giải quyết việc nuôi con chung thì cũng không đúng quy định. Chính vì vậy mà bắt buộc Tòa án phải xác định được người con đã thành niên hy chưa thành niên.
Thực tiễn có vướng mắc như sau: Ngày 19/4/2019, bà A nộp đơn xin ly hôn ông B và yêu cầu được quyền nuôi con là C sinh năm 2001 (theo giấy khai sinh). Trong trường hợp này Tòa án có xem xét giải quyết yêu cầu nuôi con của bà A không. Có quan điểm cho rằng C sinh năm 2001 tức xác định là ngày 01/01/2001 nên C đã đủ 18 tuổi. Vì vậy, Tòa án không xem xét giải quyết yêu cầu nuôi con của bà A. Nhưng có quan điểm cho rằng cần phải xác định C sinh ngày 31/12/2001 nên C chưa đủ 18 tuổi. Vì vậy, Tòa án phải xem xét giải quyết giao A cho bà A hay ông B nuôi khi ly hôn.
1.3 Trong vụ án có đương sự đề nghị miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc án phí vì cho rằng đã đủ 60 tuổi.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/ 2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban THường vụ Quốc hội thì người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí. Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2010 thì người cao tuổi là từ đủ 60 tuổi trở lên. Như vậy, đương sự là người từ đủ 60 tuổi trở lên sẽ được Tòa án xem xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc án phí. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không phải trường hợp nào giấy tùy thân của đương sự cũng ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh. Nếu giấy chứng minh nhân dạn của đương sự chỉ đề năm sinh thì Tòa án căn cứ vào đâu để xác định họ đã đủ 60 tuổi chưa.
Dẫn chứng qua một vụ án cụ thể như sau: Ông Nguyễn Văn A sinh năm 1959 đến Tòa án nộp đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản vào ngày 12/3/2019. Kèm theo đơn khởi kiện ông A nộp kèm đơn xin miễn nộp tiền tạm ứng án phí vì cho rằng ông là người cao tuổi. Trong trường hợp này, Tòa án có xét miễn nộp tiềm tạm ứng án phí cho ông A không. Có quan điểm cho rằng ông A sinh năm 1959 tức (xác định là ngày 01/01/1959) nên tính đến ngày 12/3/2019 thì ông A đã hơn 60 tuổi nên ông A được xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Có quan điểm cho rằng, phải xác định ông A sinh ngày 31/12/1959 nên ông A chưa đủ 60 tuổi. Vì vậy, ông A không được xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cần yêu cầu ông A cung cấp tài liệu, chứng cứ xác định ông A sinh ngày tháng nào của năm 1959 thì mới có căn cứ xem xét đơn miễn nộp tiền tạm ứng án phí của ông A.
2. Đề xuất
Từ những quan điểm khác nhau về xác định tuổi của đương sự trong một số vụ án nêu trên thì thấy rằng hiện nay không có quy định hay hướng dẫn cụ thể về xác định tuổi của đương sự trong tố tụng dân sự. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Đôi khi làm cho việc áp dụng pháp luật giải quyết vụ án không đúng. Trên cơ sở tham khảo quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, bị hại trong tố tụng hình sự, tác giải kiến nghị Tòa án nhận dân tối cao có hướng dẫn cụ thể về xác định tuổi của đương sư trong tố tụng dân sự theo hướng như sau:
– Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
– Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
– Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Kết luận: Việc xác định chính xác tuổi của đương sự có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu xác định tuổi của đương sự không đúng có thể dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về cách xác định tuổi của đương sự do chưa có quy định hoặc hướng dẫn nào cụ thể. Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn hoặc giải đáp nghiệp vụ về cách xác định tuổi của đương sự trong tố tụng dân sự là rất cần thiết. Qua đó, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của tòa án địa phương.
Một phiên tòa dân sự ở Hà Giang – Ảnh: Phương Ảnh (VKSND tỉnh Hà Giang)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận