Xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí quán triệt quan điểm của Đại hội XIII của Đảng đề ra đối với vấn đề xây dựng nền báo chí nước nhà, tiếp tục xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả, đi vào đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân.
Sáng 16/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; các cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản, cơ quan báo chí, xuất bản Trung ương và địa phương.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: BT) |
Báo chí xuất bản đã có những đóng góp trong thành công chung của đất nước
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, nước ta với rất nhiều công việc và còn nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có đại dịch COVID-19 đã tác động lên tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với bản lĩnh, ý chí cách mạng kiên cường đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy kết quả thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tích cực triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các nhóm giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại,…
Báo chí xuất bản đã có những đóng góp trong thành công chung đó. Các cơ quan báo chí xuất bản trong 6 tháng đầu năm 2021 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, đề cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, đổi mới trong triển khai nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Nhờ đó, công tác, báo chí, xuất bản cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong thời gian qua.
Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được tăng cường
Ông Trần Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác báo chí, xuất bản tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội, tích cực triển khai nhiệm vụ chính trị được giao.Trong 6 tháng đầu năm, về công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quan đối với lĩnh vực báo chí đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn. Việc chỉ đạo, định hướng thông tin qua giao ban báo chí hàng tuần, giao ban tạp chí hàng tháng được triển khai chủ động, kịp thời, bảo đảm chất lượng, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc thống nhất một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp.
Công tác xây dựng ban hành các văn bản kế hoạch hướng dẫn thông tin, tuyên truyền các vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước như: chỉ đạo, định hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; vấn đề Biển Đông, phòng chống dịch COVID-19,… đã được chủ động triển khai; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong cung cấp thông tin cho báo chí được tăng cường. Tại các Hội nghị giao ban báo chí hàng tuần, nhiều cơ quan đã có báo cáo chuyên đề về các vấn đề nóng được dư luận quan tâm như: Bộ Ngoại giao báo cáo về vấn đề Biển Đông, Bộ Y tế báo cáo về công tác mua, tiêm và nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19,...
Đáng chú ý, theo ông Trần Thanh Lâm, công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan đến thực hiện tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí, vi phạm trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên tại các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú.
Cùng với đó, trên lĩnh vực xuất bản, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản đã có sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, định hướng các hoạt động của nhà xuất bản, đặc biệt là việc đảm bảo nội dung chính trị, tư tưởng của xuất bản phẩm; thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà xuất bản kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tăng cường hiệu quả trong liên doanh liên kết,…
Trong thời gian tới, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản sẽ tiếp tục triển khai nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo, Hội Xuất bản và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, tổng kết quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ quan báo chí, nhà xuất bản đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chủ quản, đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, giám sát quy trình nghiệp vụ; kịp thời xử lý cơ quan trực thuộc khi phát hiện các sai sót, vi phạm cũng như uốn nắn, đôn đốc việc khắc phục triệt để những sai phạm.
|
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BT) |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã nhấn mạnh đến vấn đề thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Các cơ quan chủ quản báo chí cần tìm hiểu kỹ khi tiến hành sắp xếp, cần coi đây là kênh truyền thông của cơ quan chủ quản
Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, các cơ quan chủ quản báo chí cần tìm hiểu kỹ khi tiến hành sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí, xem những vấn đề nào đã thực hiện được, những vấn đề nào chưa thực hiện được. Chính việc thực hiện quy hoạch báo chí giúp cơ quan chủ quản sắp xếp, định hướng và chỉ đạo cơ quan báo chí được sâu sát hơn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng đề cập đến vấn đề báo chí cạnh tranh thông tin với mạng xã hội. Theo đó, cần nhìn nhận mạng xã hội là xu thế hiện nay, do vậy, muốn cạnh tranh được với mạng xã hội cần phải có các tập đoàn báo chí lớn. Nếu báo chí chỉ đơn thuần nhỏ lẻ thì sẽ khó cạnh tranh được.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng nêu quan điểm thẳng thắn “Đề nghị các đồng chí mặc dù đã có sắp xếp nhưng cần rà soát lại, mạnh dạn sắp xếp lại cho hợp lý, đặc biệt liên quan đến các chuyên trang, chuyên mục của cơ quan báo chí. Có những tạp chí rất bé mà có tới 15 văn phòng đại diện khắp nơi, như vậy là bất hợp lý”
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh đến trách nhiệm cơ quan chủ quản cần quản lý chặt chẽ các cơ quan báo chí do mình chủ quản, xem đã làm tốt tôn chỉ mục đích của tờ báo hay chưa và cần coi đây là kênh truyền thông của cơ quan chủ quản. Đồng thời, sử dụng cơ quan báo chí là cầu nối để kết nối với các cơ quan báo chí khác.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, xu thế xuất bản, mô hình cơ quan báo chí đã có nhiều thay đổi, các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin. Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây sẽ xây dựng cơ quan báo chí của Bộ để làm mô hình điểm và có các phần mềm, để từ đó, để các cơ quan báo chí khác căn cứ để triển khai.
|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: BT) Báo chí là mũi nhọn, là vũ khí tư tưởng sắc bén về công tác tư tưởng của Đảng |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu, trong đó, các ý kiến đã thể hiện tinh thần cách mạng, tính chiến đấu của các cơ quan chủ quản và báo chí, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện khát vọng vươn lên của ngành báo chí, xuất bản.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác báo chí, xuất bản đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, tuy mới chỉ sau một thời gian ngắn sau Đại hội XIII của Đảng, nhưng đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí, đã tích cực nhận ra được những kết quả làm được và bước đầu có sự khắc phục những hạn chế của báo chí mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.
Thứ nhất, công tác bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hiệu quả, ý chí thống nhất, hành động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, đó là tính thuyết phục định hướng thông tin, góp phần thống nhất ý chí cao trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân được tăng lên. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, mặc dù 6 tháng đầu năm, đất nước vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn nhưng lòng dân ổn định, yên tâm phấn khởi đồng hành cùng đất nước, góp phần ổn định an ninh chính trị.
ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí cần chủ động quán triệt, nhất quán với quan điểm của Đại hội XIII của Đảng đối với vấn đề về báo chí. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện vấn đề này để xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả đi vào đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân, đồng thời thể hiện được định hướng, tiếng nói của Đảng và thể hiện ý chí, khát vọng của dân tộc và nhân dân.
Nhấn mạnh báo chí là mũi nhọn, là vũ khí tư tưởng sắc bén về công tác tư tưởng của Đảng, do vậy, hiện nay, trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng mới diễn ra trong tháng 1/2021, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, báo chí cần triển khai đồng thời công tác “vừa xây vừa chống”, đấu tranh với những quan điểm sai trái; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, cần tập trung vào các nguyên tắc cơ bản, đó là chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Cùng với đó là nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, cần kiên định nguyên tắc đổi mới, kiên định nguyên tắc xã hội công bằng, dân chủ, văn minh,…
Cùng với đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí cần quan tâm đến vấn đề tập huấn đội ngũ cán bộ, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Đào tạo được đội ngũ tốt, tinh thông nghiệp vụ, sâu sát với cơ sở, gắn bó với đồng bào, nhân dân để có những thông tin kịp thời, chính xác, nhân văn, góp phần định hướng dư luận và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Theo dangcongsan.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận