Xây dựng tổ chức Hội thực sự là “ngôi nhà ấm tình đồng nghiệp”

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI tổ chức ngày 31/12 tại Hà Nội, ông Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng.

Năm thành tích

Mở đầu bài phát biểu, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước, ngày thêm nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là đạo đức, phong cách làm báo của Người, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay, đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha, có mặt ở những “điểm nóng”…

Nhiều bài báo mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận đa dạng, chính xác, góp phần phát hiện sai phạm, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Đặc biệt, hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch Covid 19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an, cán bộ cơ sở, những cá nhân, cộng đồng tích cực, tình nguyện tham gia phòng, chống đại dịch.

Trong những thành tích , lớn lao của báo chí cách mạng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm qua, nhất là từ năm 2015 đến nay, có công lao to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo hội viên cả nước, nổi bật là:

1. Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã chú trọng đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tập hợp, đoàn kết, động viên, hướng dẫn hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, năng lực sáng tạo góp phần làm tốt vai trò, sứ mệnh báo chí cách mạng; tích cực thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Luật Báo chí năm 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội; coi trọng giáo dục truyền thống của báo chí cách mạng, của Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo tiền bối.

Các đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh T.Vương/LĐ

2. Hoạt động của Hội chuyển biến tích cực; phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, xác định trọng tâm công tác từng năm. Tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hội viên và công tác quản lý hội viên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo; Chủ động tham gia ý kiến, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển báo chí và hoạt động của Hội. Chú trọng xây dựng, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các cấp hội.

3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí và đạo đức nhà báo có bước tiến bộ. Hội đã phối hợp với các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế tiến hành hơn 500 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với chương trình, nội dung và phương pháp được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Các cấp hội trong cả nước đã tổ chức hàng trăm lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, với những nội dung thiết thực, cập nhật, nhất là về các kĩ năng làm báo hiện đại. Đã hỗ trợ sáng tạo hơn 14 nghìn tác phẩm báo chí chất lượng cao, tạo nguồn cung cấp tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia hằng năm và các giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí các địa phương. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức tốt nhiều hội thảo, diễn đàn, giao lưu, tọa đàm về nghiệp vụ báo chí, các vấn đề, xu hướng của báo chí - truyền thông hiện đại. Giải báo chí Quốc gia tiếp tục đi vào nền nếp và có sức thu hút ngày càng cao đối với giới báo chí và công chúng. Tổ chức thành công Hội báo toàn quốc hàng năm, nhằm tôn vinh thành tựu của báo chí Việt Nam, lao động, sáng tạo của các nhà báo; tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng.

4. Phối hợp với các ngành Tuyên giáo, Thông tin-Truyền thông trong chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, khen thưởng, xử lý sai phạm. Đã thành lập và đi vào hoạt động của gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp, kịp thời xử lý nhiều trường hợp vi phạm hoạt động báo chí và công tác hội. Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội đã kịp thời lên tiếng, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh hành vi cản trở, đe dọa, hành hung, xúc phạm nhà báo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

5. Hoạt động tri ân gia đình các nhà báo - liệt sỹ được coi trọng; hoạt động xã hội, từ thiện của các cấp hội và các cơ quan báo chí tiếp tục được thực hiện bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Công tác đối ngoại nhân dân của Hội Nhà báo Việt Nam được triển khai một cách chủ động, tích cực, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Những hạn chế, khuyết điểm

Bên cạnh những thành tựu, ông Võ Văn Thưởng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác của Hội Nhà báo thời gian qua, đó là:

Một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức cán bộ; chưa thực sự chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; một số cơ quan báo chí, một bộ phận những người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu trách nhiệm, thậm chí từ chối chức năng định hướng, giáo dục của báo chí, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí, làm tổn thương danh dự và lòng tự trọng của những người làm báo chân chính, ảnh hưởng xấu đến tổ chức Hội.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn; chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp sự phát triển của báo chí. Một số tổ chức hội thiếu năng động sáng tạo, người đứng đầu thiếu nhiệt tình với công tác hội, ý thức xây dựng Hội còn hạn chế, hoạt động hội có lúc, có nơi thiếu sức sống, chưa hiệu quả, chưa tập hợp và thu hút được hội viên. Ở một số địa phương, đơn vị, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan báo chí và tổ chức Hội chưa chặt chẽ. Công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ Hội còn thiếu chủ động; chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm của hội viên.

Công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên, nhà báo ở một số cấp hội và các cơ quan báo chí chưa thật sự được chú trọng. Một bộ phận nhà báo còn thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng; thậm chí có tình trạng chữ nghĩa vụng về, cẩu thả; trình độ tin học, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ, luật pháp quốc tế và giao lưu quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số. Số lượng nhà báo được đào tạo để ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động báo chí chưa nhiều.

Một số cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích cá nhân, sa đà vào thông tin mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, thậm chí làm sai lệch bản chất sự việc. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng sự phát triển của báo chí. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh; nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí; tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ.

Những vấn đề đặt ra

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những thời cơ to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội. Để Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu một số nội dung có tính chất gợi mở.

Ban chấp hành Hội Nhà báo khóa XI - Ảnh: Hoàng Thành/DV

Thứ nhất, Hội Nhà báo cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị - xã hội; nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Ngày 21/4/1950, trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay ra đời, đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của Hội và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam. Nói lại điều này để thấy, đây là vinh dự đặc biệt đối với Hội Nhà báo và mỗi hội viên; đồng thời, nói lên trách nhiệm lớn lao của Hội chúng ta trong việc tập hợp, đoàn kết, bảo vệ lợi ích, quyền lợi hợp pháp của hội viên; động viên sức sáng tạo, cống hiến của các nhà báo; xây dựng tổ chức Hội thực sự là “ngôi nhà ấm tình đồng nghiệp”, “nơi kết nối, giao lưu, tin cậy và chia sẻ” của hội viên, tích cực đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của báo chí nước nhà. Sứ mệnh quan trọng, cao cả đó đòi hỏi tổ chức Hội phải thực sự vững mạnh, sự vững mạnh dựa trên năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của từng hội viên mà trước hết là của từng cán bộ hội. Do vậy, cần khắc phục tư tưởng, tổ chức Hội là “chốn hội hè”, nhàn hạ, ai làm cũng được, dẫn đến dễ dãi trong lựa chọn cán bộ. Càng tuyệt đối tránh xem Hội là “cứ địa riêng” để bố trí “đàn em” thân tín. Bộ máy của Hội, dù ở Trung ương hay địa phương, phải gồm những người tâm huyết, giàu ý tưởng, tận tụy với công việc… Mỗi cán bộ Hội Nhà báo phải thấy được công việc mình đang làm là vinh dự, trách nhiệm, là đang góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực, trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết những người làm báo vào tổ chức Hội; phấn đấu để Hội Nhà báo Việt Nam thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là “ngôi nhà chung, ấm áp” của hội viên và giới báo chí. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi người làm báo phải “nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng”.

Thứ ba, mỗi cấp bộ hội, cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”[3], trên cơ sở đó thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng; tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; đề cao tính tư tưởng, tính văn hóa, tính giáo dục trong từng sản phẩm báo chí… Đồng thời, kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người làm báo, cùng những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo.

Thứ tư, để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí trong điều kiện mới, các cấp bộ hội phải chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên… Đồng thời, mỗi người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu để theo kịp với sự phát triển của báo chí, trong bối cảnh khoa học - công nghệ không ngừng phát triển.

Thứ năm, chúng ta đang sống trong một xã hội mở về thông tin, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Đây là môi trường nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí. Chúng ta đã nắm bắt cơ hội tạo nên bước phát triển vượt bậc, toàn diện của báo chí về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức. Tuy nhiên, vai trò, tổ chức Hội chưa thực sự có vị thế tương xứng với sự phát triển của báo chí. Tình trạng này cần được khắc phục; và không ai khác, chính Hội phải là chủ thể, chủ động cải thiện tình hình thông qua các chương trình hành động, các hoạt động cụ thể và thiết thực, có sức cuốn hút và lan tỏa, tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo theo nội dung Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển Hội Nhà báo các cấp.

“Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho giới báo chí cả nước. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, là “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước”- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói.

 

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 52 người. Ban Kiểm tra khóa XI gồm 15 người.

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã bầu ông Lê Quốc Minh- Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X - tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội khóa XI với số phiếu 100%. Ông Nguyễn Đức Lợi - nguyên Tổng giám đốc TTXVN và ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - được bầu làm Phó Chủ tịch Hội.

 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội -Ảnh: Hoàng Thành/DV

 

 

BẢO THƯ