Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Hoàn thiện pháp luật về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực

Phải khẳng định rằng độc lập tư pháp là yêu cầu quan trọng của Nhà nước pháp quyền. Không có tư pháp độc lập thì không thể có Nhà nước pháp quyền. Quy định cụ thể giới hạn của các hình thức giám sát đối với việc thực hiện quyền tư pháp sao cho vừa kiểm soát được việc thực hiện quyền tư pháp lại vừa bảo đảm được độc lập tư pháp...

Phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước là một yêu cầu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân ủy quyền (giao quyền) cho Nhà nước để triển khai những hoạt động vì lợi ích chung của Nhân dân.

Thực tiễn thực hiện pháp luật về phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Với sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền và sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân và các tổ chức đoàn thể, đến nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật “cơ bản đầy đủ, ổn định, thống nhất”; Các quy định về phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp của Hiến pháp năm 2013 về cơ bản đã được thể chế hóa khá đầy đủ.

GS.TS. Phan Trung Lý

Thực hiện quyền hạn được phân công (quyền hành pháp), với sự giám sát khá chặt chẽ của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã rất coi trọng công tác hoạch định chính sách và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh để quản lý các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Số lượng và chất lượng các dự án luật do Chính phủ trình Quốc hội thông qua ngày một tăng; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn được cải thiện. Thực hiện phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp, Toà án có vai trò tích cực, chủ động trong việc xác định sự thật của vụ án. Mô hình Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp có thể được xem là một trong những hình thức đặc thù để kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp nhằm góp phần bảo đảm sự đúng đắn trong hoạt động xét xử của Tòa án, hạn chế sự thiếu khách quan, thiếu công minh của quan tòa.

Tuy nhiên, thực trạng pháp luật về phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta hiện nay còn một số bất cập, hạn chế. Để khắc phục bất cập, cần tập trung vào một số nội dung:

Đối với việc thực hiện quyền lập pháp

Thứ nhất, phân định rõ ràng hơn ranh giới quyền lập pháp của Quốc hội: Trước mắt, cần làm rõ thêm nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Làm rõ nội dung quy định này sẽ góp phần đề cao trách nhiệm của Quốc hội trong việc ban hành luật, hạn chế tình trạng ủy quyền lập pháp có quy định việc hạn chế đối với quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế ủy quyền lập pháp. Tiếp tục quy định rõ, minh bạch các trường hợp Quốc hội được ủy quyền lập pháp. Ghi rõ trong luật phạm vi và nội dung ủy quyền của từng điều, từng khoản, từng điểm được ủy quyền. Khắc phục tình trạng hiện nay trong mỗi khoản, mỗi điểm hay mỗi điều chỉ quy định chung chung: “Chính phủ quy định chi tiết thi hành” hay “Chính phủ hướng dẫn thi hành”;

Cân nhắc sửa đổi quy định về dự thảo văn bản quy định chi tiết “phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”. Quy định khá cứng nhắc và thiếu cơ chế đánh giá chất lượng dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm cũng như đánh giá trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật. Quy định như trên cũng rất khác xa so với thông lệ lập pháp ở các quốc gia phát triển;

Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết không xem xét, thảo luận những dự án luật không bảo đảm các yêu cầu về hồ sơ trình mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định;

Thứ tư, xác lập cơ chế phối hợp thường xuyên giữa Chính phủ và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng với các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Thường xuyên, định kỳ tổ chức các cuộc họp chung giữa Thường trực Chính phủ và UBTVQH; giữa lãnh đạo Chính phủ với lãnh đạo Quốc hội để trao đổi, phối hợp chỉ đạo cho ý kiến về những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy tiến độ, định hướng chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, tạo sự đồng thuận giữa Chính phủ với UBTVQH, giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội khi trình Quốc hội, UBTVQH xem xét thông qua, trong đó có việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu để sớm thiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp thực sự hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm việc thực hiện quyền lập pháp luôn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong quy định của Hiến pháp.

Đối với việc thực hiện quyền hành pháp

Thứ nhất, Chính phủ và các bộ cần coi trọng hơn nữa công tác xây dựng chính sách, pháp luật để tổ chức triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh: cải thiện chất lượng khâu đánh giá tác động của chính sách; tăng cường nghiên cứu dự báo; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các chính sách ngay trong một lĩnh vực hoặc giữa các văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết khi luật, pháp lệnh có hiệu lực.

Thứ hai, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế kiểm soát từ cơ quan thực hiện quyền hành pháp (Chính phủ) đối với các hoạt động của Quốc hội.

Thứ ba, nghiên cứu mở rộng vai trò của Chính phủ trong việc bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia, bao gồm cả các hoạt động hành chính của cơ quan lập pháp và hoạt động hành chính của hệ thống tòa án nhân dân.

Thứ tư, nghiên cứu để từng bước chuyển hoạt động giải quyết khiếu nại và việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm pháp luật chịu mức chế tài cao cho hệ thống TAND thực hiện. Các cơ quan hành chính nhà nước chỉ đóng vai trò là cơ quan phát hiện và đề nghị tòa án xem xét, xử lý.

Đối với việc thực hiện quyền tư pháp

Cần mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại vi phạm, tranh chấp. Trước hết, TAND cần được trao thẩm quyền giải quyết mọi khiếu kiện hành chính (bao gồm cả việc khiếu kiện đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật) và xử lý các vi phạm hành chính có mức phạt lớn hoặc tính cưỡng chế cao;

Toà án chỉ nên thực hiện chức năng xét xử, không nên thực hiện những thẩm quyền thuộc chức năng buộc tội, chứng minh tội phạm;

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của từng cơ quan tiến hành tố tụng, mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các cấp tố tụng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng tối đa tính tranh tụng của phiên toà sơ thẩm, lấy kết quả tranh tụng tại phiên toà làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án. Phân định trách nhiệm xét hỏi tại phiên toà cho phù hợp với chức năng tố tụng của chủ thể;

Hoàn thiện quy định của pháp luật để vừa bảo đảm yêu cầu kiểm soát vừa bảo đảm tính độc lập xét xử của Toà án: Phải khẳng định rằng độc lập tư pháp là yêu cầu quan trọng của Nhà nước pháp quyền. Không có tư pháp độc lập thì không thể có Nhà nước pháp quyền. Quy định cụ thể giới hạn của các hình thức giám sát đối với việc thực hiện quyền tư pháp sao cho vừa kiểm soát được việc thực hiện quyền tư pháp lại vừa bảo đảm được độc lập tư pháp;

Hoàn thiện quy định về vai trò của Chủ tịch nước trong kiểm soát quyền tư pháp: Cần tiếp tục hoàn thiện quy định để tăng cường vai trò của Chủ tịch nước trong việc kiểm soát cơ quan thực hiện quyền tư pháp;

Xây dựng mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia: Hội đồng này do Quốc hội thành lập, có chức năng xem xét các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của các TAND để trình Chủ tịch nước xem xét quyết định hoặc trình Quốc hội, UBTVQH quyết định. Các nội dung hoạt động của Hội đồng Tư pháp quốc gia gồm: chiến lược, quy hoạch phát triển tòa án nhân dân; chương trình đào tạo, xem xét tiêu chuẩn và xét bổ nhiệm thẩm phán; việc đề bạt, bổ nhiệm chánh án các tòa án; việc khen thưởng, kỷ luật thẩm phán, hội thẩm. Hội đồng tư pháp quốc gia tổ chức và hoạt động theo pháp luật, không thuộc hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp nhưng có quan hệ mật thiết với các thiết chế này;

Thành lập Toà án sơ thẩm khu vực hoặc Toà án ở cụm huyện: Cần kiên trì thực hiện yêu cầu thành lập Toà án sơ thẩm khu vực đã được đề ra trước đây. Theo chúng tôi, yêu cầu này vẫn giữ nguyên sự cần thiết và tính thời sự cấp bách của nó bởi vì, chỉ có thành lập Toà án sơ thẩm khu vực mới giải quyết được nhiều vấn đề trong tổ chức và hoạt động của Toà án ở huyện hiện nay;

Cần xác định rõ vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân. Cần thay đổi quy định về vai trò của Viện kiểm sát trong việc thực hiện kiểm sát hoạt động xét xử cả trong lĩnh vực xét xử hình sự và xét xử dân sự. Để bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên đương sự trong tố tụng dân sự cần nghiên cứu để bỏ quy định thẩm quyền của kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án (Điều 262 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015), thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với các phán quyết sơ thẩm nếu các đương sự trong vụ việc không thực hiện quyền kháng cáo (Điều 278 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

Theo Baophapluat.vn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền - Ảnh: VPCTN

 

GS.TS. PHAN TRUNG LÝ (Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIII)