Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân
Viện KSND TP.HCM nhận định, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây hoang mang, mất niềm tin của người dân trong và ngoài nước; hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn, nên đề nghị toà tuyên mức án chung thân về các sai phạm ở giai đoạn 2.
Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân
Sáng 4/10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 33 đồng phạm đã bước vào phần luận tội của các bị cáo.
Theo đại diện Viện KSND TP.HCM bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ), Rửa tiền (445.768 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD).
Từ đó, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 - 13 năm; về tội rửa tiền và 8 - 9 năm tù; về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; tổng hợp hình phạt đề nghị là chung thân.
Đối với các bị cáo, Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 9 - 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 6 - 7 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ; 9 - 10 năm tù tội rửa tiền, tổng hình phạt từ 24 - 27 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) 11 - 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2 - 3 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ; 4 - 5 năm tù tội rửa tiền, tổng hình phạt từ 17 - 22 năm tù.
Bị cáo Trịnh Quang Công (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý ACUMEN) 7 - 8 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 3 - 4 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ; 5 - 6 năm tù tội rửa tiền, tổng hình phạt từ 15 - 18 năm tù.
Các bị cáo tại phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2
Theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây hoang mang, mất niềm tin của người dân trong và ngoài nước; hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn.
VKS khẳng định, ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trương Mỹ Lan là người nêu chủ trương chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt để thực hiện phát hành trái phiếu trái quy định, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 1992 đến nay. Trương Mỹ Lan đã thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Từ năm 2018 - 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo nhiều bị cáo khác, sử dụng bốn Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về hơn 30.000 tỷ đồng đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
VKS khẳng định việc truy tố, xét xử 29 bị cáo về tội lừa đảo là có căn cứ; trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm chính, các bị cáo thực hiện hành vi với vai trò giúp sức cho bị cáo Lan. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, diễn ra trong thời gian dài, xuyên suốt, hành vi của bị cáo này là tiền đề giúp bị cáo khác thực hiện vi trò phạm tội.
Về tội Rửa tiền, đại diện VKS cho rằng, để che giấu nguồn gốc tiền và hợp thức số tiền hơn 415.000 tỷ đồng "rút ruột" của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn "rửa" tiền. Kết quả điều tra xác định, số tiền 415.000 tỷ đồng "rút ruột" của SCB đã được rút ra chuyển vào lòng vòng qua hàng trăm tài khoản cá nhân và pháp nhân để sử dụng theo chỉ đạo của bị cáo Lan.
Theo VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan chịu vai trò chính trong tội Rửa tiền và các bị cáo khác vai trò đồng phạm giúp sức. Một trong những đồng phạm giúp bị cáo Lan rửa tiền là Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan). Theo đó, Chu Lập Cơ bị cáo buộc đã sử dụng 33 tỷ đồng có nguồn gốc phạm tội mà có.
Về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, theo lời khai của Trương Mỹ Lan, để chuyển tiền ra nước ngoài trả nợ hoặc nhận tiền vay, bị cáo giao Trịnh Quang Công và Nguyễn Phương Anh phối hợp với luật sư Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, tư vấn, vay nợ giữa các công ty Việt Nam và nước ngoài (công ty ma của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Thông qua các hợp đồng này, tiền vay và tiền trả nợ được chuyển qua hệ thống Ngân hàng SCB.
Dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phối hợp với nhân viên Ngân hàng SCB thực hiện việc chuyển tiền quốc tế. Nhiều hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện, như thiếu xác nhận sở hữu cổ phần hoặc chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng vẫn được các cá nhân có thẩm quyền tại Ngân hàng SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, Chen Yi Chung, Trương Khánh Hoàng và Bùi Anh Dũng duyệt. Tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép qua biên giới lên tới 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận