Xử lý nghiêm những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân
Tất cả chúng ta có mặt ở đây và nhiều người đều đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch công ty FLC, hay công ty chứng khoán Trí Việt... Và sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến thị trường chứng khoán - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có bài phát biểu kết luận quan trọng.
Quyết tâm thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường
Các ý kiến đều đánh giá Hội nghị hôm nay rất kịp thời, đáp ứng mong muốn của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, đã và đang có hiệu quả trên thực tế, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường vốn lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững KTXH sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và mở cửa nền kinh tế.
Các đại biểu đánh giá, thị trường vốn của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, dư địa, cần tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái thị trường vốn.
Hội nghị đã lắng nghe rất cụ thể chi tiết báo cáo của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan về thực trạng, những bất cập và giải pháp đối với thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu, cổ phiếu.
Các chuyên gia kinh tế phân tích nhiều mặt thực tiễn, khoa học, chính sách, tình hình thế giới và những kiến nghị đề xuất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo và các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình hoàn thiện các báo cáo và sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.
Quyết tâm lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư
Trên cơ sở đánh giá tất cả các yếu tố và mục tiêu hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững, cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, bảo vệ, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Chính phủ đặt ra quyết tâm cao thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian qua, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ... đóng góp quan trọng trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước. Trong đó, khung khổ pháp lý thị trường vốn, thị trường tiền tệ thường xuyên được hoàn thiện và cập nhật để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp hài hòa, hợp lý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tạo môi trường vĩ mô ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn.
Lạc quan về phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022
Đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhưng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân để phục hồi và phát triển kinh tế, không bị lỡ nhịp so với các nước, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi khả quan và đạt nhiều kết quả tích cực - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2022, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018-2022. Các cân đối lớn được bảo đảm. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Đây là những con số ý nghĩa để minh chứng tín hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế, huy động và sử dụng vốn đầu tư góp phần cho cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đây là những con số mang lại niềm tin cho nhân dân, cho cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp trong, ngoài nước, là con số của niềm tin, niềm vui, của sự lạc quan về phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022.
"Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan với những gì đã làm được mà cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Chúng ta tự tin có đủ điều kiện, năng lực và ý chí để tìm ra lời giải phù hợp với bài toán thực tế đặt ra", Thủ tướng lưu ý.
Quản lý nhà nước còn lỏng lẻo
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận, nhận diện, đánh giá thẳng thắn, khách quan những tồn tại nội tại của thị trường vốn để có giải pháp phát triển ổn định, căn cơ trước mắt cũng như lâu dài, thậm chí cần có những giải pháp mạnh để lành mạnh hóa thị trường. Thủ tướng nói: "Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ ngành".
Các ý kiến phát biểu cũng đã đề cập đến bối cảnh quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh thêm những yếu tố khó khăn tác động đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng trong thời gian tới, như giá cả nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu, chi phí logistics tăng, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao, gây áp lực lên lạm phát, tác động hậu dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế còn nặng nề... và các yếu tố chưa thể dự báo được. Chúng ta xác định tình hình sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, cần chuẩn bị để không bị động, bất ngờ.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là quản lý nhà nước còn lỏng lẻo và trong thời gian dài việc giám sát, kiểm tra không được đẩy mạnh.
Tất cả chúng ta có mặt ở đây hôm nay và nhiều người đều đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch công ty FLC, hay công ty chứng khoán Trí Việt... Và sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến thị trường chứng khoán...
Nếu chúng ta không làm quyết liệt, "con sâu làm rầu nồi canh" sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động về việc đó.
Bất cập của thị trường tài chính
Về những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, Thủ tướng khái quát hóa ở những điểm chính sau:
Thứ nhất: Tồn tại lớn nhất là thị trường tiền tệ, chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn; trong khi đó thị trường vốn (thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường trái phiếu) chủ yếu cung ứng vốn trung và dài hạn nhưng chưa phát triển hài hòa, bền vững.
Vốn trung và dài hạn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Điều này tạo sức ép và rủi ro đối với tổ chức tín dụng mà về nguyên lý là chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn và có thể gây rủi ro đối với nền kinh tế như số liệu cụ thể các đại biểu đã phân tích và tổ chức quốc tế đã khuyến cáo.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển cân đối, hài hòa giữa các thị trường là một bài toán chúng ta cần có lời giải, các cơ quan chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ hai, đối với thị trường trái phiếu. Cần thẳng thắn nhìn nhận, qua những vụ việc vừa qua, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do che giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng.
Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành và sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt...; vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Phải quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm, làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư
Thứ ba, đối với thị trường chứng khoán, Thủ tướng nêu rõ: Trong những năm qua, thị trường chứng khoán có bước phát triển mạnh mẽ, là kênh quan trọng huy động vốn trung và dài hạn nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và cũng bộc lộ những hạn chế, gây bức xúc cho nhà đầu tư trong giai đoạn gần đây. Điều này chúng ta phải nhìn nhận thắng thắn.
Thủ tướng bày tỏ: "Tôi nghe rất nhiều phàn nàn về hiện tượng nghẽn lệnh, ứng dụng công nghệ, quản lý thị trường chưa tốt, tình trạng làm giá thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường, chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý, xử phạt còn bất cập...
Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác. Có những doanh nghiệp thậm chí làm ăn thua lỗ nhưng giá chứng khoán tăng tính bằng nhiều lần, không theo quy luật nào...
Rồi nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi liệu có hay không việc thao túng, làm giá của chính các công ty chứng khoán, hình thức xử phạt chưa phù hợp... Vì những việc đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nghiêm sai phạm để làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư".
Thứ tư, đối với thị trường tiền tệ. Thị trường tiền tệ được đánh giá ổn định để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ phối hợp nhịp nhàng với các chính sách vĩ mô khác để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp...
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đánh giá khách quan những tồn tại hiện hữu để có giải pháp phát triển lành mạnh.
Đó là vẫn còn tình trạng sở hữu chéo, tình trạng nợ xấu tiềm ẩn sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ gia tăng, khó khăn trong thực hiện việc tái cơ cấu và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Hiện tượng sử dụng vốn không đúng mục đích vẫn còn tồn tại, đặc biệt là sử dụng vốn vay không đúng mục đích trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán..., thậm chí thành lập nhiều công ty sân sau để vay vốn ngân hàng, chuyển vốn lòng vòng...
Ai vi phạm cũng phải xử lý nhưng quan trọng nhất là bảo vệ các nhà đầu tư chân chính chiếm đại đa số trên thị trường, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư.
Nhất quán, ổn định chính sách
Trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung một số nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, về môi trường đầu tư
trong thời gian qua Việt Nam đã tạo lập được niềm tin với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài do chúng ta ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường đầu tư và đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đản các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Một điểm nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Trong đó, quy định phù hợp việc công khai, minh bạch thông tin thị trường, hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán.
Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, ban hành cơ chế, thể chế chính sách phù hợp, hiệu quả, không quá chặt chẽ, không quá lỏng lẻo. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, lành mạnh, có trách nhiệm. Tập trung rà soát thể chế để chủ động điều chỉnh và đề xuất với các cấp có thẩm quyền. Có giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ là phát triển lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán để mở rộng quy mô huy động vốn trung và dài hạn.
Thứ hai, đối với thị trường trái phiếu
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi hành lang pháp lý như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, đang khẩn trương sửa Nghị định 153 và Nghị định 155 để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường.
Trước mắt, cần phân loại tổng số trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành (số dư đến cuối năm 2020: 1.075 nghìn tỷ đồng, năm 2021 phát hành thêm 605 nghìn tỷ đồng, quý I/2022: 105 nghìn tỷ đồng, số dư đến cuối quý I/2022: 1.196 nghìn tỷ đồng) để có giải pháp tình thế và cụ thể phù hợp để nhanh chóng ổn định thị trường lành mạnh.
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn.
Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh, bền vững thông qua việc khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm, tạo lập thị trường trái phiếu chuyên biệt, nâng cao chuẩn mực cáo bạch, chuẩn mực kế toán, niêm yết đối với các công ty phát hành.
Thứ ba, đối với thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, đối với thị trường tiền tệ
NHNN tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý tình trạng tồn tại bất cập thời gian qua, nhất là liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để xử lý tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, ứng dụng công nghệ mới đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với lĩnh vực thanh toán, góp phần củng cố kết nối liên thông giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ tạo hiệu quả cho sử dụng vốn của nền kinh tế và minh bạch hóa các dòng tiền trên thị trường để giám sát rủi ro.
Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để nỗ lực giảm lãi suất cho vay phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Thứ năm, về quản lý giám sát
Cần có các công cụ quản lý, giám sát hiệu quả, chặt chẽ và các công ty đánh giá tín nhiệm khoa học, khách quan, chính xác vì sự phát triển chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của chính mình, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Thứ sáu, về xử lý sai phạm
Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả. Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Thứ bảy, về truyền thông
Theo Thủ tướng, có những lúc, các thông tin đưa ra không chuẩn xác so với diễn biến thực tế. Do đó, yêu cầu đầu tiên là dứt khoát không để khủng hoảng truyền thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời những thông tin liên quan đến thị trường vốn; phát hiện, đề nghị và phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường. Phải khẳng định những sai phạm vừa qua không đại diện cho đa số và chúng ta đã xử lý, thực tế là các loại thị trường cơ bản đang phát triển đúng hướng, có hiệu quả.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp với các Bộ ngành liên quan tăng cường công tác thông tin truyền thông bài bản, kịp thời, liên tục, nhất là thông tin hướng dẫn, thông tin định hướng, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về các quy định của pháp luật, kiến thức, kỹ năng, minh bạch hóa thông tin của các chủ thể tham gia thị trường để bảo vệ, giảm thiểu rủi ro và nâng cao niềm tin nhà đầu tư với thị trường tài chính. Đồng thời, phải cân đối hàm lượng thông tin phù hợp, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Sau hội nghị này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo và sớm trình Chính phủ ban hành văn bản phù hợp về phát triển ổn định thị trường vốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận - Ảnh: Nhật Bắc
Bài liên quan
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" của Hà Nội
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận