
Xử lý phần dân sự trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn áp dụng
Trong phạm vi bài viết, tác giả đánh giá xung đột pháp lý giữa luật hình sự và dân sự, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đề xuất hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực tố tụng để dung hòa lý luận với thực tiễn.
Đặt vấn đề
Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, việc giải quyết phần dân sự còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất giữa. Cụ thể, một số bản án hình sự phúc thẩm đã hủy phần dân sự trong một số bản án sơ thẩm với lý do hủy án tập trung vào việc bản án sơ thẩm chỉ buộc bị cáo bồi thường cho bị hại mà không yêu cầu những người thụ hưởng tài sản chiếm đoạt (người thứ ba) phải hoàn trả cho bị hại.
Điều này không chỉ phản ánh sự khác biệt trong cách hiểu và áp dụng pháp luật giữa các cấp Tòa án mà còn đặt ra bài toán cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi bị hại, bảo đảm tính hợp pháp của giao dịch dân sự và tính khả thi trong thực tiễn tố tụng. Bài viết này phân tích vấn đề dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp luật và nâng cao hiệu quả xét xử.
1. Cơ sở pháp lý và quyết định của một số bản án
1..1 Lập luận trong một số bản án phúc thẩm hình sự
Nghiên cứu về lập luận, đánh giá chứng cứ trong một số bản án phúc thẩm về vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thì cho rằng, số tiền bị cáo chiếm đoạt dù đã được sử dụng để trả nợ, tiêu dùng, hoặc mua sắm phải được hoàn trả cho bị hại. Quan điểm này dựa trên các quy định pháp luật sau:
- Khoản 2 Điều 47 BLHS 2015: “Tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản thuộc sở hữu của người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ để bảo đảm thi hành án bồi thường thiệt hại”. Quy định này cho phép truy thu tài sản từ người thứ ba nếu chứng minh được nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
- Khoản 1 Điều 48 BLHS 2015: “Tài sản bị chiếm đoạt phải được hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”. Điều này khẳng định quyền lợi của bị hại trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Theo quan điểm này, những người nhận tiền hoặc tài sản từ bị cáo cần được đưa vào vụ án với tư cách người có nghĩa vụ liên quan và phải hoàn trả số tiền tương ứng, nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng và bảo vệ quyền lợi của bị hại.
1.2. Lập luận trong một số bản án sơ thẩm
Ngược lại, qua nghiên cứu một số bản án sơ thẩm thì thể hiện việc buộc người thứ ba hoàn trả tài sản chiếm đoạt gặp phải ba trở ngại pháp lý và thực tiễn:
Thứ nhất (tính chuyển hóa của tài sản): Tiền mặt hoặc tiền chuyển khoản bị chiếm đoạt, khi được bị cáo sử dụng trong các giao dịch tiếp theo, đã hòa vào lưu thông tiền tệ và trở thành phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo lý thuyết kinh tế pháp lý, tiền tệ có đặc tính “fungible” (có thể thay thế), nên không còn giữ nguyên tính chất “vật chứng” theo Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 để áp dụng biện pháp truy thu. Giả sử người thứ ba tiếp tục sử dụng khoản tiền này thì việc xác định “điểm dừng” của dòng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp là vô cùng khó khăn.
Thứ hai: Vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình. Các giao dịch dân sự giữa bị cáo và người thứ ba (trả nợ, mua sắm) là hợp pháp về hình thức, được bảo vệ bởi:
+ Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Giao dịch dân sự chỉ vô hiệu khi có mục đích và nội dung trái pháp luật”. Người thứ ba ngay tình nếu không biết nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản thì giao dịch vẫn được pháp luật công nhận.
+ Khoản 2 Điều 166 và Điều 167 BLDS năm 2015: Quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người thứ ba ngay tình được bảo vệ, ngay cả khi tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp, nếu họ không biết và không thể biết về nguồn gốc này.
Thứ ba: Thực tiễn xét xử các vụ án lừa đảo từ trước đến nay hiếm khi buộc người thứ ba hoàn trả tài sản chiếm đoạt, do khó khăn trong việc truy xuất và chứng minh dòng tiền. Việc hủy án để điều tra lại không chỉ kéo dài thời gian tố tụng mà còn làm phức tạp hóa quá trình đấu tranh chống tội phạm, đồng thời có nguy cơ phát sinh tranh chấp dân sự chồng chéo.
2. Phân tích pháp lý và thực tiễn
Việc tồn tại những quan điểm, nhận định, đánh giá khác nhau giữa các bản án sơ và phúc thẩm phản ánh sự xung đột giữa hai hệ thống pháp luật, cụ thể:
- BLHS và BLTTHS: Ưu tiên bảo vệ quyền lợi của bị hại và truy thu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm, dựa trên nguyên tắc luật chuyên ngành có hiệu lực ưu tiên trong vụ án hình sự.
- BLDS: Bảo vệ tính ổn định của giao dịch dân sự và quyền lợi của người thứ ba ngay tình, nhằm duy trì trật tự kinh tế - xã hội.
Theo thông lệ, khi có xung đột giữa luật hình sự và luật dân sự thì luật hình sự thường được ưu tiên áp dụng trong phạm vi vụ án hình sự. Tuy nhiên, Điều 47 và 48 BLHS năm 2015 chỉ cho phép truy thu tài sản từ người thứ ba nếu chứng minh được mối liên hệ trực tiếp với tài sản phạm tội và trong một số trường hợp, cần xem xét ý thức chủ quan của người thứ ba (biết hoặc phải biết về nguồn gốc bất hợp pháp). Trong khi đó, Điều 133 BLDS năm 2015 lại đặt ra tiêu chí “ngay tình” như một điều kiện bảo vệ giao dịch, tạo ra khoảng trống pháp lý khi áp dụng thực tế.
Thực tiễn xét xử tại Việt Nam cho thấy, việc truy xuất dòng tiền trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản gặp nhiều khó khăn do hạn chế về công nghệ và nguồn lực điều tra. Theo thống kê tại Báo cáo tổng kết công tác xét xử năm 2023 của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế và tham nhũng chỉ đạt khoảng 10-15%, phần lớn do tài sản đã được chuyển hóa hoặc tiêu tán.
3. Đề xuất một số giải pháp
Tác giả không nghiêng hẳn về quan điểm nào mà tuỳ vào tài liệu chứng cứ trong vụ án để xử lý. Nếu có căn cứ bên thứ ba đang chiếm hữu tài sản có nguồn gốc lừa đảo thì phải truy thu, buộc trả lại cho bị hại. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải giải quyết các vấn đề sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý
Một là, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn về vấn đề này để bảo đảm áp dụng thông nhất pháp luật trong thực tiễn. Tác giả đề xuất nội dung hướng dẫn theo hướng: Nếu đủ cơ sở để xác định được số tiền bị chiếm đoạt đang được bên thứ ba chiếm hữu thì buộc người đang chiếm hữu số tiền đó trả lại cho bị hại. Trường hợp không xác định được điểm cuối cùng của dòng tiền bị chiếm đoạt thì phải giới hạn việc buộc truy thu từ người thứ ba ngay tình tuỳ vào việc sử dụng số tiền bị chiếm đoạt (ví dụ như dùng tiền chiếm đoạt để mua tài sản, hiện tài sản đó đang bị cơ quan tố tụng thu giữ).
Hai là, trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015, nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung quy định về giới hạn truy thu tài sản từ người thứ ba, tránh ảnh hưởng đến giao dịch dân sự hợp pháp khi không có chứng cứ rõ ràng về ý thức chủ quan.
Thứ hai, nâng cao năng lực thực tiễn
Một là, đào tạo chuyên môn: Cần tăng cường đào tạo cho cơ quan điều tra về kỹ năng truy vết tài sản (phân tích tài chính, công nghệ số), nhằm nâng cao khả năng chứng minh dòng tiền trong các vụ án lừa đảo.
Hai là, giới hạn hủy án: Chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi có chứng cứ cụ thể về tài sản chiếm đoạt vẫn tồn tại dưới dạng nguyên vẹn hoặc dễ truy thu (ví dụ: bất động sản, ô tô), tránh kéo dài tố tụng không cần thiết. Cần cân bằng giữa bảo vệ bị hại và duy trì ổn định xã hội.
Kết luận
Việc xử lý phần dân sự trong các vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là bài toán thực tiễn đòi hỏi sự cân bằng giữa lý luận và thực tế. Để bảo đảm việc xét xử đúng quy định của pháp luật về hình sự và dân sự, cần hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực tố tụng, và định hướng xét xử linh hoạt, nhằm vừa bảo vệ quyền lợi bị hại vừa tránh gây bất ổn xã hội.
Vấn đề này vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và trao đổi, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan lập pháp trong thời gian tới.
Ảnh: Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.
Tài liệu tham khảo
1. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác xét xử năm 2023, Hà Nội, 2024.
2. Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
4. Bộ luật Dân sự năm 2015.
5. Văn Linh, Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?, https://tapchitoaan.vn/nguoi-vay-dung-tien-lua-dao-de-tra-no-nguoi-cho-vay-co-trach-nhiem-tra-lai-khong13148.html.
6. Hoàng Thuỳ Linh, Anh B, ông D, bà Y không có trách nhiệm trả lại số tiền liên quan đến số tiền lừa đảo trong vụ án, https://tapchitoaan.vn/anh-b-ong-d-ba-y-khong-co-trach-nhiem-tra-lai-so-tien-lien-quan-den-so-tien-lua-dao-trong-vu-an13175.html.
7. Đỗ Ngọc Bình, Hiểu thế nào là bảo vệ người thứ ba ngay tình trong vụ án hình sự?, https://tapchitoaan.vn/hieu-the-nao-la-bao-ve-nguoi-thu-ba-ngay-tinh-trong-vu-an-hinh-su11218.html.
Bài liên quan
-
Một số bất cập đối với hoạt động bào chữa, bảo vệ trong các vụ án hình sự về phòng, chống tham nhũng của luật sư
-
Bàn về các tình tiết của vụ án hình sự và các tình tiết do Bộ luật Hình sự quy định
-
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Đình chỉ vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận