Xử lý tiền tạm ứng lệ phí và tạm ứng án phí khi đình chỉ giải quyết việc dân sự

Trong thực tiễn tố tụng dân sự, việc đương sự yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết thì vấn đề xử lý tiền tạm ứng lệ phí và nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí khiến cho chúng ta không khỏi băn khoăn.

Khoản 5 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định: “Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định”.

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này, khi Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự thì xử lý tiền tạm ứng lệ phí dân sự mà đương sự đã nộp khi yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn như thế nào? Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí được giải quyết như thế nào? Bởi lẽ, BLTTDS 2015, Luật Phí và lệ phí cũng như Nghị quyết số 326/2016/BTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (sau đây viết là Nghị quyết 326) không quy định nghĩa vụ chịu lệ phí đối với trường hợp đình chỉ giải quyết việc dân sự nói chung và đình chỉ giải quyết về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn quy định tại khoản 5 Điều 297 BLTTDS 2015 nói riêng.

1.Xử lý tiền tạm ứng lệ phí như thế nào?

Cần phải thấy rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phí và lệ phí thì:“Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này”.
Điều 149 BLTTDS 2015 quy định:

“Điều 149. Nghĩa vụ chịu lệ phí

1. Nghĩa vụ chịu lệ phí được xác định tuỳ theo từng loại việc dân sự cụ thể và do luật quy định.

2. Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu lệ phí theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí thì mỗi người phải chịu một nửa lệ phí”.

Khoản 1 và khoản 3 Điều 37 Nghị quyết 326 quy định nghĩa vụ chịu lệ phí giải quyết việc dân sự như sau:

“1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải chịu lệ phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu của họ, trừ trường hợp không phải chịu lệ phí Tòa án hoặc được miễn nộp tiền lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này”.

“3. Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn, hoặc không phải chịu lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí Tòa án thì mỗi người phải chịu 50% mức lệ phí Tòa án”.

Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật Phí và lệ phí thì mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân cho nên mặc dù BLTTDS 2015, Luật Phí và lệ phí, Nghị quyết 326 không quy định nghĩa vụ chịu lệ phí đối với trường hợp đình chỉ việc dân sự nói chung và đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì trường hợp này đương sự vẫn phải chịu lệ phí như các trường hợp Tòa án giải quyết chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu của họ, trừ trường hợp họ được miễn lệ phí.

2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí được giải quyết như thế nào?

Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự khi Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS 2015, khoản 5 Điều 25 Nghị quyết 362 quy định: “Trường hợp đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án phải yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự giải quyết vụ án theo thủ tục chung”. Khi đó, Tòa án xác định tư cách tố tụng của các đương sự và căn cứ khoản 1 Điều 146 BLTTDS 2015 để xác định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí.

Và khi giải quyết vụ án ly hôn, nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai bên thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm. Tòa án căn cứ vào các quy định của BLTTDS 2015, Nghị quyết 326 để xác định nghĩa vụ chịu án phí của đương sự.

BÍCH PHƯỢNG – HỒNG NGỌC