Bàn về tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình
Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022 đã quy định về các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu tính khả thi của các biện pháp này.
Bạo lực gia đình là một trong những loại hình bạo lực xảy ra phổ biến trong các hình thức bạo lực ở Việt Nam. Có đến 70% vụ việc bạo lực là do người thân hay các thành viên trong gia đình thực hiện. Những năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa số người bị bạo lực không trình báo vụ việc hay tìm kiếm bất kỳ biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nào từ cơ quan có thẩm quyền do rất nhiều nguyên nhân như người bị bạo lực gia đình thường có tâm lý e ngại, xấu hổ, muốn che dấu hành vi bạo lực vì đó là câu chuyện riêng tư cũng như thiếu một cơ chế bảo vệ, hỗ trợ một cách hiệu quả.
1.Một số vấn đề về bạo lực gia đình ở Việt Nam
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những loại hình bạo lực xảy ra trong phạm vi gia đình, để phân biệt với nhóm bạo lực xảy ra ở nơi công cộng (trên đường phố, công viên, trường học, nơi làm việc …). Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của BLGĐ là giữa người gây bạo lực và người bị bạo lực thường có mối quan hệ thân thiết như vợ chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em. Luật PCBLGĐ năm 2007, Điều 1, khoản 2 quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”
Trong dự thảo Luật PCBLGĐ tại Điều 3, Khoản 1 đã quy định về khái niệm này như sau: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.” Như vậy, theo quy định mới này đã có sự mở rộng thêm các hình thức bạo lực bao gồm thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục do thành viên trong gia đình thực hiện.
Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019 – “Hành trình để thay đổi” cho thấy, “cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua)”. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010).[1] “Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy trình độ học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.”[2]
Bạo lực gia đình có những đặc điểm mang tính đặc thù như đó là hình thức bạo lực mà giữa người gây bạo lực và người bị bạo lực có mối quan hệ gắn bó nhất định. Do đó, người bị bạo lực thường không muốn hoặc không dám tố cáo hành vi bạo lực của thành viên trong gia đình bởi nhiều nguyên nhân như họ sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, tư tưởng “chịu nhịn” hay “cam chịu” vì hạnh phúc gia đình của phụ nữ và những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và đạo giáo cũng hạn chế người bị bạo lực trình báo và tìm kiếm các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền.[3] Thậm chí trong một số trường hợp, người bị bạo lực đã làm đơn xin rút đơn tố cáo, ví dụ như vụ việc người vợ 27 tuổi ở Hà Nội đã bị chồng là võ sư đánh đập khi đang bế con nhỏ xin rút đơn tố cáo.[4] “Phụ nữ có chồng uống rượu hàng ngày có thể chịu nguy cơ chịu bạo lực cao gấp 7 lần so với phụ nữ có chồng không bao giờ uống rượu; nhưng ngay cả khi người chồng chỉ uống 1 lần 1 tháng, nguy cơ chịu bạo lực của vợ người này vẫn cao gấp 3 lần. Phụ nữ có chồng đã từng đánh nhau với người khác, chịu nguy cơ về bạo lực cao gấp 5 lần và nếu người chồng có quan hệ ngoài hôn nhân, nguy cơ chịu bạo lực của người vợ cao gấp 3.4 lần so với những phụ nữ khác.”[5]
Tuy nhiên, số vụ việc BLGĐ được trình báo và giải quyết còn rất thấp. Hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.[6] Thực tế này cho thấy người bị BLGĐ thường không tìm kiếm các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ do rất nhiều nguyên nhân, rào cản khác nhau bởi vì BLGĐ thường được xem là câu chuyện “riêng tư” theo quan điểm “xấu chàng hổ ai” do đó người bị bạo lực (đa phần là người vợ) thường có tư tưởng cam chịu để giữ gìn hạnh phúc gia đình, hy sinh cho con, hoặc tâm lý mặc cảm, e ngại, xấu hổ nên không trình báo vụ việc hoặc tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Mục tiêu chung của Chương trình “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025”[7] đó là: Tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ; 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.
Để đạt được mục tiêu tối thiểu 50% người bị bạo lực tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ đến năm 2025 là một thách thức trong công tác phòng ngừa và ứng phó đối với bạo lực trên cơ sở giới. Điều này yêu cầu nhà nước ta phải có một cơ chế, chính sách bảo đảm sự sẵn có của các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực. Do đó, cần phải nghiên cứu về tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực được quy định trong dự thảo Luật PCBLGĐ.
2.Đánh giá tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực trong dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022
Người bị bạo lực chỉ trình báo vụ việc bạo lực gia đình khi họ được cung cấp các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Thực tế cho thấy hiện nay người bị bạo lực thường chỉ phản ứng với hành vi bạo lực là bỏ nhà đi trong một khoảng thời gian nhất định. Phụ nữ bỏ nhà đi trong khoảng thời gian trung bình là 20 ngày và thường đến ở nhờ nhà người thân, nhà bạn bè hoặc nhà hàng xóm, họ hàng bên chồng/bạn tình cũng tương tự. Đặc biệt là không có người phụ nữ nào cho biết đã qua đêm ở nhà tạm lánh.[8] Thực tiễn này cho thấy người bị bạo lực đã không tìm kiếm các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ từ các kênh chính thức do còn tồn tại những hạn chế nhất định của các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực. Chỉ khi các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, và hỗ trợ có hiệu quả và bảo đảm tính khả thi trên thực tế thì mới khuyến khích người bị bạo lực trình báo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc.
Dự thảo Luật PCBLGĐ năm 2022 đã có môt số quy định cụ thể về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực như Điều 31 quy định về nguyên tắc ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Điều 32 quy định các biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Điều 35 quy định về điều kiện, thẩm quyền và thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc;
Liên quan đến các quy định về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, và hỗ trợ còn bộc lộ một số hạn chế và thiếu tính khả thi như sau:
Thứ nhất, về biện pháp cấm tiếp xúc trong một khoảng thời gian nhất định do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định là 03 ngày hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định áp dụng không quá 04 tháng với một khoảng cách tối thiểu là 50m có đảm bảo tính khả thi hay không? Điều 38, khoản 2 quy định: “Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình tối thiểu 50m, trường hợp có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không giới hạn khoảng cách.” Tuy nhiên, quy định này có thể cho thấy khó đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. “Người bị bạo lực gia đình được ưu tiên lựa chọn chỗ ở tại nhà hoặc nơi tạm lánh trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc.” Việc đặt ra hạn chế tối thiểu là 50m sẽ khó có cơ sở để xác định và chỉ ngăn chặn được một số hành vi bạo lực về thể chất. Người gây bạo lực có thể sử dụng các loại hình công nghệ, thông tin như gửi tin nhắn, gọi điện để tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực về tinh thần. Ngoài ra, cơ quan nào sẽ có trách nhiệm thực hiện hành vi giám sát khoảng cách tối thiểu 50m trong điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, nếu người bị bạo lực lựa chọn nơi tạm lánh tại một địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hay nhà tạm lánh. Cơ quan nào có trách nhiệm bảo đảm việc người gây bạo lực không tiếp xúc gần nạn nhân trong điều kiện về nguồn nhân lực (công an) hay cơ sở vật chất còn hạn chế như hiện nay. Bên cạnh đó, nếu người bị bạo lực lựa chọn cơ sở nhà tạm lánh để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì cũng gặp phải một số rào cản nhất định như việc không thể mang con mình ra khỏi nhà hoặc một số nhà tạm lánh lại không có khả năng tiếp nhận con cái họ, và họ thấy xấu hổ và bị kỳ thị khi trở về nhà nếu mọi người biết rằng họ đã từng trốn ở nhà tạm lánh.[9]
Thứ hai, về việc kết nối các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Điều 32 (2) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình: a) Đảm bảo an toàn; b) Đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu; chăm sóc sức khỏe người bị bạo lực gia đình tại cơ sở khám chữa bệnh; c) Hỗ trợ khẩn cấp nơi ở và các nhu cầu thiết yếu; d) Hỗ trợ tư vấn pháp lý, tâm lý; đ) Hỗ trợ trong quá trình xét xử vụ việc bạo lực gia đình; e) Hỗ trợ các kiến thức, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình; g) Hỗ trợ sinh kế.
Quy định cho thấy có nhiều dịch vụ hỗ trợ như hỗ trợ khẩn cấp nơi ở, hộ trợ tư vấn pháp lý, tâm lý, hỗ trợ các kiến thức, kỹ năng để ứng phó, hỗ trợ sinh kế. Với các loại hình hỗ trợ này đòi hỏi phải có một mô hình cung cấp dịch vụ bảo đảm sự điều phối, kết nối các dịch vụ sẵn có. Tuy nhiên, Điều tra Quốc gia năm 2019 cũng chỉ rõ vẫn còn có những bất cập lớn trong hiểu biết và bằng chứng về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam như: 10
Khả năng tiếp cận nhà tạm lánh và mạng lưới hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực; Những khó khăn cản trở điều tra vụ việc bạo lực trên cơ sở giới và các biện pháp ứng phó xuyên suốt hệ thống y tế; Ai có thể tiếp cận trợ giúp pháp lý trong trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới; Biện pháp phối hợp với công an để nắm được các can thiệp hiện có của công an, nhằm cải thiện các biện pháp ứng phó; Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia để phân loại và đối chiếu các vụ việc bạo lực trên cơ sở giới của các đơn vị cung cấp dịch vụ, gồm hệ thống y tế, các nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống pháp lý.
Thực tế cho thấy mô hình nhà tạm lánh còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam vì mới được thành lập từ năm 2007 và chưa sẵn có ở tất cả các địa phương. Các thông tin về nhà tạm lánh cũng như việc kết nối các dịch vụ trợ giúp còn rất hạn chế[11]. Điển hình là dịch vụ hỗ trợ tâm lý là loại hình dịch vụ còn khá mới mẻ và không sẵn có ở các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực còn có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. Do đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của những người tiếp nhận vụ việc trong kết nối các dịch vụ hỗ trợ và bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống dịch vụ bảo đảm tính sẵn có, và có cơ chế điều phối, phối hợp trong cung cấp các dịch vụ. Các quy định về dịch vụ hỗ trợ cần phải được đánh giá dựa trên điều kiện phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương và năng lực, sự sẵn có của các dịch vụ để đảm bảo lộ trình thực hiện và tính khả thi của nó trong thực tiễn.
Thứ ba, BLGĐ là loại vụ việc khó phát hiện và xử lý trên thực tế bởi vì người bị BLGD và người thực hiện hành vi BLGĐ có mối quan hệ gia đình như vợ chồng, bố mẹ và con cái. “Bạo lực giữa vợ, chồng với nhau: Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình (chiếm 70%)”.[12] Tuy nhiên, các vụ việc bạo lực GĐ thường khó phát hiện và xử lý bởi vì do ảnh hưởng bởi các quan niệm trong xã hội, các chuẩn mực giới như vợ có nghĩa vụ tuân thủ, phục vụ chồng. Điều tra Quốc gia năm 2019 chỉ rõ vẫn có 27% phụ nữ ở khu vực thành thị và 32% phụ nữ ở khu vực nông thôn cho rằng “người vợ tốt là người biết nghe lời chồng kể cả khi bản thân không đồng ý” và 35,9% cho rằng “Nam giới nên chứng tỏ vai trò là chủ”.[13] Do đó, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị BLGĐ chỉ có hiệu quả khi người bị BLGĐ trình báo vụ việc và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Dự thảo Luật PCBLGĐ chưa có quy định rõ về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức như trong tiếp nhận vụ việc, trong xử lý vụ việc và sau khi xử lý vụ việc. Chương 2 của dự thảo quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong phòng chống bạo lực gia đình như quyền và nghĩa vụ của cá nhân trong cộng đồng (Điều 13); Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (Điều 14)... Tuy nhiên, trong phần quy định về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ cần phải được quy định cụ thể hơn về trách nhiệm theo hướng cá nhân, tổ chức tiếp nhận vụ việc, xử lý vụ việc và sau khi xử lý vụ việc. Bởi lẽ, người bị BLGĐ cần được bảo vệ và hỗ trợ không chỉ trong quá trình xử lý vụ việc và cả sau khi xử lý vụ việc. Chỉ khi họ cảm thấy an toàn, được hỗ trợ kịp thời ngay cả trong quá trình xử lý và sau khi xử lý thì mới có thể làm cho người bị BLGĐ yên tâm tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật PCBLGĐ chưa tiếp cận theo hướng này để đảm bảo tính khả thi của các biện pháp hỗ trợ người bị BLGĐ một cách hiệu quả và toàn diện.
3.Kết luận
Bạo lực gia đình là vấn đề mang đầy đủ các yếu tố kinh tế, văn hóa, pháp lý và sức khỏe, nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia cũng như sự phát triển của mỗi cá nhân. Người bị bạo lực thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rào cản trong xã hội. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của phụ nữ và nam giới để thay đổi thái độ và hành vi của họ đối với bạo lực gia đình, xóa bỏ những chuẩn mực, định kiến giới vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam thì việc nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ sẽ góp phần phòng ngừa và ứng phó với bạo lực một cách hiệu quả.
Qua nghiên cứu đánh giá về tính khả thi của các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực, có thể thấy rằng một số quy định chưa thực sự hợp lý và khả thi trong bối cảnh của Việt Nam, do đó cần nghiên cứu bổ sung một số quy định như sau:
Thứ nhất, cần quy định về xây dựng mô hình dịch vụ một điểm dừng (one shop stop model) đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hồ Chí Minh cụ thể thay thế cho mô hình nhà tạm lánh bởi vì người bị BLGĐ cần được bảo đảm cung cấp dịch vụ hỗ trợ thiết yếu trong và sau quá trình xử lý vụ việc BLGĐ.
Thứ hai, cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong phát hiện, tiếp nhận, xử lý vụ việc và sau khi xử lý vụ việc theo hướng rõ trách nhiệm theo từng giai đoạn, ví dụ như đối với giai đoạn tiếp xúc ban đầu, người phát hiện, tiếp nhận vụ việc có nghĩa vụ cung cấp, kết nối các dịch vụ hỗ trợ ban đầu như chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý cho người bị bạo lưc, hỗ trợ người bị BLGĐ trình báo vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền xử lý vụ việc cần có đảm bảo nhạy cảm giới, không gây tái tổn thương, và lấy người bị bạo lực làm trung tâm để tìm hiểu nguyện vọng và hoàn cảnh của họ để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời đồng thời kết nối các dịch vụ hỗ trợ cần thiết như việc làm, nơi ở, và trường học cho con của người bị BLGĐ, ví dụ như trong trường hợp người bị BLGĐ không thể tiếp tục chung sống với chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Như vậy, chỉ khi người bị BLGĐ được bảo vệ, hỗ trợ một cách hiệu quả thì họ mới có thể tìm kiếm các biện pháp bảo vệ của các cơ quan có thẩm quyền, góp phần tăng tỷ lệ trình báo vụ việc trên thực tế, đạt được mục tiêu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ đến năm 2025 như Chương trình quốc gia về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã đề ra./.
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam thăm và tặng quà trung thu cho phụ nữ, trẻ em ở Ngôi nhà Bình yên
[1] Tóm tắt chính sách, Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019 – “Hành trình để thay đổi”, Những phát hiện chính, https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/4._tom_tat_chinh_sach.pdf
[2]Hội nghị công bố kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019 – “Hành trình để thay đổi” http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222869
[3] Paul Horton và cộng sự, "Nam tính dị tính ở Việt Nam đương đại," Nam giới và Nam tính 14, số 5 (2011), 542-564.
[4] Người vợ bị chồng võ sư đánh đập rút đơn tố cáo, xin hòa giải, https://tuoitre.vn/nguoi-vo-bi-chong-vo-su-danh-dap-rut-don-to-cao-xin-hoa-giai-20190829091750501.htm, truy cập ngày 21/9/2022.
[5] Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Lao động, Thương Binh, Xã hội, Báo cáo tóm tắt: Điều gì khiến một số phụ nữ chịu nhiều bạo lực hơn một số phụ nữ khác, 2014, trang 12.
[6] Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Điều tra quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam 2019: Hành trình để thay đổi, 2020, trang 106.
[7]Quyết định số 2232/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025.
[8] Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Điều tra quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam 2019: Hành trình để thay đổi, 2020, trang 110.
[9] Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Điều tra quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam 2019: Hành trình để thay đổi, 2020, trang 107.
[10] Tóm tắt chính sách, Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019 – “Hành trình để thay đổi”, Những phát hiện chính, https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/4._tom_tat_chinh_sach.pdf
[11] Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Điều tra quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam 2019: Hành trình để thay đổi, 2020, trang 107.
[12] Nguyễn Mạnh Thân, Bạo lực gia đình và một số giải pháp phòng tránh bạo lực gia đình,https://phunu.khanhhoa.gov.vn/article/goc-tu-van/bao-luc-gia-dinh-va-mot-so-giai-phap-phong-tranh-bao-luc-gia-dinh.html
Bài liên quan
-
Sản phẩm Smart A hỗ trợ sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng kháng thuốc đang ngày càng phổ biến
-
Thừa Thiên Huế: Tăng cường các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm
-
T&T Group tiếp tục ủng hộ 2 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em nghèo
-
TP.HCM thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đặc thù cho các cơ quan tư pháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận