Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp có đương sự vắng mặt khi Tòa án tiến hành hòa giải
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp có đương sự vắng mặt khi Tòa án tiến hành hòa giải đã được BLTTDS 2015 quy định. Tuy nhiên, việc đương sự vắng mặt đồng ý bằng văn bản, thời hạn ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này như thế nào lại chưa được BLTTDS 2015 quy định, dẫn đến có các cách hiểu và áp dụng khác nhau.
1.Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định:
“3. Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự.”
Khoản 3 Điều 212 BLTTDS 2015 quy định:
“3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.”
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trường hợp vụ án có nhiều đương sự mà tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà có đương sự vắng mặt nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải mà thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
2.Đồng ý bằng văn bản của đương sự vắng mặt?
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp có đương sự vắng mặt khi Tòa án tiến hành hòa giải đã được BLTTDS 2015 quy định. Tuy nhiên, việc đương sự vắng mặt đồng ý bằng văn bản, thời hạn ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này như thế nào lại chưa được BLTTDS 2015 quy định, dẫn đến có các cách hiểu và áp dụng khác nhau. Do đó, rất cần có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về cách thức lấy ý kiến của đương sự vắng mặt và thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này. Đối với trường hợp đương sự vắng mặt đang ở nước ngoài thì việc lấy ý kiến của đương sự vắng mặt được thực hiện theo thủ tục ủy thác tư pháp sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt.
Về vấn đề này, so sánh với BLTTDS 2004 thì thấy: Quy định tại khoản 3 Điều 209 và khoản 3 Điều 212 của BLTTDS 2015 về cơ bản giữ nguyên như quy định tại khoản 3 Điều 184 và khoản 3 Điều 187 của BLTTDS 2004. Các quy định này của BLTTDS 2004 đã được hướng dẫn cụ thể tại khoản 3 Điều 17, khoản 2 Điều 20 của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS 2004. Cụ thể như sau:
– Khoản 3 Điều 17 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn:
“… Nếu trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật mà quan hệ pháp luật này liên quan đến đương sự này, quan hệ pháp luật kia liên quan đến đương sự khác và việc giải quyết quan hệ pháp luật đó chỉ liên quan đến các đương sự có mặt, không liên quan đến các đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán tiến hành hòa giải những vấn đề có liên quan đến các đương sự có mặt.
Trường hợp nêu trên mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt, thì thỏa thuận này chỉ có giá trị nếu đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp trước khi tiến hành hòa giải đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản nhưng sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, thì Tòa án phải lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải về thỏa thuận của các đương sự tại phiên hòa giải. Thủ tục và thời hạn lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự đồng ý với kết quả hòa giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.”
– Khoản 2 Điều 20 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn:
“2. Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án, thì Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải ghi cụ thể nội dung thỏa thuận của các đương sự theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải ký tên và đóng dấu của Tòa án vào biên bản. Các đương sự tham gia phiên hòa giải phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.
Đối với các đương sự vắng mặt mà việc hòa giải thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của BLTTDS, thì Tòa án phải gửi ngay biên bản hòa giải thành cho các đương sự vắng mặt.”
Tuy nhiên, các hướng dẫn nêu trên cũng chưa bao quát được hết các trường hợp cụ thể để xác định ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án và trong thực tiễn cũng còn có những ý kiến băn khoăn rằng Tòa án có phải gửi biên bản hòa giải cho đương sự vắng mặt hay không[1]?
Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực thi hành khi BLTTDS 2004 hết hiệu lực thi hành[2].
3.Kiến nghị, đề xuất
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự (trong đó có quyền thay đổi ý kiến đã thỏa thuận), tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp có đương sự vắng mặt khi Tòa án tiến hành hòa giải đã được quy định trong BLTTDS 2015. Trên tinh thần tiếp thu những điểm hợp lý, phù hợp với thực tiễn của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP trước đây, đồng thời, để bảo đảm linh hoạt trong việc giải quyết vụ án, “đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản” cần được hiểu theo hướng đương sự tự thể hiện ý kiến bằng văn bản của họ hoặc Tòa án lấy ý kiến của họ bằng văn bản.
Theo tác giả, trước mắt, cần hướng dẫn khoản 3 Điều 212 BLTTDS 2015 theo hướng Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này là hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận.
Việc xác định ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án và việc gửi biên bản hòa giải thành cho đương sự vắng mặt khi Tòa án tiến hành hòa giải có thể hướng dẫn cụ thể như sau:
Đối với các đương sự vắng mặt mà việc hòa giải thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 212 của BLTTDS thì Toà án phải gửi ngay biên bản hòa giải thành cho các đương sự vắng mặt.
Trường hợp các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt; trường hợp thỏa thuận của các đương sự có mặt có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị nếu đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp đương sự vắng mặt có ý kiến bằng văn bản hoặc Tòa án lấy ý kiến bằng văn bản mà đương sự đó đồng ý với kết quả hòa giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản hoặc ngày Tòa án lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt đó được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.
Đối với trường hợp đương sự vắng mặt mà đã có ý kiến trước khi hòa giải cần phân biệt hai trường hợp:
– Trường hợp đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản hoặc Tòa án lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt đó trước khi hòa giải mà sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt phù hợp với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt thì ngày các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.
– Trường hợp đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản hoặc Tòa án lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt đó trước khi hòa giải mà sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, nếu đương sự vắng mặt có ý kiến bằng văn bản hoặc Tòa án lấy ý kiến bằng văn bản mà đương sự vắng mặt đó đồng ý với sự thỏa thuận của các đương sự có mặt thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản hoặc ngày Tòa án lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt đó được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.
Theo tác giả, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2015 thì vấn đề này cần được luật hóa vào Điều 212.
[1] Dương Tấn Thanh, “Biên bản hòa giải thành có gửi cho đương sự vắng mặt không”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/bien-ban-hoa-giai-thanh-co-gui-cho-duong-su-vang-mat-khong
[2] Khoản 4 Điều 154 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định:
“4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận