Biên bản hòa giải thành có gửi cho đương sự vắng mặt không
Nhằm góp phần nghiên cứu, xây dựng chuyên đề trên Tạp chí TAND điện tử về “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính”, tác giả đưa ra tình huống để trao đổi về việc có phải gửi Biên bản hòa giải thành cho đương sự vắng mặt không, mong được sự đóng góp ý kiến của quý vị để thống nhất nhận thức và giải quyết trong thực tiễn
Tại khoản 5 Điều 211 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải”. Từ quy định này, trong thực tiễn giải quyết vụ án dân sự đã có quan điểm khác nhau về việc biên bản hòa giải thành có phải gửi ngay cho đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải không, trong hai trường hợp sau: [1] Trường hợp tại phiên hòa giải có đương sự vắng mặt, các đương sự có mặt đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của đương sự có mặt được Thẩm phán công nhận vì không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt; [2] Trường hợp tại phiên hòa giải có đương sự vắng mặt, các đương sự có mặt đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của đương sự mặc dù có mặt có ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt nhưng thỏa thuận của đương sự có mặt được Thẩm phán công nhận vì đương sự vắng mặt đã có văn bản đồng ý như thỏa thuận của đương sự có mặt.
Tác giải xin dẫn chứng ví dụ về hai trường hợp trên như sau:
Vụ dụ 1: Ông A nộp đơn ly hôn bà B và khai có nợ bà C số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông A không yêu cầu gì khác. Tòa án ra thông báo Thụ lý vụ án gửi cho bà B, bà C. Bà B có văn bản gửi Tòa án nêu ý kiến đồng ý ly hôn với ông A và đồng ý trả ½ số tiền còn nợ bà C. Bà C có văn bản gửi Tòa án nêu ý kiến do ông B và bà C có hoàn cảnh khó khăn nên bà không yêu cầu ông A, bà C phải trả nợ cho bà trong vụ án ly hôn của ông A, bà B. Tại phiên hòa giải, ông A và bà B tự nguyện thuận tình ly hôn. Thẩm phán lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành.
Ví dụ 2: Bà D khởi kiện yêu cầu ông N và bà M trả số tiền vay còn nợ là 100 triệu đồng. Tòa án ra thông báo Thụ lý vụ án gửi cho ông N, bà M. Quá trình giải quyết vụ án, ông N đã có văn bản nêu rõ ý kiến là đồng ý cùng với bà M trả cho bà D tiền vay còn nợ là 100 triệu đồng và chịu toàn bộ án phí. Tại phiên hòa giải, bà M có mặt đồng ý cùng với ông N trả tiền vay còn nợ cho bà D là 100 triệu đồng và chịu toàn bộ án phí. Ông N do điều kiện đi làm ăn xa nên vắng mặt tại phiên hòa giải. Thẩm phán lập biên hòa giải thành.
Quan điểm thứ 1: Cho rằng biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa thành và biên bản hòa giải trong trong hai ví dụ trên, Tòa án phải gửi cho đương sự vắng mặt. Chỉ khi nào đương sự vắng mặt có văn bản đồng ý với thỏa thuận của đương sự có mặt tại phiên hòa giải thì Thẩm phán mới được ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như quy định tại Điều 212 BLTTDS năm 2015. Lập luận của quan điểm này là các đương sự trong vụ án đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng nhau nên việc Tòa án đã gửi cho đương sự có mặt tại phiên hòa giải biên bản hòa giải thành thì Tòa án cũng phải gửi cho đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải biên bản hòa giải thành. Lý do nữa là mặc dù đương sự vắng mặt có văn bản đồng ý như thỏa thuận của đương sự vắng mặt nhưng đương sự có mặt có quyền thay đổi ý kiến trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành thì đương sự vắng mặt cũng có quyền thay đổi ý kiến như đương sự có mặt tại phiên hòa giải. Tóm lại, Tòa án phải gửi biên bản hòa giải thành, biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành cho đương sự vắng mặt là cần thiết và đảm bảo sự công bằng cho các đương sự trong vụ án.
Quan điểm thứ 2: Cho rằng Tòa án không phải gửi biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa thành và biên bản hòa giải trong trong hai ví dụ trên cho đương sự vắng mặt. Lập luận của quan điểm này là tại khoản 5 Điều 211 BLTTDS năm 2015 quy định biên bản hòa giải thành được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải. Điều này được hiểu Tòa án chỉ gửi biên bản hòa giải thành cho đương sự tham gia hòa giải tức đương sự có mặt tại phiên hòa giải. Lý do tiếp theo là việc gửi biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành cho đương sự vắng mặt là không cần thiết vì thỏa thuận của đương sự vắng mặt không ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc đương sự vắng mặt có đồng ý hay không đồng ý với thỏa thuận của đương sự vắng mặt cũng không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án. Còn đối với đương sự vắng mặt trong ví dụ 2 thì Tòa án có thể áp dụng tinh thần quy định ại khoản 3 Điều 17 Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể như sau: “Trường hợp trước khi tiến hành hòa giải đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản nhưng sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, thì Tòa án phải lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải về thỏa thuận của các đương sự tại phiên hòa giải. Thủ tục và thời hạn lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự đồng ý với kết quả hoà giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.”. Theo như quy định này thì Tòa án chỉ tiến hành lấy ý kiến của đương sự vắng mặt nếu sự thỏa thuận của đương sự có mặt khác với ý kiến của đương sự vắng mặt đã nêu trong văn bản gửi cho Tòa án. Nếu đương sự vắng mặt đồng ý bằng văn bản thỏa thuận của đương sự có mặt thì Tòa án mới lập biên bản hòa giải thành. Điều này cũng được hiểu nếu sự thỏa thuận của đương sự có mặt phù hợp với ý kiến của đương sự vắng mặt thì Tòa án cũng không phải tiến hành lấy ý kiến của đương sự vằng mặt và Tòa án cũng không phải gửi ngay biên bản hòa giải thành cho đương sự vắng mặt.
Cùng là một quy định về lập và gửi biên bản hòa giải thành nhưng thực tiễn lại có quan điểm khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật khác nhau. Tác giả mong nhận sự trao đổi, thảo luận của quý đồng nghiệp và bạn đọc để nhận thức việc gửi biên bản hòa giải thành trong trường hợp vụ án có đương sự vắng mặt được thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận