Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Thẩm phán trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định
Bài viết nêu ra sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, thể chế để bảo vệ Thẩm phán, đặc biệt là cụ thể hóa các quy định của Đảng, của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.
1. Sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Thẩm phán
Thẩm phán là một chức danh tư pháp được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, nên ngoài việc phải khoác trên người chiếc áo choàng để thực hiện trọng trách, sứ mệnh thiên liêng là bảo vệ công lý, thì còn phải khoác thêm nhiều tấm áo khác với những trách nhiệm và nghĩa vụ khác nhau như trách nhiệm và nghĩa vụ của một người đảng viên, một cán bộ, công chức.
Hơn nữa, kể từ ngày 01/01/2025, Thẩm phán còn phải thực hiện thêm 09 nhóm trách nhiệm, 10 nhóm việc không được làm và nếu vi phạm còn có thể bị các chế tài như miễn nhiệm cho đến cách chức Thẩm phán theo quy định tại các điều 103 (trách nhiệm của Thẩm phán), 104 (những việc Thẩm phán không được làm), 17 (miễn nhiệm Thẩm phán) và 108 (cách chức Thẩm phán) Luật Tổ chức TAND năm 2024.
Như vậy, có thể thấy rằng trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý. Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và Nhân dân yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các Thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.[13] Chính vì vậy, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung quy định rất cần thiết, đó là: “Thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý chỉ tuân theo pháp luật, khách quan và công bằng; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” (Điều 89).
Hiện nay, thực trạng về việc Thẩm phán bị xâm phạm về vật chất lẫn tinh thần ngày càng diễn ra một cách phổ biến và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thẩm phán là người luôn đối mặt với vô số hiểm nguy, là người tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng phạm tội, các đương sự mà các tranh chấp, mâu thuẫn của họ không thể hoá giải được bằng phương diện đạo đức và tình cảm. Trong quá trình ra các quyết định không phải trong trường hợp nào, phán quyết của Thẩm phán cũng thỏa mãn yêu cầu của tất cả các bên. Chẳng hạn như: Trong giải quyết án hình sự, bị cáo và gia đình bị cáo thường không vui vẻ và chấp nhận hình phạt mà Toà án áp dụng, cho dù đó là hình phạt nhẹ nhất, đây là tâm lý chung của tội phạm; Còn trong giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hôn nhân gia đình, trong phán quyết của Thẩm phán sẽ có một bên thắng kiện và một bên thua kiện, nên bên thua kiện cũng thường có phản ứng với phán quyết của Toà án. Vì thế, họ trở thành lực lượng “thiếu thiện cảm” với Thẩm phán và dễ xảy ra suy nghĩ nông nổi và có hành vi manh động.[14]
Ngoài việc bị tấn công bằng vũ lực, các Thẩm phán hiện nay còn đang bị tấn công bằng một hình thức khác là tấn công về tinh thần. Điển hình như: Thời gian gần đây nổi cộm lên vấn đề đương sự lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để nhằm đạt được ý đồ riêng của họ (thúc Thẩm phán giải quyết án nhanh nhất có thể), có thể họ biết được việc khiếu nại, tố cáo của họ là không đúng sự thật nhưng vẫn cố ý thực hiện. Tuy nhiên, khi được cơ quan có thẩm quyền xác minh sự việc khiếu nại, tố cáo của đương sự là không đúng sự thật, thì thực tiễn cho thấy họ không bị xử lý bởi bất kỳ chế tài nào và Thẩm phán cũng không nhận được sự công khai xin lỗi từ người khiếu nại, tố cáo. Ngược lại, Thẩm phán phải làm văn bản giải trình hết vấn đề này đến vấn đề khác trong nhiều cuộc họp với Lãnh đạo cơ quan, Tổ kiểm tra nên khi Thẩm phán gặp những đương sự như vậy sẽ cố gắng giải quyết vụ việc đó kết thúc càng sớm càng tốt để khỏi phải gánh chịu những áp lực, sự tra tấn về mặt tinh thần. Thậm chí, có đương sự nắm được áp lực của Thẩm phán buộc phải giải quyết các vụ việc để đảm bảo số lượng chỉ tiêu thi đua hàng năm của đơn vị, nên có trường hợp đương sự với tâm lý không chủ động thực hiện nghĩa vụ thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ để chứng minh mà đẩy trách nhiệm này sang cho Thẩm phán phải thực hiện; tức là, đương sự chỉ nộp đơn khởi kiện và sau đó nộp thêm đơn đề nghị Toà án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ. Hơn nữa, có đương sự đã lợi dụng những dịp Thẩm phán được đề bạt, bổ nhiệm gửi đơn tố cáo đến các cấp để nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực, làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm, nhiệt huyết và trách nhiệm của người Thẩm phán.
Cũng chính bởi công việc đặc thù ấy, không chỉ có Thẩm phán mà người thân của họ cũng là đối tượng dễ bị xâm hại nhất. Thực tế cho thấy, có những Thẩm phán chấp nhận nguy hiểm, nhưng khi những đe dọa, xâm hại được chuyển sang những người thân thiết thì rất ít Thẩm phán có thể chấp nhận đánh đổi. Xét xử là công việc hàng ngày và khó có một Thẩm phán nào có thể chấp nhận hy sinh an ninh, an toàn của tất cả người thân để bảo vệ công lý xã hội...[15].
Với cụm từ khóa “gây rối tại phiên tòa”, “hành hung Thẩm phán”, “bảo vệ Thẩm phán”, phương tiện tìm kiếm cho ra hàng loạt những bài báo, dựng lên bức tranh sinh động một cách buồn lòng về tình trạng này. Đó là những bài như: “Tấn công chủ tọa gây náo loạn Tòa án”; “Tấn công Thẩm phán, đánh gãy tay nguyên đơn”; “Hàng chục đối tượng tấn công Thẩm phán ngay tại phiên toà”; “Khi Thẩm phán bị ‘khủng bố’ và tấn công”; “Khi Thẩm phán tuyên án xong phải ‘hứng’… mũ bảo hiểm” rồi “Khởi tố người nhắn tin dọa giết Thẩm phán”; “Đặt mìn nhà Thẩm phán”;… Vấn đề này rất thời sự nhưng không mới, vì tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm qua và đã đến lúc phải đặt ra những quy định cụ thể về bảo vệ Thẩm phán, cũng như bảo vệ tính tôn nghiêm của Tòa án là vấn đề cấp bách.[16]
2. Quy định của pháp luật về cơ chế bảo vệ Thẩm phán
Với những thực trạng nêu trên, tăng cường cơ chế đảm bảo thực thi công vụ, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ làm công tác tư pháp nói chung và Thẩm phán nói riêng, góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đảm bảo cho TAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ một cách độc lập, công bằng và chỉ tuân theo pháp luật.
Luật Tổ chức TAND năm 2014 không dành điều luật riêng với tên gọi bảo vệ Thẩm phán mà được quy định chung trong điều luật là chế độ, chính sách đối với Thẩm phán. Theo đó, Thẩm phán được bảo đảm tôn trọng danh dự, uy tín; được bảo vệ khi thi hành công vụ, trong trường hợp cần thiết và nghiêm cấm các hành vi cản trở, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán[17]. Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, vấn đề bảo vệ Thẩm phán không được quy định thành chế định riêng và không được gọi tên là “Bảo vệ Thẩm phán” sẽ không làm nổi bật yêu cầu cấp bách của vấn đề này, dẫn đến không có cơ chế để thực thi một cách hiệu quả, chưa tương xứng với trách nhiệm của Thẩm phán.[18] Khắc phục những thực trạng nêu trên, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã có quy định riêng với tên gọi cụ thể là “Bảo vệ Thẩm phán”[19] như sau:
- Một là, Thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết.
- Hai là, nghiêm cấm các hành vi như: (1) Đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của Thẩm phán, thân nhân của Thẩm phán khi Thẩm phán thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; (2) Cản trở Thẩm phán thi hành công vụ; (3) Gây ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, sự vô tư, khách quan của Thẩm phán khi thi hành công vụ.
- Ba là, trường hợp danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán bị xúc phạm khi thực hiện nhiệm vụ thì Thẩm phán, Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi xúc phạm và xin lỗi công khai. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
- Bốn là, trường hợp an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán bị đe dọa do việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán thì Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán công tác đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán. Cơ quan công an nhận được đề nghị có trách nhiệm xem xét tính chất, mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp.
- Năm là, Thẩm phán đã ra bản án, quyết định mà bản án, quyết định đó bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan theo quy định của pháp luật và Chánh án TAND tối cao sẽ quy định chi tiết vấn đề này.
- Sáu là, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật Tổ chức TAND năm 2024 giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ bảo vệ Thẩm phán theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao. Và trong tương lai có thể có một pháp lệnh quy định về bảo vệ Thẩm phán trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Ngoài ra, các quy định về bảo vệ Thẩm phán còn được quy định tại nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, cụ thể như sau:[20]
- Thứ nhất, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
- Thứ hai, Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm và người có chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó.
- Thứ ba, không điều tra đối với Thẩm phán, Hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định Thẩm phán, Hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.
- Thứ tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ Thẩm phán còn được quy định tại nguyên tắc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Toà án, cụ thể như sau:[21]
- Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
- Thứ hai, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp, tác động trái pháp luật vào hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài Tòa án có hành vi vi phạm, thì Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án phải báo cáo ngay với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý.
- Thứ ba, nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án hoặc những người thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác, công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án.
- Thứ tư, người có hành vi vi phạm những nội dung nêu trên, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Một số gợi mở góp phần hoàn thiện cơ chế bảo vệ Thẩm phán
- Thứ nhất, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản và Văn phòng Quốc vụ viện đã ban hành “Quy định về bảo vệ cán bộ tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật” vào ngày 21/7/2016 và ra thông báo yêu cầu tất cả các địa phương và bộ, ban, ngành nghiêm túc thực hiện.[22] Theo đó, quy định này gồm có 27 điều và quy định rõ ràng trên 04 phương diện như sau: (1) Loại bỏ lực cản và sự can thiệp từ bên ngoài đối với hoạt động tư pháp; (2) Chuẩn hóa cơ chế đánh giá, sát hạch và truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ tư pháp; (3) Tăng cường bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của cán bộ tư pháp và người thân; (4) Tăng cường điều kiện đảm bảo để cán bộ tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tác giả nêu điển hình một số quy định cơ bản như:
+ Một là, Thẩm phán, Kiểm sát viên không phải chịu trách nhiệm về án oan sai nếu không có hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật hoặc sơ suất nghiêm trọng dẫn đến oan sai và gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 11).
+ Hai là, trường hợp Thẩm phán, Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ bị tố cáo sai sự thật, vu cáo hãm hại, bị lợi dụng mạng thông tin để xúc phạm, phỉ báng, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, TAND, VKSND và cơ quan Công an cần phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời làm rõ sự thật, loại bỏ các tác động tiêu cực, bảo vệ danh dự của Thẩm phán, Kiểm sát viên, đồng thời truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật (Điều 15).
+ Ba là, các hành vi can thiệp, cản trở hoạt động tư pháp, đe dọa, trả thù, vu khống, xúc phạm, bôi nhọ hoặc gây thương tích đối với cán bộ tư pháp và người thân của họ phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với những hành vi xâm phạm quyền tự do cá nhân và cuộc sống bình thường của cán bộ tư pháp và người thân của họ như đe dọa, quấy rối, theo dõi, tấn công, lăng mạ, phá hoại tài sản hoặc các phương tiện khác, cơ quan Công an sau khi nhận được tin báo phải nhanh chóng cử lực lượng ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Đối với bệnh nhân tâm thần có hành vi bạo lực gây nguy hiểm đến sự an toàn của cán bộ tư pháp và người thân của họ, trước khi TAND ra quyết định bắt buộc chữa bệnh, cơ quan Công an có thể áp dụng các biện pháp hạn chế mang tính bảo vệ tạm thời có sự đồng ý của người phụ trách cơ quan Công an cấp huyện trở lên, nếu cần thiết có thể đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị (Điều 17).
+ Bốn là, TAND, VKSND khi giải quyết các vụ án có mức độ nguy hiểm cao như tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức mang tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy hoặc tội phạm tà giáo cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho Thẩm phán, Kiểm sát viên và người thân của họ khi ra tòa, cấm những đối tượng cụ thể có liên quan tiếp cận hay các biện pháp bảo vệ khác. Đối với người thân của Thẩm phán, Kiểm sát viên còn có thể áp dụng biện pháp bảo vệ che giấu danh tính. Khi giải quyết các vụ án có tính nguy hiểm cao khác, nếu cán bộ tư pháp đề nghị, có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ nêu trên đối với cán bộ tư pháp và người thân của họ (Điều 18).
Ở nước ta, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tác giả cho rằng, có cơ chế kiểm soát và đã có những chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ tư pháp nói chung và Thẩm nói riêng, thì cũng nên có cơ chế để bảo vệ đối với cán bộ tư pháp. Do đó, tác giả kiến nghị Ban Nội chính Trung ương xem xét xây dựng quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định để trình Bộ Chính trị xem xét thông qua. Đây chính là tiền đề quan trọng để các cấp ủy địa phương có cơ sở để chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp trong việc bảo vệ Thẩm phán và trong tương lai gần cơ quan lập pháp có căn cứ để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thực thi trên thực tiễn.
- Thứ hai, tham khảo quy định về cơ chế bảo vệ Thẩm phán ở một số nước trên thế giới cho thấy, Trung Quốc ban hành một đạo luật riêng với tên gọi Luật Thẩm phán, Singapore ban hành đạo luật Tòa án tiểu bang, Malaysia ban hành đạo luật Tòa án tư pháp; các nước Liên bang Nga và Nhật Bản quy định về bảo vệ Thẩm phán được quy định ở đạo luật cao nhất, đó là hiến pháp.[23] Điển hình như: Ở Liên bang Nga, Điều 122 Hiến pháp quy định: Thẩm phán bất khả xâm phạm và không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo trình tự khác với những quy định của pháp luật Liên bang. Theo đó, nguyên tắc này được cụ thể hóa ở Điều 16 và Điều 17 Luật Liên bang năm 1992 “Về địa vị của Thẩm phán”, đó là: Bất khả xâm phạm của Thẩm phán được hiểu là sự bất khả xâm phạm về nhân phẩm, nơi ở, nơi làm việc, các phương tiện giao thông cá nhân cũng như công vụ, bí mật thư tín, điện thoại hoặc các hình thức trao đổi điện tử khác; Bất khả xâm phạm còn bao hàm cả thủ tục để truy cứu trách nhiệm Thẩm phán được quy định rất chặt chẽ trong Luật Liên bang.
Ở Nhật Bản, tại Điều 78 Hiến pháp quy định: Các Thẩm phán sẽ không bị cách chức, trừ khi bị luận tội hoặc bị Tòa án tuyên bố là không đủ năng lực về tinh thần hoặc thể chất để thực hiện công vụ. Không cơ quan nào trong lĩnh vực hành pháp có thể áp dụng biện pháp kỷ luật đối với Thẩm phán. Ở Singapore, Đạo luật Tòa án tiểu bang năm 1970 quy định: Viên chức tư pháp sẽ được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong khi thực hiện nhiệm vụ bất kể chúng có được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của họ hay không, miễn là khi đó họ có thiện chí, thật sự tin rằng họ có thẩm quyền làm điều đó. Ở Malaysia, tại Chương 14 Đạo luật Tòa án tư pháp năm 1964 quy định: Tất cả Thẩm phán được miễn trừ mọi trách nhiệm dân sự đối với bất kỳ điều gì họ làm hoặc nói, miễn là xuất phát từ thiện chí.
Do đó, tác giả kiến nghị trong tương lai khi Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, thì cơ quan lập hiến nên xem xét bổ sung một điều luật riêng với tên gọi “Bảo vệ Thẩm phán” trong Chương VIII quy định về TAND, Viện kiểm sát nhân dân để quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về việc bảo vệ sự độc lập của Thẩm phán, bảo vệ danh dự, uy tín, tính mạng, sức khoẻ của Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán và sự miễn trừ đối với Thẩm phán trong thực thi công vụ hoặc vì lý do công vụ.
- Thứ ba, theo quy định tại khoản 4 Điều 11 và khoản 4 Điều 18 Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định dẫn chiếu đối với các hành vi: (1) cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm; (2) không tôn trọng Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án; (3) không chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án; (4) cản trở, can thiệp, tác động trái pháp luật vào hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp; (5) xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; (6) đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án hoặc những người thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; (7) lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác, công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tính đến nay chỉ có Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về việc “Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”, còn trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về việc trường hợp nào sẽ bị xử lý kỷ luật, trường hợp nào sẽ bị xử lý hành chính và trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nêu trên.
Tham khảo kinh nghiệm của Liên bang Nga cho thấy, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và xâm hại đời sống, sức khỏe, tài sản của Thẩm phán nói riêng được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điển hình như: Tại Điều 297 quy định về tội không tôn trọng Tòa án: “Không tôn trọng Tòa án, được biểu hiện bằng sự xúc phạm đến những người tham gia phiên tòa, có thể bị phạt 80.000 rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian tối đa là 06 tháng, hoặc phạt lao động bắt buộc tối đa 480 giờ, hoặc bị bắt giữ tối đa 04 tháng. Không tôn trọng Tòa án, được biểu hiện bằng việc sỉ nhục đối với Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn hoặc người khác tham gia vào hoạt động tư pháp, có thể bị phạt 200.000 rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian đến 18 tháng, hoặc phạt lao động bắt buộc trong thời gian tối đa là 480 giờ hoặc lao động cải tạo lên đến 02 năm hoặc bị bắt giữ tối đa 06 tháng”. Hoặc tại Điều 298.1 quy định về tội vu khống chống lại Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn, Công tố viên, Điều tra viên, người bảo vệ phiên tòa: “Vu khống Thẩm phán, Bồi thẩm đoàn hoặc người khác tham gia vào hoạt động tư pháp liên quan đến việc xem xét các vụ án hoặc tài liệu tại Tòa án thì có thể bị phạt 2.000.000 rúp hoặc bằng tiền lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian không quá 03 năm hoặc lao động bắt buộc đến 360 giờ. Các hành vi trên, thực hiện bởi việc phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, sẽ bị phạt đến 5.000.000 rúp hoặc bằng tiền lương hoặc các khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian không quá 03 năm, hoặc lao động bắt buộc đến 480 giờ.”[24]
Ở Việt Nam, tại Điều 391 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp: Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này (Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản), thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc các trường hợp Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp; Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác), thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Trong khi đó, Điều 318 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gây rối trật tự công cộng, thì người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc các trường hợp có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng và tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, hành vi gây rối tại phiên tòa, phiên họp cũng chỉ bị xử lý tương tự như gây rối tại các nơi công cộng khác, thậm chí còn nhẹ hơn; các hành vi xúc phạm, đe dọa, gây thương tích hay sát hại Thẩm phán vì lý do công vụ của nạn nhân cũng chỉ bị truy tố, xét xử như phạm tội với các đối tượng khác, không có sự phân biệt đối với nạn nhân là Thẩm phán, thân nhân Thẩm phán, người tiến hành tố tụng,…[25]
Do đó, tác giả kiến nghị trong thời gian tới cơ quan lập pháp cần sớm ban hành các quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về việc trường hợp nào sẽ bị xử lý kỷ luật, trường hợp này sẽ bị xử lý hành chính và trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 11 và khoản 4 Điều 18 Luật Tổ chức TAND năm 2024. Tác giả cho rằng, việc bổ sung các tội danh như tội không tôn trọng Toà án, tội vu khống Thẩm phán,… vào Bộ luật Hình sự tương tự như quy định của các nước trên thế giới là rất cần thiết.
- Thứ tư, tham khảo kinh nghiệm của Liên bang Nga cho thấy[26], tại trụ sở làm việc của Thẩm phán, phòng xét xử, phòng nghị án, nơi lưu giữ hồ sơ, chứng cứ vụ án được trang bị các thiết bị: hệ thống cửa quay; máy, cửa dò kim loại (bao gồm máy đặt tại cửa ra vào và máy cầm tay); hệ thống cảnh báo cháy và cảnh báo an ninh được kết nối với trung tâm thông tin thuộc cơ quan nội vụ; hệ thống chữa cháy tự động đặc biệt tại nơi lưu trữ hồ sơ vụ án; nút báo an ninh khẩn cấp lắp tại các phòng xử án, phòng làm việc của Thẩm phán; camera theo dõi an ninh trong và ngoàì tòa nhà và các phạm vi phụ cận của Tòa án[27]. Ngoài những trang thiết bị này, kể từ năm 2010 trở đi, lực lượng thường trực bảo vệ Tòa án được chuyển giao từ lực lượng bảo vệ thuộc Bộ Nội vụ sang cơ quan chuyên nghiệp là lực lượng cảnh vệ của Cục Liên bang hỗ trợ tư pháp và thi hành án. Còn nơi ở của Thẩm phán Liên bang Nga được lắp đặt thiết bị cảnh báo an ninh và kết nối với đơn vị nội vụ phụ trách bảo vệ an ninh theo nơi cư trú của mỗi Thẩm phán. Thân nhân của Thẩm phán được bảo vệ và được cung cấp đường dây nóng cảnh báo an ninh. Ngoài ra, Thẩm phán, cũng như thân nhân của Thẩm phán còn có thể được cơ quan chuyên trách thực hiện hàng loạt các biện pháp bảo vệ an ninh như: tạm chuyển đến một nơi an toàn; chuyển sang công việc khác, nơi học tập khác hoặc chuyển chỗ làm, chỗ học, chuyển sang chỗ ở mới; thay đổi giấy tờ tùy thân hoặc thay đổi hình dạng bên ngoài.[28]
Ở Việt Nam, hiện nay chỉ có phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo đang bị tạm giam thì mới có lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đến bảo vệ phiên tòa và chỉ trong phạm vi từ thời điểm khai mạc phiên tòa cho đến khi tuyên án; còn trước khi mở phiên tòa và sau khi tuyên án thì không được bảo vệ. Riêng đối với các vụ án hình sự mà chỉ có bị cáo tại ngoại và các loại vụ việc khác thì không có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Điển hình như: Khi Thẩm phán đi xem xét thẩm định tại chỗ khi bên bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có hành vi chống đối, sử dụng hung khí đe dọa, thì hiện nay vẫn chưa có cơ chế để bảo vệ Thẩm phán, thậm chí, lực lượng Công an xã đi cùng còn “bỏ chạy” trước Thẩm phán.
Do đó, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng[29], có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt việc bất cứ ai cũng có thể tự do ra vào nơi làm việc của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền, nhất là nơi là việc của Thẩm phán. Để Thẩm phán có thể yên tâm giải quyết vụ án và giảm bớt rủi ro, việc cần làm ngay là phải có khu vực tiếp đương sự của Thẩm phán, có lực lượng Công an bảo vệ và có hệ thống camera giám sát. Thẩm phán chỉ tiếp đương sự ở khu vực này để vừa tránh rủi ro, vừa tránh được mọi hiện tượng tiêu cực. Hơn nữa, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành hướng dẫn đánh giá mức độ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán bị đe dọa làm căn cứ cho việc bảo vệ Thẩm phán và hướng dẫn như thế nào là “tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của Thẩm phán” theo quy định tại khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức TAND năm 2024.
- Thứ năm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ cán bộ bao gồm tự bảo vệ và được bảo vệ. Tự bảo vệ nghĩa là cán bộ chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng vệ trước các nguy cơ hoặc đấu tranh trước các “kẻ địch” đang tấn công, gây hại.[30] Và mỗi Thẩm phán khi ban hành phán quyết phải đảm bảo cho “Mỗi bản án phải làm sao để thật sự “tâm phục, khẩu phục”, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; phải tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động xã hội” theo đúng lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019.[31]
Theo đó, để thực hiện việc tự bảo vệ, các Thẩm phán, cán bộ Tòa án cũng cần cẩn thận, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, cũng như quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức,… để tạo niềm tin tưởng và tôn trọng từ phía các đương sự cũng như người dân tham dự phiên tòa. Nếu các Thẩm phán thật sự gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; là những tấm gương về phụng công, thủ pháp, chí công vô tư, liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; xử sự có bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân,… thì chắc chắn những phản ứng quá khích, tiêu cực đối với Thẩm phán, với cán bộ Tòa án sẽ được giảm thiểu.[32] Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia của đội ngũ luật sư và các cơ chế trợ giúp pháp lý để giúp đương sự hiểu rõ quy định của pháp luật, hướng dẫn đương sự giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp pháp lý.
Kết luận: Thẩm phán là người trực tiếp thi hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn và thực trạng pháp luật nêu trên cho thấy chưa thực sự có cơ chế bảo vệ Thẩm phán tương xứng với trọng trách rất nặng nề và sứ mệnh cao quý ấy. Do đó, thiết nghĩ, các Thẩm phán cũng cần phải được hưởng những quyền tương xứng với nghĩa vụ của họ, trong đó có quyền được bảo vệ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
[1] Mai Văn Thắng, Đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán ở Liên bang Nga và một số gợi ý cho công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, https://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207865#:~:text=Theo%20%C4%90i%E1%BB%81u%20121%20Hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p,%C4%91%E1%BB%8Bnh%20b%E1%BB%9Fi%20Lu%E1%BA%ADt%20Li%C3%AAn%20bang, đăng ngày 01/3/2014, truy cập ngày 21/8/2024.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021, t. 1, tr. 187.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021, t. 1, tr. 188.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chí trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2011, t. 5, tr. 319.
[5] Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Phương An, Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ cán bộ bằng thể chế và một số khuyến nghị chính sách, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/en/web/guest/tieu-iem1/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-bao-ve-can-bo-bang-the-che-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach#, đăng ngày 08/01/2024, truy cập ngày 19/8/2024.
[6] Xem: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-27-nqtw-ngay-09112022-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-9016, truy cập ngày 19/8/2024.
[7] Trích trong thư Bác gửi Hội nghị Tư pháp tháng 02/1948 và Lời dặn của Bác tại Lớp học dành cho cán bộ tư pháp tháng 5/1950.
[8] Nguyễn Hòa Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tòa án nhân dân, Báo Nhân dân điện tử, https://special.nhandan.vn/Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-voi-Toa-an-nhan-dan/index.html, đăng ngày 14/8/2024, truy cập ngày 19/8/2024.
[9] Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
[10] Một nội dung mới trong Quy định 37 so với Quy định 47 nêu rõ: Đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.
[11] Khoản 1 Điều 4 Quy định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Toà án nhân dân tối cao về việc “Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân”.
[12] Khoản 2 Điều 4 Quy định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Toà án nhân dân tối cao về việc “Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Toà án nhân dân”.
[13] Lời nói đầu của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.
[14] PAV, ông Lê Hồng Quang - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị trả lời phóng viên trong bài viết: Phải có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ các Toà án như bảo vệ các mục tiêu, cơ quan quan trọng của Nhà nước, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/phai-co-luc-luong-canh-sat-tu-phap-bao-ve-cac-toa-an10847.html#:~:text=C%C3%B3%20c%C6%A1%20ch%E1%BA%BF%20b%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87,c%C3%A1c%20ph%C3%A1n%20quy%E1%BA%BFt%20c%E1%BB%A7a%20m%C3%ACnh, đăng ngày 07/5/2024, truy cập ngày 22/8/2024.
[15] Mai Văn Thắng, Đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán ở Liên bang Nga và một số gợi ý cho công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, https://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207865#:~:text=Theo%20%C4%90i%E1%BB%81u%20121%20Hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p,%C4%91%E1%BB%8Bnh%20b%E1%BB%9Fi%20Lu%E1%BA%ADt%20Li%C3%AAn%20bang, đăng ngày 01/3/2014, truy cập ngày 21/8/2024.
[16] Nguyễn Phan Khiêm, Thẩm phán cần được bảo vệ, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/tham-phan-can-duoc-bao-ve, đăng ngày 12/9/2018, truy cập ngày 21/8/2024.
[17] Khoản 3 và khoản 5 Điều 75 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014.
[18] Châu Thanh Quyền, Đàm Nhân Tác, Đổi mới liên quan đến chế định bảo vệ Thẩm phán trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/doi-moi-lien-quan-den-che-dinh-bao-ve-tham-phan-trong-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-nam-202411649.html, đăng ngày 09/8/2024, truy cập ngày 21/8/2024.
[19] Điều 102 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2024.
[20] Điều 11 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2024.
[21] Điều 18 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2024.
[22] Xem: Bùi Việt Dương, Lê Hồng Phương, Cơ chế bảo vệ cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định của Trung Quốc, Tạp chí Kiểm sát điện tử, https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/co-che-bao-ve-can-bo-tu-phap-trong-qua-trinh-thuc--d10-t11998.html, đăng ngày 21/02/2024, truy cập ngày 22/8/2024.
[23] Xem: Dương Khang, Châu Yến, Bàn về quyền miễn trừ của Thẩm phán Tòa án nhân dân, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, https://plo.vn/ban-ve-quyen-mien-tru-cua-tham-phan-tand-post722715.html, đăng ngày 07/3/2023, truy cập ngày 22/8/2024.
[24] Vương Bảo Ngọc, Về các biện pháp của Nhà nước bảo vệ Thẩm phán tại Liên Bang Nga, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/ve-cac-bien-phap-cua-nha-nuoc-bao-ve-tham-phan-tai-lien-bang-nga, đăng ngày 01/3/2018, truy cập ngày 22/8/2024.
[25] Nguyễn Phan Khiêm, Thẩm phán cần được bảo vệ, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/tham-phan-can-duoc-bao-ve, đăng ngày 12/9/2018, truy cập ngày 23/8/2024.
[26] Xem: Mai Văn Thắng, Đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán ở Liên bang Nga và một số gợi ý cho công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta, Tạp chí nghiên cứu lập pháp điện tử, https://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207865#:~:text=Theo%20%C4%90i%E1%BB%81u%20121%20Hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p,%C4%91%E1%BB%8Bnh%20b%E1%BB%9Fi%20Lu%E1%BA%ADt%20Li%C3%AAn%20bang, đăng ngày 01/3/2014, truy cập ngày 23/8/2024.
[27] Điều 6 Luật Liên bang “Về các biện pháp của Nhà nước nhằm bảo vệ Thẩm phán, cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra”, 1995.
[28] Cụ thể xem thêm các Điều 8, 9, 10, 11 của Luật Liên bang “Về các biện pháp của Nhà nước nhằm bảo vệ Thẩm phán, cán bộ, công chức cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra” năm 1995.
[29] Mạnh Hùng, Mai Hoa, Cần có cơ chế bảo vệ Thẩm phán, Trang thông tin điện tử Báo Công lý, https://baove.congly.vn/can-co-co-che-bao-ve-tham-phan-429409.html, đăng ngày 08/5/2024, truy cập ngày 23/8/2024.
[30] Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Phương An, Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ cán bộ bằng thể chế và một số khuyến nghị chính sách, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/en/web/guest/tieu-iem1/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-bao-ve-can-bo-bang-the-che-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach#, đăng ngày 08/01/2024, truy cập ngày 19/8/2024.
[31] Nguyễn Hòa Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tòa án nhân dân, Báo Nhân dân điện tử, https://special.nhandan.vn/Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-voi-Toa-an-nhan-dan/index.html, đăng ngày 14/8/2024, truy cập ngày 19/8/2024.
[32] Nguyễn Phan Khiêm, Thẩm phán cần được bảo vệ, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/tham-phan-can-duoc-bao-ve, đăng ngày 12/9/2018, truy cập ngày 23/8/2024.
Một phiên tòa hình sự ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: D.Đ.N
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận