Phải có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ các Toà án
như bảo vệ các mục tiêu, cơ quan quan trọng của nhà nước

Ngày 2/5, Thẩm phán Nguyễn Văn Qúy - Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ, Quảng Trị bất ngờ bị một bị án dùng kéo sắc nhọn đâm nhiều nhát. Thẩm phán cao cấp Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị chia sẻ quan điểm về vụ việc nghiêm trọng này.

Theo Thẩm phán cao cấp Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị, vụ việc Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ bị đâm tại phòng làm việc không đơn thuần là hành vi chống lại Thẩm phán, chống lại Toà án mà là sự cố tình bất chấp pháp luật.

PV: Thưa Chánh án, qua vụ việc xảy ra tại TAND huyện Cam Lộ đang được rất nhiều người quan tâm, trong đó có những mối lo về sự an toàn cho các Thẩm phán. Với tư cách là Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị, ông đánh giá vụ việc này như thế nào?

Chánh án Lê Hồng Quang: Vụ việc bị án trước khi đi thi hành án, đã chuẩn bị kéo cỡ lớn, sắc nhọn, vào phòng Thẩm phán đâm liên tục 8 nhát vào các vùng trọng yếu của cơ thể, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn về toàn tính mạng và sức khoẻ của các Thẩm phán. Vụ việc không đơn thuần là chống lại Thẩm phán, chống lại Toà án mà là sự cố tình bất chấp pháp luật, coi thường Nhà nước, chống người thi hành công vụ. Ở các nước phát triển, chỉ cần hành vi nói xấu, bôi bác Toà án là đã cấu thành tội "Phỉ báng Toà án".

Theo tôi, đây là vụ việc nghiêm trọng, nếu không có sự can thiệp, ngăn chặn kịp thời của các đồng nghiệp thì có thể tính mạng của Thẩm phán đã bị tước đoạt. Nếu để hiện tượng này tái diễn, phổ biến thì tính quyền uy, quyền lực cũng như hiệu quả của quản lý nhà nước bị xâm hại.

Thẩm phán là một nghề có tính đặc thù và nguy hiểm cao. Bởi lẽ, các Thẩm phán là người tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng phạm tội, các đương sự mà các tranh chấp, các mâu thuẫn của họ không thể hoá giải được bằng đạo đức và tình cảm. Trong quá trình ra các quyết định không phải trong trường hợp nào, phán quyết của Thẩm phán cũng thỏa mãn tất cả các bên. Điều đó dẫn tới rủi ro, nguy hiểm trong quá trình thực hiện công vụ của Thẩm phán.

Trong giải quyết án hình sự, bị cáo và gia đình bị cáo thường không vui vẻ và chấp nhận hình phạt mà Toà án áp dụng, cho dù đó là hình phạt nhẹ nhất, đây là tâm lý chung của tội phạm.

Trong giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình và hành chính, trong phán quyết của Thẩm phán sẽ có một bên thắng kiện và một bên thua kiện. Đương sự bên thua kiện cũng thường có phản ứng với phán quyết của Toà án. Vì thế họ trở thành lực lượng “thiếu thiện cảm” với Thẩm phán và dễ xẩy ra suy nghĩ nông nổi, hành vi manh động.

Ngoài việc tấn công bằng vũ lực, các Thẩm phán hiện nay đang bị tấn công bằng một hình thức khác là tấn công tinh thần. Đó là đương sự lợi dụng mạng xã hội để quy chụp, vu khống, nói xấu Thẩm phán. Thậm chí có đương sự đã lợi dụng những dịp Thẩm phán được đề bạt, bổ nhiệm gửi đơn tố cáo đến các cấp để nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực. Đây là loại thủ đoạn mới làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm, nhiệt huyết và trách nhiệm của Thẩm phán.

 

a57be026-eb53-4303-9045-c9f3e807bcad(1).jpeg

Hiện trường vụ án

PV: Theo Chánh án để đảm bảo sự an toàn cho các Thẩm phán trong trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị nói riêng và các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án nói chung trong quá trình xét xử và sau xét xử, phía Tòa án cần có những biện pháp bảo vệ như thế nào đối với cơ quan làm việc và Thẩm phán để không còn xảy ra những trường hợp đau lòng như trên?

Chánh án Lê Hồng Quang: Vụ việc xảy ra với Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ một lần nữa giúp chúng ta rút ra các bài học quý giá. Đảng và Nhà nước ta đang triển khai thực hiện NQ27/TW về Chiến lược Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới, trong đó Nghị quyết đã nhấn mạnh và đề cao vai trò của Pháp luật và Toà án. Để làm được điều này, theo tôi cần quan tâm mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, về cơ chế, phải xây dựng các Toà án đủ mạnh để thực hiện quyền lực tư pháp. Phân biệt rõ ràng các quyền năng lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước, dần dần giao cho Toà án đầy đủ quyền tư pháp. Sớm định hình và sát nhập các toà án sơ thẩm khu vực để tập trung nhân lực, vật lực, xây dựng bộ máy toà sơ thẩm khu vực rộng về thẩm quyền, hoàn chỉnh về bộ máy, tập trung và chuyên nghiệp.

Có cơ chế bảo vệ Toà án, bảo vệ Thẩm phán cả về tính mạng, sức khoẻ, danh dự cũng như sự độc lập của thẩm phán trong xét xử. Đặc biệt là bảo vệ Thẩm phán về mặt liêm chính và đạo đức công vụ để Thẩm phán an tâm công tác, công tâm, khách quan, đúng đắn trong các phán quyết của mình.

Thứ hai, về chính sách, hiện nay công tác bảo vệ ở các Toà án cấp huyện nói chung là sơ sài. Yêu cầu bảo vệ với đối tượng này là cấp thiết. Tuy vậy, các Toà án cấp tỉnh cũng như huyện hiện nay không có biên chế bảo vệ. Có nghĩa là không có suất lương của bảo vệ.

PV: Vậy thì công tác bảo vệ các Tòa án như thế nào?

Chánh án Lê Hồng Quang: Các Toà án chỉ còn một khoản kinh phí nhỏ trả lương cho bảo vệ, dẫn đến phải hợp đồng với các đối tượng mà khả năng lao động thấp, sức khoẻ yếu, tính chuyên nghiệp, ổn định không cao, nên việc trực gác, xử lý tình huống chậm chạp, thiếu tính chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt hiện nay là phải có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ các Toà án như bảo vệ các mục tiêu, cơ quan quan trọng của nhà nước. Trước mắt, theo tôi cần phân bổ cho mỗi Toà án cấp huyện là một định biên hoặc một suất lương bảo vệ, mỗi Toà án cấp tỉnh ít nhất là hai định biên hoặc hai suất lương bảo vệ. Có như vậy mới thực hiện được nhiệm vụ trực đêm và trực ngày để bảo vệ cơ quan Toà án.

Hiện nay, các Toà án cũng chưa được cấp kinh phí để lắp đặt hệ thống cổng từ, Camera an ninh trong khuôn viên trụ sở cũng như những điểm tập trung đông dân cư như phòng xử, phòng tiếp dân, hoà giải, đối thoại.

PV: Qua vụ việc này, với cương vị của mình, ông có thể nhắn nhủ gì đến cán bộ, Thẩm phán của mình?

Chánh án Lê Hồng Quang:Đối với trách nhiệm của các Toà án, chúng tôi cho rằng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm bảo vệ cơ quan của công chức và người lao động. Với mỗi thì  người phải thận trọng, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa sự liều lĩnh, manh động của bị cáo và đương sự. Đặc biệt là luôn luôn nâng cao trách nhiệm trong công việc với phương châm “gần dân, hiểu dân”. Giải thích pháp luật cặn kẽ, rõ ràng cho nhân dân; xử lý công việc thấu tình, đạt lý... làm cho nhân dân yêu mến, tin tưởng vào Thẩm phán, vào Toà án.

Về phía người dân, cần có thói quen thượng tôn pháp luật, tôn trọng Toà án; sớm hình thành văn hoá pháp luật, văn hoá pháp đình. Mọi ứng xử phải theo quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức của xã hôi, xây dựng môi trường xã hội an lành, thân thiện.

PV: Xin cảm ơn Chánh án!

PVA

Thẩm phán cao cấp Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị trao đổi với PV - Ảnh: BCL