Tòa án thành phố H có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Công ty A và ông B
Sau khi nghiên cứu bài viết “Công ty khởi kiện yêu cầu giám đốc hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại, thẩm quyền giải quyết?” của tác giả Phạm Minh Tiến đăng ngày 01/7/2024, tôi xin chia sẻ quan điểm của mình.
Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty”. Giám đốc chỉ có thể được xem là người quản lý công ty khi được quy định tại Điều lệ công ty.
Khoản 1 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.”
Như vậy, từ hai quy định trên có thể khẳng định thành viên của Hội đồng quản trị là người quản lý doanh nghiệp của công ty cổ phần.
Trở lại với tình huống pháp lý, theo quy định trên thì ông B được xác định là người quản lý doanh nghiệp vì ngày 26/10/2021, Đại hội đồng cổ đông bầu ông B là thành viên HĐQT của Công ty A. Việc công ty A ký hợp đồng lao động với ông B và bổ nhiệm ông B làm Giám đốc của công ty A không thể khẳng định được ông A là người quản lý doanh nghiệp bởi quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giám đốc chỉ được xem là người quản lý khi được quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, có thể xác định ông B là người quản lý doanh nghiệp từ thời điểm ông B được Đại hội đồng cổ đông bầu là thành viên HĐQT của Công ty A.
Từ đó có thể khẳng định, tranh chấp giữa Công ty A và Ông B là tranh chấp về kinh doanh, thương mại giữa Công ty và người quản lý doanh nghiệp mà cụ thể là tranh chấp giữa công ty với thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần .
Trong thời gian làm việc tại Công ty A với chức danh Giám đốc và thành viên HĐQT ông B đã thực hiện hai hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại cho công ty A vì mục đích vụ lợi cá nhân:
1. Rút tiền của Công ty A dưới hình thức duyệt ký tạm ứng cho bản thân trái với quy định của pháp luật với tổng số tiền là 5 tỷ đồng và khi tạm ứng, ông B chỉ có phiếu đề nghị tạm ứng, không cung cấp các hồ sơ, tài liệu thể hiện mục đích tạm ứng.
2. Ông B nhiều lần cho các doanh nghiệp khác vay tiền của Công ty A không đúng quy định nội bộ, với tổng số tiền là 4 tỷ đồng và mức lãi suất 1%/năm và thời hạn cho vay 05 năm.
Có thể thấy rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của công ty A đã bị hành vi của ông B xâm phạm do đó công ty A hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và là nguyên đơn dân sự theo quy định tại Điều 186 và khoản 2 Điều 68 BLTTDS 2015 và ông B được xác định là người bị kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 68 BLTTDS 2015
Qua những phân tích ở trên có thể xác định tranh chấp giữa công ty A và ông B là tranh chấp giữa công ty với thành viên Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần quy định tại khoản 4 Điều 30 BLTTDS năm 2015 là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Cùng với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 thì có thể xác định Tòa án nhân dân thành phố H có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa công ty A và ông B.
Vì đây là tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại nên không thuộc trường hợp phải qua thủ tục hòa giải hay phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý đồng nghiệp và bạn đọc.
TAND TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng - Ảnh: Đức Tài
Bài liên quan
-
Quy định về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp của Luật Đất đai năm 2024 từ góc nhìn về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt
-
Thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Bất cập và một số kiến nghị
-
Cần xem xét để xác định thẩm quyền theo cấp Tòa án khi hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-
Vướng mắc về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp người được hoãn chấp hành án thay đổi nơi cư trú
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận