Cấp nhà trên giấy nhưng không có nhà thực, kiện tụng 20 năm chưa dứt

18 căn nhà tại số 405 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TPHCM) được đánh số thứ tự từ 1 đến 18, không có căn nào được đánh chữ. Thế nhưng, vẫn xuất hiện hồ sơ cấp nhà, cấp GCNQSDĐ và nhà với tên gọi “căn nhà 405/12B (bên phải) và 405/12B (bên trái)”... Và từ đó kiện tụng kéo dài hơn 20 năm nay chưa kết thúc.

Không có căn nhà nào mang tên “405/12B (bên phải) và 405/12B (bên trái)”

Năm 2003, ông Nguyễn Viết H, bà Nguyễn Thị Tr, ông Dương Đức T, bà Lê Thị Trúc A (có ông Nông Minh Đức làm đại diện) khởi kiện và yêu cầu bị đơn và những người liên quan hiện đang cư trú tại căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM phải ra khỏi nhà này và trả lại nhà cho nguyên đơn. Căn nhà này nguyên đơn đã hoàn thành thủ tục mua bán nhà và đã xác lập chủ sở hữu qua Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Nguyên đơn cho rằng, lợi dụng căn nhà bỏ trống, ngày 05/3/2002 bị đơn - ông Huỳnh Quốc Dũng bẻ khóa chiếm dụng hai căn nhà, và nguyên đơn đã khiếu nại lên chính quyền từ cấp phường lên đến thành phố.

Theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 2012/2002 ngày 28/01/2002 do UBND TP.HCM cấp cho ông Nguyễn Viết H, bà Nguyễn Thi Tr tọa lạc tại số 405/12B (bên phải), Xô Viết Nghệ Tĩnh; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 2013/2002 ngày 28/01/2002 do UBND TP.HCM cấp cho ông Dương Đức T, bà Lê Thị Trúc A tọa lạc tại 405/12B (bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Phía bị đơn – ông Huỳnh Quốc Dũng và vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho rằng, sau năm 1975 Công ty Giấy Đồng Nai tiếp quản và quản lý nhà liên kế 18 căn tại số 155 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là số 405, trong đó có căn số 405/12). Sau khi tiếp quản thì ngày 21/7/1977 Ủy ban nhân dân Thành phố có công văn số 933/QĐ-UB về việc quốc hữu hóa Công ty Giấy và hóa phẩm Đồng Nai. Sau giải phóng, có khoảng 7 căn nhà bỏ trống là tài sản của Công ty Giấy Đồng Nai do công chức di tản. Sau đó quân đội mượn quản lý, giao lại cho Bộ Quốc phòng.

Cha của bà Trinh là Đại tá Nguyễn Sỹ Lâm được phân số nhà 155/12 COGIDO Xô Viết Nghệ Tĩnh theo Giấy phân phối nhà ở cán bộ số 01/CB ngày 19/8/1976 của Tổng cục hậu cần – Cục Chính trị. Sau đó căn nhà được đổi số thành 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh.

Tháng 11/1977, Đại tá Lâm được điều động từ Viện trưởng Viện Quân y 175 lên làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên; đến ngày 22/12/1977 thì có quyết định chuyển ngành. Từ cuối năm 1977, ông Lâm cùng vợ là bà Trà chuyển lên Tây Nguyên công tác nên không ở căn nhà trên.

Trước khi ông Lâm chuyển công tác lên Tây Nguyên thì con của ông là vợ chồng bà Trinh đã dọn đến ở căn nhà 405/12 và sinh sống ổn định từ đó cho đến hiện tại. Gia đình bà Trinh được cấp hộ khẩu vào năm 1978.

Đến năm 1989 ông Lâm chuyển về TP.HCM, và xin hợp thức hóa căn nhà 405/12 và Tổng cục hậu cần cũng hỗ trợ ông xin hợp thức hóa nhà. Tuy nhiên, Sở nhà đất và COGIDO từ chối hợp thức hóa căn nhà vì đó không phải là tài sản của quân đội mà là tài sản của COGIDO do Công ty Giấy Đồng Nai tiếp quản và trực tiếp quản lý.

Ngày 29/9/1992, Xí nghiệp liên hiệp Giấy Đồng Nai có hợp đồng bán nhà số 468/QĐN.NĐ/92 bán căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 24, quận Bình Thạnh cho hộ ông Huỳnh Quốc Dũng. Đến ngày 25/02/1993, Công ty Giấy Đồng Nai có quyết định tạm cấp cho ông Huỳnh Quốc Dũng và gia đình được sử dụng căn hộ 405/12 nói trên.

Ngày 03/4/2000, Công ty Giấy Đồng Nai có công văn số 364 gửi UBND TP.HCM và Sở Địa chính liệt kê 18 căn khu 405 Xô Viết Nghệ Tĩnh để giải quyết theo Nghị định 61, trong đó có căn nhà 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh do ông Huỳnh Quốc Dũng làm chủ hộ.

 

Danh sách nhà khu 405 được đánh số từ 1 đến 23, không có căn nào là 12B và càng không có căn 12B bên phải hoặc bên trái

Ngày 11/10/2000, UBND TP.HCM có quyết định số 6938/QĐ UB-ĐT về việc tiếp nhận quỹ nhà ở do Công ty Giấy Đồng Nai chuyển giao ngành Nhà đất Thành phố quản lý và xác lập sở hữu nhà nước giao 18 căn nhà liên kế do Công ty Giấy Đồng Nai tiếp quản và bố trí sử dụng.

Ngày 18/01/2002, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà có Biên bản tiếp quản và bàn giao nhà cho thuê số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh cho ông Huỳnh Quốc Dũng. Sau đó 6 ngày, Công ty Giấy Đồng Nai tiến hành lập biên bản bàn giao nhà và đất ở khu 405 Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tại bản án sơ thẩm lần thứ nhất năm 2018, TAND TP.HCM xác định: Ngày 16/5/1998, Công ty Giấy Đồng Nai có nêu trong Văn bản số 187/GĐN-98 ngày 16/5/1998 gửi Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh và công văn số 123/CVQLDA-GDN-2001 ngày 28/01/2001 gửi Công ty quản lý kinh doanh nhà thành phố tiếp nhận bổ sung thêm 02 căn nhà 405/12 và 405/16 Xô Viết Nghệ Tĩnh, bao gồm 18 căn biệt thự liền kề cư xá 405 Bình Thạnh, P.24, Q.Bình Thạnh không có căn nhà 405/12B (405/12B bên phải, 405/12B bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thực tế kể từ khi Công ty Giấy Đồng Nai tiếp quản, quá trình quốc hữu hóa và chuyển giao cho các cơ quan quản lý nhà không hề có căn nhà số 405/12B Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Và tuy UBND TP.HCM bán và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho ông Nguyễn Viết H, bà Nguyễn Thi Tr và ông Dương Đức T, bà Lê Thị Trúc A nhưng thực tế không có nhà. Và thực tế ông H và ông T chưa có ngày nào ở căn nhà số 405/12B (bên phải, bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh,

Từ nhận định trên, HĐXX khẳng định không có căn cứ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện này.

Vụ án được TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm ngày 7/5/2019. Tại bản án số 149/2019/DS-PT, HĐXX nhận thấy rằng có một số công văn của cơ quan quản lý nhà đất Q.Bình Thạnh cho rằng căn nhà số 405/12 và nhà 405/12B là một nhà. Tuy nhiên chưa có chứng cứ để chứng minh có sự thay đổi số nhà từ 405/12 sang 405/12B Xô Viết Nghệ Tĩnh.

TAND TP.HCM chỉ căn cứ vào sự khác biệt về số nhà 405/12 và 405/12B để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa có căn cứ vững chắc, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

TAND TP.HCM cũng chưa thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh về việc điều chỉnh số nhà, từ số 405/12 thành số mới 405/12B Xô Viết Nghệ Tĩnh và lý do điều chỉnh số nhà của cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp không có việc điều chỉnh số nhà từ số 405/12 thành số mới 405/12B Xô Viết Nghệ Tĩnh thì căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh, vẫn là nhà thuộc sở hữu nhà nước và việc giải quyết thuộc thẩm quyền của đại diện hợp pháp chủ sở hữu nhà nước. Riêng căn nhà số 405/12B (bên phải, bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh do các nguyên đơn đã được mua hóa giá nhà và được cấp quyền sở hữu nhà ở tại số 405/12B (bên phải, bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh nhưng không có nhà thì các nguyên đơn có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo chủ trương chính sách về nhà thuộc sở hữu nhà nước và theo quy định của pháp luật về nhà đất.

Do việc thu thập tài liệu chứng cứ chưa đầy đủ mà tại phiên tòa cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cần hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Biên bản bàn giao nhà thể hiện ông Dũng là đại diện hộ sử dụng nhà và có sự chứng kiến của chính quyền cấp phường

Tại bản án sơ thẩm số 1051/2023/DS-ST (lần 2) ngày 28/6/2023, TAND TP.HCM khẳng định căn nhà 405/12 cũng chính là căn nhà 405/12B và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, buộc bị đơn phải di dời đi nơi khác trả lại căn nhà nói trên.

Bản án có kháng cáo và hiện tại TAND Cấp cao tại TP.HCM đang thụ lý theo thủ tục phúc thẩm.

Nhà không phải sở hữu của Công ty 59 (thuộc Bộ Quốc Phòng)

Theo hồ sơ phóng viên thu thập được, ngày 12/2/2007, Thanh tra Bộ Tổng Tham mưu có báo cáo số 08/BC-TTr gửi Bộ Tổng Tham mưu về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Huỳnh Quốc Dũng và bà Nguyễn Mỹ Trinh.

Báo cáo thể hiện, căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh là 1 trong 18 căn nhà thuộc khu 405, nguồn gốc từ chế độ cũ. Ngày 21/7/1977 UBND TP.HCM có quyết định số 933/QĐ-UB quốc hữu hóa toàn bộ xí nghiệp Công ty giấy và Hóa mỹ phẩm Đồng Nai. Tuy nhiên, tại Quyết định này không đề cập đến khu nhà 405 Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Từ cuối năm 1975, Công ty Giấy Đồng Nai có cho các đồng chí bộ đội vào ở 7 căn nhà thuộc khu 405 (trong đó có căn nhà 405/12) không có giấy tờ cho mượn.

Báo cáo thể hiện quá trình Đại tá Nguyễn Sĩ Lâm (cha của bà Nguyễn Mỹ Trinh) sinh sống tại căn nhà 405/12, trước và sau khi ông Lâm chuyển công tác lên Tây Nguyên (năm 1996) thì căn nhà này vẫn được gia đình con trai và con gái ông Lâm ở. Ông Lâm chỉ bàn giao hồ sơ, giấy tờ nhưng không bàn giao nhà.

Ngày 15/7/1997, Hội đồng đời sống chính sách BTTM - BQP có QĐ số 633/G9-A thu hồi căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đến tháng 6/1998 Hội đồng đời sống chính sách có quyết định cấp nhà cho 4 người với các số nhà lần lượt là 405/12A, 405/12B, 405/12C và 405/12D

Khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhà ở theo NĐ 61, bốn người trên làm hồ sơ chỉ còn tên hai người gồm Nguyễn Viết H số 405/12B bên phải và Dương Đức Tr số 405/12B bên trái.

Tại kết luận của Báo cáo khẳng định căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh có nguồn gốc thuộc sở hữu của Công ty giấy Đồng Nai.

Năm 1976 Cục Chính trị/TCHC tiếp quản và bố trí cho ông Nguyễn Sĩ Lâm nguyên là Viện trưởng Viện quân y 175 sử dụng làm nhà ở đến năm 1977 đ/c được điều đi làm Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên (Đắc Lắc) trong suốt thời gian này vợ con ông Lâm vẫn ở căn nhà 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đến tháng 10/1990, Bộ Tổng Tham mưu cấp cho ông Nguyễn Sĩ Lâm căn nhà ở Đống Đa, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nhưng con trai, con gái, con rể và các cháu của ông Lâm vẫn lưu cư ở số nhà 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh.

 

Vợ chồng ông Dũng, bà Trinh cũng là cán bộ nhà nước được điều động vào TP.HCM từ năm 1977 và sinh sống tại căn nhà 405/12

Báo cáo khẳng định rằng Phòng Quản lý kinh doanh nhà/Công ty 59/BQP khi thực hiện lập hồ sơ thu hồi căn nhà 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh để cấp cho người khác đã không làm hết chức năng quản lý gồm:

Không trực tiếp làm công văn thống nhất với Công ty Giấy Đồng Nai là cơ quan chủ quản căn nhà 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh để cho Bộ Tổng Tham mưu sử dụng, sau đó mới cấp cho người khác của quân đội.

Khi tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở theo Nghị định 61/CP của Chính phủ cho 4 cán bộ không phải số nhà 405/12 XVNT dẫn đến các cơ quan chức của TP HCM phải giải quyết và Tòa án  thành phố cũng không xét xử được. Do vậy dẫn đến tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Việc cấp nhà cho cán bộ thuộc BTTM - cơ quan BQP được thực hiện thông qua các Quyết định của Hội đồng Đời sống chính sách vào thời gian sau Luật Đất đai, ngày 15/10/1993 chỉ được áp dụng trong nội bộ cơ quan đơn vị. Thanh tra QP đã sưu tầm tài liệu lưu trữ không có bất cứ một tài liệu, hồ sơ nào có ý kiến chỉ đạo, hoặc phê duyệt của Thủ trưởng BTTM.

Báo cáo kiến nghị: Căn nhà số 405/12 Xô Viết Nghệ Tĩnh, hiện nay bà Nguyễn Mỹ Trinh là con gái ông Nguyễn Sĩ Lâm (nguyên viện trường Viện 175, Hiệu trưởng trường Đại học Tây nguyên, cán bộ do trung ương quản lý, lão thành cách mạng), cùng chồng là Huỳnh Quốc Dũng đang ở và có quyết định cấp nhà của Công ty Giấy Đồng Nai, có hộ khẩu ở căn nhà 405/12 khi tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo NĐ 61/CP của Chính phủ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính chi trả cho Phòng kinh doanh nhà/Công ty 59/BQP theo quy định của pháp luật.

 

Đây là một trong nhiều danh sách thể hiện khu nhà 405 không có căn nào là 12B và căn nhà 405/12 thể hiện ông Dũng đứng tên

Như vậy, đến đây có thể khẳng định rằng căn nhà 405/12 mới là căn nhà có thật và được bà Trinh, ông Dũng quản lý sử dụng xuyên suốt hơn 45 năm. Còn căn nhà 405/12B chỉ là căn nhà trên giấy chứ không có trong thực tế.

Việc xác định chủ sở hữu căn nhà 405/12 là của nguyên đơn, bị đơn, hay sở hữu nhà nước là vấn đề TAND Cấp cao tại TP.HCM làm rõ trong phiên xét xử sắp tới. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng nhà 405/12 không phải của Công ty 59/BQP.

Như nhận định của HĐXX phiên phúc thẩm, “riêng căn nhà số 405/12B (bên phải, bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh, do các nguyên đơn đã được mua hóa giá nhà và được cấp quyền sở hữu nhà ở tại số 405/12B (bên phải, bên trái) Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng không có nhà thì các nguyên đơn có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo chủ trương chính sách về nhà thuộc sở hữu nhà nước và theo quy định của pháp luật về nhà đất”, nhiều người cho rằng bị đơn trong vụ án lẽ ra phải là cơ quan có thẩm quyền đối với việc cấp sổ liên quan đến căn nhà 405/12B.

 

Ảnh đại diện: Số nhà được cấp từ trước đến nay không có nhà nào là 405/12B

TIẾN DŨNG