Bàn thêm về vướng mắc trong cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất
Sau khi đọc bài “Vướng mắc về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử của tác giả Lê Văn Quang, tôi cho rằng cả hai quan điểm trên vẫn còn chưa hợp lý.
Thứ nhất, cần phân biệt rõ thế nào là “lãi” và thế nào là “lãi suất”. Lãi suất là tỷ lệ phần trăm của tiền cho vay mà người vay phải chi trả cho người cho vay trong một khoảng thời gian cụ thể (thường là theo tháng hoặc năm. Ví dụ: 1%/tháng, 20%/năm). Còn lãi là khoản tiền mà người vay phải trả cho người cho vay dự trên mức lãi suất đã thỏa thuận và số tiền cho vay. Ví dụ: lãi mỗi tháng là 500.000 đồng: tiền vay (50.000.000 đồng) x lãi suất (1% tháng). Như vậy, lãi và lãi suất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 có quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. Nội dung quy định này được hiểu như sau: Người cho vay và người vay đều thống nhất việc vay tiền là có lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, tức là giữa người cho vay và người vay thống nhất vay có lãi nhưng không thống nhất về mức lãi suất (ví dụ người cho vay nói lãi suất là 1,5%/tháng, còn người vay nói lãi suất 1,0%/tháng). Cho nên khi người cho vay có yêu cầu tính lãi thì Tòa án áp dụng mức lãi suất là 10% để giải quyết.
Thứ ba, trở lại nội dung vụ án, rõ ràng giữa bà T (người cho vay) và bà H (người vay) đều thống nhất việc bà T cho bà H vay 200.000.000 đồng với mức lãi suất là 6%/tháng nên đây là trường hợp vay có thỏa thuận trả lãi và có thỏa thuận lãi suất nên quan điểm thứ nhất xác định thuộc trường hợp “thoả thuận khác” theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP là chưa chính xác. Còn việc bà T và bà H có ý kiến chưa thống nhất về việc bà H có trả tiền lãi cho bà T từ lúc vay (ngày 11/3/2018) hay chưa là trường hợp có tranh chấp về tiền lãi chứ không phải là tranh chấp về lãi suất như quan điểm thứ hai. Bởi vì mức lãi suất bà T và H đã thống nhất là 6%/tháng nên không có tranh chấp về lãi suất. Do đó, khi giải quyết vụ án Tòa án cần làm rõ bà H có trả lãi cho bà T chưa. Nếu bà H cho rằng có trả lãi cho bà T nhưng bà H và Toà án không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bà H đã trả lãi cho bà T thì Tòa án giải quyết buộc bà H phải trả lãi cho bà T với lãi suất là 20%/năm (do thỏa thuận lãi suất 6%/tháng là vượt quá quy định) tương ứng với thời gian từ lúc vay (ngày 11/3/2018) cho đến ngày 11/3/2024 (theo yêu cầu của bà T) trên số tiền vay là 200.000.000 đồng.
Vì vậy, quan điểm thứ nhất quyết định mức lãi suất 20%/năm là đúng nhưng vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP: “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” để giải quyết là chưa chính xác. Vì trường hợp này phải áp dụng khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 để giải quyết. Còn quan điểm thứ hai quyết định mức lãi suất 10%/năm trên cơ sở cho rằng các bên có tranh chấp về lãi suất nên vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP: “Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc” để giải quyết là chưa chính xác. Vì trường hợp này như đã phân tích không phải là trường hợp các bên có tranh chấp lãi suất mà chỉ là tranh chấp về tiền lãi nên phải áp dụng khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 quyết định mức lãi suất là 20%/năm.
Trên đây là một số ý kiến xin trao đổi cùng tác giả và đồng nghiệp.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận