Bàn về dấu hiệu chuyển hóa trong nhóm tội chiếm đoạt quy định trong BLHS
Bộ luật hình sự (BLHS) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định về chuyển hóa tội phạm, tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành quy định về chuyển hóa tội phạm đã có nhiều bất cập, hạn chế.
Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế xã hội thì tình hình tội phạm chuyển biến phức tạp gây khó khăn cho quá trình giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó nhóm tội chiếm đoạt là nhóm tội tương đối phổ biến hiện nay như tội cướp tài sản, tội trộm cắp tài sản… trong quá trình thực hiện tội phạm vì nhiều lý do khác nhau nên đã có sự thay đổi hành vi phạm tội mà pháp luật hình sự gọi là quá trình chuyển hóa tội phạm nói cách khác là thay đổi mục đích phạm tội.
Chuyển hóa tội phạm từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 về áp dụng một số quy định của BLHS thì việc chuyển hóa tội phạm quy định như sau: “Thực tiễn xét xử cho thấy các Tòa án đã định tội không thống nhất đối với các trường hợp kẻ phạm các tội chiếm đoạt tài sản (như cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo) đã dùng bạo lực để chiếm đoạt cho bằng được tài sản định chiếm đoạt hoặc để tẩu thoát. Nhiều Tòa án đã coi mọi trường hợp nói trên là cướp tài sản… ngược lại có Tòa án chỉ coi việc dùng bạo lực là tình tiết tăng nặng của việc chiếm đoạt chứ không kết án kẻ phạm tội về tội cướp tài sản…
Nay cần thống nhất như sau:
a) Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản…
b) Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…
Đối với các trường hợp trên đây chỉ cần kết án kẻ phạm tội về một tội là cướp tài sản… và coi việc chiếm đoạt (chưa thành hoặc đã thành) trước khi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực là tình tiết diễn biến của tội phạm.
c) Nếu việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là nhằm để tẩu thoát (kể cả khi tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được), thì không kết án kẻ phạm tội về cướp tài sản…, và tùy trường hợp mà kết án họ về tội phạm xảy ra trước khi dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) và coi việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (tình tiết định khung hình phạt cao hơn theo các điều 131, 132, 154, 155 BLHS). Nếu việc dùng vũ lực dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội giết người. Nếu hậu quả của việc dùng vũ lực là gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 điều 109 BLHS”.
Theo hướng dẫn tại Theo hướng dẫn tại Mục 6 Phần I, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về tình tiết “Hành hung để tẩu thoát” của tội trộm cắp tài sản như sau: Khi áp dụng tình tiết "hành hung để tẩu thoát" (điểm đ khoản 2 Điều 136; điểm a khoản 2 Điều 137; điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS) cần chú ý:
6.1. Phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.
Về cơ bản hướng dẫn tại Thông tư số 02/2001 có tính kế thừa trong quy định tại Nghị quyết 01/1989 nhưng phân chia cụ thể:
Trong hướng dẫn tại mục 6.1 xảy ra khi người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được nhưng bị phát hiện và bắt giữ hoặc bao vây thì có hành vi chông trả, hay nói cách khác tài sản chiếm đoạt vẫn đang do người phạm tội.
Trong hướng dẫn tại mục 6.2 có hai trường hợp:
Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản…
Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…
Tuy nhiên, hiện nay có quan điểm cho rằng quy định trong Thông tư số 02/2001 thì xác định hành vi đã chuyển hóa hay chưa phụ thuộc vào việc người chủ sở hữu hoặc người khác đã giành lại được tài sản từ người phạm tội hay chưa, sau đó người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản và quy định này không còn phù hợp vì hiện nay trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt các tài sản nhỏ gọn như điện thoại, vàng, tiền… bỏ trong túi quần thì khi người quản lý tài sản hoặc người khác giữ lại mà người phạm tội dùng vũ lực tấn công để tẩu thoát thì có xác định là có sự chuyển hóa tội phạm hay không? Vì tài sản nhỏ gọn rất khó để người chủ sở hữu hay người khác giành tài sản từ tay người phạm tội.
Dấu hiệu chiếm đoạt đã hoàn thành
Theo chúng tôi hiện nay việc đánh giá vấn đề chuyển hóa tội phạm từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản đã có nhiều sự thay đổi và qua nghiên cứu các vụ án, quy định của pháp luật thì việc xác định vấn đề chuyển hóa tội phạm hay chưa thì cần làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt đã hoàn thành hay chưa.
Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng chiếm đoạt là hành vi dịch chuyển tài sản một cách bất hợp pháp, khái niệm này là phù hợp tuy nhiên đây là khái niệm chung để phân biệt với các hành vi chiếm đoạt hợp pháp mà chưa làm rõ được đến thời điểm nào thì hành vi chiếm đoạt hoàn thành. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xác định dấu hiệu chuyển hóa tội phạm.
Ví dụ: Trong tội trộm cắp tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản là điện thoại trong túi quần như hành vi móc túi và hành vi chiếm đoạt tài sản vào trong nhà lấy điện thoại hoặc tiền thì thời điểm hoàn thành dấu hiệu chiếm đoạt trong hai trường hợp trên là khác nhau.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trong túi quần hoàn thành sau khi người chiếm đoạt đã lấy ra khỏi túi tức là đã thoát ly khỏi sự kiểm soát của người quản lý thì đã hoàn thành. Trường hợp chiếm đoạt tài sản trong nhà hoàn thành khi người chiếm đoạt đã đưa tài sản đó ra khỏi khu vực khuôn viên ngôi nhà thì đã hoàn thành.
Như vậy, thời điểm hoàn thành việc chiếm đoạt thông thưởng được xác định là rời khỏi ý thức của người quản lý tài sản là hoàn thành.
Ví dụ: Nguyễn Văn A có ý định trộm cắp tài sản khi đi ngang nhà chị Trần Thị B thấy cửa vẫn mở nên A vào trong nhà lấy được 01 chiếc điện thoại, 01 chỉ vàng và cầm con dao Thái Lan và khi đang đi ra phòng khách thì chị B phát hiện và túm lấy người của A hô to “Cướp” thì A rút dao ra dí vào cổ chị B làm chảy máu, do lo sợ nên chị B đã buông A ra. A bỏ chạy sau đó bị bắt giữ. Trong vụ án nêu trên có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp nêu trên Nguyễn Văn A đã có hành vi trộm cắp tài sản tội phạm đã hoàn thành nhưng bị chị B phát hiện và giữ lại thì A đã dùng dao khiến chị B sợ hãi bỏ ra, đồng thời, áp dụng hướng dẫn tại Thông tư số 02/2001 thì do chị B chưa giành lại được tài sản nên việc dùng dao của A trường hợp hành hung để tẩu thoát nên Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong trường hợp này A đã bỏ tài sản nhỏ gọn vào trong túi quần chị B đã giữ lại thì A đã dùng dao tấn công chị B với mục đích là giữ tài sản đã chiếm đoạt nên trong trường hợp này đã có sự chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản. Nên hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội cướp tài sản.
Trong vụ án trên thì hành vi của A có yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản vì thỏa mãn hai yếu tố đó là hành vi lén lút và hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên theo chúng tôi trong trường hợp này cần phải xác định hành vi chiếm đoạt tài sản của A đã hoàn thành hay chưa? Theo các dữ kiện trong vụ án thì A đã có hành vi trộm cắp tài sản gồm điện thoại và vàng trong nhà chị B khi A đi ra phòng khách thì chị B phát hiện tức là thời điểm chị B phát hiện là khi A vẫn đang ở trong nhà và tài sản chiếm đoạt vẫn đang còn ở trong nhà thuộc quyền quản lý của chị B và chị B vẫn có khả năng giành lại được tài sản, chị A chưa hoàn toàn mất tài sản tức là dấu hiệu chiếm đoạt của A chưa hoàn thành. Như vậy hành vi dùng dao dí vào cổ chị B của A mục đích là giữ tài sản chiếm đoạt để thoát ly khỏi sự kiểm soát của chị B là dấu hiệu của tội cướp tài sản. Nên trong trường hợp này đã có sự chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản là hoàn toàn có căn cứ.
Để đánh giá hành vi phạm tội đã có dấu hiệu chuyển hóa hay không phải tùy từng vụ án cụ thể và đánh giá nhiều yếu tố khác như khả năng của quản lý tài sản chủ sở hữu tài sản hoặc người khác đối với tài sản đó; không gian, thời gian… Có như vậy mới xác định đúng và giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, Đắk Lắk xét xử vụ án “Cướp giật tài sản” - Ảnh: Nguyễn Tâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
NGUYỄN CHÍ THÂN
07:37 27/11.2024Trả lời