Bàn về thẩm quyền ban hành quyết định thi hành án hình sự khi có quyết định tổng hợp hình phạt

Sau khi nhận được quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, hiện nay đang có nhiều quan điểm về việc có ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định tổng hợp hình phạt này hay không? Nếu có, thì ban hành theo biểu mẫu nào và thuộc thẩm quyền của ai?

Quy định và thực tiễn

Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì những bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị[1]. Khi bản án, quyết định có hiệu lực thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án[2].

Quy định của pháp luật về hình sự cũng có quy định, trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án[3]. Nhưng sau khi có quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì có phải ra quyết định thi hành án hình sự nữa hay không, nếu có thì sẽ thuộc thẩm quyền của ai lại chưa được quy định rõ ràng trong BLTTHS, cũng như Luật Thi hành án hình sự.

Trong phạm vi bài viết, tác giả bàn về việc tổng hợp hình phạt theo khoản 3 Điều 56 BLHS vì việc tổng hợp hình phạt tại khoản 1, khoản 2 Điều 56 BLHS được thực hiện trong bản án nên việc thi hành án hình phạt đã được thực hiện theo bản án theo quy định pháp luật.

Tình huống thực tế: Ngày 26/11/2021, người chấp hành án Đào Thanh T bị TANDCC xử phạt 20 năm tù về tội “Giết người” tại Bản án số 481/2021/HS-PT. Ngày 25/01/2022, Chánh án TAND tỉnh K ra quyết định thi hành án hình phạt tù đối với Đào Thanh T.

Ngày 09/12/2022, Đào Thanh T bị TAND thành phố C, tỉnh K xử phạt 2 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” tại Bản án số 95/2022/HSST. Ngày 15/01/2023, Chánh án TAND thành phố C, tỉnh K ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Đào Thanh T.

Ngày 01/02/2023, TAND tỉnh K nhận được Công văn của Cơ quan thi hành án hình sự - Công an thành phố C, tỉnh K về việc: tổng hợp và ra quyết định thi hành án hình sự đối với Đào Thanh T. Căn cứ khoản 3 Điều 56 BLHS, tiểu mục 3, mục II Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC, Tòa án tỉnh K xác định thẩm quyền tổng hợp hình phạt là của Chánh án TANDCC và chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị tổng hợp hình phạt tới TANDCC.

Ngày 10/2/2023, Chánh án TANDCC ra quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với Đào Thanh T, buộc Đào Thanh T phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 22 năm tù về các tội “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng”.

Ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định tổng hợp hình phạt

Sau khi nhận được quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, hiện nay đang có nhiều quan điểm về việc có ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định tổng hợp hình phạt này hay không? Nếu có, thì ban hành theo biểu mẫu nào và thuộc thẩm quyền của ai?

Quan điểm thứ nhất: Khi có quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì không cần ra quyết định thi hành án phạt tù mà sử dụng quyết định tổng hợp để thi hành bản án. Bởi lẽ, các biểu mẫu về quyết định thi hành án phạt tù ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không có biểu mẫu nào về thi hành án hình phạt tù đối với người bị xử phạt tù được tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Hơn nữa, sau mỗi bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án TAND xét xử sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình phạt tù của bản án có hiệu lực pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Khi có quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì cần thiết phải ra quyết định thi hành án phạt tù của quyết định này và thẩm quyền ra quyết định thuộc về Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm sau cùng. Bởi lẽ, tại khoản 2 Điều 364 BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ: “Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.” Đồng thời, theo tinh thần hướng dẫn về thẩm quyền tổng hợp hình phạt tại tiểu mục 3 mục II Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 có nêu về việc Chánh án Tòa án nơi xét xử sơ thẩm sau cùng có thẩm quyền tổng hợp hình phạt. Như vậy, việc Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm sau cùng ra quyết định quyết định thi hành án phạt tù của quyết định tổng hợp hình phạt sẽ đảm bảo việc xác định nơi người chấp hành án đang bị giam giữ hoặc nơi đang chấp hành án. Khi ra quyết định thi hành án phạt tù này thì cần thiết phải nêu việc quyết định này thay thế cho các quyết định thi hành án hình phạt tù của các Tòa án xét xử sơ thẩm mà bản án đã bị tổng hợp hình phạt để thuận tiện cho việc theo dõi việc chấp hành bản án.

Thẩm quyền thuộc về Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm cấp cao hơn

Không đồng  ý với hai quan điểm trên, tôi cho rằng khi có quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì cần thiết phải ra quyết định thi hành án phạt tù của quyết định này và thẩm quyền ra quyết định thuộc về Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm cấp cao hơn, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án xét xử sơ thẩm của cấp cao hơn có trước hay có sau. Bởi lẽ:

Thứ nhất: Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, các nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành[4].

Thứ hai: Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là tổng hợp các hình phạt được tuyên trong các bản án khác nhau thành một loại với mức cao hơn hoặc cao nhất của một hình phạt đã tuyên[5]. Quyết định tổng hợp hình phạt có giá trị thi hành như bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, sau khi có quyết định tổng hợp hình phạt cần thiết phải có quyết định thi hành án hình sự của quyết định tổng hợp hình phạt này.

Thứ ba: Tiểu mục 3 mục II Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC hướng dẫn về thẩm quyền tổng hợp hình phạt đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, thẩm quyền tổng hợp hình phạt được chia làm các trường hợp:

Trường hợp 1: Các bản án đã có hiệu lực pháp luật của cùng một Tòa án thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt. Trường hợp này, do các bản án cùng của một Tòa án nên Chánh án Tòa án đã ra quyết định tổng hợp hình phạt sẽ có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hình phạt tù.

Trường hợp 2: Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong cùng một tỉnh hoặc khác tỉnh; cùng cấp khu vực trong cùng một quân khu hoặc khác quân khu; cùng sơ thẩm cấp tỉnh, cùng cấp quân khu, cùng phúc thẩm ở Tòa án nhân dân cấp cao), thì Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt. Trường hợp này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền tổng hợp hình phạt cũng có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hình phạt tù trừ trường hợp quyết định tổng hợp hình phạt là của Chánh án Tòa án cấp cao.

Trường hợp 3: Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn đã có bản án có hiệu lực pháp luật ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau. Trường hợp này, Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm ở cấp cao hơn sẽ là người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hình phạt tù, không phụ thuộc vào việc bản án sơ thẩm của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau. Bởi lẽ điều này phù hợp về cơ cấu tổ chức của các Tòa án theo Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, phù hợp với thẩm quyền xét xử của Tòa án theo quy định tại BLTTHS năm 2015, phù hợp với thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt theo hướng dẫn tại tiểu mục 3 mục II Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC. Áp dụng vào tình huống thực tiễn, xét về mặt thời gian thì Tòa án thành phố C, tỉnh K xét xử sau cùng, nhưng Chánh án TAND thành phố C, tỉnh K ra quyết định thi hành án hình phạt tù đối với tội “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng” có mức hình phạt 22 năm tù là không phù hợp với thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS năm 2015.

Do các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự chưa có sự đồng bộ, cụ thể nên thực tiễn thi hành còn gặp khó khăn, lúng túng. Đây cũng là vấn đề cấp bách và đang xảy ra trong thực tiễn nên các quy định liên quan đến chế định này cần sớm được quy định để được áp dụng thống nhất. Thông qua bài viết, tác giả rất mong nhận được trao đổi, góp ý từ quý độc giả./.

 

TAND  huyện Tri Tôn, An Giang xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Ngọc Lan

 

 

[1] Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[2] Khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[3] Khoản 3 Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Khoản 2 Điều 4 Luật Thi hành án hình sự năm 2019

[5] TS. Nguyễn Mai Bộ, Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án- Bất cập và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 18/10/2021.

 

NGUYỄN HỒNG THẮM (Phòng KTNV và Thi hành án TAND tỉnh Khánh Hòa)