Bàn về áp dụng Điều 129 BLDS năm 2015 và Án lệ số 55/2022/AL đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không tuân thủ quy định về hình thức
Bài viết nêu ra một số quan điểm trong việc áp dụng quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) không tuân thủ quy định về hình thức được xác lập trước ngày 01/01/2017; một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn và đề xuất, kiến nghị.
1. Áp dụng luật để giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không tuân thủ quy định về hình thức được xác lập trước ngày 01/01/2017
Quan điểm thứ nhất, không đồng tình với việc áp dụng quy định tại Điều 688 BLDS năm 2015 dẫn chiếu đến quy định tại Điều 129 BLDS năm 2015 để công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không tuân thủ quy định về hình thức và cho rằng phải áp dụng quy định của BLDS năm 2005 để tuyên bố hợp đồng vô hiệu, với những lập luận như sau:[1]
Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2008 (nay là khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về áp dụng văn bản QPPL như sau: “Văn bản QPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản QPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản QPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”. Theo đó, nguyên tắc chung nhất là hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản QPPL cụ thể có quy định khác, như quy định hồi tố (có hiệu lực trở về trước) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nhất nêu trên. Khi văn bản QPPL cụ thể không có quy định chuyển tiếp thì phải hiểu là đương nhiên thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên; chỉ quy định chuyển tiếp đối với một số giao dịch thì phải hiểu các giao dịch khác không được quy định sẽ phải được áp dụng nguyên tắc chung nêu trên. Luật Ban hành văn bản QPPL là luật chung cho toàn bộ hệ thống văn bản QPPL. Do đó, khi luật chuyên ngành không quy định thì phải áp dụng luật chung và phải trên cơ sở nguyên tắc đó để hiểu quy định của luật chuyên ngành và có đề xuất hướng dẫn hay giải thích cần thiết.
Tại khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định về việc áp dụng pháp luật cho các “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”, tức là trước ngày 01/01/2017. Theo đó, điểm a của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của BLDS số 33/2005/QH11 và các văn bản QPPL quy định chi tiết BLDS 33/2005/QHH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của BLDS số 33/2005/QH11 và các văn bản QPPL quy định chi tiết BLDS số 33/2005/QH11”.
Như vậy, điểm a nêu trên quy định cho trường hợp giao dịch có “nội dung, hình thức khác” với quy định của BLDS năm 2015. Tuy nhiên, đây là quy định cho các “chủ thể giao dịch”, tức là những người tham gia vào giao dịch, chứ không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Tại điểm b của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”. Như vậy, điểm b này không nêu rõ quy định giành cho các chủ thể của giao dịch như điểm a nhưng việc có vị trí tiếp theo điểm a, quy định cùng về vấn đề giao dịch xác lập trước khi BLDS năm 2015 có hiệu lực, “chưa thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, chỉ khác là trường hợp có nội dung, hình thức giao dịch phù hợp với BLDS năm 2015, thì được hiểu đây cũng là quy định cho chủ thể của giao dịch; không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Tại điểm c khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của BLDS số 33/2005/QH11 và các văn bản QPPL quy định chi tiết BLDS số 33/2005/QH11 để giải quyết”. Quy định của điểm c là áp dụng pháp luật “để giải quyết” tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản so với quy định của điểm a và điểm b. Nhưng quy định “để giải quyết” này mới chỉ cho trường hợp giao dịch dân sự “được thực hiện xong” trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực. Cho nên, trường hợp giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì Điều 688 không có quy định áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp. Do Điều 688 không có quy định, vấn đề này sẽ phải trở lại áp dụng luật chung là Luật Ban hành văn bản QPPL.
Như vậy, trường hợp giao dịch dân sự được xác lập trước khi BLDS năm 2015 có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập để giải quyết tranh chấp.
BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều quy định, nếu giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu. Tuy nhiên, Điều 134 BLDS năm 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Và Điều 129 BLDS năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây: 1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; 2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Tại khoản 1 Điều 502 BLDS năm 2015 quy định về hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về QSDĐ: “Hợp đồng về QSDĐ phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật liên quan”.
Do đó, việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vi phạm quy định về điều kiện có hiệu lực về hình thức và theo quy định tại khoản 1 Điều 502 BLDS năm 2015 đã viện dẫn thì không thể cho rằng hợp đồng đó có “nội dung, hình thức” phù hợp với quy định của BLDS năm 2015.
Một QPPL đều có phần giả định, quy định và chế tài. Về kỹ thuật, nhà làm luật có thể thể hiện phần chế tài vào một nhóm nhưng về thực chất thì QPPL vẫn có ba phần như nêu ở trên. Áp dụng một QPPL là áp dụng cả ba quy định về giả định, quy định và chế tài. Một giao dịch được quy định là vô hiệu hay có hiệu lực đã đi kèm theo quy định về xử lý. Cho nên, không thể hiểu là khi giải quyết thì áp dụng pháp luật ở thời điểm giải quyết hoặc có hành vi xảy ra ở thời điểm BLDS năm 2015 là đương nhiên được áp dụng hồi tố. Do đó, trường hợp này phải áp dụng BLDS năm 2005 tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức của hợp đồng; ấn định một thời hạn để các bên hoàn thiện về hình thức, nếu vẫn không hoàn thiện về hình thức phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 134 và Điều 137 BLDS năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS năm 2005.
Quan điểm thứ hai, đồng tình với việc áp dụng quy định tại Điều 688 BLDS năm 2015 dẫn chiếu đến quy định tại Điều 129 BLDS năm 2015 để công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không tuân thủ quy định về hình thức, với những lập luận như sau:[2]
Tham khảo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/02/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm”, về các khái niệm như thế nào được coi là hợp đồng được thực hiện xong, hợp đồng chưa được thực hiện và hợp đồng đang được thực hiện. Theo đó, “Hợp đồng chưa được thực hiện là hợp đồng mà các bên chưa phải thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định” (điểm b); còn “Hợp đồng đang được thực hiện là hợp đồng mà các bên chưa thực hiện xong quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định” (điểm c).
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 về điều khoản chuyển tiếp: “1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.
Tại khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.
Như vậy, đối với hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng, chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình (hợp đồng đang được thực hiện), thì Tòa án áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 công nhận hiệu lực của hợp đồng.
2. Áp dụng Án lệ số 55/2022/AL để giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không tuân thủ quy định về hình thức được xác lập trước ngày 01/01/2017
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định tại các điều 4, 5 và 6 BLDS năm 2015, thì án lệ chỉ được áp dụng trong trường hợp khi pháp luật không quy định, không có tập quán áp dụng, không thể áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, thì: “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố”. Quy định này cho thấy, án lệ không có hiệu lực hồi tối[3]. Cho nên, không thể áp dụng Án lệ số 55/2022/AL để hồi tố lại những vụ việc đã phát sinh tranh chấp trước khi Án lệ số 55/2022/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua vào ngày 07/9/2022 và được Chánh án TANDTC công bố ngày 14/10/2022 để giải quyết là gây bất lợi cho một bên đương sự trong vụ án. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã nêu: “3. … tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự”.
Theo nội dung Án lệ số 55/2022/AL về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức thể hiện tình tiết như sau: “[6]… Như vậy, tuy thời điểm các bên thoả thuận việc chuyển nhượng QSDĐ thì phía bị đơn chưa được cấp đất nên chỉ lập giấy viết tay thể hiện nội dung thoả thuận, nhưng khi được cấp đất các bên đã thay đổi thoả thuận bằng lời nói thành chuyển nhượng thửa 877 và tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng việc giao thêm tiền, giao đất, giao giấy chứng nhận QSDĐ, thời điểm giao giấy chứng nhận QSDĐ đang đứng tên bị đơn là đủ điều kiện để chuyển nhượng…”. Theo đó, đối với nội dung án lệ này cho thấy các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng việc giao thêm tiền, giao đất, giao giấy chứng nhận QSDĐ (hợp đồng đang được thực hiện), còn trong trường hợp bên chuyển nhượng chưa giao đất cho bên nhận chuyển nhượng hoặc chưa giao giấy chứng nhận QSDĐ cho bên nhận chuyển nhượng, thì tình tiết trong trường hợp này không tương tự với tình tiết mà nội dung Án lệ số 55/2022/AL đề cập nên không thể xem xét áp dụng Án lệ số 55/2022/AL để công nhận hiệu lực của hợp đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc áp dụng Án lệ số 55/2022/AL trong xét xử phải được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Theo đó, “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”. [4] Quy định này đã nêu rõ những vụ việc có “tình huống pháp lý tương tự” thì phải được giải quyết như nhau, tức là việc xem xét vụ việc đối với hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vi phạm điều kiện về hình thức có tương tự hay không thì phải căn cứ vào tình huống pháp lý của Án lệ số 55/2022/AL chứ không thể căn cứ vào “tình tiết tương tự của bản án, quyết định” được viện dẫn làm án lệ (vụ việc tạo ra án lệ) hoặc “nội dung án lệ tại đoạn 6 phần “Nhận định của Toà án”.
Ngoài ra, để hiểu đúng và áp dụng đúng tinh thần của Án lệ số 55/2022/AL cần phải tham khảo đến quan điểm của tác giả đã đề xuất án lệ. Theo đó, tác giả Đỗ Văn Đại - người đề xuất và bảo vệ quan điểm để Án lệ số 55/2022/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua đã trao đổi về ý nghĩa và việc áp dụng án lệ này như sau[5]: Với Án lệ số 55/2022/AL, Tòa án sẽ công nhận hiệu lực của các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có tranh chấp khi bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình dù chưa được công chứng, chứng thực và xác lập trước ngày 01/01/2017. Đây là tình huống pháp lý tương tự. Trong vụ việc tạo ra án lệ, cả hai bên đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, thực tế có xảy ra trường hợp mới chỉ có một bên thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình như bên nhận chuyển nhượng thanh toán được ít nhất 2/3 so với giao dịch hay bên chuyển nhượng đã giao ít nhất 2/3 diện tích đất cho bên nhận chuyển nhượng. Đối với các trường hợp này, Án lệ số 55/2022/AL cũng được áp dụng để công nhận giao dịch dù chưa được công chứng, chứng thực.
3. Thực tiễn xét xử về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không tuân thủ quy định về hình thức được xác lập trước ngày 01/01/2017 và kiến nghị
Qua thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều Tòa án xét xử theo hướng áp dụng khoản 2 Điều 129, điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015, Án lệ số 55/2022/AL để công nhận đối với hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không tuân thủ quy định về hình thức được xác lập trước ngày 01/01/2017 và đủ điều kiện tách thửa. Theo Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, kết quả tìm kiếm những vụ án tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được áp dụng Án lệ số 55/2022/AL tính đến ngày 04/8/2024 cho thấy, có đến 55 bản án được áp dụng Án lệ số 55/2022/AL để công nhận hiệu lực của hợp đồng.[6]
Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, quy định tại Điều 134 và Điều 136 BLDS năm 2005 còn được đánh giá là vô tình ủng hộ sự bội ước trong quan hệ hợp đồng khi bên thiếu thiện chí trong quan hệ hợp đồng chỉ cần trì hoãn, phớt lờ việc thực hiện các công việc để hoàn thiện hình thức của hợp đồng đã giao kết, sau một thời hạn nhất định, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu[7]. Quy định về hình thức của giao dịch dân sự và hậu quả của giao dịch dân sự do không tuân thủ quy định về hình thức đã trở thành một “công cụ pháp lý” để cho bên không thiện chí lạm dụng để bội ước, gây thiệt hại cho bên đối tác, gây mất ổn định trong quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng. Mặt khác, cũng tạo ra sự cứng nhắc trong giải quyết các vụ việc có liên quan của cơ quan có thẩm quyền, dẫn tới tình trạng tuyên bố giao dịch vô hiệu do vi phạm hình thức một cách tùy tiện, nhất là đối với trường hợp sự sai sót về hình thức chỉ là vấn đề kỹ thuật hợp đồng hoặc các bên đã thực hiện xong và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba.
Bản chất của giao dịch là sự thể hiện ý chí của các bên, còn hình thức chỉ là phương tiện cho các bên biểu đạt ý chí của mình. Một giao dịch không tuân thủ hình thức không có nghĩa là sự thể hiện ý chí giữa các bên là không có hiệu lực. Tuy nhiên, xét dưới góc độ khách quan, việc thể hiện ý chí theo một hình thức nhất định chính là nhằm công khai hóa ý chí của các bên trong giao dịch đối với người thứ ba và đối với nhà nước. Việc không tuân thủ hình thức đồng nghĩa với việc các chủ thể của giao dịch mất đi quyền được bảo vệ trước người thứ ba hoặc trước nhà nước.[8]
Việc Tòa án tuân theo án lệ nhằm đạt được sự nhất quán và sự thống nhất của pháp luật, nhằm đạt được sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm được sự ổn định và chắc chắn của pháp luật hay bảo đảm được khả năng dự đoán được của pháp luật.[9] Tiêu chuẩn căn bản để áp dụng án lệ là tương tự (anology) dựa trên nguyên tắc “like cases must be decided alike” - “các vụ việc giống nhau phải được giải quyết như nhau”. Mục đích chủ yếu thực hiện nguyên tắc này là bảo đảm sự công bằng trong thực tiễn tư pháp.[10] Nhằm thực hiện nguyên tắc tương tự có hiệu quả, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng trong quá trình áp dụng án lệ Tòa án cần thực hiện các bước sau: Bước 1: Xác định quy tắc án lệ theo cấu trúc logic “nếu … thì…”. Hiện nay, các án lệ được công bố theo mẫu thì cấu trúc này được thể hiện trong phần “khái quát nội dung án lệ”, tương ứng là “Tình huống án lệ (nếu) … Giải pháp pháp lý (thì) …”; Bước 2: Xác định phạm vi của quy tắc án lệ thông qua việc xác định: (i) Tình tiết cơ bản; (ii) Tính chất tương tự của tình tiết cơ bản.[11]
Trên thực tế hoạt động áp dụng án lệ của Tòa án cũng gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến hai vấn đề khó khăn là: (i) xác định tình huống tương tự; và (ii) xác định phạm vi của quy tắc án lệ.[12] Thực tiễn các Toà án có các quan điểm khác nhau về xác định tình tiết tương tự và phạm vi của quy tắc án lệ. Điển hình nhất là việc áp dụng Án lệ số 47/AL/2021[13] để phân định tội danh giữa tội “giết người” với tội “cố ý gây thương tích” đã buộc lộ sự bất cập, vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn như Tòa án chỉ căn cứ vào yếu tố “dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể” và cho rằng người phạm tội có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại, mà không xem xét, đánh giá các yếu tố khác như mâu thuẫn giữa hai bên, mức độ, cường độ tấn công, tỷ lệ tổn thương cơ thể,…[14] Từ đó, TANDTC đã ban hành Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL[15] và dẫn đến có quan điểm cho rằng[16], khi áp dụng án lệ các Thẩm phán cần thiết phải xem phần “Khái quát nội dung án lệ” và phần “Nội dung án lệ” nhằm tránh tình trạng các Tòa án áp dụng án lệ một cách máy móc như việc áp dụng Án lệ số 47/AL/2021 trong thời gian vừa qua.
Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có nêu: “2. … Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”; 3. … tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự”.[17] Tác giả cho rằng, quy định này nhằm tạo sự linh hoạt nhằm tránh việc áp dụng án lệ một cách máy móc, tuy nhiên cũng sẽ tạo ra hệ luỵ là các Thẩm phán để tránh sự ràng buộc của một bản án lệ thường sẽ tìm cách định dạng vụ án như thế nào đó để không phải là vụ việc tương tự, từ đó, loại bỏ án lệ để xử lý vụ việc theo cách khác[18]. Trong thực tiễn, nếu hiểu sai về luật, về án lệ và việc áp dụng luật, áp dụng án lệ sai trở thành xu hướng thì sự hiểu đúng sẽ có nguy cơ bị cô lập và dẫn đến hậu quả là luật, án lệ quy định một đằng, nhưng thực tiễn áp dụng lại diễn ra một nẻo. Đây là một nguy cơ rất lớn đặt ra đối với đời sống xã hội nói chung và đời sống pháp luật nói riêng.[19]
Với những thực trạng nêu trên, tác giả kiến nghị như sau: Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có văn bản giải thích[20] đối với quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 có được áp dụng “để giải quyết tranh chấp” hay không? Hay là chỉ được áp dụng đối với “các chủ thể trong giao dịch” dân sự? Và “có nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này” được hiểu như thế nào cho đúng?; Hai là, TANDTC cần sớm có văn bản giải đáp quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đối với “án lệ có hiệu lực hồi tố” hay không? Trường hợp trong thời gian kể từ ngày bản án được ban hành đến ngày bản án có hiệu lực là án lệ, nếu có vụ án tương tự như nêu trong án lệ nhưng lại giải quyết khác án lệ thì giải quyết thế nào?; Và có văn bản hướng dẫn áp dụng án lệ nói chung và Án lệ số 55/2022/AL một cách cụ thể để không làm mất đi “giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”[21].
[1] (1) Chu Xuân Minh (2019), Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/dieu-khoan-chuyen-tiep-dieu-688-thi-hanh-bo-luat-dan-su-nam-2015, đăng ngày 01/5/2019; (2) Phan Tiến Dũng (2022), Hợp đồng vi phạm về hình thức trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/hop-dong-vi-pham-ve-hinh-thuc-truoc-ngay-blds-nam-2015-co-hieu-luc6870.html, đăng ngày 05/8/2022, truy cập ngày 03/8/2024.
[2] (1) Lưu Anh Tuấn (2022), Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện về hình thức, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/tapchi/public/index.php/hop-dong-chuyen-nhuong-quyen-su-dung-dat-vi-pham-dieu-kien-ve-hinh-thuc6822.html, đăng ngày 28/7/2022; (2) Nguyễn Trần Ngà (2023), Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định hình thức và thực tiễn giải quyết tranh chấp, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/giao-dich-dan-su-vo-hieu-do-khong-tuan-thu-quy-dinh-hinh-thuc-va-thuc-tien-giai-quyet-tranh-chap9342.html, đăng ngày 26/9/2023, truy cập ngày 03/8/2024.
[3] Ngô Cường (2024), Hiệu lực hồi tố của án lệ, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/public/han-che-hieu-luc-hoi-to-cua-an-le-kinh-nghiem-cua-phap-va-nhat-ban11374.html, đăng ngày 08/7/2024, truy cập ngày 04/8/2024.
[4] Trước đây, TANTDTC đã có Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11/7/2017 về việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử đã hướng dẫn: Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự phải được giải quyết như nhau. … Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm thấy rằng án lệ và vụ việc mà Tòa án đang giải quyết không có tính chất tương tự hoặc do pháp luật đã thay đổi, do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng một trong các bên đương sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ... đề nghị áp dụng án lệ thì việc không áp dụng án lệ cũng phải được nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
[5] Đỗ Văn Đại, Chuyện “bếp núc” quanh Án lệ số 55/2022/AL, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, https://plo.vn/chuyen-bep-nuc-quanh-an-le-so-552022al-post705036.html, đăng ngày 27/10/2022, truy cập ngày 04/8/2024.
[6] Theo Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, https://congbobanan.toaan.gov.vn/0tat1cvn/ban-an-quyet-dinh, truy cập ngày 04/8/2024; Công ty luật FDVN, Tổng hợp 07 bản án Tòa án áp dụng Án lệ số 55/2022/AL để giải quyết tranh chấp, https://fdvn.vn/tong-hop-07-ban-an-toa-an-ap-dung-an-le-so-55-2022-al-de-giai-quyet-tranh-chap/, đăng ngày 10/6/2024, truy cập ngày 04/8/2024.
[7] Thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự tại TAND cho thấy nhiều hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bị tuyên vô hiệu do vi phạm quy định về hợp đồng, nguyên nhân chính của tranh chấp là giá đất sẽ có biến động tăng giá so với thời điểm các bên chuyển nhượng, dẫn đến việc một bên không muốn thực hiện tiếp hợp đồng và yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.
[8] Xem: Bộ Tư pháp, Báo cáo đánh giá tác động của dự án Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi), tr. 27 - 35.
[9] Đỗ Thành Trung, Một số vấn đề lý luận về vai trò áp dụng án lệ của Tòa án, Trang thông tin điện tử TANDTC, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND284128, tr. 1 - 2, truy cập ngày 04/8/2024.
[10] Đỗ Thành Trung, Một số vấn đề lý luận về vai trò áp dụng án lệ của Tòa án, Trang thông tin điện tử TANDTC, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND284128, tr. 4, truy cập ngày 04/8/2024.
[11] Đỗ Thành Trung, Một số vấn đề lý luận về vai trò áp dụng án lệ của Tòa án, Trang thông tin điện tử TANDTC, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND284128, tr. 6, truy cập ngày 04/8/2024.
[12] Đỗ Thanh Trung, Một số vấn đề lý luận về áp dụng và phát triển án lệ, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ly-luan-ve-ap-dung-va-phat-trien-an-le11567.html, đăng ngày 29/7/2024, truy cập ngày 16/8/2024.
[13] Án lệ số 47/AL/2021 về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dung hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại:
- Tình huống án lệ: Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
[14] Tuyến Phan, Tội giết người tăng vì áp dụng máy móc án lệ số 47/2021, https://thanhnien.vn/toi-pham-giet-nguoi-tang-vi-ap-dung-may-moc-an-le-so-47-2021-185230901111048728.htm, đăng ngày 01/9/2023, truy cập ngày 16/8/2024.
[15] Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của TANDTC về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL như sau: Để áp dụng Án lệ số 47, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết. Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo. Do vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
[16] Đỗ Thanh Trung, Một số vấn đề lý luận về áp dụng và phát triển án lệ, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ly-luan-ve-ap-dung-va-phat-trien-an-le11567.html, đăng ngày 29/7/2024, truy cập ngày 16/8/2024.
[17] Trước đây, TANTDTC đã có Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11/7/2017 về việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử đã hướng dẫn: Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự phải được giải quyết như nhau. … Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm thấy rằng án lệ và vụ việc mà Tòa án đang giải quyết không có tính chất tương tự hoặc do pháp luật đã thay đổi, do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng một trong các bên đương sự, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ... đề nghị áp dụng án lệ thì việc không áp dụng án lệ cũng phải được nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
[18] “Ở Anh, để tránh sự ràng buộc của một án lệ, thẩm phán thường tìm cách định dạng vụ án như thế nào đó để không phải là vụ việc tương tự, từ đó, loại bỏ án lệ để xử lý vụ việc theo cách khác”. Xem: Nguyễn Ngọc Điện (2024), Phương pháp phân tích luật viết (xuất bản lần thứ năm, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 139.
[19] Nguyễn Ngọc Điện (2024), Phương pháp phân tích luật viết (xuất bản lần thứ năm, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 35.
[20] Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
[21] Khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 32 Luật Tổ chức TAND năm 2024 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025); Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
TAND huyện Phú Riềng, Bình Phước tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm xét xử vụ án: “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” - Ảnh: Quốc Trung
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận