Hoàn thiện quy định của Luật Tố tụng hành chính về đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Trong thực tiễn xét xử sơ thẩm vụ án hành chính (VAHC) hiện nay, một vài căn cứ đình chỉ, cũng như thủ tục ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án còn hạn chế, gây khó khăn lúng túng cho các Tòa án.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính (VAHC), Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án nhận thấy có một trong các căn quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) thì sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Về cơ bản, quy định của LTTHC về vấn đề này đã có sự hoàn thiện hơn so với pháp LTTHC trước đây.

Trong TTHC, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán có thể ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có những căn cứ luật định. Việc đình chỉ sẽ làm cho tiến trình giải quyết vụ án bị chấm dứt và các đương sự không được quyền khởi kiện lại vụ án, trừ trường hợp do pháp luật quy định. Vì thế, đình chỉ giải quyết vụ án là quyết định rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nếu Tòa án đình chỉ sai có thể làm mất đi cơ hội của các đương sự trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình trước sự xâm phạm từ phía các cơ quan công quyền, chưa bảo đảm triệt để tính dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước. Vì lẽ đó, việc nghiên cứu thấu đáo các quy định của LTTHC về đình chỉ giải quyết vụ án là vấn đề cần thiết và có giá trị thực tiễn xét xử hành chính ở nước ta.

1.Quy định về đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Theo quy định của LTTHC, vấn đề đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tập trung tại Điều 143, Điều 144, Điều 145 LTTHC. Các nội dung được đề cập khá rõ ràng về căn cứ, thủ tục, hậu quả và thẩm quyền đình chỉ giải quyết VAHC.

Thứ nhất, về căn cứ đình chỉ giải quyết VAHC

Quy định về căn cứ đình chỉ giải quyết VAHC rất cần thiết, luôn đặt yêu cầu đòi hỏi các nhà làm luật phải quy định một cách toàn diện và khả thi về căn cứ đình chỉ. Nếu quy định căn cứ đình chỉ không rõ ràng hoặc chưa toàn diện sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Đồng thời cũng làm cho việc áp dụng pháp luật giữa các Tòa án thiếu đi tính thống nhất, chưa bảo đảm hiệu quả của việc giải quyết vụ án. Theo đó, khoản 1 Điều 143 LTTHC đề cập khá cụ thể về các căn cứ đình chỉ vụ án như sau: 

-Người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;

-Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;

-Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập; Người khởi kiện không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

-Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ;

-Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

-Người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu;

-Thời hiệu khởi kiện đã hết;

-Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này mà Tòa án đã thụ lý.

Nhìn chung, các căn cứ đình chỉ trên phần lớn xuất phát từ ý muốn chủ quan mang tính tự nguyện của các đương sự như từ việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập, người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện. Ngoài ra còn có một vài căn cứ đình chỉ xuất phát từ sự yếu tố khách quan khác hoặc do người khởi kiện không có thiện chí hợp tác với Tòa án khi được Tòa án triệu tập hợp lệ. Các căn cứ đình chỉ được Luật TTHC quy định là khả thi, loại trừ khả năng, đương sự cố ý kéo dài việc giải quyết vụ án.

Thứ hai, hậu quả của việc đình chỉ giải quyết VAHC

Điều 144 LTTHC quy định khá rõ ràng về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án. Theo đó, đình chỉ giải quyết vụ án tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm sẽ thể hiện các hậu qủa pháp lý sau: 

-Việc đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm sẽ làm chấm dứt việc giải quyết vụ án tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.

-Khi đình chỉ vụ án, đương sự không được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về ngừơi khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp. Tuy nhiên nếu như việc đình chỉ xuất phát từ những căn cứ đình chỉ được quy định tại điểm b, c và e khoản 1 Điều 123 và điểm b, đ khoản 1 Điều 143 LTTHC và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật thì người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án đó.

-Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được xử lý theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án. Các trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án tại điểm b, c, d, e, g, h khoản 1 Điều 143 LTTHC thì đương sự được nhận lại tiền tạm ứng án phí và đình chỉ theo căn cứ tại điểm a, đ khoản 1 Điều 143 LTTHC thì tiền tạm ứng sẽ sung vào ngân sách nhà nước.

-Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Thứ ba, thẩm quyền và thủ tục đình chỉ giải quyết VAHC

Điều 145; điểm c khoản 6 Điều 130 và khoản 2 Điều 143, LTTHC lần lượt quy định về thẩm quyền và thủ tục đình chỉ giải quyết vụ án. Theo đó, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sẽ thuộc về Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Khi Thẩm phán đình chỉ thì có trách nhiệm trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự nếu có yêu cầu. Đồng thời, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Thẩm phán phải gửi quyết định cho đương sự và VKS cùng cấp. Như vậy, hình thức của quyết định đình chỉ không được LTTHC đề cập rõ nhưng căn cứ vào biểu mẫu số 14 tại Nghị quyết 02/20217 của HĐTPTANDTC, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm có thể thức là văn bản và có nội dung cụ thể rõ ràng.

2.Một số bất cập, hạn chế và đề xuất hoàn thiện

Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, các Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết VAHC khá chính xác, số lượng các quyết định đình chỉ bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy sửa chiếm tỷ lệ rất thấp. Chất lượng về nội dung và hình thức của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án được bảo đảm. Tuy nhiên, từ khía cạnh lý luận lẫn thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả nhận thấy, một vài quy định về đình chỉ giải quyết vụ án còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần xem xét lại.

Thứ nhất, căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án “Người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa của họ không được thừa kết” quy định điểm a khoản 1 Điều 143 Luật TTHC chưa rõ ràng

Theo quy định tại Điều 59 LTTHC, khi người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền và nghĩa vụ của người đó được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Đây là quy định nhằm bảo đảm quyền tham gia tố tụng của đương sự, giúp họ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình đến cùng của vụ án. Trên tinh thần ấy, vẫn có những trường hợp khi người khởi kiện là cá nhân chết thì Tòa án lại ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, cụ thể là nếu người khởi kiện là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Vì lẽ, việc tiếp tục giải quyết vụ án lúc này không còn ý nghĩa, có chăng chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của Nhà nước. Thế nhưng, từ khi LTTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, nội dung “quyền và nghĩa vụ không được thừa kế” chưa được hướng dẫn một cách cụ thể trong bất kỳ văn bản hướng dẫn thi hành, hay các văn bản giải đáp của TANDTC. Thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, các Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo hai cách tiếp cận như sau.

(1) Quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện không được thừa kế là quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền nhân thân của người khởi kiện. Ví dụ như ông A (32 tuổi) kiện hành vi hành chính không cho ông đổi tên của Ủy ban nhân dân huyện B. Sau khi Tòa án thụ lý giải quyết VAHC, ông A chết. Vì quyền đổi tên là quyền nhân thân gắn liền với người khởi kiện nên không được thừa kế và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

(2) Quyền và nghĩa vụ không được thừa kế là quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản được thừa kế nhưng không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Ví dụ: Ông M kiện quyết định truy thu thuế của Chị cục Thuế quận K. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm ông M chết, Tòa án xác định quyết định truy thu thuế liên quan quyền tài sản của ông M và theo quy định của BLDS, quyền tài sản được thừa kế nhưng trong tình huống này ông M lại không có người thừa kế, kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng nên Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.

Có thể thấy, về mặt lý luận, cách hiểu “quyền và nghĩa vụ không được thừa kế được hiểu là quyền, nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của cá nhân người khởi kiện” có sự hợp lý hơn hẳn. Quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhân thân thì không được chuyển giao trừ trường hợp khác do BLDS quy định[1]. Khi quyền, nghĩa vụ liên quan đến nhân thân mà không được chuyển giao có thể hiểu là không được kế thừa cũng là điều hợp lý. Ngược lại, cách tiếp cận thứ hai, trường hợp quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản được thừa kế mà không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng được hiểu là quyền, nghĩa vụ không được thừa kế thì e rằng chưa hợp lý về mặt tư duy suy luận, có chăng các Tòa án đình chỉ giải quyết trong trường hợp này chỉ là giải pháp mang tính chất “chữa cháy” cho một vấn đề mà pháp luật chưa quy định.

Từ vấn đề trên, tác giả đề xuất pháp luật TTHC cần phải nhận định về hướng giải thích cụ thể thế nào “Quyền và nghĩa vụ không được thừa kế” tại điểm a khoản 1 điều 143 LTTHC. Cụ thể, pháp luật TTHC nên thống nhất giải thích theo cách tiếp cận thứ nhất và hoàn thiện sửa lại điểm a khoản 1 Điều 143 như sau: Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi “người khởi kiện là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ liên quan đến nhân thân của người khởi kiện không được thừa kế; quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản của người khởi kiện mà không có người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng hoặc trường hợp có người thừa kế và kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng nhưng họ đều từ chối thừa kế và kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng”.

Thứ hai, LTTHC chưa quy định cụ thể về thời hạn ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi xuất hiện căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án

Theo các căn cứ để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, có những căn cứ thuộc về quyền tự quyết định, chủ động chấm dứt việc giải quyết vụ án từ chính các đương sự trong vụ án nhưng cũng có những căn cứ lại xuất phát từ những sự việc khách quan, không theo ý muốn của đương sự. Dù vậy, khi Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án phải có trách nhiệm thẩm định, xác minh sự có hay không tồn tại của căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án, tránh các trường hợp đình chỉ không chính xác, gây ảnh hưởng đến các đương sự. Trường hợp có căn cứ theo đúng quy định của LTTHC, Tòa án phải ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, pháp luật TTHC hiện hành lại không quy định thời hạn Tòa án phải ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có căn cứ đình chỉ rõ ràng. Khiếm khuyết này có thể vô hình trung tạo ra lỗ hổng pháp lý làm cho việc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của các Thẩm phán không thống nhất, thời hạn ban hành sẽ do chính các Thẩm phán quyết định theo sự tùy nghi của mình. Việc sớm ban hành quyết định đình chỉ khi xuất hiện căn cứ đình chỉ là cần thiết, giúp cho các đương sự nhận thức nhanh nhất về sự tồn tại của quyết định này, từ đó họ sẽ kịp thời thực hiện các quyền kháng cáo phù hợp quy định của pháp luật, bảo đảm tiến trình giải quyết vụ án không bị gián đoạn quá lâu.

Ở phía VKS, việc Thẩm phán chậm ban hành quyết định đình chỉ khi xuất hiện căn cứ đình chỉ cũng là điều mà VKS gặp khó khăn trong việc thực hành quyền kiểm sát của mình. Do đó, theo tác giả,  LTTHC cần bổ sung vào Điều 143 quy định như sau: “Trong khoảng thời gian 07 ngày kể từ ngày có căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án phải ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”. Thiết nghĩ, với khoảng thời gian này là hợp lý, bảo đảm việc khẩn trương khi ban hành quyết định đình chỉ và cũng góp phần tạo điều kiện để Tòa án đình chỉ giải quyết được chính xác.

Thứ ba, quy định về quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là đối tượng có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có phần chưa hợp lý đối với một số căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án tại khoán 1 Điều 143 LTTHC

Trong TTHC, kháng cáo là quyền thuộc về quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự, người đại diện hợp pháp của các đương sự[2]. Một khi các đương sự thực hiện kháng cáo thì đồng nghĩa rằng, đương sự có mục đích “phản kháng” lại bản án, quyết định chưa có hiệu lực của Tòa án cấp sơ thẩm để giành được phần thắng ở cấp xét xử phúc thẩm. Theo quy định tại khoản 3 Điều 143, Điều 204 LTTHC, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Quy định này, giúp cho đương sự mà cụ thể là các đương sự không đồng tình với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có cơ hội để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xém xét lại tính đúng sai của quyết định đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với ý nghĩa này, rõ ràng dụng ý của nhà làm luật rất dân chủ, tôn trọng và bảo đảm lợi ích cho các đương sự. Thế nhưng, theo quan sát của tác giả, căn cứ để Thẩm phán ban hành quyết định đình chỉ giải quyết khá đa dạng được quy định từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 143 LTTHC, trong đó có những căn cứ đình chỉ không do yếu tố khách quan mà lại do chính bản thân người khởi kiện tự định đoạt, tự nguyện chủ động rút đơn khởi kiện làm chấm dứt việc tiếp tục theo vụ kiện.

Đơn cử là căn cứ đình chỉ rõ nhất ở điểm b, c khoản 1 Điều 143 LTTHC: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”; “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập”. Nhận thấy, khi có một trong các căn cứ này, Thẩm phán sẽ ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Quyết định này ban hành theo khía cạnh tôn trọng và ghi nhận ý muốn chủ quan tự nguyện muốn chấm dứt vụ kiện của người khởi kiện, người liên quan có yêu cầu độc lập. Bởi vậy, việc quy định cho chính người khởi kiện, người liên quan có quyền kháng cáo quyết định đình chỉ ở tình huống trên là không thỏa đáng, thiếu tôn trọng quyết định mà Tòa án đã ban hành. Nghĩa là, khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người liên quan rút yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ. Khi Tòa đình chỉ thì lại chính là người khởi kiện, người liên quan kháng cáo quyết định đó. Điều này phần nào đã tạo áp lực cho các Thẩm phán khi họ ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Do vậy, theo tác giả, khoản 3 Điều 143 LTTHC quy định chung chung theo hướng “quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm” mà chưa có những giới hạn nhất định theo các căn cứ đình chỉ là chưa phù hợp và dường như tạo thêm gánh nặng cho chính các Tòa án hiện nay.

Nên chăng, khoản 3 Điều 143 LTTHC được sửa đổi lại như sau: “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tuc phúc thẩm trừ trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo căn cứ tại điểm b, c khoản 1 Điều 143”.

Thứ tư, pháp luật TTHC chưa quy định về thủ tục đình chỉ giải quyết vụ án hành chính trong trường hợp “người khởi kiện rút đơn khởi kiện nhưng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu độc lập”

Trong suốt quá trình TTHC nói chung, vấn đề tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện, người có quyền liên quan luôn được bảo đảm rõ ràng. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu người khởi kiện rút đơn mà người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện và tiếp tục giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc xử lý như thế này hoàn toàn tôn trọng quyền và quyết định và tự định đoạt của các đương sự. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm mà người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập, Tòa án có phải ban hành một quyết định đình chỉ giải quyết vụ án độc lập nhằm xác định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện không? Hay Tòa án chỉ cần ghi chú vào bản án sơ thẩm với nội dung là đình chỉ giải quyết yêu cầu của người khởi kiện?         

Theo quan sát của tác giả, trên thực tế, có Tòa án thì ban hành một quyết định đình chỉ độc lập nhưng có Tòa án lại không ra quyết định đình chỉ độc lập mà chỉ ghi vào bản án sơ thẩm nhằm xác định nội dung đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút. Mặt khác, trong biểu mẫu số 14 dùng trong TTHC tại Nghị quyết 02/2017 của HĐTPTANDTC chỉ dành cho trường hợp đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án. Nghĩa là, biểu mẫu này áp dụng cho trường hợp cả người khởi kiện, người liên quan đều rút hết yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập.

Do vậy, theo tác giả, LTTHC hoặc văn bản hướng dẫn thi hành LTTHC cần hướng dẫn cụ thể về vấn đề đã nêu trên theo hướng: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Tòa án sẽ ghi nhận việc người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện trong bản án sơ thẩm mà không phải ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Điều này nhằm bảo đảm sự thống nhất khi áp dụng pháp luật giữa các Toà án và đồng thời giản lược tối thiểu các văn bản tố tụng mang tính rườm rà cho các Tòa án hiện nay.         

Kết luận

Đình chỉ giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là một nội dung không hẳn là phức tạp, khó khăn đối với các Tòa án khi giải quyết VAHC. Nhưng vì hậu quả của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lại khá nghiêm trọng, có thể làm mất đi quyền được tiếp tục theo kiện của người khởi kiện nên thiết nghĩ việc nghiên cứu tìm hiểu các nội dung xoay quanh việc đình chỉ giải quyết vụ án luôn mang tính cần thiết. Trên những phần lý luận, chỉ ra các hạn chế tác giả đã đề xuất giải pháp hoàn thiện. Tác giả hy vọng nhận được sự đóng góp thêm cho bài viết  được hoàn thiện hơn.

 

LÊ THỊ MƠ (Giảng viên Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh)

[1] Xem Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015

[2] Điều 204 Luật TTHC

Một phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hành chính tại TAND tỉnh Phú Yên. Ảnh MH