Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản
Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến việc khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản, vì chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện là quyền của người khởi kiện được pháp luật quy định tại Điều 194 BLTTDS năm 2015. Trả lại đơn khởi kiện là một trong những hình thức xử lý đơn của Thẩm phán được phân công nhiệm vụ xem xét đơn khởi kiện, bởi vậy, việc trả lại đơn khởi kiện cũng thường được xem là “đối tượng khiếu nại” của một số đơn, thư khiếu nại mà Tòa án phải giải quyết.
Xử lý đơn khởi kiện đối với việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, mà cụ thể là những hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, thường có những quan điểm khác nhau về điều kiện khởi kiện, đôi khi có Thẩm phán lúng túng trong việc xử lý đơn khởi kiện, từ đó đưa ra những quyết định thiếu chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Do đó, rất nhiều trường hợp người khởi kiện khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán.
Thực trạng tình hình vấn đề
Tại điểm b khoản 2 Điều 192 BLTTDS quy định: “Thẩm phán được quyền trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định” hoặc, theo điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS: “Người khởi kiện không bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của bộ luật này”.
Điều 469 của BLDS quy định:
1. “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền đòi lại tài sản và và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý…”
2. “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền đòi lại tài sản và bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý…”
Như vậy, căn cứ quy định của Điều 469 Bộ luật dân sự thì trước khi thực hiện việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà đó là hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn thì người khởi kiện (người cho vay) phải thực hiện việc thông báo cho người vay một thời gian hợp lý. Hết thời hạn nêu trên, nếu người vay không thực hiện việc trả nợ thì người cho vay mới được tiến hành việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vấn đề tác giả muốn bàn luận ở đây chính là: Khi thực hiện việc khởi kiện, người khởi kiện cần có những tài liệu, chứng cứ gì để đảm bảo được vấn đề “Đủ điều kiện khởi kiện” để Tòa án thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” trong trường hợp này. Như tác giả đã nói ở trên, hiện đang có những quan điểm khác nhau về điều kiện thụ lý đối với đơn khởi kiện về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn, đó là:
Quan điểm thứ nhất: Kèm theo đơn khởi kiện và giấy tờ tài liệu chứng minh nhân thân của người khởi kiện và người bị kiện (nếu có); người khởi kiện phải có những giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho vay và tài liệu chứng cứ thể hiện việc người cho vay đã thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ.
Quan điểm thứ hai: Kèm theo đơn khởi kiện và giấy tờ tài liệu chứng minh nhân của người khởi kiện và người bị kiện (nếu có); người khởi kiện phải có những giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho vay; tài liệu chứng cứ thể hiện việc người cho vay đã thông báo cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ nhưng người vay không thực hiện việc trả nợ (nếu có).
Đối với việc cung cấp tài liệu chứng cứ chứng cứ thể hiện việc người cho vay đã thông báo cho người cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiệc việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ, Thẩm phán thường yêu cầu người khởi kiện bổ sung đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thu thập tài liệu, chứng cứ bằng cách gửi thông báo yêu cầu trả tiền trực tiếp cho đương sự và yêu cầu đương sự ký nhận hoặc gửi qua dịch vụ bưu điện có báo phát… Trong trường hợp này, nếu đương sự cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh thì không cần bàn cãi thêm nữa. Tuy nhiên, nếu người vay đã đi khỏi địa phương, người cho vay không biết hiện nay người vay đang ở đâu nên không thể gửi trực tiếp hoặc thư bị trả về vì người vay không đồng ý ký nhận thông báo hoặc thư bị trả về do không có người nhận thì người khởi kiện (người cho vay) sẽ không có tài liệu chứng cứ để chứng minh để bổ sung đơn khởi kiện cho Tòa án.
Như vậy, nếu chiếu theo quan điểm thứ nhất, thì trường hợp người khởi kiện không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh được việc đã thông báo cho người cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiệc việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ thì căn cứ điểm b, e khoản 1 Điều 192 BLTTDS, trả lại đơn khởi kiện.
Tuy nhiên, theo quan điểm thứ hai, việc thông báo cho người cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiệc việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ thì đây là điều kiện để người cho vay yêu cầu người vay trả nợ, không phải là điều kiện khởi kiện được pháp luật quy định. Do đó, Tòa án vẫn thực hiện việc thụ lý đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án nếu xét thấy người vay chưa có quyền yêu cầu trả tiền vay mà khởi kiện thì Tòa án có thể xử bác yêu cầu khởi kiện.
Bởi đang tồn tại những quan điểm khác nhau về điều kiện thụ lý như vậy nên khi cho rằng việc trả lại đơn khởi kiện là không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình, người khởi kiện đã thực hiện quyền khiếu nại đối với với việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.
Căn cứ theo Điều 194 BLDS: “Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại.
Quá trình giải quyết khiếu nại, thực tế đã xảy ra ở đây cũng là quan điểm điều kiện thụ lý, nên có Thẩm phán chấp nhận đơn khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Tương tự như vậy nhưng ở một vụ việc của đương sự khác, có Thẩm phán không chấp nhận đơn khiếu nại, giữ nguyên thông báo trả lại đơn khởi kiện.
Tòa án giải quyết giải quyết khiếu nại, nhưng cùng một vấn đề nhưng vẫn có những kết luận giải quyết khiếu nại khác nhau là điều bất cập. Với những người làm luật, chúng ta sẽ giải thích lý do là vì pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện thụ lý đối với tranh chấp hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn nên dẫn đến sự khác nhau về quan điểm giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đối với người dân, họ không thể hiểu được hết những quy định của pháp luật, bản thân họ chỉ nhận thấy tại sao cũng một vụ việc khởi kiện nhưng người khác được tòa thụ lý để giải quyết còn đơn của họ lại không được giải quyết. Hệ quả dẫn đến có thể là suy giảm niềm tin vào pháp luật, vào cơ quan nhà nước hoặc cho rằng có sự “mập mờ” trong việc giải quyết đơn của Tòa án.
Kiến nghị
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/ 05 /2017 quy định: “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó. Vậy, việc thông báo cho người cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiệc việc trả nợ và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ thì đây là điều kiện để người cho vay yêu cầu người vay trả nợ, không phải là điều kiện khởi kiện được pháp luật quy định.
Để đảm bảo được sự thống nhất xuyên suốt trong quá trình xử lý đơn khởi kiện và giải quyết khiếu nại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện, kiến nghị TANDTC có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn về điều kiện thụ lý đối với quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được nhiều đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.
Người vay có nghĩa vụ trả nợ - Ảnh: MH
Bài liên quan
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
-
Toà án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có thông báo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ
-
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi đương sự không nộp chứng cứ về việc đã thông báo cho bên vay
-
Những vấn đề bất cập bộc lộ từ một trường hợp trả lại đơn khởi kiện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận