Toà án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có thông báo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ

Sau khi nghiên cứu bài viết “Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản” của tác giả Nguyễn Thị Vân, đăng ngày 28/02/2024[1], người viết đồng ý với quan điểm thứ nhất trong bài viết và có một số ý kiến nhằm bổ sung, làm rõ quan điểm này.

Thứ nhất, căn cứ Điều 186 BLTTDS 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Điểm g Khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015 khi quy định về những nội dung của đơn khởi kiện cũng quy định nội dung đơn khởi kiện phải có nội dung trình bày quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 11 BLDS 2015 cũng quy định khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của BLDS 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc chủ thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ thực hiện đúng nghĩa vụ.

Như vậy, cả BLDS 2015 và BLTTDS 2015 đều quy định theo hướng là khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì chủ thể mới có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, căn cứ Điều 469 BLDS 2015, quyền, lợi ích hợp pháp của người cho vay bị xâm phạm khi người đi vay không thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản đã vay.

- Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

Việc thông báo cho người cho người vay một thời gian hợp lý để thực hiệc việc trả nợ (điều kiện để người cho vay yêu cầu người vay trả nợ) và người vay đã biết được thông báo nhưng không thực hiện việc trả nợ thì mới được xem là quyền, lợi ích hợp pháp của người cho vay bị xâm phạm.

Như vậy, hết khoảng thời hạn hợp lý báo trước mà bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền vay thì mới có căn cứ để cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của bên cho vay bị xâm phạm và bên cho vay có quyền khởi kiện theo quy định của Điều 186 BLTTDS 2015, Điều 11 BLDS 2015.

Thứ ba, về điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của BLTTDS 2015. Khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn người khởi kiện không có quyền khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện khi thuộc trường hợp yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.

Như vậy, khi bên cho vay chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lý để bên vay trả nợ, dẫn đến việc bên vay không biết thời hạn để thực hiện nghĩa vụ với bên cho vay theo người viết là thuộc trường hợp chưa đủ căn cứ để kết luận quyền, lợi ích hợp pháp của bên cho vay bị xâm phạm hoặc cần phải bảo vệ. Phải có hành vi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ và bên có nghĩa vụ từ chối, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay thì mới được xem là quyền, lợi ích hợp pháp của bên cho vay bị xâm phạm, cần bảo vệ.

Thứ tư, về vấn đề thực hiện nghĩa vụ thông báo với người vay khi người vay đã không còn cư trú tại địa phương, người viết cho rằng nghĩa vụ cập nhật địa chỉ mới nhất cho người cho vay là một trong những nghĩa vụ quan trọng của người vay để người cho vay có thể thu hồi lại được tài sản cho vay. Vì vậy, trong trường hợp người cho vay đã gửi thông báo đến địa chỉ cuối cùng mà người vay cung cấp (theo hợp đồng vay, theo các thông báo trao đổi giữa các bên…) nhưng không được người vay ký nhận hoặc bưu điện gửi hoàn do người vay đã thay đổi địa chỉ thì là lỗi cố ý trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của người vay trong khi người cho vay đã thực hiện nghĩa vụ thông báo của mình. Như tinh thần của khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP về địa chỉ cuối cùng của người bị kiện quy định địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.

Thứ năm, trong trường hợp Tòa án vẫn thực hiện việc thụ lý đơn khởi kiện khi người khởi kiện không cung cấp thông báo về việc bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay trong thời hạn hợp lý và hết thời hạn thông báo nhưng bên vay không thực hiện nghĩa vụ thì dù rằng trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy người vay chưa có quyền yêu cầu trả tiền vay mà khởi kiện thì Tòa án có thể xét xử theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên, cần xem xét ở khía cạnh khi một tiến trình tố tụng đã được khởi động từ giai đoạn thụ lý vụ án, đến giai đoạn xét xử, có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì rất tốn kém về thời gian, công sức, tài chính (chi phí đi lại, chi phí luật sư, chi phí in ấn hồ sơ tài liệu, chi phí thực hiện việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng….) của cả hai phía, từ những người tham gia tố tụng đến người tiến hành tố tụng trong khi lượng án Toà án đang phải thụ lý, giải quyết là rất lớn và là áp lực cho đội ngũ cán bộ Toà án nhưng để dẫn đến kết quả là bác yêu cầu khởi kiện vì người vay chưa có quyền yêu cầu trả tiền vay khi chưa thực hiện nghĩa vụ, thủ tục thông báo là sự lãng phí lớn cho thời gian, công sức, tiền bạc của nhiều bên.

Vì vậy, nếu chưa có quyền yêu cầu trả tiền vay từ ban đầu (do chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo) và chưa có căn cứ kết luận quyền, lợi ích hợp pháp của người cho vay bị xâm phạm thì căn cứ các quy định đã phân tích, người viết cho rằng việc trả lại đơn khởi kiện từ ban đầu sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức từ cả phía người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng sau này.

Trên đây là một góc nhìn, quan điểm của người viết về vấn đề tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện của vụ án tranh chấp hợp đồng vay không kỳ hạn liên quan đến nghĩa vụ thông báo của người cho vay. Rất mong nhận được ý kiến góp ý từ quý độc giả của Tạp chí Toà án.

DƯƠNG THỊ CHIẾN (Công ty Luật TNHH Pros Legal, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh)

[1] https://www.tapchitoaan.vn/khieu-nai-ve-viec-tra-lai-don-khoi-kien-tranh-chap-vay-tai-san10375.html, truy cập ngày 26/5/2024

TAND thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự- Ảnh: Thúy Hằng