Một số điểm mới trong Bộ luật Lao động 2019 về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án  so với Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bộ luật Lao động (BLLĐ) số 45/2019/QH14 gồm 17 Chương, 220 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.[1] Một trong những điểm thay đổi đáng kể nhất là về việc bổ sung, bãi bỏ một số quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) liên quan đến vấn đề về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trong bài viết này, tác giả chỉ ra những quy định chung về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại BLTTDS 2015, chỉ ra những điểm thay đổi giữa quy định của BLLĐ 2019 so với BLTTDS 2015 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và từ đó tác giả đã chỉ ra những điểm tích cực cũng như những điểm hạn chế cơ bản khi áp dụng trên thực tế.

Việc nghiên cứu này, có ý nghĩa trong việc nhìn nhận và xác định cũng như áp dụng đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động. Đồng thời qua đó, Tòa án có thể căn cứ xác định những tranh chấp lao động một cách cụ thể, rõ ràng hơn, góp phần đảm bảo quyền lợi cho mỗi bên tham gia trong quan hệ lao động. 

1.Quy định về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại BLTTDS 2015

Theo quy định tại Điều 32 BLTTDS 2015 thì những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:

Thứ nhất, về tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: (i) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; (ii) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; (iii) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; (iv) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; (v) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.[2]

Thứ hai, tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.[3]

Thứ ba, tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm: (i)Tranh chấp về học nghề, tập nghề; (ii) Tranh chấp về cho thuê lại lao động; (iii) Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; (iv) Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.[4]

Thứ tư, tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.[5]

Thứ năm, các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.[6]

2.Một số điểm thay đổi về những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại BLTTDS 2015 khi BLLĐ 2019 phát sinh hiệu lực pháp lý

Kể từ ngày 01/01/2021 thì BLLĐ 2019 sẽ phát sinh hiệu lực và được áp dụng thay thế bởi BLLĐ 2012 đã được ban hành trước đó và đồng thời cũng kể từ thời điểm này khi những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà trước đó đã được quy định trong BLTTDS 2015 cũng có một số thay đổi.

Cụ thể tại khoản 2 Điều 219 BLLĐ 2019 có quy định về việc sửa đổi, bổ sung Điều 32 của BLTTDS số 92/2015/QH13 như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung tên Điều 32 BLTTDS 2015

BLLĐ 2019 đã bổ sung tên Điều 32 trong BLTTDS 2015 như sau: “Điều 32. Những tranh chấp về lao động và tranh  chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”.

Như vậy, tại BLLĐ 2019 thì nhà lập pháp đã bổ sung thêm đoạn: “và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”

Thứ hai, bổ sung tại khoản 1 Điều 32 BLTTDS

BLLĐ 2019 đã có sửa đổi và bổ sung đoạn “hoặc không hòa giải trong thời hạn theo quy định của pháp luật”  thành đoạn “hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải”.

Thứ ba, thay đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 32 BLTTDS 2015.

Nếu như trước đó BLTTDS 2015 quy định: “Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thì BLLĐ 2019 đã bỏ thuật ngữ “đơn vị sự nghiệp công lập” bằng thuật ngữ “tổ chức”. Với quy định này, cho thấy rằng BLLĐ 2019 đã mở rộng đối tượng không chỉ dừng lại là các đơn vị sự nghiệp công lập. Vấn đề này đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và các quan hệ lao động ngày càng đa dạng. Do đó, vấn đề bồi thường thiệt hại không chỉ đặt ra trong khuôn khổ là đơn vị sự nghiệp công lập khi đưa người lao động làm việc ở nước ngoài mà còn là các tổ chức khác.

Thứ tư, bổ sung điểm e vào khoản 1 Điều 32 BLTTDS 2015

Nếu như trước đó BLLTTDS 2015 tại khoản 1 Điều 32 chỉ có 4 tranh chấp lao động không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải thì tại BLLĐ 2019 đã ghi nhận và bổ sung thêm một quy định mới trong trường hợp: “Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”

Thứ năm, bổ sung các khoản 1a, 1b và 1c vào sau khoản 1 Điều 32 BLTTDS 2015 như sau:

- Tại khoản 1a. Tranh chấp lao động cá nhân mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.[7]

- Tại khoản1b. Tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật về lao động đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải không thành, hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.[7]

- Tại khoản 1c. Tranh chấp lao động tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. [7]

Như vậy, với việc bổ sung các khoản 1a, 1b và 1c vào sau khoản 1 Điều 32 BLTTDS 2015 sẽ làm rõ và cụ thể hơn khi Tòa án xác định tranh chấp lao động liên quan đến cá nhân, cũng như tranh chấp lao động liên quan về quyền.

Thứ sáu: Bãi bỏ khoản 2 Điều 32 BLTTDS 2015

Theo quy định tại BLTTDS 2015 thì tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.” thì tại BLLĐ 2019 đã bãi bỏ quy định này vì BLTTDS 2015 được ban hành dựa trên sự kế thừa của BLLĐ 2012 trước đó. Do đó, kể từ thời điểm BLLĐ 2019 được ban hành đã bãi bỏ quy định trên, Điều 219 BLLĐ 2019 phải đều chỉnh để cho phù hợp với khoản 2 Điều 179 BLLĐ 2019.

3.Một số đánh giá chung

3.1.Về điểm tích cực

Thứ nhất, sự thay đổi trên đã bao quát toàn diện một số vấn đề chung được ra trong BLLĐ 2019 để khi xác định giải quyết tranh chấp trên thực tế xảy ra. Mặt khác, sự thay đổi một số quy định trong BLLĐ 2019 khi áp dụng tại Điều 32 BLTTDS 2015 nhằm áp dụng đồng nhất với một số quy định mới trong BLLĐ 2019.

Thứ hai, sự thay đổi trên đã góp phần củng cố và đảm bảo quyền lợi của người lao động khi có tranh chấp xảy ra.

Ví dụ: Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Nếu trường hợp này khi phát sinh tranh chấp thực tế thì Tòa án giải quyết sẽ khó áp dụng một Điều khoản cụ thể trong BLTTDS 2015 để giải quyết tranh chấp và cũng khó có cơ sở để bảo đảm được quyền lợi hợp pháp cho người lao động thuê lại. Vì thế, sự ra đời BLLĐ 2019 đã bổ sung quy định này nhằm đồng nhất, cụ thể hóa quy định tại Mục 5 Chương III về cho thuê lại lao động trong BLLĐ 2019.

Thứ ba, sự thay đổi trong BLLĐ 2019 so với BLTTDS 2015 về phạm vi được áp dụng xác định tranh chấp rộng hơn và rõ ràng hơn. Mặc khác, BLLĐ 2019 đã đề cập và chỉ rõ hơn các vấn đề liên quan đến tranh chấp lao động tập thể về quyền sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án khi áp dụng giải quyết tranh chấp lao động về vấn đề này.

b. Về điểm hạn chế

 Việc quy định các tranh chấp lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong BLLĐ 2019, bên cạnh tạo ra một số điểm tích cực, song bên cạnh đó, dưới góc nhìn của tác giả thì cũng có một số bất cập và khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Cụ thể:

Thứ nhất, việc quy định giữa văn bản nội dung với văn bản tố tụng là hoàn toàn khác nhau. Hầu như, những quy định trong văn bản luật tố tụng sẽ là những cơ sở pháp lý khi Tòa án có thẩm quyền ưu tiên để xem xét các quan hệ tranh chấp giải quyết.

Thứ hai, việc quy định trong BLLĐ 2019 chưa đảm bảo tính khoa học về mặt pháp lý về sự tương thích giữa Luật hình thức và Luật nội dung.

Bởi vì, bản chất pháp luật nội dung được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật chứa đựng những quy định mà nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội. Còn pháp luật về hình thức được hiểu là các quy phạm pháp luật xác định cơ chế, quy trình, thủ tục và hình thức pháp lý nhằm đưa các quy định trong các quy phạm pháp luật nội dung. Do vậy, trong một văn bản luật vừa quy định pháp luật về nội dung và vừa quy định pháp luật về hình thức là không được logic và tương thích về mặt pháp lý.

Thứ ba, vấn đề áp dụng quy định giữa BLLĐ 2019 với BLTTDS 2015 về nguyên tắc giống nhau, nhưng nếu rơi vào tranh chấp có sự thay đổi thì lúc này cơ quan có thẩm quyền phải nghiên cứu cụ thể trong BLLĐ 2019 để giải quyết. Như vậy, khi đưa ra xét xử về bản chất là tố tụng mà trước đó đã có văn bản là BLTTDS 2015 quy định nhưng sau đó đã được thay đổi và bổ sung trong BLLĐ 2019 thì việc áp dụng trong trường hợp này nếu rơi vào những điểm thay đổi trong BLLĐ 2019 thì sẽ áp dụng trong BLLĐ 2019. Vậy, lúc này văn bản BLTTDS thực chất chỉ mang tính hình thức từ sự viện dẫn quy định trong BLLĐ 2019.

Thứ tư, Luật ban hành sau không không mang tính khả thi. Vấn đề này có thể thấy rằng, BLLĐ 2019 phát sinh hiệu lực vào ngày 01/01/2021 còn BLTTDS phát sinh hiệu lực vào ngày 01/07/2016. Do vậy, sẽ xảy ra tình trạng nếu trong trường hợp quan hệ pháp luật lao động phát sinh trước thời điểm BLLĐ 2019 có hiệu lực nhưng sau thời điểm BLLĐ 2019 này phát sinh tranh chấp thì cũng không thể áp dụng BLLĐ 2019. Vì các quan hệ diễn ra vào trước thời điểm văn bản này có hiệu lực. Do vậy, dù được ban hành và phát sinh hiệu lực nhưng vẫn không thể áp dụng được ngay.

Ví dụ: Ngày 20/12/2018 Doanh nghiệp A ký hợp đồng cho thuê lại lao động với B thời hạn là 2 năm. Ngày 2/2/2021 giữa Doanh nghiệp A và B phát sinh tranh chấp và B đã khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền.

Trong trường hợp này nếu xét dưới góc độ BLLĐ 2019 tại khoản 2 điểm a Điều 219 thì đây là tranh chấp lao động giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Tuy nhiên, vì hợp đồng cho thuê lại lao động đã được xác lập trước thời điểm ngày 1/1/2021 mặc dù các bên phát sinh tranh chấp và khởi kiện tại Tòa án khi BLLĐ 2019 phát sinh hiệu lực pháp lý thì lúc này Tòa án chỉ có thể áp dụng các quy định tại Điều 32 BLTTDS 2015 để giải quyết chứ không thể áp dụng các quy định sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 219 BLLĐ 2019. Do vậy, vấn đề xảy ra: Luật đã được ban hành và đã có hiệu lực nhưng không thể điều chỉnh giải quyết, mặc khác đây là tranh chấp lao động giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại là một quy định bổ sung để khi Tòa án giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này khi Tòa án giải quyết rất khó xác định thuộc trường hợp cụ thể nào mà Điều 32 BLTTDS 2015 không đề cập loại tranh chấp này.

 

Một phiên tòa xét xử tranh chấp lao động tại Đà Nẵng - Ảnh: Ngọc Yến/ BĐN

TRẦN VĂN TỪ (Cao học Luật Kinh tế K14 – Trường Đại học Luật Huế)