Quyền phản tố của bị đơn và giải quyết khiếu nại với yêu cầu phản tố trong vụ án hôn nhân gia đình
Sau khi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xác định yêu cầu của bị đơn có phải phản tố hay là một yêu cầu mới theo quy định của BLTTDS thì sẽ phát sinh quyền khiếu nại của các đương sự và việc giải quyết khiếu nại như thế nào hiện nay còn có những quan điểm, cách giải quyết khác nhau.
Quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn theo BLTTDS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tố tụng của bị đơn, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh, toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự. Tác giả cũng đồng tình và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà các đồng nghiệp đã đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử. Đây là kênh thông tin rất bổ ích cho quá trình trao đổi kinh nghiệm giải quyết án tại các Tòa án địa phương trên toàn quốc; đặc biệt là các bài viết của tác giả Hoàng Quảng Lực, đăng ngày 11/10/2022 và bài viết của tác giả Dương Tấn Thanh, đăng ngày 14/10/2022 về xác định yêu cầu phản tố.
1. Quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của đương sự; quyền phản tố và thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn
1.1. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 BLTTDS 2015 như sau: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự…, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình…”.
1.2. Quyền, nghĩa vụ của đương sự được quy định tại khoản 4 Điều 70 BLTTDS năm 2015: “Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:… Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này;…”.
1.3. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn được quy định tại khoản 4 Điều 70 BLTTDS năm 2015: “Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.”
1.4. Quyền phản tố của bị đơn được quy định tại khoản 1 Điều 200 BLTTDS năm 2015:“Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.
1.5. Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015[1]: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Quy định pháp luật nêu trên qua thực tiễn áp dụng có nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến cách giải quyết khác nhau.
2. Thực tiễn áp dụng pháp luật
2.1. Ngày 13/8/2022, TAND Tp NT thụ lý vụ án ly hôn giữa nguyên đơn ông Dương Văn T và bị đơn bà Võ Thị D. Nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với bị đơn và con chung, không yêu cầu giải quyết tài sản chung.
Ngày 23/8/2022, Tòa án tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, các bên đã thống nhất các vấn đề về: Ly hôn, con chung, tài sản chung không yêu cầu Tòa án giải quyết. Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, cụ thể: Nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; con chung: Giao 1 con chung cho nguyên đơn trực tiếp nuôi dưỡng, nguyên đơn không yêu cầu bị đơn cấp dưỡng nuôi con chung; tài sản chung: Nguyên đơn, bị đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết[2].
Ngày 26/8/2022, bị đơn bà D thay đổi ý kiến trong biên bản hòa giải thành kèm theo nộp đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung.
2.2. Qua ví dụ trên, hiện có các quan điểm giải quyết như sau:
2.2.1. Thẩm phán ra Thông báo trả lại đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung theo Điều 192 BLTTDS năm 2015 vì cho rằng đơn phản tố sau phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải nên chưa đủ điều kiện khởi kiện, nếu có khiếu nại sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 194 BLTTDS năm 2015.
2.2.2. Thẩm phán ra Thông báo không chấp nhận đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn, bị đơn có quyền khởi kiện thành vụ án khác về chia tài sản sau ly hôn vì xác định đây không phải là thay đổi ý kiến tại biên bản hòa giải thành mà là yêu cầu bổ sung, yêu cầu bổ sung này được đưa ra sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải[3]; hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, Thẩm phán ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo Điều 212 BLTTDS năm 2015[4].
2.2.3. Thẩm phán xác định đây là ý kiến thay đổi về sự thỏa thuận nên không ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, tiến hành thụ lý bổ sung đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn vào vụ án trên, tiếp tục thực hiện các thủ tục tố tụng và xét xử vụ án theo quy định pháp luật.
2.3. Sau khi Thẩm phán giải quyết đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung, phát sinh trường hợp đương sự khiếu nại đối với Thông báo trả lại đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung, Thông báo không chấp nhận đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung nêu trên. Như vậy, việc giải quyết khiếu nại trong trường hợp này sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về trường hợp này dẫn đến có nhiều hướng giải quyết khác nhau:
Hướng giải quyết 1: Đối với khiếu nại Thông báo trả lại đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung tại mục 2.2.1. Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại, Chánh án phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại theo Điều 194 BLTTDS năm 2015. Vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại. Thẩm phán căn cứ vào khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 xét thời điểm nộp yêu cầu phản tố của bị đơn là sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nên chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015[5].
Thẩm phán quyết định: Không chấp nhận khiếu nại Thông báo trả lại đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, căn cứ trả lại đơn là vì bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chưa được quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015[6] cho nên theo hướng giải quyết này thì TANDC phải bổ sung thêm căn cứ này vào 1 trong các trường hợp Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện tại điều luật nêu trên.
Hướng giải quyết 2: Đối với khiếu nại Thông báo không chấp nhận đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung tại mục 2.2.2. Chánh án căn cứ vào Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC[7] để xác định yêu cầu này của bị đơn là yêu cầu phản tố chứ không phải là ý kiến. Quan điểm này cùng quan điểm với tác giả Dương Tấn Thanh và tác giả Chu Xuân Minh về xác định yêu cầu phản tố[8]. Theo như hướng giải quyết 1, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 [9] thì bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Áp dụng quy định về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố cũng tương tự như quy định về thời điểm nguyên đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tại mục 7 phần III Văn bản số: 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ[10] như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Pháp luật đã giới hạn thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố là phải trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Pháp luật không hướng dẫn hay giải thích gì thêm về trường hợp này, cho nên khi bị đơn có yêu cầu phản tố sau thời điểm này đều không được xem xét. Quy định trên để tránh trường hợp bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố ngay từ đầu trong quá trình hòa giải mà đợi đến khi Tòa án đã tiến hành hòa giải xong, đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa mới đưa ra yêu cầu phản tố làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, thậm chí là gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Như vậy, đối với ví dụ trên, bị đơn nộp đơn phản tố sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nên việc Thẩm phán không chấp nhận đơn phản tố là đúng quy định.
Chánh án quyết định: Không chấp nhận khiếu nại Thông báo không chấp nhận đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung, giữ nguyên Thông báo nêu trên.
Hướng giải quyết 3: Hướng giải quyết này như Quan điểm tại mục 2.2.3. cũng là quan điểm của tác giả. Chánh án xét về đặc thù của vụ án Hôn nhân gia đình có mối quan hệ chặt chẽ giữa ly hôn, con chung và tài sản chung. Như vậy phản tố trong vụ án ly hôn có những điểm khác biệt so với những vụ án dân sự thông thường khác về mức độ liên kết, chặt chẽ giữa quan hệ hôn nhân đối với con chung và vai trò chi phối, phụ thuộc giữa quan hệ hôn nhân đối với tài sản chung. Vấn đề này cũng được tác giả Chu Xuân Minh lưu ý, phân tích rõ trong bài viết về “Phản tố trong vụ án ly hôn”.
Đối với vụ án trên, bị đơn có yêu cầu phản tố về chia tài sản chung trong thời hạn 07 ngày sau ngày lập biên bản hòa giải thành. Tòa án không thể từ chối thụ lý đơn yêu cầu phản tố với lý do thời điểm nộp đơn phản tố không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, đương sự được thay đổi ý kiến, bị đơn được bổ sung yêu cầu phản tố. Nếu không chấp nhận thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Mặt khác, BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là khi nào? Pháp luật cũng không giới hạn việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là bao nhiêu lần? Khoảng trống pháp lý khi pháp luật không ghi nhận việc bổ sung yêu cầu phản tố trong khoảng thời gian từ sau khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đến trước thời điểm mở phiên tòa theo phân tích và quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Chất và Phạm Thanh Phương về xác định yêu cầu phản tố[11]. Cho nên, cần thụ lý đơn phản tố để giải quyết được toàn diện vụ án.
Tòa án tiến hành lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vẫn đảm bảo tố tụng, bởi lẽ khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015[12] chỉ quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà không quy định cụ thể giai đoạn tố tụng được thụ lý đơn phản tố. Việc thụ lý đơn phản tố và mở lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm kiểm tra tài liệu, chứng cứ mà các đương sự đã cung cấp cũng như nhằm xác định những tài liệu, chứng cứ các đương sự cần nộp bổ sung và tài liệu, chứng cứ nào Tòa án cần phải thu thập, làm rõ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; Đồng thời, Thẩm phán cũng tại điều kiện cho các đương sự có thể thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án, qua đó Thẩm phán có thể xác định được nội dung nào thống nhất và nội dung nào còn mâu thuẫn cần phải làm rõ, để từ đó có phương án giải quyết vụ án đúng đắn.
Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS2015 về quyền thay đổi ý kiến của đương sự; Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 4 Điều 72 BLTTDS 2015[13] về quyền và nghĩa vụ của đương sự thì việc xác định yêu cầu phản tố trên của bị đơn phải được Tòa án xem xét giải quyết và nếu Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản trong cùng một vụ án ly hôn thì sẽ thuận tiện và nhanh hơn so với việc phải tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng để giải quyết trong vụ án khác. Tòa án thụ lý đơn phản tố của bị đơn, tổ chức lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, sau đó đưa vụ án ra xét xử theo quy định.
Như vậy, Chánh án chấp nhận khiếu nại: Thông báo trả lại đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung, Thông báo không chấp nhận đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung; quyết định Thẩm phán nhận, thụ lý đơn phản tố yêu cầu chia tài sản chung và tiến hành giải quyết yêu cầu này trong cùng 1 vụ án.
2.4. Từ những phân tích trên có thể thấy, việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn có tác động to lớn tới quá trình giải quyết vụ án về mặt nội dung và hình thức, giúp cho vụ án được giải quyết triệt để, chính xác, khách quan hơn mà không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án. Chính vì vậy, TANDTC cần hướng dẫn cụ thể, tạo mọi điều kiện để đương sự thực hiện quyền của mình chứ không hạn chế quyền phản tố vì thời điểm yêu cầu không đúng theo quy định pháp luật.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
3.1. TANDTC có quy định về thời điểm phản tố của bị đơn trong vụ án Hôn nhân gia đình tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015[14] theo hướng: Bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để áp dụng pháp luật được thống nhất; tránh trường hợp sau khi vụ án được xét xử, cấp phúc thẩm hủy án vì lý do thụ lý đơn phản tố của bị đơn sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
3.2. Để tránh cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc vận dụng và áp dụng pháp luật để giải quyết khác nhau của các Tòa án, tác giả kiến nghị TANDTC trong thời gian tới có quy định chi tiết, rõ ràng về quyền phản tố và thời điểm phản tố của bị đơn trong vụ án Hôn nhân gia đình; thủ tục giải quyết khiếu nại đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán về việc bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn tố sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nói riêng cũng như ban hành nghị quyết chuyên biệt về giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán trong từng điều luật cụ thể nói chung và quy định các biểu mẫu áp dụng cho từng trường hợp trong quá trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp Hôn nhân gia đình.
Kết luận
Quyền yêu cầu phản tố là một quyền đặc trưng của bị đơn trong vụ án dân sự. Việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn và giải quyết khiếu nại đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán về việc bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chính bị đơn mà còn đảm bảo quyền lợi cho các đương sự khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa quy định đầy đủ cũng như chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể nên thủ tục thụ lý yêu cầu phản tố, giải quyết khiếu nại đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán về yêu cầu phản tố của bị đơn vẫn còn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, cần ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời để góp phần hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án “Chia di sản thừa kế và yêu cầu trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” Ảnh: Phương Anh
[1] Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
[2] Công văn số 55/TANDTC ngày 20/3/2018 v/v tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.
[3] Khoản 3 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Mục 7 Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ;
[4] Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
[5] Điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
[6] Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
[7] Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
[8] Bài viết: “Bị đơn yêu cầu chia tài sản trong trường hợp nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết ly hôn, cần được chấp nhận” của tác giả Dương Tấn Thanh, đăng ngày 14/10/2022 trên Tạp chí TAND điện tử;
Bài viết: “Phản tố trong vụ án ly hôn” của tác giả Chu Xuân Minh, đăng ngày 30/12/2019 trên Tạp chí TAND điện tử;
[9] Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
[10] Mục 7 phần III Văn bản số: 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ;
[11] Bài viết: “Xác định việc bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập theo quy định của BLTTDS 2015” của tác giả Nguyễn Văn Chất – Phạm Thanh Phương, đăng ngày 14/9/2022 trên Tạp chí TAND điện tử;
[12] Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
[13] Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[14] Khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Bài liên quan
-
Một số ý kiến về việc giải quyết các vụ án tranh chấp có đối tượng là bất động sản theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
Bàn về yêu cầu giám định trong tố tụng dân sự
-
Bàn về mức nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình
-
Bàn về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong tố tụng dân sự - Một số vướng mắc và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận