Thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt

Việc xác định thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt được xác định dựa trên yêu cầu khởi kiện của đương sự và quy định của BLTTDS và các văn bản có liên quan. Tuy nhiên hiện nay việc áp dụng pháp luật và phân định thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất.

1. Quy định của pháp luật hiện hành

Theo quy định  tại khoản 9 Điều 26 của BLTTDS thì “Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật đất đai” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Điều 34 của BLTTDS dân sự quy định:

1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy theo quy định như trên thì đối với những vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt, cụ thể ở đây là hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì thẩm quyền giải quyết vụ án được xác định tương ứng với các quy định Luật Tố tụng hành chính.

TANDTC đã có nhiều giải đáp để hướng dẫn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt như sau:

*Mục II Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC đã hướng dẫn, theo đó, không phải bất cứ vụ án dân sự về “tranh chấp đất đai” nào, nếu có đương sự yêu cầu hủy quyết định cá biệt (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì Tòa án cấp huyện đều phải chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền, mà phải tùy vào các trường hợp sau:

Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp tỉnh thì TAND cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho TAND cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó;

Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự (có thể đương sự có yêu cầu hoặc không có yêu cầu hủy) thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết (Tòa án cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết vụ án dân sự).

Do vậy, yêu cầu của đương sự về việc hủy quyết định cá biệt trong vụ việc dân sự không phải là căn cứ để chuyển thẩm quyền giải quyết vụ án cho Tòa án cấp tỉnh. Khi Tòa án cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, cho dù có hay không có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì Tòa án không được chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh, mà cần tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự; trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, nếu có cơ sở xác định “quyết định cá biệt trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” thì mới chuyển hồ sơ lên Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền để giải quyết; nếu không có căn cứ xác định quyết định cá biệt đó là “trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” thì Tòa án cấp huyện tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thẩm quyền

*Điểm 3, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của TANDTC có hướng dẫn như sau:

3. Trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết như thế nào?

Khoản 4 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Khoản 1 Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”.

Khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

Điểm 7, mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 hướng dẫn: “...Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của TANDTC nêu trên thì khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.

2. Thực tiễn áp dụng pháp luật

Trên cơ sở vận dụng giải đáp của TANDTC và quy định của BLTTDS thì hiện nay có hai quan điểm về xác định thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Quan điểm thứ nhất: Chỉ cần có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết vụ án là của TAND tỉnh

Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả: Những vụ án tranh chấp đất đai có yêu cầu hủy quyết định cá biệt vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trong trường hợp xác định rõ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó dẫn đến làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án cấp huyện đang giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc đó cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo quy định. Còn nếu không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.

Thực trạng hiện nay khá phổ biến là chỉ cần đương sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi khởi kiện đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh mà không cần quan tâm có cần thiết phải hủy giấy chứng nhận hay không, giấy chứng nhận đó có được cấp trái quy định pháp luật hay không… Đơn cử có vụ án các đương sự tranh chấp 2,025m2 hoặc 10m2 đất và khi giải quyết vụ án nếu có căn cứ chấp nhận đơn thì Tòa án tuyên bị đơn phải trả lại phần diện tích đất tranh chấp cho nguyên đơn, và các bên đương sự chỉ phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để chỉnh lý lại diện tích đất theo bản án đã tuyên mà không nhất thiết phải hủy giấy chứng nhận. Hoặc có vụ án tranh chấp hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất đã được thụ lý từ năm 2022, khi Tòa án cấp huyện xem xét giải quyết thì nhận thấy không đủ căn cứ để hủy giấy chứng nhận nhưng cấp huyện vẫn chuyển hồ sơ vụ án lên TAND tỉnh để giải quyết... Dẫn đến việc các án tranh chấp đất đai hầu hết được chuyển thẩm quyền cho Toà án cấp tỉnh, gây nên quá tải trong công tác giải quyết án.

3. Kiến nghị đề xuất

Thực tế cho thấy việc hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 34 của BLTTDS chưa được nhất quán nên khi có vụ án tranh chấp liên quan đến huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TAND huyện đều  chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh để giải quyết. Để áp dụng thống nhất pháp luật thì TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng Điều 34 của BLTTDS.

Kiến nghị sửa khoản 4 Điều 34 BLTTDS theo hướng “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp phải hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

NGUYỄN XUÂN HƯNG (Chánh án TAND huyện Đak Đoa) và NGUYỄN THỊ KIM LIÊN (Tòa Dân sự - TAND tỉnh Gia Lai)

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử  vụ án hành chính sơ thẩm yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: Vũ Phương Thảo