Thực hiện điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm
Từ việc phân tích một số quy định của pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, trên cơ sở đánh giá việc áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quy định này.
1. Quy định của pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm
Theo khoản 2 Điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Theo đó, có thể hiểu, bảo hiểm là sự cam kết bồi thường của người bảo hiểm với người được bảo hiểm về những thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm do rủi ro đã thỏa thuận gây ra, với điều kiện người được bảo hiểm đã thuê bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm và nộp một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm. Như vậy, bảo hiểm hình thành do sự tồn tại các loại rủi ro và sự đòi hỏi con người phải có những biện pháp đề phòng, ngăn chặn việc xảy ra rủi ro, đồng thời khắc phục, hạn chế những hậu quả của rủi ro. Tuy nhiên, phạm vi của bảo hiểm chỉ là bồi thường tổn thất cho những rủi ro đã thỏa thuận với yêu cầu đảm bảo điều kiện được bảo hiểm. Sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch bảo hiểm được cụ thể hóa bằng hợp đồng bảo hiểm.
Theo Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Thực tế, hợp đồng bảo hiểm thường theo mẫu. Bên cạnh những điều khoản bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ là một điều khoản cơ bản (bắt buộc phải có và phải được thể hiện cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm).
Điều khoản loại trừ trách nhiệm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Mục đích của điều khoản này là: (i) Bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán do hậu quả của một rủi ro lớn, gây thiệt hại trên diện rộng và không có quy luật rõ ràng; (ii) Bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội, chống trục lợi bảo hiểm; (iii) Đảm bảo mức phí bảo hiểm hợp lý, giúp nhiều người có thể tham gia bảo hiểm. Bởi có tính đặc thù nên Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 dành một điều khoản riêng (Điều 19) quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như sau:
“1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
2. Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
3. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo”.
Trên thực tế, hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng gia nhập (adhesion contract), pháp luật chưa kiểm soát về sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua thường không được đàm phán lại. Dựa trên cơ sở này, các doanh nghiệp bảo hiểm thường bổ sung, mở rộng thêm nhiều diện rủi ro khác để loại trừ nhằm thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Dù tạo ra loại sản phẩm phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đối tượng bảo hiểm, hoặc để giảm chi phí nhằm phù hợp với khả năng tài chính của người tham gia, nhưng điều này vẫn gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm. Người mua muốn được bảo hiểm thêm rủi ro loại trừ thì họ cần được sự chấp nhận của doanh nghiệp bảo hiểm và phải trả thêm phí để chuyển đổi rủi ro loại trừ thành rủi ro được bảo hiểm.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định các trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm, nhằm bảo vệ bên mua (bên yếu thế hơn). Do đó, cần chú ý xem xét nguyên nhân của bên mua khi vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng bảo hiểm.
Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bỏ trường hợp “không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý”. Đây là điều khoản tiến bộ và giúp cân bằng lợi ích giữa các bên hơn so với điều khoản cũ. Bởi lẽ, mục đích của mua bảo hiểm là bù đắp các tổn thất, khắc phục thiệt hại, rủi ro ngẫu nhiên... Trong khi đó, vi phạm pháp luật do vô ý cũng là sự việc không mong muốn. Theo đó, nếu bên mua bảo hiểm có thể thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện hoặc để mặc cho nó xảy ra, thì đã đủ cơ sở cấu thành yếu tố lỗi trong quan hệ dân sự. Việc bổ sung này trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 là phù hợp, rõ ràng hơn; tránh trường hợp cẩu thả, vô trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định về an toàn, vi phạm các điều kiện để được bảo hiểm, nhưng vẫn muốn được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Ngoài quy định chung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (Điều 19), Điều 40 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 còn quy định các trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm. Đây là những sự kiện mà khả năng rất lớn bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm thúc đẩy để trục lợi bảo hiểm và nếu các chủ thể này được thanh toán tiền bảo hiểm thì sẽ đi ngược với các giá trị xã hội cần được bảo vệ. Điểm d khoản 1 Điều 40 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 chỉ chú ý đến sự kiện bên được bảo hiểm “chết do bị thi hành án tử hình”, tức là sự kiện bên được bảo hiểm thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, còn sự kiện vi phạm pháp luật ở mức độ nhẹ hơn của bên được bảo hiểm (như chung thân) thì xử lý như thế nào?
2. Thực tiễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm
Thực tiễn áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm hiện nay có những hạn chế, bất cập nhất định. Đặc biệt là khi Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 không quy định áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý.
Ví dụ: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá giữa Công ty bảo hiểm M và chủ tàu cá D. Trong hợp đồng bảo hiểm tàu cá, một trong những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là: Trường hợp bên được bảo hiểm không tuân thủ điều kiện được bảo hiểm thì bên bảo hiểm không phải bồi thường.
Anh D là chủ tàu cá có ký hiệu QB123 là người được bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số 123x, gói bảo hiểm thân tàu với số tiền bảo hiểm là 2 tỉ 790 triệu đồng. Ngày 18/4/2019, sau khi ký kết với Công ty M, anh D đã được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá. Thời hạn bảo hiểm tính từ 0h00 phút ngày 07/5/2019 đến ngày 06/5/2020. Vào khoảng 13 giờ 35 phút ngày 22/7/2019, tàu cá của của anh D làm thủ tục xuất bến tại trạm kiểm soát biên phòng. Tàu gồm 06 thuyền viên. Sau khi ra khơi, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, tàu cá tiến hành bỏ neo chuẩn bị ra sào. Trong lúc ra sào, tàu bị nghiêng về bên phải. Anh D phát hiện nước tràn vào tàu nên cùng các thuyền viên dùng bơm tháo nước và nổ hết các máy để cứu tàu và làm cân tàu để khắc phục. Do nước tràn vào quá nhiều, anh D và các thuyền viên không thể khắc phục được. Anh D gọi cho tàu ông M đang hoạt động ở gần đó đến ứng cứu, khoảng 18 giờ 35 phút, tàu ông M tới nơi thì 10 phút sau tàu của anh D chìm hẳn. Sau đó, tàu của ông M đưa tất cả mọi người vào bờ trình trạm kiểm soát lúc 23 giờ 30 phút cùng ngày.
Sau khi xảy ra sự cố, anh D đã thông báo ngay về sự kiện bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm M và tiến hành làm các thủ tục, báo cáo sự việc. Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm M từ chối bảo hiểm với lý do: (1) Nguyên nhân gây ra chìm tàu do hở đường xảm trét chai không thuộc trường hợp rủi ro được bảo hiểm; (2) Giấy phép khai thác thủy sản, nghề khai thác tàu anh D đăng ký là nghề chụp mực và câu, hoạt động tại vùng khơi, nhưng vào thời điểm xảy ra sự cố bảo hiểm, anh D và tàu cá đã có hoạt động “ra sào tại vùng lộng”. Hoạt động này của anh D và tàu cá nằm ngoài giấy phép được cấp, không thỏa mãn các điều kiện được bảo hiểm. Do đó, Công ty M không bồi thường những tổn thất xảy ra trong thời hạn bảo hiểm, kể cả những tổn thất gây ra bởi rủi ro được bảo hiểm nếu tàu hoạt động không đúng công dụng, không đúng phạm vi cho phép của cơ quan chức năng.
Có quan điểm cho rằng, việc “ra sào” không phải là hoạt động tiến hành khai thác, mà chỉ thuộc công tác chuẩn bị. Khi đang tiến hành ra sào thì tàu bị phá nước, nghiêng về bên phải. Tàu chìm nhanh mặc dù anh D và các thuyền viên đã nỗ lực tháo nước. Nguyên nhân tàu chìm là do nước tràn vào tàu qua các đường xảm trét chai, đường xảm trét bị hở (không thuộc các rủi ro được bảo hiểm). Tuy nhiên, Điều 21 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”. Do đó, tàu cá của anh D vẫn thuộc các trường hợp được bảo hiểm.
Theo tác giả, quan điểm trên không hợp lý và thiếu căn cứ. Bởi lẽ, các bên đã thỏa thuận cụ thể về các điều kiện được bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm số 123x, trong trường hợp không tuân thủ sẽ không được bảo hiểm bồi thường tổn thất. Nếu cho rằng việc không tuân thủ điều kiện được bảo hiểm xuất phát từ nguyên nhân không giải thích rõ ràng là không hợp lý. Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm tàu cá giữa anh D và Công ty M liệt kê các trường hợp được bảo hiểm bồi thường. Trường hợp tàu bị “phá nước” thông qua các đường xảm trét chai không thuộc rủi ro được bảo hiểm. Còn “phá nước” là hiện tượng, không phải nguyên nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tàu bị “phá nước” như sóng đánh, bão to,… (hở đường xảm trét chai là một nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng “phá nước”). Căn cứ theo kết luận giám định dẫn nguồn thông tin thời tiết xác định thời điểm chìm tàu thì thời tiết ổn định, sóng yên, biển lặng, tàu không va chạm,… Như vậy, có thể khẳng định, tàu bị phá nước xuất phát từ nguyên nhân “hở đường xảm trét chai” không thuộc các trường hợp rủi ro được bảo hiểm.
3. Đề xuất, kiến nghị
Một là, cần tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 theo hướng: Bổ sung quy định về giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào hợp đồng. Theo đó, trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì phải được quy định rõ ràng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có văn bản gửi cho bên mua bảo hiểm lưu ý các điều khoản loại trừ khi giao kết hợp đồng. Quy định này giúp bên mua bảo hiểm có thể biết và kiểm soát được tính hợp pháp của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào hợp đồng, thay vì phải ký hợp đồng mẫu với nhiều điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như hiện nay. Đồng thời, điều này cũng giúp doanh nghiệp bảo hiểm nắm vững các trường hợp được loại trừ trách nhiệm, có ý thức và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm, tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Theo tác giả, giới hạn của các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nên được quy định khái quát như sau: “Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chỉ được thỏa thuận nhằm mục đích bảo đảm cho khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần đăng ký mẫu hợp đồng sản phẩm bảo hiểm với Bộ Tài chính nhằm loại bỏ khả năng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, cân bằng lợi ích của các bên trong quan hệ bảo hiểm.
Hai là, về tuân thủ điều kiện được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, cũng cần xem xét điều chỉnh nội dung các bên thỏa thuận về điều kiện được bảo hiểm. Nếu điều khoản không tuân thủ điều kiện được bảo hiểm được lồng ghép vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ ràng với bên mua.
Ba là, về thay đổi phí bảo hiểm khi có sự thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm. Việc xác định mức phí bảo hiểm cần căn cứ theo hướng phân biệt giữa nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan trong sự kiện tăng mức độ rủi ro được bảo hiểm. Theo đó, trong trường hợp có sự thay đổi các yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm mà nguyên nhân là do bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm gây ra, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm và đơn phương chấm dứt hợp đồng (nếu bên mua bảo hiểm không đồng ý với đề xuất tăng phí).
Theo Kiemsat.vn
TAND TP.Cần Thơ xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm - Ảnh: Nguyễn Nhân
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận