Vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Bài viết trình bày quan điểm của tác giả về những vướng mắc đang gặp phải và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập hồ sơ đề nghị và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Tại điểm d, đ Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “d) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này; đ) Trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

Người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị áp dụng biện pháp quản lý bằng một trong hai hình thức quy định tại Điều 45 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ:

(1) Quản lý tại gia đình được áp dụng đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em ruột từ đủ 18 tuổi trở lên) đồng ý quản lý, đại diện gia đình xác nhận bằng văn bản theo Mẫu số 35 Phụ lục II Nghị định này.

(2) Quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở quản lý) được áp dụng đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em ruột từ đủ 18 tuổi trở lên) không đồng ý quản lý, đại diện gia đình xác nhận bằng văn bản theo Mẫu số 35 Phụ lục II Nghị định này.

Tại khoản 5, 6, 7 Điều 131 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

“5. Trong thời gian quản lý, gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý có trách nhiệm sau đây:

a) Không để người được quản lý tiếp tục vi phạm pháp luật;

b) Bảo đảm sự có mặt của người được quản lý khi có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Báo cáo kịp thời với cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

6. Trong thời gian quản lý, người được quản lý có trách nhiệm sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về tạm trú, tạm vắng. Khi đi ra khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn để ở lại địa phương khác phải thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý biết về địa chỉ, thời gian tạm trú tại đó;

b) Có mặt kịp thời tại trụ sở của cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ khi có yêu cầu.

7. Trong thời gian quản lý, cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định quản lý có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý và người được quản lý về quyền và nghĩa vụ của họ trong thời gian quản lý;

b) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý trong việc quản lý, giám sát người được quản lý;

c) Khi được thông báo về việc người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định giao quản lý phải kịp thời có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”

Dựa vào các quy định trên, có thể thấy pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về việc người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà bỏ trốn thì trong thời gian họ bỏ trốn cơ quan đề nghị có tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay không? Hay đợi cho đến khi bắt được người nghiện ma túy rồi tiếp tục lập hồ sơ (vì trong thời hạn lập hồ sơ mà người nghiện ma túy cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính) mà chỉ đề cập đến việc truy tìm, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa đối tượng về nơi quản lý (Điều 48 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ).

Thực tiễn có trường hợp người nghiện ma túy đã được giao quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong quá trình chờ đợi kết quả xét nghiệm xác định tình trạng nghiện ma túy ở cơ sở y tế đã bỏ trốn thì cơ quan đề nghị vẫn tiếp tục lập hồ sơ đề nghị, vậy trong quá trình lập hồ sơ việc thông báo và giao, nhận văn bản sẽ được tiến hành như thế nào, cụ thể cho ai. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và khoản 4 Điều 27 Luật phòng chống ma túy 2021 thì khi có kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy, cơ sở y tế có trách nhiệm gửi ngay kết quả đến cơ quan đề nghị, người được xác định tình trạng nghiện ma túy. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên (sau đây gọi tắt là người nghiện ma túy) phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Vậy trong trường hợp này, người nghiện ma túy đã bỏ trốn thì kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy sẽ được thông báo và giao, nhận cho ai và việc thông báo và giao, nhận kết quả xác định tình trạng nghiện được thực hiện như thế nào thì được coi là hợp lệ? Và những thủ tục tiếp theo trong quá trình lập hồ đề nghị thì việc thông báo và giao, nhận văn bản sẽ được thực hiện như thế nào? Bởi hiện chưa có quy định nào của pháp luật quy định về thủ tục thông báo và giao, nhận văn bản đối với người nghiện ma túy trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hiện pháp luật chỉ quy định về việc tống đạt, niêm yết quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là quyết định mở phiên họp) đây là giai đoạn sau khi việc lập hồ sơ được hoàn tất, hồ sơ đã được Tòa án thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết. Thẩm phán xét thấy hồ sơ đề nghị đã đủ điều kiện nên đã ban hành Quyết định mở phiên họp.

Có trường hợp người nghiện ma túy không có nơi cư trú, việc làm ổn định, thường xuyên đi lang thang, nay đây mai đó tụ tập bạn bè chơi bời và sử dụng trái phép chất ma túy. Người nghiện ma túy đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nghiện ma túy có hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đã được giao quản lý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong quá trình chờ đợi kết quả xét nghiệm xác định tình trạng nghiện ma túy ở cơ sở y tế thì đã bỏ trốn cho đến giai đoạn Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị và ban hành Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện nơi đăng ký thường trú của người nghiện ma túy ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa có vị trí, địa lý cách xa nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Tại khoản 5, khoản 6 Điều 1 Nghị quyết 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “5. Trường hợp người được tống đạt vắng mặt thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được tống đạt.

Trường hợp người được tống đạt vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc tống đạt, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết bản chính quyết định mở phiên họp tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt; niêm yết bản sao quyết định mở phiên họp tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt.

Tại Điều 11 của Luật cư trú năm 2020 quy định “Nơi cư trú của công dân

1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này”.

Như vậy, trong trường hợp này, TAND huyện Đức Cơ phải phối hợp với TAND huyện Ngọc Lặc để đảm bảo thực hiện các thủ tục tống đạt, niêm yết Quyết định mở phiên họp đối với người nghiện ma túy. Do cách xa về địa lý giữa hai tòa án, trong khi pháp luật quy định “Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính” do đó có thể khó đảm bảo rằng quyết định được tống đạt, niêm yết chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp. Ngoài ra, có những trường hợp không xác định được nơi thường trú, tạm trú của người nghiện ma túy do họ thường xuyên di chuyển, không có nơi ở cố định và chỉ xác định được nơi ở cuối cùng của người nghiện ma túy trước khi bỏ trốn là ở thị trấn, huyện, tỉnh chứ không biết được cụ thể ở tổ dân phố, thôn, làng, nào. Vậy bản sao Quyết định mở phiên họp được tiến hành niêm yết ở đâu trong trường hợp này?

Nghị quyết 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ quy định hướng dẫn đối với thủ tục tống đạt, niêm yết đối với quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính vậy còn đối với thủ tục tống đạt Thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và các văn bản tố tụng khác của Tòa án sẽ được thực hiện như thế nào?

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, để hạn chế những vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục thông báo và giao, nhận văn bản đối với người nghiện ma túy cho hợp lệ thì cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện thủ tục thông báo và giao, nhận văn bản cho người nghiện ma túy trong giai đoạn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ hai, sửa đổi Điều 1 Nghị quyết 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng “Điều 1. Về tống đạt, niêm yết văn bản tố tụng của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính” thay cụm từ “Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là quyết định mở phiên họp)” tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 1 bằng cụm từ “văn bản tố tụng của Tòa án”.

Thứ ba, trường hợp không xác định được nơi thường trú, tạm trú của người nghiện ma túy do họ thường xuyên di chuyển, không có nơi ở cố định và chỉ xác định được nơi ở cuối cùng của người nghiện ma túy trước khi bỏ trốn là ở thị trấn, huyện, tỉnh chứ không biết được cụ thể ở tổ dân phố, thôn, làng, nào thì sẽ thực hiện thủ tục niêm yết bản chính quyết định mở phiên họp tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã mà không tiến hành niêm yết bản sao Quyết định mở phiên họp đồng thời sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình ở địa phương để thông báo về Quyết định mở phiên họp.

Thứ tư, cần quy định thêm trong trường hợp TAND có thẩm quyền giải quyết phải phối hợp với TAND khác để đảm bảo thực hiện các thủ tục tống đạt, niêm yết Quyết định mở phiên họp đối với người nghiện ma túy thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp. Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

 

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long kiểm tra sức khỏe học viên. Ảnh: HG

PHÙNG LÊ LÂM (Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai)