Xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn – thực trạng và kiến nghị
Xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã tác động rất lớn đến ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông của người dân. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, bất cập. Bài viết nêu những quy định pháp luật, phân tích ưu điểm, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện
1. Hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý
Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019, “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị nghiêm cấm (khoản 6, Điều 5). Từ quy định này, Luật giao thông đường bộ cũng quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Khoản 8, Điều 8) và Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định (Khoản 9, Điều 8). Luật còn quy định: Người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: i) Đăng ký xe; ii) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; iii) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; iv) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Điều 58). Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 14/01/2022) quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt; Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, trong đó xác định hành vi vi phạm hành chính điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và mức phạt tương ứng với hành vi vi phạm, cụ thể như sau:
a) Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở
+ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm c, khoản 6, Điều 5).
+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm c, khoản 6, Điều 6).
+ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm c, khoản 6, Điều 7).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (điểm e, khoản 11, Điều 5; điểm đ, khoản 10, Điều 6; điểm d, khoản 10, Điều 7);
+ Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm q, khoản 1, Điều 8).
+ Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (Khoản 1, Điều 63).
+ Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm b, Khoản 5, Điều 66). Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 03 tháng đến 05 tháng (điểm b, khoản 8, Điều 66);
+ Đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm a, khoản 3, Điều 21, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP);
b) Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở
+ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (điểm c, khoản 8, Điều 5).
+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm c, khoản 7, Điều 6).
+ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm b, khoản 7, Điều 7).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) (điểm g, khoản 11, Điều 5; điểm e, khoản 10, Điều 6; điểm đ, khoản 10, Điều 7);
+ Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng (điểm e, khoản 3, Điều 8).
+ Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (Khoản 2, Điều 63).
+ Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (Khoản 6, Điều 66). Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 10 tháng đến 12 tháng (điểm c, khoản 8, Điều 66);
+ Đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm b, khoản 3, Điều 21, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP)
c) Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở
+ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm a, khoản 10, Điều 5).
+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm e, khoản 8, Điều 6).
+ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (điểm a, khoản 9, Điều 7).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) (điểm h, khoản 11, Điều 5; điểm g, khoản 10, Điều 6; điểm e, khoản 10, Điều 7);
+ Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm c, khoản 4, Điều 8).
+ Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm a, Khoản 3, Điều 63).
+ Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm a, Khoản 7, Điều 66). Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm d, khoản 8, Điều 66);
+ Đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng (điểm c, khoản 3, Điều 21). Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm b, khoản 4, Điều 21, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP)
d) Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ
+ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm b, khoản 10, Điều 5).
+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm g, khoản 8, Điều 6).
+ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (điểm a, khoản 9, Điều 7).
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) (điểm h, khoản 11, Điều 5; điểm g, khoản 10, Điều 6; điểm e, khoản 10, Điều 7);
+ Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm d, khoản 4, Điều 8).
+ Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm b, Khoản 3, Điều 63).
+ Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm b, Khoản 7, Điều 66). Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm d, khoản 8, Điều 66).
đ) Hành vi điều khiển phương tiện mà không có Giấy phép lái xe
+ Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà không có Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (điểm b, khoản 9, Điều 21).
+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm a, khoản 5, Điều 21).
+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh mà không có Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm b, khoản 7, Điều 21).
+ Người điều khiển xe máy chuyên dùng không có bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thì bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (khoản 2, Điều 22).
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ không đủ điều kiện điều khiển phương tiện ghi trên giấy phép lái xe tham gia giao thông đường bộ. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép được tính từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Điều 25). Để cụ thể hóa nội dung này tại Điều 81, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt đã tạm giữ được giấy phép của cá nhân vi phạm thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành. Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt chưa tạm giữ được giấy phép của cá nhân vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong nội dung quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm bắt đầu tính hiệu lực thi hành của hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép là kể từ thời điểm mà người vi phạm xuất trình giấy phép cho người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ. Khi tạm giữ giấy phép bị tước quyền sử dụng và khi trả giấy phép bị tước quyền sử dụng, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản và lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính” (Khoản 3). Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, nếu cá nhân vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép (khoản 4). Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, cá nhân không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép (Khoản 5). Ngoài ra, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn còn bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện vi phạm tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt (khoản 1, Điều 82).
2. Ưu điểm và hạn chế qua thực tiễn áp dụng
Thực tiễn áp dụng các quy định nêu trên đã cho thấy với chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, áp dụng quyết liệt và triệt để hơn từ phía người thi hành công vụ đã tác động rất lớn đến ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật về giao thông của người dân. Tình trạng tai nạn giao thông có nguyên nhân từ tác động của rượu bia có xu hướng giảm; việc sử dụng bia, rượu của người tham gia giao thông được hạn chế, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy qua đó khắc phục được những tác động hậu quả tiêu cực do rượu bia mang lại đối với con người, nhất là từ phía người tham gia giao thông. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, Hình thức xử phạt chính được áp dụng đối với hành vi vi phạm đều là phạt tiền với mức tiền phạt là khá cao so với mức thu nhập thực tế của người dân và còn nặng về xử lý, răn đe, trong khi đó hình thức xử phạt cảnh cáo lại không được áp dụng, nhất là đối với các hành vi vi phạm lần đầu, nồng độ còn trong máu hoặc trong hơi thở thấp hoặc đối với người thiếu hiểu biết do chưa được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đầy đủ nên việc cảnh báo, nhắc nhở, phòng ngừa chưa chú trọng đúng mức làm cho người vi phạm chưa thật tâm phục, khẩu phục.
Hai là, Việc quy định thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, Giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy chưa tương đồng trong cùng một mức nồng độ cồn như nhau, nhất là với phương tiện đường sắt, đường thủy so với phương tiện giao thông đường bộ. Đặc biệt, thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hằng ngày của người tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là đối với những người trực tiếp sinh kế bằng nghề cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách như lái xe tải, lái xe tắc xi, lái xe ôm hoặc những người lần đầu vi phạm, nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở thấp hoặc chưa được cảnh báo, nhắc nhở từ trước (vì trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe họ sẽ không được điều khiển phương tiện tương ứng với Giấy phép lái xe tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; nếu tiếp tục điều khiển và có hành vi vi phạm sẽ bị coi là tái phạm hoặc không có giấy phép lái xe…).
Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” có lúc, có thời điểm còn thiếu thường xuyên; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa gắn với lợi ích thiết thân của người tham gia giao thông nên hầu hết người tham gia giao thông khi đã thực hiện hành vi vi phạm và bị áp dụng biện pháp xử lý mới nhận thức được về hành vi vi phạm của mình và hậu quả pháp lý bất lợi phải gánh chịu nên có lúc chưa đạt được sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và chống các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của toàn xã hội; coi đây là một nội dung trọng tâm trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng để cấp Giấy phép lái xe. Chú trọng các hoạt động cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe đối với các hành vi vi phạm, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các vụ việc xử lý đối với hành vi vi phạm để tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận xã hội trong thực hiện theo đúng tinh thần “đã uống rượu bia thì không lái xe” tiến tới “đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông”.
Thứ hai, có biện pháp thiết lập hệ thống cảnh báo sớm mang tính xã hội để người tham gia giao thông tự kiểm tra và nhận biết xem trong máu hoặc trong hơi thở của mình có hay không có nồng độ cồn trước khi tham gia giao thông để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm và thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước đối với người tham gia giao thông.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy cho đồng bộ với Giấy phép lái xe đường bộ tương ứng với mức độ nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở. Nghiên cứu, bổ sung hình thức trừ điểm giấy phép lái xe để hạn chế đến mức thấp nhất việc phải tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trên tinh thần cho phép người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy có một số điểm nhất định thì có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu không đủ điểm thì không được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt để cảnh báo, răn đe đối với người vi phạm, tạo điều kiện để người tham gia giao thông có phương tiện để sinh kế và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày./.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Báo CAND
Bài liên quan
-
Đề xuất đường sắt nhẹ LRT đi thẳng từ TPHCM đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài?
-
Tập đoàn đường sắt quốc tế Trung Quốc thỏa thuận đầu tư công nghệ và tài chính cho các dự án của TRACODI
-
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Vinpearl ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch
-
Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân - Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận