Bản chất của thi hành án hình sự

Khi bàn về bản chất của thi hành án hình sự, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau.

Quan niệm truyền thống cho rằng, thi hành án hình sự, cùng với điều tra, truy tố và xét xử đều là những giai đoạn của tố tụng hình sự. Có quan điểm lại cho rằng, thi hành án hình sự là một hoạt động bổ trợ tư pháp, cũng có quan điểm lại cho rằng thi hành án hình sự thuần túy chỉ là một hoạt động mang tính hành chính. Vậy, trong thời điểm hiện nay, đâu mới là quan điểm hợp lý? Hãy cùng tác giả đi sâu phân tích.

Thi hành án hình sự là gì?

Thi hành án hình sự là một hoạt động Nhà nước, do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm thực thi các bản án, quyết định của TAND đã có hiệu lực pháp luật; việc thi hành đuợc bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp Nhà nước theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ; tất cả các cơ quan, tổ chức và công dân đều phải tôn trọng; tổ chức và cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành.

Từ khái niệm trên, ta có thể rút ra một số đặc trưng cơ bản của thi hành án hình sự như sau:

Thứ nhất, thi hành án hình sự là một dạng hoạt động của Nhà nước, nhằm thực hiện quyền lực Nhà nước, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bảo đảm hiệu lực thực tế của các bản án, quyết định của Tòa án bằng các biện pháp Nhà nước. Như chúng ta đã biết, một thể chế chính trị - một Nhà nước có 03 loại quyền lực cơ bản: Quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Trong đó, quyền hành pháp là quyền thi hành pháp luật. Quyền hành pháp không xuất hiện trong mọi chế độ của xã hội loài người mà nó chỉ xuất hiện khi có sự ra đời của Nhà nước và pháp luật.

Tuy ra đời cùng với Nhà nước và pháp luật nhưng không phải ở mọi thời kỳ quyền hành pháp đều được quan niệm giống nhau, mà có sự phát triển theo thời gian. Đa số các nước xã hội chủ nghĩa quyền lực Nhà nước không được phân chia theo cơ chế phân quyền mà được tổ chức theo cơ chế tập quyền. Trong cơ cấu quyền lực Nhà nước quyền hành pháp là một khái niệm chung dùng để chỉ một bộ phận quyền lực - quyền thi hành pháp luật, phản ánh mối quan hệ quyền lực giữa các bộ phận hợp thành của quyền lực Nhà nước.

Ở Việt Nam, một trong những đặc trưng của quyền hành pháp chính là tính chấp hành (tính thi hành pháp luật). Tính chấp hành của hành pháp là khả năng làm cho pháp luật được thực hiện trên thực tế bằng sức mạnh của Nhà nước, hay nói một cách khác là khả năng đưa pháp luật vào đời sống của các cơ quan nắm giữ quyền hành pháp. Có thể thấy rằng thi hành án hình sự chính là một trong những hoạt động mang tính thi hành pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền thi hành án hình sự (được quy định tại Điều 11, Luật Thi hành án hình sự năm 2019) có trách nhiệm thi hành bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan thi hành án có nghĩa vụ phải bảo đảm bản án hình sự được thực thi một cách nghiêm túc. Do vậy, hoạt động thi hành án hình sự mang những đặc điểm tiêu biểu của một hoạt động hành pháp. Tuy nhiên, chủ thể duy nhất có thẩm quyền tuyên một bản án hình sự có hiệu lực pháp luật là Tòa án - Cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cho nên việc thi hành bản án đó không phải là một hoạt động mang tính hành pháp thông thường, vì chủ thể tuyên án không phải là cơ quan quyền lực Nhà nước. Hay nói một cách khác, thi hành án hình sự là một hoạt động hành chính – tư pháp, nó thể hiện mối liên hệ giữa quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Thứ hai, thi hành án hình sự được tiến hành theo trật tự do pháp luật quy định, với những trình tự, thủ tục chặt chẽ. Toàn bộ quá trình thi hành các loại bản án, quyết định và các quan hệ liên quan đến việc thi hành được quy định cụ thể, rõ ràng. Trình tự thủ tục thi hành án hình sự hiện nay đã được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cùng hệ thống những văn bản hướng dẫn.

Thứ ba, căn cứ vào nội dung của thi hành án hình sự chính là các nội dung cụ thể trong các phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là điểm thể hiện rõ nhất tính tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước của thi hành án. Thi hành án hình sự mang tính thực hiện quyền lực Nhà nước bởi lẽ nó thực hiện theo những nội dung quy định trong bản án đã có hiệu lực pháp luật, một văn bản của một cơ quan Nhà nước, là những phán quyết bắt buộc phải thi hành đối với một hoặc một số chủ thể nhất định. Thi hành án hình sự được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp, công cụ của Nhà nước. Trong đó, một đặc điểm quan trọng thể hiện tính quyền lực Nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự, đó là nó có thể sử dụng mọi biện pháp, cách thức để bắt bị án phải phục tùng, trong đó có cả biện pháp sử dụng bạo lực có tổ chức. Thi hành án hình sự cũng được thực hiện bởi lực lượng có tính chất, nhiệm vụ cưỡng chế chuyên nghiệp – quân đội và cảnh sát.

Thứ tư, thi hành án hình sự là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất, có thể tước bỏ hoặc hạn chế nhất định những quyền và lợi ích về vật chất, tinh thần của người bị kết án. Khi nhận được quyết định thi hành án phạt tù, nếu đang được tại ngoại, trong thời hạn 07 ngày bị án phải đến cơ quan thi hành án được chỉ định để thi hành án, nếu không sẽ bị áp giải. Trong trường hợp bị án bỏ trốn, sẽ tiến hành truy nã và tổ chức vây bắt (Điều 23, Luật Thi hành án hình sự năm 2019). Quy định này cho thấy tính cưỡng chế vô cùng nghiêm khắc của thi hành án hình sự, bằng mọi cách phải cưỡng chế bị án đi thi hành án, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục cũng như trừng phạt bị án, và bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Khi thi hành án hình sự, quyền công dân của phạm nhân cơ bản bị xoá bỏ, phạm nhân chỉ được thực hiện một số quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 27, Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Đây chính là điểm mới của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, theo đó phạm nhân được đảm bảo những quyền con người cơ bản, nhằm đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, cũng như tư duy lập pháp của Nhà nước ta. Thi hành án hình sự là một hoạt động phức tạp, đa dạng (từ việc thi hành các hình phạt chính cho đến việc thi hành các hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp) do nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện và tham gia thực hiện nhằm mục đích kết hợp trừng trị và giáo dục, giúp đỡ người bị kết án sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ năm, thi hành án hình sự mang tính bắt buộc chấp hành đối với tất cả các chủ thể có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án. Các cơ quan, tổ chức, công dân trong phạm vi trách nhiệm của mình có nghĩa vụ chấp hành và phối hợp thực hiện để thi hành án đạt hiệu quả. Tính chấp hành trong thi hành án phản ánh một thực tế nó không phải là hoạt động tiến hành tố tụng thuần tuý.

Hoạt động hành chính tư pháp

Vậy, bản chất của thi hành án hình sự là gì? Quan điểm của tác giả cho rằng thi hành án hình sự là hoạt động hành chính tư pháp, vì những lẽ sau:

- Tính chất hành chính - tư pháp phản ánh mối quan hệ giữa quyền hành pháp và quyền tư pháp trong thi hành án hình sự và thi hành án hình sự là giai đoạn kế tiếp sau giai đoạn xét xử. Với tính chất là một hoạt động chấp hành, căn cứ để thi hành án là các bản án và quyết định của Tòa án. Toàn bộ quá trình thi hành án hình sự với những hoạt động, biện pháp, cách thức khác nhau đều tuân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm thực hiện nội dung quyết định của bản án, quyết định của Tòa án.

- Thi hành án hình sự là dạng hoạt động quản lý vì trong quá trình thi hành, các cơ quan thi hành án phải tác động trực tiếp tới đối tượng phải thi hành án, để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, giáo dục họ ý thức tôn trọng  pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, của Nhà nước và xã hội, giáo dục họ trở thành người công dân có ích với xã hội.

- Thủ tục thi hành án hình sự không phải là thủ tục tố tụng mà là thủ tục hành chính của hoạt động chấp hành. Thủ tục thi hành án hình sự chỉ là trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, nó khác với thủ tục tố tụng – thủ tục nhằm đấu tranh tìm ra sự thật của vụ án. Thi hành án hình sự mang tính chấp hành, khác với tố tụng hình sự mang tính tranh tụng.

- Các nguyên tắc thi hành án hình sự không giống với các nguyên tắc tố tụng. Các nguyên tắc trong thi hành án hình sự đã được ghi nhận cụ thể tại Điều 4, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 với những mục tiêu cơ bản là bảo đảm tính pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, đảm bảo sự công bằng bình đẳng trước pháp luật, kết hợp giữa trừng phạt và giáo dục, nhằm giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành ra Chương II để quy định những nguyên tắc trong tố tụng hình sự, với mục tiêu bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người và tìm ra sự thật khách quan của vụ án, xét xử đúng người đúng tội, đảm bảo tính độc lập khách quan trong xét xử,... Vì mục tiêu của tố tụng hình sự và thi hành án hình sự khác nhau, nên sẽ có những nguyên tắc khác nhau.

- Cơ quan thi hành án hình sự không phải là cơ quan tiến hành tố tụng. Hệ thống các cơ quan thi hành án được ghi nhận tại Điều 11, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm hệ thống cơ quan thi hành án hình sự (trại giam, cơ quan thi hành án hình sự) thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, UBND cấp xã và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên. Đặc biệt, Tòa án cũng có một số nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thi hành án hình sự (Điều 21, Luật Thi hành án hình sự năm 2019). Tuy nhiên, nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự chỉ dừng lại ở việc ra các quyết định chỉ đạo việc thi hành án, giao nhận bản án theo quy định, chứ không trực tiếp tiến hành hoạt động thi hành án hình sự. Vì vậy, có thể thấy các cơ quan thi hành án hình sự không phải là những cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra hình sự, VKS và Tòa án).

- Trong thi hành án, để thực hiện các hoạt động chấp hành và quản lý nói trên, phương pháp thuyết phục giáo dục có ý nghĩa quan trọng, nhưng phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thi hành có tính chất đặc thù (trong thi hành án hình sự đó là phương pháp chủ yếu và có tính tiên quyết). Điều này xuất phát từ tính chất của thi hành án như đã nêu ở trên. Ngay cả trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thực thi hành nghĩa vụ của mình thì cũng là vì họ hiểu rằng Tòa án đã phán xét, sự thực đã được làm sáng tỏ (nghĩa là trước đó họ đã không tự nguyện) và nếu không thi hành thì họ sẽ phải chịu các biện pháp cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Quá trình thi hành một số loại án hình sự, các chủ thể có nghĩa vụ thi hành án có thể tự thoả thuận với người được thi hành án để tự thi hành hoặc thi hành dưới sự giám sát của cơ quan thi hành án.

- Thi hành án hình sự là hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, một số công việc, Nhà nước có thể xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện xã hội hoá hoạt động này. Đây là điểm khác so với hoạt động tố tụng. Hoạt động tố tụng mang tính quyền lực tư pháp tuyệt đối và không thể thực hiện xã hội hoá. Xã hội hoá thi hành án đúng đắn chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm nhẹ bộ máy tổ chức, biên chế. Phát huy vai trò và sức mạnh của các tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc giáo dục, thuyết phục, cảm hoá người bị thi hành án tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình. Giảm nhẹ sức ép về tâm lí và tạo điều kiện thuận lợi để gắn công tác thi hành án với việc giải quyết các vấn đề xã hội... Tuy nhiên, đây cũng là những vấn đề rất khó đòi hỏi phải có sự nghiên cứu cơ bản, toàn diện cả về mặt lí luận và thực tiễn.

Bản chất của tố tụng hình sự chính là trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Hiểu một cách khái quát nhất, tố tụng hình sự là việc Tòa án – Cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, xem xét những lập luận, chứng cứ buộc tội một thể nhân (hoặc một pháp nhân) từ những cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố (Cơ quan điều tra hình sự, Viện Kiểm sát,...) cũng như những lập luận, chứng cứ gỡ tội từ những chủ thể có thẩm quyền theo luật định (Luật sư, đại diện hợp pháp của pháp nhân,...). Sau đó phân tích, đánh giá theo quy định của pháp luật và đưa ra một phán quyết cuối cùng, mang tính chất quyết định chung – bản án hình sự.

Giáo dục phạm nhân

Như vậy, tố tụng hình sự đã kết thúc khi bản án do Tòa án đưa ra có hiệu lực pháp luật. Quá trình thi hành bản án đó chỉ là một hoạt động hành chính – tư pháp bình thường (hoạt động quản lí Nhà nước mang tính chất chấp hành, điều hành đối với lĩnh vực tư pháp). Vì vậy, quan điểm truyền thống cho rằng thi hành án hình sự là một giai đoạn của tố tụng hình sự là không hợp lý, cần phải được loại bỏ. Vấn đề này đã được nhận thức đúng đắn và được nội luật hoá một cách cụ thể.

Nếu như trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thi hành án hình sự được coi là một giai đoạn của tố tụng, và được ghi nhận tại Phần thứ năm: Thi hành bản án và quyết định của Tòa án (chương XXV đến chương XXIX), thì sang đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, phần thi hành án hình sự đã được cắt bỏ hoàn toàn, chỉ còn một số nội dung về thi hành án tử hình, tha tù trước thời hạn có điều kiện và xoá án tích được ghi nhận tại Chương XXIV. Mọi vấn đề liên quan đến thi hành án hình sự đều được ghi nhận tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cùng những văn bản hướng dẫn.

Khoa học pháp lý ngày càng phát triển, đòi hỏi các cơ quan làm công tác pháp luật phải hiểu rõ và áp dụng linh hoạt những quan điểm mới trong hoạt động chuyên môn. Hiểu rõ bản chất của thi hành án hình sự mới có thể tiến hành hoạt động thi hành án một cách hiệu quả, hoàn thành được mục tiêu sâu xa nhất mà hoạt động này mang lại: giáo dục phạm nhân trở thành con người lương thiện, đủ điều kiện, khả năng tái hoà nhập xã hội.

Theo lsvn.vn

Phạm nhân lao động cải tạo - Ảnh: MH

 

 

LÊ THÀNH PHƯƠNG (Tòa án Quân sự Quân khu 1)