Bàn về hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội đào ngũ theo quy định của Bộ luật Hình sự

Thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn có trường hợp không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm liên quan đến tội đào ngũ.

1. Thực tiễn áp dụng pháp luật

Tình huống cụ thể: A là quân nhân thuộc biên chế của đơn vị B, đóng quân tại tỉnh C. Trong thời gian tại ngũ, thông qua mạng xã hội, A quen biết và nảy sinh tình cảm với chị H (trú tại tỉnh D). Tháng 02/2022, chị H ra đơn vị thăm A, sau đó A đã bỏ trốn khỏi đơn vị và đi chơi cùng A. Khi biết A có ý định rời bỏ hàng ngũ Quân đội và không quay trở về đơn vị nữa thì H đã khuyên ngăn A, nhưng A không nghe theo.

Sau đó, H đã dẫn A về tỉnh D, thuê nhà trọ để cùng sinh sống. Sau nhiều lần phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương tìm kiếm nhưng không có kết quả; đến tháng 4/2022, đơn vị của A đã tiến hành kỷ luật A với hình thức "Giáng cấp bậc quân hàm";

Tháng 6/2022, đơn vị tiến hành thông báo hình thức kỷ luật và thông báo đào ngũ về địa phương và gia đình theo quy trình quy định tại Thông tư 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong BQuốc phòng (Thông tư 16).

Tháng 7/2022, đơn vị chuyển hồ sơ và đề nghị cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền truy tố hành vi đào ngũ của A.

Tháng 8/2022, cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã A. Khi biết A bị truy nã, H giúp A lẫn trốn; Tuy nhiên, A đã bị công an tỉnh D bắt ngay sau đó và bàn giao cho cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố A về hành vi đào ngũ quy định tại khoản 1 Điều 402 BLHS và không đề nghị truy tố H, bởi vi hành che giấu hoặc không tố giác tội phạm của H không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLHS.

Qua tình huống trên, việc không thể truy tố H về hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm là bất cập, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bởi:

Một là, xét hành vi của A, muốn thỏa mãn cấu thành tội phạm tội Đào ngũ quy định tại Điều 402 BLHS phải thỏa mãn yếu tố "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm", thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự A. Do đó, đơn vị quản lý trực tiếp A phải thực hiện đúng quy trình quy định tại Điều 41 và khoản 4 Điều 42 Thông tư 16, bởi trong thời gian tại ngũ, A chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi đào ngũ lần nào. Chúng ta thấy, hành vi đào ngũ của A đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài (từ tháng 02/2022 đến tháng 7/2022) và phải qua đầy đủ thủ tục xử lý kỷ luật mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Hai là, xét hành vi của H, tại thời điểm tháng 2/2022, hành vi đào ngũ của A đang được thực hiện, H là người biết rõ A thực hiện hành vi đào ngũ, tuy H có khuyên ngăn nhưng A không nghe theo và H cũng không có hành động nào để tố giác tội phạm, trái lại còn có hành vi cùng A đến tỉnh D sinh sống cho đến khi tội phạm hoàn thành (thời điểm tháng 7/2022, sau 30 ngày kể từ ngày đơn vị thông báo hình thức kỷ luật về địa phương mà A vẫn không trở lại đơn vị theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Thông tư 16). Như vậy, hành vi của H thỏa mãn dấu hiệu không tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, H đã che giấu, tạo điều kiện cho A trốn khi biết A đã có lệnh truy nã, hành vi ấy thỏa mãn dấu hiệu che giấu tội phạm.

Tuy nhiên, H không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi Điều 18, 19, 389, 390 và các quy định khác của BLHS đã loại trừ trường hợp che giấu hoặc không tố giác tội phạm đối với tội Đào ngũ. Trong khi đó, hành vi "Đào ngũ" thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, hậu quả ấy sẽ khôn lường hơn khi không được tố giác và ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này vẫn được áp dụng như các trường hợp phạm tội khác, có trường hợp đào ngũ sau 25 năm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng hành vi che giấu hoặc không tố giác tội phạm đối với tội đào ngũ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi.

Bên cạnh đó, giả sử như hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm đối với tội Đào ngũ được quy định trong BLHS. Vậy với chuỗi hành vi của H (đã không tố giác hành vi của A từ tháng 02/2022 đến tháng 7/2022 và sau thời điểm tội phạm Đào ngũ được cấu thành, có lệnh truy nã của cơ quan có thẩm quyền, H đã che giấu A) thì H bị truy tố về hành vi che giấu tội phạm hay không tố giác tội phạm?

2. Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên trong thực tiễn, qua đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, cần kiến nghị sửa đổi Điều 389, 309 BLHS theo hướng bổ sung Điều 402 vào phần quy định hành vi của điều luật.

Hai là, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về khái niệm "Biết""Biết rõ" được quy định tại Điều 18, 19 BLHS và khi nào truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không tố giác tội phạm", khi nào truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm" đối với chuỗi hành vi được thực hiện liên tục để áp dụng thống nhất pháp luật.

 

 Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo về tội che giấu tội phạm - Ảnh: CTV

VÕ MINH TUẤN (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)