
Bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Trong một số lĩnh vực ngành nghề nhất định vẫn luôn cần đến lực lượng lao động nòng cốt, đặc biệt người lao động chưa thành niên là một nhóm chủ thể quan trọng tồn tại trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm quyền nhân thân của người lao động chưa thành niên vẫn mang nhiều quan điểm trái chiều còn cần khai thác sâu và triệt để. Trước nhu cầu thực tiễn đó, Việt Nam cần ưu tiên học hỏi rút kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới trong vấn đề bảo đảm quyền nhân thân cho người lao động chưa thành niên và đưa ra những đề xuất biện pháp phù hợp cho quốc gia của mình.
Đặt vấn đề
Theo số liệu thống kê của ILO tính đến năm 2017 có gần 152 triệu lao động trẻ em độ tuổi từ 5-17 chiếm 1/10 số lượng trẻ em trên toàn thế giới[1] nhóm độ tuổi được thống kê trên thuộc phạm vi trong nhóm người lao động chưa thành niên (NLĐCTN) tại Việt Nam. Mặc dù đã có sự biến động giữa tăng và giảm tỷ lệ lao động chưa thành niên qua các năm theo các báo cáo thống kê[2] của Tổng cục thống kê, Tổ chức lao động Quốc tế nhưng nhìn chung nguồn lực lao động này đã tồn tại dài qua nhiều thập kỷ. Đồng thời với xuất phát điểm là nhóm đối tượng vẫn cần được chăm sóc bảo vệ do đó khi tham gia vào thị trường lao động có xu hướng dễ bị lợi dụng và phát sinh nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến quyền nhân thân của NLĐCTN.
Trước tình hình đó đòi hỏi cần có cơ chế pháp lý, chính sách bảo vệ và đặt ra các tiêu chuẩn bảo đảm quyền nhân thân cho NLĐCTN toàn diện hiệu quả là vô cùng cần thiết. Với kinh nghiệm tiên phong từ một số quốc gia đã và đang xây dựng nền tảng bảo vệ NLĐCTN một cách nghiêm túc và chặt chẽ, trong đó bao gồm: Trung Quốc, Anh và Singapore, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu vấn đề bảo đảm quyền nhân thân của NLĐCTN tại các quốc gia này và tiến đến đúc kết những gợi ý quan trọng, bài học kinh nghiệm sâu sắc cho Việt Nam.
1. Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt trong Bộ luật Lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động trẻ em. Theo Điều 58 Bộ luật Lao động của Trung Quốc quy định rằng nhà nước có chế độ bảo hộ đặc biệt đối với cán bộ, công nhân nữ và NLĐCTN, đồng thời khái niệm “người lao động chưa thành niên” được xác định những người lao động đã đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi[3]. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ chẳng hạn như các cơ sở văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và nghệ thuật đặc biệt có thể tuyển dụng người dưới 16 tuổi nhưng phải qua thủ tục xét tuyển và công nhận theo quy định của Nhà nước và bảo đảm quyền học tập bắt buộc của người đó, điều này nhằm mở ra các cơ hội cho các lao động trẻ em được theo đuổi đam mê nghề nghiệp và đồng thời được đảm bảo các quyền nhân thân của mình[4].
Ngoài ra, tại Điều 17 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Trẻ vị thành niên quy định cha mẹ hoặc người giám hộ khác của người thành niên không được thực hiện các hành vi cho phép hoặc ép buộc trẻ vị thành niên tham gia lao động ngoài những công việc mà các quy định của pháp luật cho phép[5]. Điều 61 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Trẻ vị thành niên cũng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người chưa thành niên từ 16 tuổi trở lên phải thực hiện đúng quy định của nhà nước về loại công việc, thời giờ làm việc, cường độ lao động, biện pháp bảo vệ, không được sắp xếp để lao động hoặc làm những công việc nguy hiểm, quá sức, độc hại, nguy hiểm hoặc gây hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần của người chưa thành niên[6].
Chính phủ Trung Quốc đã thành lập các cơ quan giám sát lao động như Cục Giám sát Lao động Quốc gia và các cơ quan giám sát lao động địa phương, nhằm kiểm tra và đảm bảo các công ty tuân thủ luật lao động. Theo báo cáo “World Report 2020: China” cho biết “Mặc dù có các biện pháp xử lý nghiêm ngặt, sự thực thi pháp luật vẫn còn lỏng lẻo, khiến nhiều doanh nghiệp không bị xử lý mạnh mẽ” đồng nghĩa các cuộc thanh tra lao động được diễn ra định kỳ, tình trạng nhà máy khai thác lao động trẻ em mà không bị phát hiện, chủ yếu do thiếu sự giám sát liên tục và toàn diện. Điều này phản ánh một lỗ hổng lớn trong việc giám sát và áp dụng luật lệ, tạo điều kiện cho lao động trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và trong những ngành công nghiệp như dệt may và sản xuất điện tử[7].
Chính phủ đã đưa ra Chính sách Giáo dục bắt buộc 9 năm vào năm 1986 được quy định tại Luật Giáo dục, yêu cầu tất cả trẻ em từ 6 đến 15 tuổi phải tham gia học tập tại các trường công lập hoặc hình thức giáo dục được Chính phủ công nhận[8]. Mục tiêu của chính sách này nhằm giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em và tạo cơ hội cho tất cả trẻ em tiếp cận giáo dục thay vì phải lao động từ sớm. Trước khi có chính sách này, nhiều trẻ em, đặc biệt ở vùng nông thôn, phải tham gia lao động lao động để giúp đỡ gia đình. Việc học tập trong suốt 9 năm đầu đời giúp trẻ phát triển đầy đủ kỹ năng và kiến thức, mở ra cơ hội tốt hơn cho tương lai và giảm vòng luẩn quẩn nghèo đói.
Một trong những trọng tâm chính là việc cung cấp các gói trợ cấp tài chính và học bổng dành cho trẻ em thuộc các gia đình có thu nhập thấp, thông qua các chính sách như Chương trình hỗ trợ tài chính cho Giáo dục phổ thông và Chính sách Học bổng quốc gia. Những chính sách này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình mà còn tạo điều kiện để trẻ em được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, từ đó hạn chế tình trạng bỏ học sớm để tham gia vào thị trường lao động. Đặc biệt, chính phủ đã ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các khu vực nông thôn, nơi tỷ lệ lao động trẻ em vẫn còn cao, cụ thể trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), Trung Quốc đã phân bổ khoảng 749,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 114,6 tỷ USD) từ ngân sách trung ương để hỗ trợ chính sách giáo dục bắt buộc, với 90% số quỹ này được dành cho các khu vực nông thôn, theo thông tin từ Bộ Giáo dục (MOE).
2. Kinh nghiệm từ Anh
Tại Đạo luật Quyền lợi của Người lao động[9] và các quy định khác, ở Anh, độ tuổi tối thiểu để một người có thể làm việc là 13 tuổi. Tuy nhiên, việc làm của người dưới 18 tuổi bị hạn chế nghiêm ngặt, nhất là đối với các công việc có nguy cơ cao hoặc môi trường làm việc không an toàn. Đối với trẻ dưới 13 tuổi không được phép làm việc, trừ khi đó là công việc nhẹ nhàng hoặc trong các hoạt động không chính thức (ví dụ như trong gia đình hoặc giúp đỡ với công việc nhà). Từ 13 đến 16 tuổi: Trẻ em trong độ tuổi này chỉ có thể làm việc trong một số công việc nhất định, và thời gian làm việc phải bị giới hạn.
Pháp luật Anh có quy định giới hạn thời gian làm việc cho người lao động chưa thành niên, cụ thể từ 13 đến 16 tuổi: Các em không được phép làm việc quá 2 giờ mỗi ngày trong ngày học, và không được làm việc quá 12 giờ mỗi tuần trong thời gian đi học. Trong kỳ nghỉ hè, số giờ làm việc có thể tăng lên nhưng vẫn có giới hạn. Nhóm tuổi từ 16 đến 18 tuổi: Người lao động chưa thành niên trong độ tuổi này có thể làm việc tối đa 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần, nhưng không được làm việc ban đêm (từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng) trừ khi có một số trường hợp ngoại lệ như làm việc trong ngành khách sạn hoặc giải trí. Đồng thời, pháp luật Anh cấm trẻ em dưới 18 tuổi làm những công việc nguy hiểm hoặc tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe và sự phát triển của chúng.
Theo Đạo luật Sức khỏe và An toàn Lao động[10], tất cả người lao động bao gồm cả người chưa thành niên, đều có quyền được làm việc trong một môi trường an toàn và không nguy hiểm. Các nhà tuyển dụng phải đảm bảo rằng môi trường làm việc không gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động chưa thành niên. Đặc biệt, họ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đào tạo an toàn phù hợp. Pháp luật Anh cũng bảo vệ quyền bình đẳng cho người lao động chưa thành niên trong môi trường làm việc. Họ không thể bị phân biệt đối xử dựa trên độ tuổi, giới tính, chủng tộc, hoặc các yếu tố khác. Các quyền này được bảo vệ trong Đạo luật Bình đẳng[11] yêu cầu các nhà tuyển dụng đối xử công bằng với mọi lao động.
Theo pháp luật Anh, quyền lao động của người chưa thành niên không được thừa nhận như quyền của người lao động trưởng thành. Theo Luật Lao động Trẻ em[12], chỉ những người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được hưởng tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan đến lao động. Cụ thể, trẻ em từ 13 tuổi trở xuống chỉ có thể tham gia vào các công việc bán thời gian trong những điều kiện rất hạn chế, không được trả mức lương tối thiểu và không được tham gia bảo hiểm xã hội, ngoại trừ các lĩnh vực như truyền hình, điện ảnh hoặc người mẫu. Trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi có thể làm việc toàn thời gian, nhưng phải tuân theo các quy định cụ thể không được làm quá 40 giờ mỗi tuần, cần có ít nhất 12 giờ nghỉ giữa các ca làm việc và một ngày nghỉ trong tuần. Mức lương của họ cũng phải tuân theo quy định tối thiểu nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu áp dụng cho người lao động trưởng thành.
3. Kinh nghiệm từ Singapore
Hệ thống pháp luật Singapore chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hệ thống pháp luật Anh nhưng qua nhiều năm phát triển, quốc gia này đã điều chỉnh và thiết lập khung pháp lý chặt chẽ, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm yếu thế trong xã hội. Pháp luật Singapore đã có những quy định rõ ràng về độ tuổi lao động tối thiểu và các điều kiện làm việc cụ thể nhằm bảo đảm quyền nhân thân của NLĐCTN. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 68 Luật Lao động nêu rõ:“Không ai được tuyển dụng trẻ em dưới 13 tuổi vào bất kỳ công việc nào”[13]. Như vậy, có thể hiểu rằng độ tuổi lao động tối thiểu tại Singapore là 13 tuổi.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 68 Luật này, trẻ em từ đủ 13 chỉ được phép tham gia vào các công việc nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục và sự phát triển toàn diện của họ[14]. Theo Điều 35 Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên quy định rằng trẻ em và thanh thiếu niên có quyền được bảo vệ khỏi sự bóc lột kinh tế và “không ai được phép gây ra hoặc cho phép trẻ em hoặc thanh thiếu niên tham gia vào bất kỳ công việc nào có thể gây hại cho sức khỏe, giáo dục hoặc sự phát triển của họ”[15]. Mặc dù quốc gia này chưa phê chuẩn Công ước số 138 của ILO về độ tuổi tối thiểu để được tuyển dụng vào làm việc. Song, các tiêu chuẩn pháp lý nghiêm ngặt trên của Singapore đã có nhiều tác động tích cực trong việc giảm thiểu tình trạng xâm hại quyền nhân thân của NLĐCTN, đặc biệt là trong các ngành nghề chính thức.
Ngoài các biện pháp kiểm soát, chính phủ Singapore cũng khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các chương trình đào tạo nghề nhằm giúp thanh thiếu niên chuẩn bị tốt hơn khi gia nhập thị trường lao động. Theo Báo cáo năm 2022 của SkillsFuture Singapore, hơn 560.000 cá nhân đã tham gia các chương trình đào tạo của tổ chức này, với 97% học viên cho biết họ làm việc tốt hơn sau khi hoàn thành khóa học[16]. Những chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng có việc làm cho thanh thiếu niên, đồng thời bảo vệ NLĐCTN khỏi sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động.
Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của trẻ em và NLĐCTN tại Singapore không chỉ giới hạn trong lĩnh vực lao động mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ trẻ em hoàn thành giáo dục tiểu học tại Singapore đạt gần 100%[17], phản ánh chính sách giáo dục bắt buộc và các biện pháp hỗ trợ đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em. Đạo luật Giáo dục Bắt buộc năm 2003 quy định tất cả trẻ em phải hoàn thành ít nhất 6 năm giáo dục tiểu học, trong đó chương trình giảng dạy được thiết kế để phù hợp với năng lực của từng học sinh, giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện trước khi bước vào thị trường lao động[18]. Ngoài ra, Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore (MSF) cũng phối hợp với Bộ Giáo dục để triển khai các chương trình hỗ trợ giáo dục, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập thay vì phải lao động sớm.
Singapore cũng là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em phát triển nhất khu vực. Báo cáo của Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh thiếu niên và Thể thao Singapore khẳng định rằng các chính sách chăm sóc sức khỏe cho trẻ em không chỉ đáp ứng mà còn vượt qua các tiêu chuẩn quốc tế[19]. Việc tham gia Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) từ tháng 10 năm 1995[20] là một minh chứng cho cam kết của Singapore trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ lao động sớm, thiếu thốn giáo dục hoặc bị ảnh hưởng bởi các vấn đề xã hội khác.
Tổng quan cho thấy, hệ thống pháp luật toàn diện của Singapore đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em và NLĐCTN. Theo báo cáo Abolition of Child Labour: Report of the Director-General được trình bày tại Hội nghị Lao động Quốc tế, tình trạng lao động trẻ em tại Singapore hầu như không tồn tại[21]. Phần lớn trẻ em và thanh thiếu niên đều theo học tại các cơ sở giáo dục hoặc tham gia các chương trình đào tạo nghề chính thức, phản ánh sự thành công của các chính sách giáo dục và phát triển xã hội.
4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Với các chế định và vấn đề quan tâm từ ba quốc gia tiêu biểu là Trung Quốc, Anh và Singapore đã giúp Việt Nam có cái nhìn toàn diện hơn trong bảo đảm quyền nhân thân của NLĐCTN, nhóm tác giả thấy được khung pháp lý và các giải pháp của các nước đã phân tích trên sẽ có thể thực thi và phát triển bổ sung thêm tại Việt Nam.
Đầu tiên, bài học kinh nghiệm tại Trung Quốc.
Một là, tăng cường bổ sung thiết lập một hệ thống giám sát sức khỏe định kỳ cho NLĐCTN nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tật phát sinh trong quá trình tham gia lao động và ngăn ngừa các nguy cơ lao động không phù hợp. Đây là không những là một biện pháp quan trọng trong đảm bảo quyền nhân thân của NLĐCTN mà qua đó đánh giá được tính phù hợp của các ngành nghề, công việc mà NLĐCTN tham gia từ đó điều chỉnh giới hạn và phạm vi lao động ở mức ổn định phù hợp cho NLĐCTN đồng thời giúp nhà nước, người sử dụng lao động (NSDLĐ) thu thập dữ liệu y tế cần thiết để điều chỉnh chính sách tối ưu.
Hai là, nâng cao trách nhiệm giáo dục của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện và xử lý nghiêm các trường hợp người chưa thành niên tham gia lao động vì bị ép buộc từ phía gia đình. Thực tế khi bị ép buộc và bị ảnh hưởng tác động từ hoàn cảnh gia đình sẽ gây sức nặng lên tâm sinh lý ở độ tuổi phát triển chưa hoàn thiện này, thêm vào đó phần lớn các em sẽ bị ép buộc tham gia nối nghiệp từ các công việc nặng nhọc nguy hiểm giống người thân của mình đang làm nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, hoặc quan niệm truyền thống áp đặt lên con cái, cháu chắt của mình cần lao động sớm bất chấp độ tuổi, giới hạn công việc trái luật là một lẽ thường. Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung chế tài xử phạt đối với phụ huynh, người giám hộ, người đại diện vi phạm và phải song hành với các chính sách hỗ trợ tài chính tạo điều kiện để gia đình có nguồn thu nhập thay thế.
Tiếp theo, Việt Nam học hỏi một số kinh nghiệm từ quốc gia Anh.
Một là, nên xem xét việc phân bổ thời gian nhỏ phù hợp với độ tuổi của NLĐCTN. Ở Anh độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi không được làm quá 2 giờ mỗi ngày trong ngày thường và không được làm việc quá 12 giờ mỗi tuần của thời gian đi học, trong khi đó Việt Nam lại quy định cao hơn “Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần”[22] tức thời gian trong một ngày làm việc bình thường của độ tuổi chưa đủ 15 gấp đôi thời giờ làm việc của nhóm tuổi từ 13 đến 16 tuổi ở Anh. Ưu điểm của nước Anh là ở khía cạnh phân bổ thời gian tối đa 2 giờ nhưng có thể làm việc được tất cả sáu ngày trong tuần trừ ngày cuối tuần do đó vẫn đảm bảo điều kiện được nghỉ ngơi lành mạnh, thời gian học tập sẽ không bị gián đoạn dài và sức khỏe tinh thần không căng thẳng. Trong khi tại Việt Nam một buổi học của học sinh tiểu học, trung học cơ sở trung bình là 4 đến 4,5 tiếng đã tính thời gian được nghỉ giải lao, nghỉ giữa các tiết học. Như vậy việc quy định cho nhóm chưa đủ 15 tuổi làm việc không quá 4 tiếng một ngày và 20 giờ trong 01 tuần, có thể làm tăng khả năng bỏ buổi học chính tại trường trong các ngày trong tuần của các em để tham gia lao động theo yêu cầu của NSDLĐ. Do đó, nhóm tác giả đề xuất nên xem xét phân bổ lại thời gian làm việc của nhóm độ tuổi này kèm theo các danh mục của những công việc hợp pháp mà NLĐCTN trong nhóm này được làm tối thiểu cần bao nhiêu thời gian, từ đó sắp xếp hiệu quả thời gian làm việc vừa đảm bảo năng suất cho nhà tuyển dụng vừa cân bằng được sức khỏe an toàn và khả năng tiếp cận tri thức.
Hai là, giám sát chặt chẽ hệ thống danh mục cấm các công việc cho NLĐCTN. Với thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH có ban hành kèm theo các danh mục công việc cấm, công việc nhẹ dành cho từng nhóm tuổi NLĐCTN được làm là phù hợp và cần thiết nhưng cần đảm bảo thêm tính mới, theo kịp vận đồng của xã hội vì vậy Việt Nam nên mở rộng thêm trong các ngành nghề như giải trí, truyền thông, công nghệ, nghệ thuật,... Bên cạnh đó học hỏi cách giám sát và tăng mức xử phạt nghiêm khắc ngay từ những bước đầu: Anh yêu cầu doanh nghiệp phải đánh giá rủi ro trước khi tuyển NLĐCTN, đồng thời tăng cường thanh tra lao động nếu phát hiện sai phạm khi các nhà tuyển dụng trốn tránh trách nhiệm xin giấy phép từ chính quyền địa phương trước khi thuê NLĐCTN sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Từ đó, Việt Nam có thể áp dụng mô hình này nhằm bắt buộc các doanh nghiệp, NSDLĐ đăng ký và chứng minh môi trường làm việc của mình là đảm bảo theo quy định pháp luật và điều kiện an toàn vệ sinh trước khi được phép tiến hành tuyển dụng.
Cuối cùng, bài học từ một quốc gia quan tâm nghiêm ngặt về lao động trẻ em và NLĐCTN - Singapore.
Điểm khác biệt đầu tiên giữa Singapore và Việt Nam phải đề cập về độ tuổi lao động của người chưa thành niên là ở mức 13 tuổi, đối với Singapore thì độ tuổi lao động tối thiểu là 13 tuổi “Không ai được tuyển dụng trẻ em dưới 13 tuổi vào bất kỳ công việc nào”[23] trong khi đó tại Việt Nam vẫn được lao động nhưng kèm theo điều kiện “Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145” của Bộ luật Lao động 2019. Điều này cho thấy rằng tại Singapore đầu tư hoàn toàn cho chăm sóc và giáo dục người chưa đủ 13 tuổi khi đặt ra trong thực thi “không ai được tuyển dụng” nếu vi phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trọng. Từ đó đặt ra điểm cần chú trọng trong việc mở rộng độ tuổi NLĐCTN dưới 13 vẫn được tham gia thị trường lao động từ sớm gợi mở yêu cầu cho khung pháp lý Việt Nam phải cần cân nhắc và đánh giá thật kỹ các danh mục mà NLĐCTN chưa đủ 13 tuổi có thể làm.
Đặc biệt, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ cơ chế thực thi giám sát, quy định pháp luật trong các quốc gia trên, điểm đặc biệt tại Singapore mà nhóm tác giả cho rằng Việt Nam nên kiến nghị bổ sung là khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức các chương trình đào tạo nghề nhằm giúp thanh thiếu niên chuẩn bị tốt hơn trước khi gia nhập vào thị trường lao động. Đây là một trong những sức mạnh lớn để NLĐCTN cũng có thể học hỏi và tự bảo đảm được quyền nhân thân của chính mình trong quan hệ lao động.
Kết luận
Trong thực trạng có nhiều hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của NLĐCTN từ phía NSDLĐ, doanh nghiệp đồng thời khung pháp lý chưa chặt chẽ, các quốc gia hiện nay đang có sự quan tâm sâu sắc hơn khi đưa ra các chế định nhằm thực thi tối ưu các quyền nhân thân then chốt dành cho người chưa thành niên trong thị trường lao động việc làm, từ đó có các kế hoạch đề xuất và thực hiện biện pháp hướng đến đảm bảo quyền nhân thân của NLĐCTN hoàn thiện và toàn diện. Đây cũng chính là động lực cho Việt Nam tiếp cận nhìn nhận tại quốc gia mình và bảo đảm quyền nhân thân cho NLĐCTN hiệu quả, góp phần hìn thành môi trường lao động an toàn và phát triển bền vững cho thế hệ trẻ.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Lao động năm 2019.
2. Children Act 1989.
3. Children and Young Persons Act 1933.
4. Điều 15 Luật Lao động Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
5. Điều 17 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Trẻ vị thành niên Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
6. Điều 18 Luật Giáo dục Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
7. Điều 35 Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên Singapore năm 1993 (Children and Young Persons Act 1993 - CYPA).
8. Điều 58 Luật Lao động Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
9. Điều 61 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Trẻ vị thành niên Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
10. Điều 68 Luật Lao động Singapore năm 1968 (Employment Act 1968).
11. Điều 68 Luật Lao động Singapore năm 1968 (Employment Act 1968).
12. Điều tra lao động việc làm năm 2021, Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê.
13. Employment Rights Act 1996.
14. Equality Act 2010.
15. Health and Safety at Work Act 1974.
16. Human Right Watch, World Report 2020: China, 2020, https://www.hrw.org/world-report/2020/country-chapters/china.
17. International Labour Organisation (2017), Global estimates of child labor: Results and trends, 2012-2016, p.5.
18. Khoản 1 Điều 68 Luật Lao động Singapore (Employment Act 1968).
19. Ministry of Education Singapore (2012), Overview of compulsory education, https://www.moe.gov.sg/primary/compulsory-education/overview.
20. Ngân hàng Thế giới (2022), Tỷ lệ hoàn thành giáo dục tiểu học, tổng (% trong nhóm tuổi liên quan) - Singapore, https://data.worldbank.org/indicator/SE.PRM.CMPT.ZS?locations=SG.
21. ThS. Nguyễn Lê Đình Quý (2023), Học gì từ chương trình SkillsFuture của Singapore?, https://nhandan.vn/hoc-gi-tu-chuong-trinh-skillsfuture-cua-singapore-post771260.html.
22. United Nations (1995), Convention on the Rights of the Child: Singapore's Ratification, https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=IV-11&chapter=4&clang=_en.
23. U.S. Department of Labor (2003), Laws Governing Exploitative Child Labor Report - Singapor, tr.1-2.
[1] International Labour Organisation (2017), Global estimates of child labor: Results and trends, 2012-2016, p.5.
[2] Điều tra lao động việc làm năm 2021, Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê.
[3] Điều 58 Luật Lao động Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
[4] Điều 15 Luật Lao động Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
[5] Điều 17 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Trẻ vị thành niên Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
[6] Điều 61 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích của Trẻ vị thành niên Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
[7] Human Right Watch, World Report 2020: China, 2020, https://www.hrw.org/world-report/2020/country-chapters/china.
[8] Điều 18 Luật Giáo dục Cộng hoà nhân dân Trung Quốc.
[9] Employment Rights Act 1996.
[10] Health and Safety at Work Act 1974.
[11] Equality Act 2010.
[12] Children and Young Persons Act 1933.
[13] Điều 68 Luật Lao động Singapore năm 1968 (Employment Act 1968).
[14] Điều 68 Luật Lao động Singapore năm 1968 (Employment Act 1968).
[15] Điều 35 Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên Singapore năm 1993 (Children and Young Persons Act 1993 - CYPA).
[16] Thạc sĩ Nguyễn Lê Đình Quý (2023), Học gì từ chương trình SkillsFuture của Singapore?, https://nhandan.vn/hoc-gi-tu-chuong-trinh-skillsfuture-cua-singapore-post771260.html, truy cập ngày 25/02/2025.
[17] Ngân hàng Thế giới (2022), Tỷ lệ hoàn thành giáo dục tiểu học, tổng (% trong nhóm tuổi liên quan) - Singapore, https://data.worldbank.org/indicator/SE.PRM.CMPT.ZS?locations=SG, truy cập ngày 25/02/2025.
[18] Ministry of Education Singapore (2012), Overview of compulsory education, https://www.moe.gov.sg/primary/compulsory-education/overview, truy cập ngày 25/02/2025.
[19] World Health Organization & UNICEF (2008), World Report on Child Injury Prevention, tr.9.
[20] United Nations (1995), Convention on the Rights of the Child: Singapore's Ratification, https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=IV-11&chapter=4&clang=_en, truy cập ngày 25/02/2025.
[21] U.S. Department of Labor (2003), "Laws Governing Exploitative Child Labor Report - Singapore", tr. 1-2.
[22] Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Lao động 2019.
[23] Khoản 1 Điều 68 Luật Lao động Singapore (Employment Act 1968).
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
-
Người vay dùng tiền lừa đảo để trả nợ, người cho vay có trách nhiệm trả lại không?
Bình luận