Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc xem xét hiện trạng tài sản tranh chấp theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Trong quá trình thực thi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn phát sinh một số vướng mắc chưa được điều chỉnh. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến vướng mắc trong việc thực hiện xem xét, thẩm định hiện trạng tài sản tranh chấp.
1. Đặt vấn đề
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đã đưa ra một cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp mới, trước tố tụng được kỳ vọng nhằm bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án; thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính[1]. Các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện được thụ lý, giải quyết thông qua trình tự hòa giải tại Tòa án nhằm giảm thiểu tối đa công việc của Tòa án và là một cơ chế pháp lý mềm mại, hiệu quả hơn so với quy trình tố tụng tại Tòa án.
Trong quá trình thực thi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn phát sinh một số vướng mắc. Có thể thấy rằng, trong một số vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, để phục vụ cho việc hòa giải thì hòa giải viên cần phải tiến hành xem xét, hiện trạng tài sản. Cụ thể, hòa giải viên cần phải xem xét, kiểm tra hiện trạng tài sản để xác định những thông tin cần thiết cho việc tổ chức hòa giải như: Tài sản tranh chấp có hiện hữu trên thực tế hay không? Hiện trạng tài sản có trùng khớp với giấy tờ pháp lý liên quan như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký (đối với xe cộ, tàu thuyền…)? Ai là người đang thực tế quản lý, sử dụng tài sản tranh chấp?
Căn cứ pháp lý cho việc xem xét, kiểm tra hiện trạng tài sản được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
“Điều 14. Quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên
1. Hòa giải viên có các quyền sau đây: …c) Xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trước khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo yêu cầu của một trong các bên;…”
2. Các vướng mắc
Về chi phí cho việc xem xét, hiện trạng hiện nay được quy định tại Điều 3 của Nghị định 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên như sau:
“Điều 3. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:
a) Chi thù lao cho Hòa giải viên, chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (chi văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải);
b) Các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
2. Đối với vụ việc hòa giải, đối thoại còn lại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:
a) Chi phí khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê địa điểm và chi phí khác trực tiếp phục vụ việc hòa giải, đối thoại theo thực tế phát sinh;
b) Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại có trụ sở theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản;”
Khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định như sau:
“Điều 9. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án
2. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:
a) Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;
b) Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;”
Theo các quy định trên thì các bên tranh chấp chỉ phải chịu chi phí xem xét hiện trạng tài sản tranh chấp khi “tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở” và “tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch”. Trong khi hầu hết các tranh chấp, khiếu kiện mà hòa giải viên giải quyết đều có tài sản nằm trong địa giới hành chính của Tòa án có thẩm quyền giải quyết, đồng thời lượng tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Do vậy, trên thực tế hòa giải đã phát sinh những vướng mắc như sau:
Thứ nhất, để tổ chức việc xem xét hiện trạng tài sản liên quan thì cần phải có chi phí như chi phí đo vẽ, chi phí đi lại, chi phí bồi dưỡng cho cán bộ đại diện địa phương chứng kiến, chi phí thu thập thông tin, tài liệu…. Vậy ai là người phải nộp tạm ứng những chi phí này?
Thứ hai, thủ tục thu, chi và quyết toán chi phí do Tòa án hay hòa giải viên tiến hành? Tòa án hay hòa giải viên dự tính và thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí?
Thứ ba, trình tự, thủ tục tiến hành xem xét hiện trạng ra sao? Thành phần gồm có những ai? Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại có được tham gia xem xét hiện trạng tài sản hay không? Có lập biên bản gì không? Đồng thời chưa có biểu mẫu biên bản xem xét hiện trạng tài sản.
Thứ tư, theo quy định điểm c khoản 1 Điều 14 thì chỉ tiến hành xem xét hiện trạng tài sản có liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện theo yêu cầu của một trong các bên. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc, nếu không xem xét hiện trạng tài sản thì không thể có cơ sở cho việc tổ chức hòa giải. Vậy nếu hòa giải viên tự tổ chức xem xét hiện trạng tài sản có được hay không? Trường hợp này thì ai là người tạm ứng và chịu chi phí xem xét hiện trạng?
Ví dụ: Trong một vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng có liên quan đến tài sản thế chấp là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Trước khi tiến hành hòa giải, thì hòa giải viên cần thiết phải xem xét tài sản thế chấp có hiện hữu trên thực tế không? Ai đang quản lý, sử dụng? Và hiện trạng tài sản có thay đổi gì so với thời điểm ký hợp đồng thế chấp hay không?
Hoặc tranh chấp về thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất. Hòa giải viên cần tiến hành xem xét hiện trạng và tổ chức đo vẽ để phục vụ cho việc chia thừa kế.
Đối với các trường hợp nêu trên, nếu không xem xét hiện trạng tài sản thì không thể tiến hành hòa giải để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp không bên nào yêu cầu xem xét hiện trạng thì chưa có cơ sở pháp lý để hòa giải viên tổ chức xem xét hiện trạng theo điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Những vướng mắc trên đã phần nào hạn chế tính ưu việt của cơ chế pháp lý hòa giải tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như đã trình bày. Mặc dù trên thực tế, có những vụ việc tương tự như ví dụ minh họa trên, các bên hòa giải rất có thiện chí hòa giải nhưng vì còn vướng mắc một số vấn đề pháp lý như đã trình bày nên công tác hòa giải vẫn còn phát sinh nhiều lúng túng, chưa thực hiện được.
3. Một số kiến nghị
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, tôi xin đề xuất một số hướng dẫn tham khảo như sau:
Thứ nhất, về người phải nộp tạm ứng chi phí xem xét hiện trạng tài sản, có thể vận dụng tương tự Điều 156 của BLTTDS về “Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ”. Theo đó, bên yêu cầu xem xét hiện trạng tài sản phải nộp tạm ứng. Trong trường hợp hòa giải viên xét thấy việc xem xét hiện trạng tài sản là cần thiết thì người khởi kiện, người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng chi phí.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục thu, chi, quyết toán tiền tạm ứng chi phí xem xét hiện trạng phải do Tòa án thực hiện. Cơ sở pháp lý cho đề xuất này phù hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên:
“Điều 6. Cơ quan thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tòa án nơi giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án tổ chức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.”
Đồng thời, việc giao cho Tòa án thu, chi, quyết toán tạm ứng nhằm kiểm tra, giám sát tài chính đối với chi phí xem xét hiện trạng, tránh sự tùy tiện gây khiếu nại không cần thiết của các bên tham gia hòa giải. Tuy nhiên, về thông báo nộp tiền và dự tính số tiền tạm ứng thuộc về trách nhiệm của hòa giải viên theo điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục xem xét hiện trạng tài sản, theo tôi đây cũng là một trong các biện pháp thu thập chứng cứ của hòa giải viên thuộc thẩm quyền của hòa giải viên, nên phải do hòa giải viên tổ chức và thông báo trước cho các bên tham gia hòa giải và đại diện chính quyền địa phương. Trình tự, thủ tục được tiến hành tương tự như Điều 101 của BLTTDS về thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ. Về sự có mặt của Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại là cần thiết để kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ cho việc hòa giải. Tôi cũng kiến nghị TANDTC sớm có hướng dẫn kèm theo các biểu mẫu biên xem xét hiện trạng, thông báo nộp tiền tạm ứng chi phí.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi của cá nhân tôi trong quá trình thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Mong có thêm nhiều ý kiến của các đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Một buổi HG, ĐT tại Trung tâm HG, ĐT tại TAND thành phố Cần Thơ. Ảnh: CTV
[1] Đề cương giới thiệu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Bài liên quan
-
Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và một số kiến nghị thực thi
-
Thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Bất cập và một số kiến nghị
-
Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận