Có chính sách hỗ trợ phát triển là điều rất cần thiết

Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu  đã chia sẻ các quan điểm đồng thuận.

 Cần có một hệ thống giải pháp

Trên cơ sở phân tích ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc phấn đấu quyết liệt để phục hồi, tăng trưởng, hỗ trợ phát triển rất quan trọng. Chính vì thế, có chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết trong lúc này.

Chủ tịch nước đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tờ trình không chỉ đề ra mục tiêu, giải pháp mà còn có phương án huy động nguồn lực thực hiện hỗ trợ. Nêu dẫn chứng nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách tăng trong tầm kiểm soát. “Không cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ tăng trưởng”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Nhận định “cầu” của nền kinh tế còn yếu, Chủ tịch nước cho rằng cần tăng tổng “cầu”, nhất là tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân. Theo Chủ tịch nước, việc hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để phát triển trong lúc khó khăn này cần thiết nhưng nền tảng là phải giữ kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

Chủ tịch nước cũng cho rằng việc hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp, tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, làm sao họ tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Chủ tịch nước cũng đề nghị bổ sung nhóm giải pháp tăng hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế. “Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ”.

Đòi hỏi quyết định một cách thận trọng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ đã tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các nội dung trình trong gói chính sách tài khóa, tiền tệ. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng về nội dung huy động nguồn lực từ Quỹ Viễn thông công ích và Quỹ Phát triển khoa học công nghệ là từ đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành hữu quan rà soát tình hình các Quỹ từ đó huy động được nguồn vốn sẵn có vào thực hiện Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Hay như nội dung về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), ban đầu Chính phủ không đề xuất, sau đó đề xuất với mức giảm thuế 1% và thực hiện trong 3 năm 2021, 2022, 2023. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy giảm 1% sẽ không đủ để tạo được cú hích về tiêu dùng. Do đó, đề xuất tăng lên 2% nhưng thu hẹp phạm vi, áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng lớn và trước mắt có thể áp dụng trong một năm. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình giảm thuế VAT 2% và áp dụng trong năm 2022 để tạo cú hích tiêu dùng. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, sức cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu thì chính sách giảm thuế VAT sẽ vừa san sẻ gánh nặng cho người dân, người tiêu dùng vừa kích cầu nền kinh tế. Khi hàng hoá tiêu thụ tăng lên thì tổng thu ngân sách chưa chắc đã giảm. Điều này tương tự như chính sách giảm thuế trước bạ 50% đã thực hiện trong năm 2020, giảm thuế nhưng tổng thu ngân sách lại tăng lên nhờ tăng lượng tiêu thụ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, nội dung ban đầu trình của Chính phủ chủ yếu là về đầu tư công nhưng trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, nội dung chính sách có thêm về lĩnh vực lao động, y tế... Nhờ có quá trình trao đổi nhiều vòng, làm việc ngày đêm, quyết liệt để từ đó thống nhất các nội dung trình Quốc hội được bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, gói chính sách tài khóa, tiền tệ lần này là gói chính sách bổ sung ngoài khung khổ các kế hoạch trung hạn 5 năm mà Quốc hội đã quyết định và ngoài các chính sách đã quyết định trong năm 2020-2021. Do đó, đòi hỏi quyết định một cách thận trọng. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các chính sách nếu không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với Nhân dân, bởi suy cho cùng nguồn lực thực hiện đều từ tiền thuế của Nhân dân. Lưu ý, việc quyết định chính sách mới nằm ngoài khung khổ đã có không phải là không có rủi ro, do đó, bên cạnh huy động được nguồn lực còn phải phân bổ đúng và trúng, sử dụng hiệu quả, tính khả thi cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về cơ bản các chính sách phù hợp theo đúng định hướng, kết hợp tài khóa tiền tệ, tác động cả phía cung và phía cầu với quy mô đủ lớn. Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy mô gói này theo giá trị danh nghĩa công bố khoảng 5,25% GDP và tính theo giá trị thực sẽ khoảng 4,28%, cộng với 4% của năm trước thì tổng mức chi cho phục hồi phát triển kinh tế hơn 8,28% GDP. Đây là mức cao hơn trung bình của các nước xếp hạng thứ 2 và gần gấp đôi mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam. Như vậy quy mô gói chính sách đủ lớn, thời gian đủ dài, đưa vốn vào những lĩnh vực có thể giải ngân được ngay tạo hiệu qua cho nền kinh tế. Cùng với đó, các quan điểm nguyên tắc thiết kế chính sách cơ bản đảm bảo.

Nhất trí phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mới trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các chính sách đặc thù cũng phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ủy ban Pháp luật cũng cần chủ động rà soát các vấn đề này. Các cơ chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm.  

Cần giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, kinh tế Việt Nam như “cơ thể chuẩn bị hết bệnh cần thuốc phục hồi”. “Sức khỏe” doanh nghiệp, người dân kiệt quệ sau đại dịch, do đó gói phục hồi kinh nếu được ban hành sớm sẽ phục vụ tốt cho quá trình khôi phục nền kinh tế.

Theo ông Cường, Chính phủ đề xuất gói này bao gồm chính sách tài khoá và tiền tệ, trong đó, hỗ trợ tài khoá gồm kích cầu và cả kích cung với quy mô 290.000 tỷ đồng, trong đó giảm phí, lệ phí 64.000 tỷ đồng. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho rằng việc giảm các loại phí, lệ phí sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển: Về phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương là 14.000 tỷ đồng; về an sinh xã hội, lao động, việc làm hơn 8.000 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (trong đó đáng chú ý là hạ tầng giao thông là 103.164 tỷ đồng).

“Kích cầu đầu tư hiệu quả và an toàn hơn kích cầu tiêu dùng. Nếu chỉ đạo kiên quyết như chống dịch thì hiệu quả giải ngân sẽ rất cao”, ông Cường nhấn mạnh.

Cùng thảo luận về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời điểm này, Chính phủ dành một phần lớn ngân sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết và quan trọng. Chính sách này sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn dài tiếp theo.

Về chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua hỗ trợ về lãi suất cho các ngân hàng thương mại, Đại biểu kiến nghị, cần phải tiến hành rà soát để xác định chính xác mức độ cần hỗ trợ của các doanh nghiệp để có những chính sách phù hợp, hiệu quả.

Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đại biểu cho rằng, khoản tiền này rất cần thiết, sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tháo gỡ những khó khăn trước mắt và một phần khuyến khích sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc về tính hiệu quả, bởi khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước nếu đặt trong tổng số cần hỗ trợ thì rất lớn, nhưng khi phân chia cho người dân thì mỗi người chỉ được hưởng một khoản rất khiêm tốn. “Nên dành một khoản xứng đáng để đầu tư giải quyết việc làm cho người lao động sẽ có tác động lâu dài hơn, hiệu quả lớn hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có nhiều biện pháp trọng tâm, phù hợp với bối cảnh tình hình đất nước và thế giới. Gói hỗ trợ tập trung chính vào đầu tư công. Các nguồn lực tung ra vừa giải quyết vấn đề kích cầu thông qua đầu tư công đồng thời tạo sự tăng trưởng trong thời gian tới. Nếu tổ chức thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra xung lực lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Bắc Giang cũng bày tỏ quan ngại và đề nghị lưu ý các yếu tố cân đối vĩ mô, nợ công, nghĩa vụ trả nợ, lạm phát. Đồng thời, lo ngại có thể xuất hiện các tình trạng đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian tới, muốn kinh tế vực dậy, cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, cần tạo ra cầu cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội gói chính sách tài khóa 291.000 tỷ đồng.

Trong đó có giảm thuế 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm ngoái (năm 2021 chỉ giảm 21.500 tỷ đồng), đặc biệt trong đó giảm 2% thuế GTGT, hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá phát triển… Đồng thời, chi hỗ trợ thuê nhà cho người lao động là 6.600 tỷ đồng; chi hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế và bảo lãnh cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, cho học sinh sinh viên vay, phát triển miền núi…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc huy động nguồn lực cũng đã có báo cáo các cấp có thẩm quyền. Để việc huy động nguồn lực linh hoạt nhất, bền vững nhất hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; để gói kích cầu nói riêng và giải quyết nút thắt phát triển kinh tế xã hội nói chung cần giảm bớt khâu trung gian, thủ tục đầu tư…

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ chiều 4/1. Ảnh: Nguyễn Hoàng

THÁI VŨ