Đặt quyền con người và bình đẳng giới làm tâm điểm ứng phó với HIV
Theo bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, chiến lược thiết yếu nhằm giải quyết nạn dịch HIV/AIDS là tăng quyền năng cho phụ nữ và bảo đảm thực hiện các quyền của họ. Nhờ vậy, họ có thể tự bảo vệ bản thân không bị lây nhiễm, vượt qua sự kỳ thị và tiếp cận được các dịch vụ điều trị và chăm sóc.
Xóa bỏ bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử với phụ nữ
Đánh giá về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian qua, bà Elisa Fernandez cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia cam kết thực hiện Chiến lược tổng lực nhanh 90-90-90 nhằm chấm dứt nạn dịch HIV và đã thể hiện vai trò lãnh đạo cũng như cam kết chính trị nhằm tham gia vào các nỗ lực toàn cầu giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới và HIV. Điều này có nghĩa Việt Nam đã chấp nhận nhiệm vụ toàn cầu đẩy nhanh công tác ứng phó với AIDS thông qua một tập hợp các chỉ tiêu cụ thể với mốc thời gian hoàn thành rõ ràng. Các chỉ tiêu này phải được hoàn thành vào năm 2020 để chấm dứt nạn dịch AIDS vào năm 2030. Các chỉ tiêu này không thể hoàn thành khi chưa xóa bỏ được sự bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, các cam kết về bình đẳng giới vẫn chưa được đưa vào các chính sách, chương trình và ngân sách dành cho các hoạt động ứng phó với HIV. Công tác ứng phó quốc gia hiện hành đối với HIV không thể đáp ứng đầy đủ nhiều nhu cầu khác nhau cũng như đảm bảo các quyền của phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tại Việt Nam, một tỷ lệ lớn các trường hợp nhiễm mới xảy ra đối với phụ nữ có quan hệ tình dục lâu dài với nam giới nhiễm HIV, nam giới tiêm chích ma túy, nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và nam giới mua bán tình dục. Tuy nhiên, Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 với tầm nhìn 2030 không giải quyết đầy đủ các khía cạnh giới của nạn dịch tại Việt Nam. Sự có mặt của phụ nữ trong các cuộc thảo luận, hoạch định chính sách và các mô hình thực tiễn là rất quan trọng. Điều này có thể thực hiện thông qua việc huy động sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm phụ nữ sử dụng ma túy, phụ nữ bán dâm, phụ nữ là bạn tình của nam giới có nguy cơ cao, phụ nữ chuyển giới, phụ nữ trẻ tuổi, phụ nữ sống chung với HIV và phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số vào các tiến trình này.
Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều hình thức phân biệt đối xử nặng nề và thường đan xen lẫn nhau gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị cũng như khả năng tự chăm sóc. Theo báo cáo đánh giá giới, phụ nữ sống chung với HIV phải đối mặt với nguy cơ mất nhà, mất quyền nuôi con và tài sản cũng như quyền thừa kế. Sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực y tế và thiếu tiếp cận nói chung đến dịch vụ sức khỏe sinh sản là một thách thức nghiêm trọng đối với phụ nữ sống chung với HIV. Thiếu sự bảo mật về tình trạng nhiễm HIV cũng đang ngăn cản phụ nữ tiếp cận dịch vụ công cộng bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ pháp lý.
Mặt khác, những khuôn mẫu có hại về vai trò của nam giới cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Sự lo lắng của nam giới vì bị nhìn nhận thiếu nam tính là một nguyên nhân khiến cho nhiều người không kịp thời tìm đến dịch vụ xét nghiệm, tư vấn, điều trị và chăm sóc HIV. Công tác ứng phó quốc gia với vấn đề HIV cũng cần phải mạnh mẽ hơn trong việc xác định rõ nhu cầu cần phải thách thức các quan niệm về nam tính và các khuôn mẫu về nam giới nhằm hỗ trợ tốt hơn các mục tiêu về sức khỏe và giải quyết vấn đề HIV cho cả phụ nữ và nam giới.
Có sự tăng cường về nhận thức đối với nhu cầu cần phải thu hút nam giới và trẻ em nam để thay đổi những khuôn mẫu giới có hại và giải quyết các khía cạnh giới của nạn dịch HIV. Kinh nghiệm cho thấy nam giới và trẻ em nam sẵn sàng có thể từ bỏ các vai trò giới cứng nhắc và mang tính phân biệt đối xử, phản đối các quan điểm có hại về nam giới cũng như đón nhận các khuôn mẫu thay thế bình đẳng hơn giữa phụ nữ và nam giới.
Đối mặt với các vấn đề trên lý thuyết và trong thực tế
Vào tháng 7 năm nay, Hội nghị quốc tế lần thứ 22 về AIDS đã được tổ chức với chủ đề “Phá bỏ rào cản, nối những nhịp cầu” nhằm thu hút sự chú ý đến nhu cầu cần phải có các cách tiếp cận dựa trên quyền để tiếp cận được tới các nhóm đối tượng đích trên toàn cầu. “Để kiểm soát nạn dịch HIV, chúng ta phải đối mặt với các vấn đề về sự thiếu công bằng, sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử – không chỉ trên lý thuyết mà còn trong thực tế cụ thể”, bà Elisa Fernandez khẳng định.
Bà Elisa Fernandez cho hay, tại Việt Nam, UN Women cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc khác đã thực hiện các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong công tác ứng phó với HIV thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo lồng ghép giới, các hoạt động phổ biến kiến thức, tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp cao với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và hỗ trợ các cộng đồng chịu ảnh hưởng của HIV tham gia vào các quá trình xây dựng luật pháp và chính sách. Tất cả các nỗ lực này được thực hiện nhằm phát huy quyền con người của những người chịu tác động của HIV để họ có thể tự bảo vệ bản thân không bị lây nhiễm, vượt qua sự kỳ thị và tiếp cận tốt hơn đến các dịch vụ điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.
Một hoạt động quan trọng được tổ chức trong năm nay là Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã thực hiện một nghiên cứu về tình hình thực hiện các quyền của người chuyển giới tại Việt Nam. Ở Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý nào hỗ trợ người chuyển giới được công nhận về bản dạng giới của họ, hoặc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế an toàn dành cho họ. Trong bối cảnh của công tác ứng phó với HIV, phụ nữ chuyển giới đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm HIV cao – cao hơn tới 49 lần so với nhóm dân số nói chung. Chúng tôi hi vọng rằng các kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về các thách thức mà người chuyển giới tại Việt Nam đang phải đối mặt và xây dựng các khung pháp luật và chính sách đang rất cấp bách nhằm thực hiện các quyền của họ.
Các tiến trình quốc tế cũng thúc đẩy sự thay đổi về chính sách của Việt Nam nhằm hướng tới xóa bỏ phân biệt đối xử, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới. UN Women đang hỗ trợ những người bị tác động bởi HIV tham gia vào tiến trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR), tại đó các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khác sẽ đánh giá tình hình thực hiện tất cả các quyền con người tại Việt Nam vào đầu năm 2019. Các tiến trình quốc tế này có thể mang đến những thay đổi chính sách rõ ràng mà sẽ trực tiếp tác động đến cuộc sống của những người sống chung với HIV.
Theo quan điểm của UN Women, để thực hiện được mục tiêu bình đẳng giới và quyền bình đẳng trong bối cảnh của công tác ứng phó với HIV, việc hỗ trợ nhiều phụ nữ và nam giới khác nhau bị tác động bởi HIV nâng cao nhận thức và hiểu biết, cất lên tiếng nói của họ và khẳng định các quyền của họ là rất quan trọng. Việc này sẽ tăng cường hiệu quả cũng như gây tác động mạnh đến các hoạt động của những người sống chung với HIV và cũng sẽ giúp củng cố mạng lưới của họ trên toàn quốc.
Theo Tiengchuong.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
1 Bình luận
Tien Phan
20:29 09/01.2025Trả lời