Lần đầu tiên TAND TP Hà Nội xét xử trực tuyến vụ án hình sự
Ngày 24/8, TAND TP Hà Nội đã mở 2 phiên tòa xét xử phúc thẩm 2 vụ án hình sự về cùng tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, theo quy định tại Điều 249 BLHS.
Đây là 2 phiên tòa hình sự đầu tiên tại TAND tp Hà Nội được tiến hành xét xử trực tuyến, giữa 2 điểm cầu: điểm cầu trung tâm là tại Tòa án (nơi có Hội đồng xét xử) và điểm cầu thành phần đặt tại Trại giam số 1 tp Hà Nội (nơi giam giữ các bị cáo).
Để chuẩn bị cho phiên tòa này, công tác nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị cơ sở vật chất và số hóa các tài liệu, văn bản, triển khai đường truyền từ 2 đầu cầu… đã được Hội đồng xét xử chuẩn bị chu đáo. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các điểm cầu được 2 đơn vị Tòa án và Trại tạm giam thực hiện đồng bộ, thống nhất. Bị cáo trả lời các câu hỏi thẩm vấn của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát… thông qua hệ thống màn hình kết nối giữa 2 điểm cầu.
Vụ án thứ nhất, vào khoảng 20g30 ngày 12/1/2022 trước cửa số nhà 150 phố Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (SN 1988, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có hành vi tàng trữ 0,586 gam ma túy loại methaphetamine để sử dụng. Ngày 20/5/2022, hành vi của bị cáo Khánh đã bị Tòa án quận Cầu Giấy tuyên phạt 22 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. TAND tp Hà Nội đã xét bị cáo Khánh khai mua ma túy mục đích để sử dụng nên phạm tội, bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải... nên quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và tuyên phạt bị cáo Khánh 16 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Cùng ngày, TAND tp Hà Nội cũng mở phiên tòa xét xử trực tuyến đối với bị cáo Nguyễn Cầu Thiện (SN 1974, trú tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, ngày 10/6/2022, Tòa án huyện Gia Lâm đã tuyên phạt bị cáo Thiện 13 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Theo bản án sơ thẩm, vào khoảng 8g45 ngày 13/1/2022, tổ công tác xã Kim Sơn thuộc Công an huyện Gia Lâm đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực chợ Keo ở thôn Giao Tất A (Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện Nguyễn Cầu Thiện đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tổ công tác đã thu giữ vật chứng về trụ sở Công an để làm rõ. Vật chứng thu giữ được của Thiện gồm: 1 bao thuốc lá Thăng Long, bên trong có chứa 1 gói giấy báo bọc chất bột màu trắng. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, chất bột màu trắng bên trong 1 gói giấy báo là heroin, có khối lượng 0,178 gam.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Thiện đã gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND thành phố Hà Nội cho rằng, mức án 13 tháng tù mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó là phù hợp, đúng quy định của pháp luật nên đã quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên các quyết định của Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó đối với bị cáo Thiện.
Xét xử trực tuyến giúp Tòa án nâng cao chất lượng xét xử
Trao đổi về những nội dung liên quan đến việc Toà án triển khai tổ chức các phiên toà trực tuyến với phóng viên, Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Toà Hình sự, TAND tp Hà Nội cho biết, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà cho cả lâu dài khi việc áp dụng và triển khai đi vào quy củ và khắc phục được những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ và dần thay thế phiên tòa trực tiếp, giúp Tòa án nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của TAND các cấp. Phiên tòa trực tuyến còn một phần giúp cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn.
Với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, giúp cho việc giải quyết án được kịp thời, tránh cho đương sự phải di chuyển đi lại tốn kém, giúp cho việc tham gia phiên tòa của các đương sự được đầy đủ hơn, nâng cao hoạt động tranh tụng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến.
Bị cáo khai báo tại điểm cầu Trại tạm giam
Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và góp phần bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm dịch bệnh phát triển bùng phát.
Chính vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đang được tất cả các Tòa án tại Việt Nam triển khai và thực hiện. Nhiều người băn khoăn về phiên tòa trực tuyến sẽ không đảm bảo về tranh tụng vì diễn biến phiên tòa không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.
Bị cáo khai báo tại điểm cầu Trại tạm giam
Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 và Thông tư số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến và qua các phiên tòa trực tuyến đã diễn ra thì xác định phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh: “Việc xét xử trực tuyến là bước tiến vừa phù hợp xu thế hiện đại, vừa đảm bảo hoạt động tố tụng mà không mất đi quyền tranh tụng công khai”.
Xét xử trực tuyến là tiền đề cho triển khai Tòa án điện tử
Là người trực tiếp tham gia phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến vụ án Tàng trữ trái phép chất ma tuý, Thẩm phán Phan Huy Cương cho biết, không thể phủ nhận những ưu điểm mà xét xử trực tuyến đem lại, đặc biệt là ngành Tòa án đã ứng dụng được công nghệ thông tin vào công tác xét xử, là tiền đề cho việc triển khai Tòa án điện tử trong thời gian tới.
Không những thế, việc này còn tiết kiệm được chi phí đi lại cho những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng. Đặc biệt, xét xử trực tuyến còn đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an ninh, an toàn cho bị cáo.
Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là những vấn đề khó khăn mà các Tòa án cùng gặp phải. Trong đó phải kể đến việc người tham gia trong phiên tòa xét xử trực tuyến có tâm lý e ngại khi thay đổi thói quen, nóng vội khi có sự cố về kỹ thuật. Ngoài ra, còn phát sinh chi phí lắp đặt thiết bị, nâng cấp đường truyền…
Cũng theo Thẩm phán Phan Huy Cương, việc xét xử trực tuyến được áp dụng phù hợp nhất với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Bài liên quan
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Thẩm phán cao cấp, Chánh Văn phòng TANDTC được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án TAND TP Hà Nội
-
TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án tại FLC
-
TAND TP Hà Nội chuẩn bị xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận