Nghị quyết của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/ 2021.
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Số vụ án được phát hiện ngày càng có quy mô lớn, diễn ra trên phạm vi rộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều nhóm đối tượng thành lập các “công ty tài chính” trá hình, sử dụng ứng dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và lôi kéo người vay. Kèm theo những hoạt động cho vay nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ... Các hoạt động cho vay nặng lãi đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự (BLHS) trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến các quan điểm và cách áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất nên chưa đấu tranh triệt để được với nhóm tội phạm này.
Nhằm kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đang đặt ra, bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/ 2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 /12/2021. Nghị quyết gồm có 8 điều, với một số nội dung chính như sau:
1. Về xử lý đối với trường hợp cho vay không phải bằng tiền Việt Nam đồng và việc hướng dẫn xác định “Thu lợi bất chính”
Thực tiễn hiện nay có rất nhiều giao dịch dân sự là bên cho vay cho bên vay ngoại tệ, vàng, kim khí, đá quý hoặc tài sản khác dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn có thiếu thống nhất trong cách thức xử lý đối với các giao dịch này và còn có cách hiểu khác nhau về “Thu lợi bất chính”.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Điều 2 Nghị quyết đã hướng dẫn:
- “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự (BLDS).
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay;
- “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.
Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2. Về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Nghị quyết hướng dẫn nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là: Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính; Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.
3. Việc xác định tư cách tố tụng của người vay
Có ý kiến cho rằng, để bảo đảm quyền lợi cho người vay, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định người vay tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lại đề nghị xác định người vay tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201) nằm trong Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của BLHS. Như vậy, khách thể xâm phạm của tội này không phải là quan hệ sở hữu mà là quan hệ xã hội đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.
Mặt khác, trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người vay đã tự nguyện xác lập giao dịch dân sự trái pháp luật, chấp nhận mức lãi suất và số tiền lãi phải trả theo thỏa thuận với người cho vay. Do đó, người vay cũng có một phần lỗi trong giao dịch trên và số tiền lãi người vay phải trả không thể được xem là tài sản bị tội phạm chiếm đoạt, mà phải được xem là khoản thu lợi bất chính do phạm tội mà có. Do đó, người vay tiền không phải là bị hại trong vụ án.
Trên cơ sở kế thừa nội dung hướng dẫn tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, Điều 4 Nghị quyết đã hướng dẫn: Trong vụ án hình sự, người cho vay bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 của BLHS thì người vay tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
4. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm
Có ý kiến cho rằng, khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay (tiền gốc) cũng như khoản tiền lãi dưới 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS là số tiền hợp pháp của người cho vay và việc cho vay này là giao dịch dân sự nên phải trả lại cho người phạm tội. Đối với trường hợp số tiền mà người phạm tội cho vay là tiền họ đi vay của người khác hoặc tiền do người khác quản lý đã bị người phạm tội dùng để cho vay lãi nặng thì phải được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS.
Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp bên cho vay thỏa thuận với bên vay lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hành vi cho vay đã cấu thành tội phạm. Do vậy, khoản tiền, vật bên cho vay dùng để cho vay được xác định là công cụ, phương tiện phạm tội.
Đối với khoản tiền mà người phạm tội dùng để cho vay lãi nặng là tiền họ đi vay của người khác thì số tiền đó đã chuyển sang sở hữu của người phạm tội, không còn thuộc sở hữu của người đã cho người phạm tội vay nên phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trong các trường hợp khác cũng rất khó có thể xác định được khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay là tiền của người phạm tội hay là tiền thuộc sở hữu của người khác.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, trên cơ sở kế thừa nội dung của Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, Điều 5 Nghị quyết đã hướng dẫn việc xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm, cụ thể như sau:
“1. Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:
a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;
b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS mà người phạm tội đã thu của người vay.
c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.
2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, …) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.”
5. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự
Có ý kiến cho rằng, số tiền thu lợi bất chính được xác định theo tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay, không trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS. Trường hợp giao dịch dân sự chưa hết thời hạn mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính được xác định trên cơ sở số tiền mà người vay phải trả trong cả thời gian của giao dịch dân sự.
Có ý kiến cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”. Như vậy, pháp luật cho phép, các chủ thể tham gia hợp đồng vay được thỏa thuận mức lãi suất tối đa là 20%/năm. Trong trường hợp lãi suất theo theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Quy định này đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 9 Nghị quyết số 01/NQ – HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Do vậy, số tiền thu lợi bất chính được xác định theo số tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay đã trả hoặc phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp giao dịch dân sự chưa hết thời hạn mà bị phát hiện thì người cho vay không được nhận số tiền lãi trong thời gian chưa hết thời hạn từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn nên không thể coi là số tiền thu lợi bất chính.
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Điều 6 Nghị quyết đã hướng dẫn xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS trong cả kỳ hạn vay.
2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.
Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS.”
7. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
Điều 7 Nghị quyết đã hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể như sau:
“1. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà số tiền thu lợi bất chính của mỗi lần phạm tội từ 30.000.000 đồng trở lên, nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.
2. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.
3. Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.
4. Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,…) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
5. Trường hợp người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết này. Khi quyết định hình phạt, Tòa án áp dụng Điều 15 và khoản 3 Điều 57 của BLHS về phạm tội chưa đạt.”
Ngoài ra, Nghị quyết còn hướng dẫn đối với trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bài liên quan
-
Đánh giá sự tương thích của một số quy định liên quan đến giao dịch dân sự tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) so với Bộ luật Dân sự hiện hành
-
Triệt phá đường dây cho vay lãi nặng do người nước ngoài điều hành, bắt gần 200 đối tượng
-
Khó khăn trong xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
-
Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá nhóm cho vay lãi nặng từ 451%/năm đến 556%/năm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Bình luận