Một số vấn đề lý luận về áp dụng và phát triển án lệ

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số khó khăn và thách thức trong hoạt động áp dụng và phát triển án lệ của Tòa án, đồng thời đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động áp dụng và phát triển án lệ của Tòa án trong thời gian tới.

Cho đến nay, quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ được quy định đầy đủ tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng và phát triển án lệ trong thực tiễn hoạt động của Tòa án vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức.

1. Khái quát chung về án lệ

1.1. Khái niệm, đặc điểm

Khái niệm “án lệ” được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia ngày nay. Tuy nhiên, khái niệm này có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau phụ thuộc vào truyền thống pháp luật mà quốc gia đó thuộc về hoặc ngay cùng một quốc gia nhưng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau thì khái niệm này cũng có thể hiểu theo các nghĩa khác nhau.

Theo từ điển Black’s Law thì khái niệm án lệ được hiểu theo hai nghĩa sau: 1) Án lệ là việc làm luật của Tòa án trong việc công nhận và áp dụng các quy tắc mới nhằm thực thi công lý; 2) Vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này1.

Ở các nước Thông luật, án lệ được xem là nguồn luật chính thức và được thể hiện bằng cụm từ case law” - “luật được hình thành theo vụ việc”. Trái lại, ở các nước Dân luật thì án lệ  không được thừa nhận là một nguồn luật chính thức bắt buộc. Vì vậy, án lệ thường được hiểu là những bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng cách giải quyết vấn đề pháp lý mới, có giá trị tham khảo để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Chẳng hạn, ở Pháp, khái niệm án lệ được định nghĩa trong từ điển pháp lý như sau: Án lệ là một quyết định được áp dụng giải quyết cho các trường hợp tương tự hoặc vụ việc tương tự”2.

So sánh đặc điểm của nguồn luật án lệ ở các nước Thông luật và các nước Dân luật theo bảng dưới đây:

      Án lệ trong hệ thống Thông luật

        Án lệ trong hệ thống Dân luật

  • Án lệ nguồn luật độc lập, chính thức.
  • Án lệ là nguồn luật thứ cấp.
  • Án lệ được thừa nhận là nguồn luật có giá trị bắt buộc.
  • Án lệ không được thừa nhận là nguồn luật có giá trị bắt buộc.
  • Xây dựng và áp dụng án lệ theo nguyên tắc tiền lệ bắt buộc (Doctrine of stare decisis).
  • Xây dựng và áp dụng án lệ theo nguyên tắc nhất quán tiền lệ tư pháp (Doctrine of jurisprudence constante).

 

Theo nghĩa bao quát nhất, có thể hiểu: “Án lệ là các quyết định của Tòa án có trước được sử dụng làm khuôn mẫu cho các vụ việc tương tự về sau”3.

Từ khái niệm trên, có thể khái quát các đặc điểm của án lệ như sau:

Thứ nhất, án lệ là một loại tiền lệ do Tòa án tạo ra. Tiền lệ là những việc xảy ra trước tạo thành lệ cho những việc xảy ra sau. Bản chất của án lệ là “hình mẫu” (example) để noi theo.

Thứ hai, án lệ chứa đựng giải pháp pháp lý mới cho vấn đề pháp lý đặt ra trước Tòa án trong một vụ việc cụ thể mà pháp luật có quy định nhưng chưa cụ thể hoặc pháp luật chưa có quy định, hoặc pháp luật có quy định cụ thể nhưng áp dụng giải quyết vụ việc sẽ dẫn đến tình trạng bất hợp lý.

Thứ ba, án lệ chứa đựng giải pháp pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử. Án lệ không chỉ đơn giản là các hình mẫu mà đòi hỏi nó còn phải chứa đựng các giải pháp pháp lý có giá trị hợp lý và có tính chuẩn mực để áp dụng trong thực tiễn xét xử. Nếu án lệ không có giá trị hoặc giải pháp của án lệ không còn phù hợp nữa thì Tòa án không cần phải tuân theo. Như vậy, Tòa án tạo lập án lệ không những đưa ra giải pháp hợp lý, chuẩn mực để giải quyết vụ việc hiện tại mà mình đang giải quyết mà còn tạo ra giải pháp để giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai. Do đó, đòi hỏi Tòa án phải hết sức thận trọng khi đưa ra các giải pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề pháp lý mới đặt ra.

Thứ tư, án lệ thường tồn tại dưới hình thức là các bản án, quyết định của Tòa án. Án lệ là các bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng các giải pháp pháp lý mới, được sử dụng làm căn cứ để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Tuy nhiên, không thể đồng nhất án lệ với bản án, quyết định của Tòa án bởi vì không phải tất cả bản án, quyết định của Tòa án đều có có giá trị hướng dẫn áp dụng cho các vụ việc tương tự.

1.2. Đặc điểm của án lệ Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, khái niệm án lệ được quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ như sau: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Như vậy, nếu so với án lệ trong hệ thống Thông luật và Dân luật thì khái niệm án lệ trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có những điểm khác biệt như sau:

Thứ nhất, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định chứ không phải là bản án, quyết định có chứa các giải pháp pháp lý mới, được sử dụng làm khuôn mẫu để áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Khái niệm này khá tương đồng với cách hiểu về quy tắc án lệ là  (ratio decidendi) ở các nước Thông luật hay (court ruling) ở các nước Dân luật.

Thứ hai, án lệ phải được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ. Trong khi đó, án lệ ở các nước khác thường được hiểu là bản án, quyết định của Tòa án xét xử giải quyết vụ việc có chứa các giải pháp pháp lý mới, được sử dụng làm khuôn mẫu để áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Hoạt động tạo lập án lệ của Tòa án không tách khỏi hoạt động xét xử của Tòa án. Việc công bố án lệ chủ yếu là nhằm đưa nội dung án lệ (pháp luật) đến công chúng chứ không phải nhằm thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ giống như ở Việt Nam.

2. Áp dụng án lệ ở Việt Nam

2.1. Nguyên tắc áp dụng án lệ

Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định:

“1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

3. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự”.

Theo quy định trên, hoạt động áp dụng án lệ của tòa án cần bảo đảm các nguyên tắc sau: (i) nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ; (ii) nguyên tắc tương tự; (iii) nguyên tắc không áp dụng án lệ; (iv) nguyên tắc viện dẫn án lệ.

Có thể nói, các nguyên tắc cần bảo đảm trong hoạt động áp dụng án lệ của Tòa án Việt Nam được ghi nhận tại Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP tương đồng với các nguyên tắc áp dụng án lệ ở các nước Thông luật lẫn Dân luật. Tuy nhiên, cách hiểu về nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ ở Việt Nam có sự khác biệt so với cách hiểu của nguyên tắc này ở các nước Thông luật và Dân luật. Cụ thể hơn, bắt buộc tuân theo án lệ của Tòa án ở Việt Nam bắt nguồn từ hiệu lực pháp lý của án lệ “Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố, trong khi đó, bắt buộc tuân theo án lệ chủ yếu xuất phát từ bậc của hệ thống Tòa án theo nguyên tắc tiền lệ bắt buộc (Doctrine of stare decisis) ở các nước Thông luật và chủ yếu xuất phát từ giá trị của án lệ theo nguyên tắc nhất quán tiền lệ tư pháp (Doctrine of jurisprudence constante) ở các nước Dân luật. Việc quy định hiệu lực thời gian của án lệ đã dẫn đến thực hiện nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ ở Việt Nam cứng nhắc và các Tòa án sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nguyên tắc không áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử. Điều này phần nào làm cản trở vai trò chủ động, sáng tạo của các Thẩm phán trong việc đánh giá lại các giải pháp pháp lý của án lệ đã có.

2.2. Một số khó khăn và thách thức của hoạt động áp dụng án lệ trong thực tiễn

Có thể nói, hoạt động áp dụng án lệ của Tòa án trong thời gian qua có nhiều thuận lợi, nhất là ở nước ta đã có văn bản pháp luật chuyên biệt quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động áp dụng án lệ của Tòa án cũng gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến hai vấn đề khó khăn là: (i) xác định tình huống tương tự; và (ii) xác định phạm vi của quy tắc án lệ.

Về xác định tình huống tương tự, trong thực tiễn các Tòa án có quan điểm khác nhau về xác định tình tiết tương tự. Chẳng hạn, trong một vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” do TAND TP. C giải quyết. Nội dung vụ việc này có tình tiết cơ bản tương tự với Án lệ số 02 là người Việt kiều nhờ người Việt Nam đứng tên mua tài sản. Tuy nhiên, vụ việc do Tòa này giải quyết có tình tiết khác với Án lệ số 02 là người Việt kiều không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên dùm giao dịch còn Án lệ số 02 có tình tiết là người Việt kiều trực tiếp” giao dịch với người bán tài sản (đất). Do đó, tại Bản án số 20/2017/DS-PT ngày 24/02/2017 của TAND TP. C đã không áp dụng Án lệ số 02 vì Tòa này cho rằng vụ việc đang giải quyết không tương tự với tình huống Án lệ số 02. Ngược lại, trong Bản án số 208/2017/DS-PT ngày 29/8/2017 của TAND cấp cao tại TP. H, mặc dù cũng có tình tiết người Việt kiều không trực tiếp” giao dịch mà đưa tiền cho người đứng tên giùm giao dịch như vụ việc của TAND TP. C giải quyết, nhưng Tòa này vẫn áp dụng Án lệ số 02 yêu cầu ngưới đứng tên dùm phải trả nhà lại cho người Việt kiều vì cho rằng vụ việc mình đang giải quyết có tính chất tương tự với tình tiết của Án lệ số 02.

Ngoài ra, trên thực tế còn có bất cập trong việc xác định phạm vi của quy tắc án lệ, điển hình nhất là việc áp dụng Án lệ số 47 liên quan đến phân định tội danh giữa tội “giết người” với tội “cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 18; điểm a, n khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng với Điều 15; điểm a, n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015). Cụ thể như sau: (i) Tình huống án lệ: Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo; (ii) Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “giết người”.

Những bất cập và vướng mắc trong việc áp dụng Án lệ số 47 được thể hiện trong nội dung của một bài viết của Báo Thanh Niên4 như sau: “Ở nhiều vụ án, do mâu thuẫn bột phát, bị can dùng hung khí nguy hiểm (dao, gậy) tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại nhưng mức độ và cường độ tấn công không mạnh, bị hại chỉ bị thương tích nhẹ (có vụ từ 3 - 6%), không có hậu quả chết người xảy ra. Cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích và được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn… Tòa án chỉ căn cứ vào yếu tố “dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể và cho rằng người phạm tội có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại, mà không xem xét, đánh giá các yếu tố khác như mâu thuẫn giữa hai bên, cường độ tấn công, tỷ lệ thương tích… Đây cũng là yếu tố làm tăng số vụ án giết người trong phạm pháp hình sự, ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo chỉ tiêu Quốc hội giao”.

Để giải quyết các vướng mắc trên, TANDTC đã ban hành Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL như sau:

- Để áp dụng Án lệ số 47, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết. Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.

- Do vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

3. Phát triển án lệ ở Việt Nam

3.1. Tiêu chí lựa chọn án lệ

Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP quy định các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án phải đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ sau đây:

- Tiêu chí thứ nhất, án lệ có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

- Tiêu chí thứ hai, án lệ có tính chuẩn mực;

- Tiêu chí thứ ba, án lệ có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Tiêu chí thứ nhất là yêu cầu về tính mới của án lệ. Theo đó, bản án, quyết định được đề xuất, lựa chọn phát triển thành án lệ phải chứa đựng giải pháp pháp lý mới để giải quyết vấn đề pháp lý đặt ra trước Tòa án trong các tình huống sau: (i) Pháp luật chưa có quy định cụ thể nên còn có nhiều cách hiểu khác nhau; (ii) Tòa án cần phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; (iii) Chưa có điều luật quy định. Nhìn chung, tiêu chí về tính mới của án lệ quy định trong Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP cũng tương tự như tiêu chí về bản án, quyết được xem là án lệ ở các nước Thông luật và Dân luật. Qua đó, có thể nhận thấy, nếu đáp ứng được tiêu chí này thì án lệ phát huy được vai trò quan trọng của mình là kịp thời lấp các “lỗ hổng” của văn bản pháp luật thành văn.

Có thể nói, tiêu chí về tính chuẩn mực của án lệ là yêu cầu mang tính “định tính” và rất khái quát, trừu tượng. Vì vậy, chắc chắn sẽ rất khó khăn áp dụng tiêu chí này trong hoạt động đề xuất, lựa chọn các bản án, quyết định phát triển thành án lệ. Tuy nhiên, ở quan điểm cá nhân, tôi hiểu rằng tính chuẩn mực của án lệ đòi hỏi: (i) Về nội dung, án lệ phải chứa đựng giải pháp pháp lý mang tính thuyết phục cao; (ii) Về mặt hình thức, lập luận trong bản án, quyết định được đề xuất, lựa chọn phát triển thành án lệ phải được thể hiện một cách rõ ràng, mạch lạc và khúc chiết.

Tiêu chí về án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử có thể được hiểu rằng vấn đề pháp lý trong vụ việc được Tòa án giải quyết được đề xuất phát triển thành án lệ phải mang tính điển hình. Trong thực tiễn xét xử, vấn đề pháp lý này các Tòa án thường xuyên gặp và cần phải giải quyết. Qua đó, có thể nhận thấy, nếu đáp ứng được tiêu chí này thì án lệ thực hiện được vai trò quan trọng của mình là góp phần bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất.

3.2. Một số khó khăn và thách thức của hoạt động phát triển án lệ trong thực tiễn

Cho đến nay, ở Việt Nam đã có 72 án lệ công bố và được phát triển từ các bản án, quyết định của Tòa án các cấp đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ. Có thể nói, đây là thành tựu đáng ghi nhận xuất phát từ nỗ lực cải cách hoạt động tư pháp của ngành Tòa án nói chung cũng như từ đóng góp của các nhà khoa học pháp lý, luật sư và các cá nhân, tổ chức khác trong hoạt động đề xuất án lệ và góp ý, tư vấn nội dung án lệ nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động phát triển án lệ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc tìm kiếm các bản án, quyết định đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ để đề xuất phát triển thành án lệ. Với khối lượng khổng lồ của các bản án, quyết định của Tòa án được xét xử hàng năm, các chủ thể đề xuất án lệ được quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP5 là những người “ngoài cuộc” chắc chắn sẽ rất khó khăn trong việc tìm các bản án, quyết định nào đáp ứng tiêu chí lựa chọn án lệ để đề xuất phát triển thành án lệ. Trong khi đó, Thẩm phán là người trực tiếp giải quyết vụ việc hay là người “trong cuộc” thì việc đề xuất án lệ sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Thứ hai, cơ chế phát triển án lệ ở Việt Nam hiện nay chỉ tập trung chất lượng “đầu ra” mà chưa chú trọng thích đáng đến chất lượng “đầu vào” của án lệ. Phát triển án lệ chủ yếu tập trung tìm kiếm và lựa chọn những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ để công bố làm án lệ. Do đó, chất lượng của án lệ không thể tạo ra hay được gia tăng sau khi bản án, quyết định gốc được ban hành.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì hiện nay các Tòa án địa phương vẫn còn bị động và thiếu cơ chế hiệu quả để thực hiện trách nhiệm “tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ”.

Thứ tư, vẫn còn thiếu cơ chế để khuyến khích, khen thưởng cho các Thẩm phán, các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia vào hoạt động phát triển án lệ.

4. Một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng và phát triển án lệ ở Việt Nam hiện nay

4.1. Về áp dụng án lệ

Thứ nhất, cần nhanh chóng mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các Thẩm phán trong hoạt động áp dụng án lệ. Tập trung vào kỹ năng xác định phạm vi của quy tắc án lệ cần áp dụng và cách xác định tình tiết tương tự. Vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước Thông luật. Thông thường, Tòa án ở các nước Thông luật xác định phạm vi của quy tắc án lệ cần áp dụng dựa vào các yếu tố sau: (i) Tình tiết của vụ việc được Tòa án trước xem xét - “Facts”; (ii) Lý lẽ dẫn đến quyết định - “Reason for deciding”; (iii) Quyết định hay kết quả - “Decision”. Đối với xác định tình tiết tương tự, các Tòa án áp dụng án lệ chỉ có thể xác định tính chất của các tình tiết được Tòa án trước xem xét và đưa ra lý lẽ để giải quyết vụ việc (án lệ) có tính chất tương tự với tình tiết của vụ việc mà mình đang giải quyết. Hai vụ việc khác nhau thì không thể giống nhau hoàn toàn, ít nhất chúng cũng khác nhau về thời gian, địa điểm, chủ thể .v.v. Do vậy, Công văn số 100/TANDTC-PC giải thích về vùng trọng yếu của cơ thể như sau: “vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết”. Nội dung hướng dẫn này nhằm tránh tình trạng Tòa án áp dụng Án lệ số 47 xác định vùng trọng yếu của cơ thể chỉ có “vùng bụng” của nạn nhân. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, khi xác định phạm vi của yếu tố bắt buộc của án lệ thì Tòa án không chỉ dựa vào nội dung lập luận của bản án, quyết định được công bố làm án lệ mà còn phải dựa vào nội dung lập luận của Tòa án ban hành các bản án, quyết định có áp dụng án lệ về sau.

Thứ hai, khi áp dụng án lệ các Thẩm phán cần thiết phải xem phần “Khái quát nội dung án lệ” và phần “Nội dung án lệ” nhằm tránh tình trạng các Tòa án áp dụng án lệ một cách máy móc như việc áp dụng Án lệ số 47 trong thời gian vừa qua. Trong phần lập luận của Tòa án trong bản án gốc có nội dung: Mặc dù giữa Nguyễn Đình Đ và anh Cao Văn C không có mâu thuẫn trước đó, nhưng từ lời nói của anh C “Tao thích đánh nhau, thích đổ thêm dầu vào lửa đấy. Mày là thằng nào mà đến đây hổ báo”, Đ cầm dao (loại dao dùng làm hàng mây tre đan, chuôi gỗ dài 11 cm, lưỡi bằng sắt dài 13,5cm, đầu mũi dao nhọn hơi cong, bản dao nơi rộng nhất 2,5cm) chỉ vào mặt anh C nói “Mày thích đánh nhau à” rồi dùng dao đâm một nhát vào bụng anh C làm anh C bỏ chạy. Như vậy, chỉ vì lời nói của anh C có tính chất thách thức, kích động mà Đ đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng (mạn sườn bên trái) của anh C là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Theo kết luận giám định thì anh C bị thương tích 05%, và đây là thương tích ở thời điểm giám định (sau gần 05 tháng vụ án xảy ra), không phải thương tích ở thời điểm xảy ra vụ án, nên không phản ánh đúng thương tích của anh C và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc anh C không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Đ. Do đó, hành vi nêu trên của Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ”.  Như vậy, lập luận của Tòa án như trên đã chứa đựng các yếu tố làm cơ sở để xác định cho tội giết người bao gồm: (i) Ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; (ii) Hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; (iii) Bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo. Trong khi đó, phần khái quát án lệ chỉ thể hiện tình tiết ngắn gọn như sau: “Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo”.

4.2. Về phát triển án lệ

Thứ nhất, ngoài cơ chế phát triển án lệ chủ yếu tập trung vào chất lượng “đầu ra” của án lệ là việc lựa chọn các bản án, quyết định đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ để phát triển thành án lệ, các Tòa án nên chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng “đầu vào” của án lệ. Theo đó, các Tòa án cần phải cải tiến phần lập luận trong bản án, quyết định có giải quyết vấn đề pháp lý mới và có khả năng phát triển thành án lệ. Việc cải tiến phần lập luận của Tòa án cần bảo đảm cả nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, án lệ phải chứa đựng giải pháp pháp lý mang tính thuyết phục cao. Về mặt hình thức, lập luận trong bản án, quyết định được đề xuất, lựa chọn phát triển thành án lệ phải được trình bày một rõ ràng, mạch lạc và khúc chiết. Nâng cao chất lượng của án lệ là việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng. Chất lượng của án lệ không những bảo đảm được vai trò và nhiệm vụ bảo đảm công lý của tòa án mà còn thể hiện năng lực của ngành tư pháp, tạo dựng niềm tin của công chúng đối với ngành tư pháp.

Thứ hai, các Tòa án địa phương, nhất là các TAND cấp tỉnh và các TAND cấp cao cần chủ động hơn trong tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ để đề xuất phát triển thành án lệ. Mặt khác, các tòa địa phương cần thiết lập cơ chế hiệu quả để phát hiện bản án, quyết định có khả năng đáp ứng các tiêu chí án lệ để đề xuất phát triển thành án lệ. Chẳng hạn, cần có cơ chế tổng hợp, xử lý đối các vụ việc mà tòa mình giải quyết hoặc các tòa cấp dưới giải quyết có vấn đề pháp lý mới đặt ra và nếu đưa ra giải pháp pháp lý thì có khả năng phát triển thành án lệ.

Cuối cùng, TANDTC nên có cơ chế để khuyến khích, khen thưởng cho các Thẩm phán, các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia vào hoạt động phát triển án lệ. Việc khen thưởng không nhất thiết quá đặt nặng về vật chất mà có thể chủ yếu về tinh thần như là biện pháp nâng cao uy tín, danh dự…

 

TS. ĐỖ THANH TRUNG (Giảng viên Trường Đại học Luật TP. HCM)

1 Bryan A. Garner: Black’s Law Dictionary, West Group. 1999, Precedent: 1) The making of law by a court in recognizing and apply new rules while administering justice; 2) A decided case that furnishes a basic for determining later cases involving similar facts or issues.

2 Michel Troper, Christophe Grzegorczyk: Precedent in France in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing company, 1997, tr.111.

3 D. Neil Mac Cormick, Robert S. Summer: Introduction in “Interpreting Precedents”, Edited by D. Neil Mac Cormick, Ashgate Publishing company, 1997, tr.1.

4 Tuyến Phan, Tội giết người tăng vì áp dụng máy móc án lệ số 47/2021, https://thanhnien.vn/toi-pham-giet-nguoi-tang-vi-ap-dung-may-moc-an-le-so-47-2021-185230901111048728.htm, truy cập ngày 09/7/2024.

5 Điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định:

“Điều 3. Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

2. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ”.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử vụ án ma túy- Ảnh: Đoàn Thị Thùy Phương