Nguyên đơn có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gửi đơn đến Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh?

Hỏi: Năm 1982 cụ Phạm Văn S được cấp giấy chứng nhận toàn bộ số đất là 9.078m2 theo Chỉ thị 299 của Chính phủ. Sau khi cụ Phạm Văn S chết năm 1994 không để lại di chúc, ông Phạm Văn Nh (là con trai út của cụ S và cụ B) là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất và năm 1998, ông Nh được Uỷ ban nhân dân huyện H, Thành phố H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ 9.078m2 đất trên. Nay chúng tôi là người thừa kế của cụ Phạm Văn S làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế diện tích đất 9.078m2 là di sản của cụ S và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 01/09/1998 Uỷ ban nhân dân huyện H, Thành phố H đối với toàn bộ 9.078m2 đất là di sản của cụ S do ông Nh đứng tên thì gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện H hay TAND Thành phố H?

Trần Thị Ngọc H; địa chỉ: phường Trung Mỹ Tây, Quận M, Thành phố H

 Trả lời: Tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC đã hướng dẫn, theo đó, không phải bất cứ vụ án dân sự về “tranh chấp đất đai” nào, nếu có đương sự yêu cầu hủy quyết định cá biệt (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì Tòa án cấp huyện đều phải chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền, mà phải tùy vào các trường hợp sau:

Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp tỉnh thì TAND cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó;

Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự (có thể đương sự có yêu cầu hoặc không có yêu cầu hủy) thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết (Tòa án cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết vụ án dân sự).

Do vậy, yêu cầu của đương sự về việc hủy quyết định cá biệt trong vụ việc dân sự không phải là căn cứ để chuyển thẩm quyền giải quyết vụ án cho Tòa án cấp tỉnh. Khi Tòa án cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, cho dù có hay không có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì Tòa án không được chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh, mà cần tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự; trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, nếu có cơ sở xác định “quyết định cá biệt trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” thì mới chuyển hồ sơ lên Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền để giải quyết; nếu không có căn cứ xác định quyết định cá biệt đó là “trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” thì Tòa án cấp huyện tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thẩm quyền.

Tại Điểm 3, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của TANDTC có hướng dẫn như sau:

3. Trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết như thế nào?

Khoản 4 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Khoản 1 Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”.

Khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

Điểm 7, mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 hướng dẫn: “...Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của TANDTC nêu trên thì khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Như vậy bạn cần gửi đơn đến TAND Thành phố H để được giải quyết.

 

Tòa án nhân dân huyện Trà Cú, Trà Vinh xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất” - Ảnh: Minh Quân

 

 

TS. NGUYỄN HẢI AN (Học viện Tòa án)