Nguyễn Văn A phạm hai tội
Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn A và Mạnh Kim Tr phạm tôi gì?” của tác giả Hoàng Thị Thu Phương, đăng ngày 16/5/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ 2.
Thứ nhất, A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bà P và ông Th. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS 2015, quy định về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cụ thể như sau:
“Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Qua thực tiễn xét xử đối với các tội này có thể khẳng định rằng, người nào thông qua hợp đồng để nhận tài sản nhưng không có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu tài sản nhưng lại thực hiện hành vi như một chủ sở hữu tài sản đích thực để chiếm đoạt tài sản đều được coi là hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” và đều bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo nội dung vụ án, A thuê xe ô tô của bà P và ông Th thông qua hợp đồng thuê tài sản nhưng sau đó A đã có hành vi làm giả giấy CMND mang tên Lê Minh P và nhờ Tr giả làm chủ xe để đi cầm cố xe ô tô.
Rõ ràng, căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 của BLDS năm 2015 thì A chỉ có quyền sử dụng, chiếm hữu tài sản, không có quyền định đoạt, tức là A không có quyền của một chủ sở hữu đích thực nhưng A đem tài sản đi cầm cố cho người khác để lấy tiền tiêu xài cá nhân và không trả tài sản cho người đã cho thuê hoặc mượn là A đã có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt tài sản, nên hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, A và Tr phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với ông K.
Theo khoản 1 Điều 174 BLHS: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”. Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai hành vi, đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là hành vi đưa ra thông tin sai sự thật một cách cố ý nhằm để người khác tin đó là sự thật. Hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt đã xảy ra.
Quay trở lại vụ án, A có hành vi gian dối, đó là sử dụng giấy tờ CMND giả bằng cách A đem giấy CMND bản chính mang tên Nguyễn Văn Ch phô tô thành nhiều bản rồi tẩy xóa, ghi lại thành CMND mang tên Lê Minh P. Sau đó, A gặp và nhờ Tr giả làm chủ xe để đi cầm cố xe ôtô để ông K tin đó là giấy tờ thật nhằm mục đích cầm cố được chiếc xe ô tô và chiếm đoạt số tiền của ông K. Nói cách khác, nếu không có giấy CMND giả do A cung cấp thì ông K sẽ không cầm cố xe và A cũng không chiếm đoạt được số tiền trên từ ông K. Do vậy, hành vi của A đã thỏa mãn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản .
Tương tự như A, Mạnh Kim Tr cũng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì Tr hoàn toàn biết A không được phép cầm cố/bán… tài sản đi thuê mượn nhưng Tr vẫn đồng ý giúp A với thù lao là 1.500.000 đồng và cùng A dùng các thủ đoạn gian dối như: Tr chấp nhận giúp A giả làm chủ xe thông qua việc đưa cho A ảnh thẻ để A dán vào CMND mà A đã chỉnh sửa trước đó mang tên Lê Minh P khớp với thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký xe của Lê Minh P nhằm cầm cố chiếc xe; là người viết giấy mượn của ông K số tiền 50.000.000 đồng và ký tên Lê Minh P. Như vậy, hành vi của Tr cũng đã thỏa mãn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về việc xác định tư cách tham gia tố tụng
Trong vụ án nêu trên, hành vi đem tài sản đi cầm cố cho người khác để lấy tiền tiêu xài cá nhân và không trả tài sản cho người đã cho thuê hoặc mượn của A đã đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên trường hợp này chủ cơ sở cho thuê xe được xác định là bị hại trong vụ án.
Đối với hành vi cầm cố xe ô tô lấy tiền, mặc dù A và Tr có gian dối trong việc làm giấy tờ giả nhưng là để tạo niềm tin với bên cho vay/bên nhận cầm cố rằng Tr là chủ sở hữu chiếc xe để giao kết hợp đồng dân sự - hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, trường hợp đến hạn trả nợ mà không thanh toán được nợ thì bên cho vay sẽ xử lý tài sản cầm cố để đảm bảo thu hồi nợ; sau khi lấy được xe của chủ cơ sở cho thuê xe, A và Tr mang xe cầm cố và dùng các giấy tờ giả để ông K chấp nhận cầm cố xe với số tiền 50.000.000 triệu đồng. Do đó, khi giải quyết vụ án thì Tòa án phải xem xét trách nhiệm dân sự của các bị cáo đối với ông K, nên ông K được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Do vậy, trong vụ án này, bên cho vay/bên nhận cầm cố tài sản là ông K phải được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng, Lạng Sơn mở phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến đối với vụ án hình sự - Ảnh: TL
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận