Những thành tích nổi bật trong công tác xét xử năm 2021 của Tòa án nhân dân
Bài viết đánh giá những thành tích nổi bật của năm công tác 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của hệ thống Tòa án nhân dân.
Trong năm 2021, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, hệ thống Tòa án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa chính trị quan trọng, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong năm qua, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong nước, mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vẫn ổn định song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, có tính chất xuyên quốc gia; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính gia tăng về số lượng và có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp. Bên cạnh việc phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, các Tòa án còn phải tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế; tổ chức triển khai thi hành các đạo luật quan trọng liên quan tới hoạt động của Tòa án và triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.
Trong năm 2021, hệ thống TAND nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TAND các cấp đã đoàn kết nhất trí, nỗ lực, cố gắng không ngừng vươn lên, tận tâm, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Chất lượng các hoạt động mà trọng tâm là công tác xét xử ngày càng được nâng lên, đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án tiếp tục giảm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Những thành tựu nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
I. Những thành tích nổi bật
1. Xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật
Năm 2021[1], các Tòa án đã thụ lý 88.607 vụ với 160.574 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo (vượt 1,62% chỉ tiêu Quốc hội)[2]. Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử và xác định tầm quan trọng của việc xét xử cũng như hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã chỉ đạo các Tòa án tăng cường đổi mới thủ tục xét hỏi; nâng cao chất lượng và kỹ năng điều khiển tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan để khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm tăng cường tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao kỹ năng và trình độ nghiệp vụ trong xét xử…
Chính vì vậy, chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có chuyển biến tích cực; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,92% (giảm 0,26% so với năm trước); bị sửa là 4,52% (giảm 0,39% so với năm trước), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Các vụ án hình sự được giải quyết xét xử kịp thời bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, áp dụng hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội đã tạo được sự đồng thuận xã hội, được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Xét xử nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ
Công tác xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng được lãnh đạo TANDTC quan tâm chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và được cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ, đồng tình, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế; áp dụng hình phạt nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước với phương châm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…”[3]; chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2021, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 2.263 vụ với 4.125 bị cáo (chiếm 3,06% số vụ và 3,03% số bị cáo trong tổng số vụ án hình sự đã thụ lý)[4]. Các Tòa án đã xét xử nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: Vụ án Lê Quang Hiếu Hùng và các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam; vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và Sabeco; vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan…
Kết quả xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ; các bị cáo bị xét xử đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục, khẩu phục, ăn năn, hối lỗi; đồng thời, đã kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ đó, vai trò, vị thế của TAND trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Tòa án là nơi thực hiện lẽ phải, sự công bằng và là cơ quan bảo vệ công lý.
3. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự được đảm bảo[5]
Các Tòa án đã thụ lý 411.299 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 324.813 vụ việc, đạt tỷ lệ 79% (vượt 1% chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra). Chất lượng giải quyết, xét xử có nhiều tiến bộ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,57% (giảm 0,07% so với năm trước); bị sửa là 1,1% (giảm 0,1% so với năm trước).
TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức; làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án.
Năm 2021, đã tổ chức 3.148 phiên tòa rút kinh nghiệm để rút ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình xét xử nhằm nâng cao chất lượng các phiên tòa nói riêng và chất lượng giải quyết xét xử các loại án nói chung. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật.
Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, qua đó giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Các Tòa án đã hòa giải thành 163.316 vụ, chiếm 52,3% trong tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết, tăng 1,24% so với năm 2020.
Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự trong năm qua đã áp dụng đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo thời hạn xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tuân thủ nguyên tắc tự định đoạt, tự nguyện thỏa thuận của đương sự, hạn chế xung đột trong Nhân dân.
4. Giải quyết các vụ án hành chính có chuyển biến tích cực
TAND các cấp đã thụ lý 10.728 vụ; đã giải quyết, xét xử được 5.693 vụ, đạt tỷ lệ 53,1% (thụ lý giảm 1.742 vụ, xét xử giảm 2.889 vụ). Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, TANDTC đã chỉ đạo các Tòa án tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để tăng cường năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán; chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo linh hoạt, nâng cao số lượng các vụ việc được đối thoại; thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan để tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ, cung cấp tài liệu, chứng cứ nhằm giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật các vụ án hành chính; tập trung phân loại, kiểm tra, rà soát các vụ án hành chính để xác định thứ tự ưu tiên giải quyết, xử lý dứt điểm đối với các vụ án thụ lý đã lâu; tăng cường bố trí, phân công Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký có năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm thực tiễn xét xử; tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra để kịp thời rút kinh nghiệm các sai sót nghiệp vụ; nghiên cứu, rà soát, tổng kết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử để Hội đồng Thẩm phán TANDTC kịp thời hướng dẫn, giải đáp, trao đổi nghiệp vụ hoặc đề xuất kiến nghị giải quyết...
Với việc thực hiện hiệu quả, quyết liệt các giải pháp đã đề ra, trong năm qua, chất lượng các bản án, quyết định hành chính được nâng lên và có nhiều tiến bộ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước (hủy do nguyên nhân chủ quan giảm 0,18%; sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,1%); đã khắc phục triệt để việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật và không có bản án, quyết định hành chính phải giải thích hoặc kháng nghị do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
5. Tăng cường, nâng cao chất lượng hòa giải thành, đối thoại thành
Xác định nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống Tòa án trong năm 2021, ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Luật HGĐTTTA) có hiệu lực thi hành, TANDTC đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật HGĐTTTA; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật HGĐTTTA; ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các Tòa án tổ chức thi hành và thực hiện nghiêm Luật HGĐTTTA kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành. TANDTC đã ban hành 03 Thông tư[6], 01 Giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 và nhiều văn bản hướng dẫn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật; xuất bản cuốn Thông tin khoa học xét xử chuyên đề về hòa giải, đối thoại tại Tòa án… để giúp các Tòa án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hòa giải, đối thoại.
Trước tình hình các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng tăng cao theo quy mô của nền kinh tế và quy mô dân số, việc triển khai thi hành Luật HGĐTTTA có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; góp phần tăng cường sự đồng thuận trong xã hội; giảm tải số lượng các vụ việc phải đưa ra xét xử, khắc phục tình trạng quá tải án, tạo điều kiện để Tòa án tập trung các nguồn lực nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là cần phải tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Luật HGĐTTTA để khuyến khích người dân quyết định lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại, phát huy các giá trị của phương thức này đối với xã hội và Nhà nước; đồng thời chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư, Hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý.
6. Xét xử kịp thời các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TANDTC đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các Tòa án đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã xét xử 136 vụ với 177 bị cáo (trong đó, các Tòa án xử phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm đối với 02 bị cáo, tù từ trên 03 năm đến 07 năm đối với 30 bị cáo, tù từ 03 năm trở xuống đối với 140 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác). Việc đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hơn nữa sự tin tưởng của người dân vào công lý, công bằng xã hội, vào Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, năm 2021, hệ thống TAND tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp khác như: Báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được bảo đảm thực hiện kịp thời; công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật và ban hành án lệ được chú trọng, góp phần đảm bảo tốt hơn việc giải quyết các vụ việc trong thực tiễn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn được quan tâm, triển khai có hiệu quả; công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án…
II. Một số giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới
Với vai trò là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, việc nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được ưu tiên hàng đầu của hệ thống TAND. Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, cũng như các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của TAND và góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế- xã hội đất nước, hệ thống TAND cần tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp cơ bản sau:
1. Nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
- Chỉ đạo các Tòa án tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Tích cực triển khai thi hành Luật HGĐTTTA để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.
- Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý; phát huy tính sáng tạo và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, Thẩm phán; chỉ đạo các Tòa án làm tốt công tác tự kiểm tra và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, kịp thời khen thưởng, vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
2. Nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế
- Tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; tập trung giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án luật quan trọng như: Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Dự án Luật Phá sản (sửa đổi); Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên;…
3. Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ
- Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, Thẩm phán, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu vị trí công tác. Quán triệt sâu sắc uy tín của Tòa án là sự tín nhiệm, niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Mỗi sai sót của cán bộ Tòa án trong quá trình thực thi công vụ sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân. Đội ngũ cán bộ, công chức hệ thống Tòa án phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, nhận thức rõ trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
- Kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp ở Tòa án nhân dân cấp huyện. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối bên trong của các Tòa án gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Thực hiện việc luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác kịp thời để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có số lượng công việc nhiều, đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quy hoạch bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp.
- Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhất là kỹ năng điều hành phiên tòa, các văn bản pháp luật mới hướng dẫn đường lối xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; chú trọng đào tạo thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến và động viên cán bộ, công chức tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử. Biên soạn đầy đủ hệ thống giáo trình bậc đại học, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
- Xây dựng chế độ, chính sách tiền lương phù hợp với lao động đặc thù của Tòa án, có chính sách ưu tiên, khuyến khích cán bộ, công chức đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
4. Nhóm giải pháp về tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của Nhân dân đối với Tòa án
- Đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đột phá để tăng cường sự giám sát của Nhân dân, cơ quan dân cử và công luận đối với Tòa án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của Tòa án, kịp thời phát hiện những tồn tại, yếu kém trong công tác xét xử để sửa chữa, khắc phục.
- Nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân; nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử tại Tòa án để Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền tư pháp, giám sát tư pháp. Tăng cường công khai, minh bạch, đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa án nhằm phục vụ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận Tòa án.
- Cải cách mạnh mẽ thủ tục tố tụng, thủ tục hành chính tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia tố tụng hoặc có công việc tại Tòa án; hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Tòa án.
5. Nhóm giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án
- Triển khai một cách kịp thời, thống nhất và hiệu quả Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đề xuất các giải pháp liên quan đến số hóa, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số.
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chủ trương, hành lang pháp lý để xây dựng và tổ chức thành công Tòa án điện tử trong tương lai.
6. Nhóm giải pháp khác
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Đảng, chính quyền ở Trung ương, địa phương và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các mặt công tác của Tòa án.
- Tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tham gia có trách nhiệm và đề xuất nhiều sáng kiến trong các thiết chế tư pháp đa phương, song phương.
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, trong đó tập trung đổi mới về định mức chi, chế độ chi, định mức trang cấp phương tiện làm việc và quy mô xây dựng trụ sở, nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho các Tòa án.
Năm công tác 2021 của hệ thống TAND đã kết thúc với nhiều thành tựu rất đáng tự hào; trong năm công tác mới năm 2022, TAND các cấp với truyền thống lịch sử vẻ vang, quý báu, bằng sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực không ngừng, cùng với sự phối hợp, ủng hộ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền ở địa phương, hệ thống TAND quyết tâm tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.
[1] Số liệu được thống kê từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021.
[2] Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 73.855 vụ với 136.350 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 67.176 vụ với 119.077 bị cáo; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 14.428 vụ với 23.634 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 11.960 vụ với 18.695 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 324 vụ với 590 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 273 vụ với 500 bị cáo.
[3] Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 ngày 12/12/2020.
[4] Gồm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tại Chương XVIII và các tội phạm tham nhũng tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự.
[5] Vụ việc dân sự theo nghĩa rộng gồm vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, phá sản doanh nghiệp và lao động.
[6] Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên; Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận