Tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Tài liệu là thông tin gắn liền với vật mang tin có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin, bao gồm tài liệu giấy, tài liệu trên vật mang tin khác và tài liệu điện tử. Trong đó: tài liệu giấy là tài liệu tạo lập trên giấy; tài liệu trên vật mang tin khác là tài liệu tạo lập trên vật mang tin khác; tài liệu điện tử là tài liệu tạo lập ở dạng thông điệp dữ liệu[1]. Con dấu là phương tiện đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, quản lý, được sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước[2].
Quy định của pháp luật: Theo quy định của BLHS, 1. Tài liệu bí mật nhà nước và vật chứa bí mật nhà nước (là tài liệu hoặc vật chứa đựng thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc[3]) là đối tượng tác động của các tội: Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước; Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; Tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước. Về kỹ thuật lập pháp, thì tại Điều 337 BLHS quy định hai tội (là tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước và tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước); tại Điều 338 BLHS quy định hai tội (là tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước và tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước).
Tuy nhiên, quy định tại khoản 1 (Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt…) Điều 337 BLHS và tại khoản 1 (Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt…) Điều 338 BLHS lại chỉ nêu hành vi khách quan của một tội ghép là Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước và Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước. Mặt khác, về câu chữ thì quy định tại khoản 1 (cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước…) Điều 337 BLHS và tại khoản 1 (vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước…) Điều 338 BLHS cũng không đồng nhất.
Kiến nghị: Để khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị: Sửa lại tên tội danh quy định tại Điều 337 BLHS là “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”; Sửa lại tên tội danh và nội dung khoản 1 của Điều 338 BLHS như sau:
“Điều…Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
2. Giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan, tổ chức là đối tượng tác động của Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo quy định tại khoản 1 Điều 340 BLHS, thì:
- Thứ nhất, giấy chứng nhận, tài liệu là giấy chứng nhận, tài liệu thật của cơ quan, tổ chức bị người phạm tội sửa chữa và sử dụng. Như đã trình bày, với quy định tài liệu (là thông tin gắn liền với vật mang tin có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin, bao gồm tài liệu giấy, tài liệu trên vật mang tin khác và tài liệu điện tử), thì giấy chứng nhận chỉ là một loại tài liệu giấy. Việc sử dụng từ “giấy chứng nhận” ở tên tội danh và liệt kê các loại tài liệu (như hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch” cùng với “các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu” ở khoản 1 của Điều luật là không chính xác về mặt ngôn ngữ;
- Thứ hai, tên tội danh và hành vi khách quan của cấu thành tội phạm được mô tả tại khoản 1 “Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt…” không thống nhất. Bởi lẽ, với tên tội danh là “Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”, thì mặt khách quan cuat tội phạm này được thể hiện bởi cả hai hành vi là sửa chữa và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, mục đích của việc sử dụng tài liệu đã bị sửa chữa là để thực hiện tội phạm cho nên có thể chỉ cần sử dụng một tài liệu đã sửa chữa cũng có thể thực hiện được một tội phạm khác. Điều này cho thấy, việc sử dụng từ “các” tài liệu ở tên tội danh và ở khoản 1 Điều 340 BLHS là thừa. Mặt khác, nếu đúng là mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện bởi cả hai hành vi là sửa chữa và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức thì quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt…” không có nghĩa. Bởi lẽ, chỉ được coi là có nghĩa khi quy định “Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”. Hay nói cách khác, quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt…” chỉ phù hợp với tên tội danh là “Tội sửa chữa tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi đề nghị chỉ quy định “tài liệu” là đối tượng tác động của tội phạm và nếu vẫn giữ nguyên quy định mặt khách quan của tội phạm bao gồm cả hai hành vi là sửa chữa và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức, thì sửa đổi, bổ sung Điều 340 BLHS như sau:
“Điều… Tội sửa chữa và sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Sử dụng từ 02 tài liệu đã bị sửa chữa trở lên để thực hiện tội phạm;
c) Sử dụng tài liệu đã bị sửa chữa thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
3. Con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là đối tượng tác động của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo quy định tại Điều 341 BLHS, thì ở tên điều luật quy định hai tội danh là tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, nội dung quy định tại khoản 1 Điều luật này lại chỉ nêu hành vi khách quan của một tội ghép là Tội làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Mặt khác, như đã trình bày, thì “giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức” cũng chỉ là một loại tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Về tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, thì tuy số lượng con dấu hoặc tài liệu bị làm giả cũng thể hiện phần nào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nếu chỉ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức mà không sử dụng con dấu, tài liệu bị làm giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thể hiện hoặc phát huy tính chất nguy hiểm cho xã hội trên thực tế. Việc quy định hai tội danh là tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sẽ dẫn tới trường hợp một người vừa làm vừa sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức bị coi là phạm hai tội. Trong khi hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng cũng chỉ bị xử lý về một tội với tên tội danh là “Tội chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Điều này cho thấy sự bất hợp lý của việc quy định hai tội phạm độc lập (là tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức) ở Điều 341 BLHS. Do vậy, sẽ là hợp lý nếu sửa lại tên tội danh và nội dung quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS như sau:
“Điều… Tội làm, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”. Đồng thời, nghiên cứu bỏ quy định về số lượng con dấu, tài liệu bị làm giả ở khoản 2 và 3 Điều luật này.
[1] Xem: Luật Lưu trữ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, Điều 2.
[2] Xem: Nghị đinh số 99/2016/NĐ-CP, ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu.
[3] Xem: Luật Lưu trữ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, Điều 2.
Bài liên quan
-
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ
-
Đảm bảo an toàn trụ sở, hồ sơ, tài liệu của Tòa án trong tình huống mưa, lũ, sạt lở
-
Bàn về trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ của Thẩm phán theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
-
Bộ Công an yêu cầu thêm 3 tỉnh cung cấp tài liệu về các dự án cây xanh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận