TAND tỉnh Bắc Giang: Điểm sáng về mô hình xét xử phiên tòa trực tuyến
Không chỉ được lựa chọn là mô hình điểm về việc triển khai tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến, trong năm qua, TAND tỉnh Bắc Giang còn hoàn thành tốt "nhiệm vụ kép" - vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác.
Mô hình điểm xét xử trực tuyến
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp đòi hỏi đất nước phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động của mình thông qua phương thức trực tuyến. Ngành Tòa án cũng xác định việc xây dựng Tòa án điện tử là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng công tác Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử giúp hoạt động của Tòa án nhân dân ngày càng công khai, minh bạch để nhân dân kiểm tra, giám sát, hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn theo tinh thần cải cách tư pháp. Không những vậy, việc xét xử trực tuyến còn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, khi nắm bắt được chủ trương của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tối cao về việc xét xử trực tuyến, TAND tỉnh Bắc Giang đã kịp thời báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh để tranh thủ sự lãnh đạo, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh về chủ trương và kinh phí (lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến tại TAND tỉnh, Trại Tạm giam Công an tỉnh…). Đồng thời tích cực, chủ động đề xuất và được lãnh đạo TAND tối cao chấp thuận lựa chọn Bắc Giang là tỉnh đầu tiên tổ chức phiên tòa HSST theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.
Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang
Để đảm bảo việc triển khai được thuận lợi TAND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 3 cuộc diễn tập vào các ngày 23/12, 24/12 và 26/12/2021 để đánh giá tình hình thực tế về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến.
Tiếp đó, ngày 8/01/2021, TAND TP. Bắc Giang cũng đã đưa ra xét xử trực tuyến vụ án hình sự sơ thẩm đối với Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, Nơi ĐKTT: thôn Lý 1, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Bị truy tố về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 171 Bộ luật hình sự. Địa điểm mở phiên tòa tại 03 điểm cầu xét xử trực tuyến gồm: 01 Điểm cầu trung tâm TAND tỉnh Bắc Giang; 01 điểm cầu tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang; 01 điểm cầu thành phần tại Tòa án nhân dân huyện Tân Yên.
Phiên tòa nhận được sự quan tâm, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao và Bí thư Tỉnh ủy và truyền hình trên phạm vi toàn quốc.
Đây được xem là một nỗ lực rất lớn của TAND tỉnh Bắc Giang khi là nơi được giao để tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến trong toàn ngành.
Đánh giá về những thách thức mà TAND tỉnh Bắc Giang gặp phải khi được chọn là mô hình điểm trong việc tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến, ông Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cho biết: Khi được Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND tối cao chọn là nơi thực hiện xét xử phiên tòa mẫu trực tuyến vụ án HSST là cơ hội và vinh dự cho tỉnh Bắc Giang và TAND tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đi đôi với đó là áp lực rất lớn đối với chúng tôi khi phải chuẩn bị không chỉ về cơ sở vật chất, mà còn phải lựa chọn, đào tạo được đội ngũ cán bộ để vận hành để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khắt khe của xét xử trực tuyến. Nhưng chính nhờ sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao và Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh nên từ khi diễn tập cho đến khi mở các phiên tòa xét xử trực tuyến đã diễn ra rất thành công và được đánh giá cao cả về công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện, đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp, được Chánh án TANDTC chỉ đạo các địa phương học tập, nhân rộng.
Thực hiện thành công nhiệm vụ "kép"
Năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Tòa án nhân dân hai cấp đã quyết tâm rất cao, đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra trong năm 2021. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm qua, Tòa án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã giải quyết 7.341/7.803 vụ, việc, đạt tỷ lệ 94,1%. Trong đó án hình sự: giải quyết 1.703 vụ/1.735 vụ, đạt tỷ lệ 98,2%, vượt chỉ tiêu thi đua 8,2%. Các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động: giải quyết 5.397/5.803 vụ, việc đạt tỷ lệ 93,0%, vượt chỉ tiêu thi đua 8,0%. Án Hành chính: giải quyết 75/99 vụ, đạt tỷ lệ 75,8%, vượt chỉ tiêu thi đua 10,8%. Công tác tổ chức cán bộ, văn phòng, hành chính tư pháp được thực hiện nề nếp. Công tác cải cách tư pháp có nhiều đột phá.
Ngoài ra, trong năm 2021, TAND tỉnh đã xét xử dứt điểm nhiều vụ án lớn, tính chất nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ Nguyễn Tiến Duẩn, nguyên UVBTV, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Yên Dũng và đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về QLKT gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án Đặng Thị Việt Hà và đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vụ án có 511 người liên quan. Vụ án Dương Quang Minh và đồng phạm, “Tổ chức đánh bạc” bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Vụ Nguyễn Tuấn Giảng “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền ảo Bitcoin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 200 bị hại...
Ông Lương Xuân Lộc, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang
Trong năm 2022, theo Chánh án Lương Xuân Lộc, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống cho cán bộ, công chức, đảng viên, người lao động. Đảm bảo 100% cán bộ, công chức, người lao động Tòa án hai cấp nghiêm túc thực hiện đúng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân. Xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu thi đua cụ thể theo từng thời điểm và điều kiện mỗi đơn vị; làm tốt công tác phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến để tạo đòn bẩy thúc đẩy tính toàn diện, có chiều sâu của phong trào thi đua yêu nước. Tổ chức phát động phong trào thi đua thiết thực, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu thi đua đề ra với mục tiêu trọng tâm là phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác. Chỉ đạo 10/10 TAND huyện, TP triển khai xét xử trực tuyến, đầy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động, chủ động xây dựng Tòa án điện tử. Quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bài liên quan
-
Tòa án quân sự Quân khu 1 triển khai công tác năm 2025
-
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn Công ty Tài chính PTF của SeABank cho AEON Financial Service
-
Lê Hoàng D phạm tội giết người, cướp tài sản
-
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên nỗ lực cơ cấu lại nền nông nghiệp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận