Tòa án xác định, chỉ định người đại diện theo pháp luật của đương sự là công ty - Một số vướng mắc và giải pháp

Xác định người đại diện theo pháp luật của đương sự là doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc dân sự. Việc xác định không đúng, không đủ hoặc tình trạng không có, chưa có người đại diện ảnh hưởng đến việc giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật vụ việc dân sự.

1.Đặt vấn đề

Từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời với nhiều quy định mới, cụ thể hơn về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, quy định các trường hợp phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty, quy định về việc Tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Thực tiễn việc áp dụng các quy định mới này để xác định người đại diện theo pháp luật của đương sự là công ty trong tố tụng dân sự, Tòa án còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn. Luật Doanh nghiệp năm 2020 có sửa đổi, bổ sung về vấn đề này nhưng vẫn chưa giải quyết một cách triệt để, đầy đủ và toàn diện.

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ nêu vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết trong việc Tòa án xác định, chỉ định người đại diện theo pháp luật của đương sự là công ty trong ba trường hợp sau: (i) Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật; (ii) Công ty phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật; (iii) Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác chỉ định người đại diện theo pháp luật của công ty tham gia tố tụng.

2. Một số vướng mắc, tồn tại

Trước hết, chúng ta cần làm rõ một số vướng mắc, tồn tại trong quy định pháp luật dẫn đến sự lúng túng, khó khăn của cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng trong việc xác định, chỉ định người đại diện theo pháp luật của đương sự là công ty trong ba trường hợp nêu trên.

2.1. Trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật

Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Theo đó, cũng như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã khắc phục hạn chế của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc xác định phạm vi, trách nhiệm của những người đại diện người đại diện theo pháp luật trong trường hợp điều lệ công ty không quy định rõ, khi bổ sung quy định: “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Khoản 7 Điều 69 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng”. Theo đó, với đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật nào là người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Trường hợp này, Tòa án phải làm rõ số lượng, chức danh quản lý và đặc biệt là quyền, nghĩa của những người đại diện theo pháp luật của đương sự. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, Tòa án sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong hai trường hợp sau: (i) Nếu như điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật và có nhiều “người đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba” thì xác định một người hay nhiều người là người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng; (ii) Nếu như điều lệ công ty không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật thì xác định ai là người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.

2.2. Trường hợp đương sự là công ty phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật

Khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Theo đó, trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật thì một người đang là người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật nữa và phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật. Đối tượng công ty quy định tại khoản 5 và 6 Điều 12 là khác nhau. Trường hợp phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật tại khoản 5 Điều 12 rộng hơn khoản 6 Điều 12 nhưng trong phạm vi đề tài này không nghiên cứu vấn đề này nên sẽ gọi chung là “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật”.

Tại khoản 6 Điều 12, đối với đối tượng là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật thì thành viên còn lại đương nhiên làm đại diện theo pháp luật của công ty. Vì khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân”. Nên đối tượng áp dụng của khoản 6 Điều 12 là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật. Việc xác định người đại diện theo pháp luật thay thế cũng được pháp luật quy định tương đối rõ ràng như sau: “thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty”. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, Tòa án dễ dàng xác định được “thành viên còn lại” của công ty qua thông tin đăng ký doanh nghiệp, nhưng còn gặp khó khăn, lúng túng về trình tự thủ tục, có cần ra quyết định chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng hay không.

Tại khoản 5 Điều 12, pháp luật quy định chung chung đối tượng là doanh nghiệp nhưng xác định chủ thể có quyền cử người khác làm người đại diện theo pháp luật là “chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị” nên đối tượng áp dụng của khoản này là công ty trách nhiệm hữu hạn (trừ công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật), công ty cổ phần và công ty chỉ có hoặc chỉ còn một người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, trên nguyên tắc doanh nghiệp phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật, vì vậy, chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, Tòa án hoàn toàn phụ thuộc vì phải chờ chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty mới xác định được người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Ngoài ra, trường hợp các chủ thể này không cử người khác làm người đại diện theo pháp luật thì Tòa án có quyền chỉ định người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng hay không, trình tự thủ tục, căn cứ để Tòa án chỉ định như thế nào.

2.3. Trường hợp Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác chỉ định người đại diện theo pháp luật của công ty tham gia tố tụng cho đương sự là doanh nghiệp

Vấn đề thứ ba này là hệ quả cũng là giải pháp của hai vấn đề đã nêu trên. Chúng ta cần làm rõ, cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham gia tố tụng trong những trường hợp nào, trình tự, thủ tục, căn cứ chỉ định như thế nào. Khoản 7 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”. Trước đó, khoản 7 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có quy định về việc Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau: “Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án”.

Theo đó, việc quy định Tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham gia tố tụng là không mới. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về vấn đề này có sự khác biệt. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp chỉ trong phạm vi tố tụng tại Tòa án và trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng trường hợp đặc biệt là gì thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng như pháp luật liên quan không có quy định. Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung thêm chủ thể có quyền chỉ định, ngoài Tòa án còn có cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, mở rộng phạm vi áp dụng từ trong phạm vi tố tụng tại Tòa án thành tham gia tố tụng nói chung, đã bỏ căn cứ chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt mà mở rộng thành theo quy định của pháp luật, nhưng quy định của pháp luật về vấn đề này được hiểu như thế nào thì pháp luật liên quan không có quy định.

Hiện nay việc Tòa án chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 88 BLTTDS năm 2015 và tại Điều 88 cũng chỉ quy định đối tượng đương sự được Tòa án chỉ định là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, không có đối tượng đương sự là doanh nghiệp; cũng không quy định trình tự, thủ tục, căn cứ để Tòa án chỉ định. Vì vậy, thực tế chỉ ra rằng, chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật doanh nghiệp, Tòa án sẽ gặp khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham gia tố tụng, cụ thể là trong hai trường hợp đã nêu trên.

3. Đề xuất giải pháp

Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, Tòa án hay cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác cần có cách hiểu đầy đủ, toàn diện quy định của pháp luật doanh nghiệp về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, trên cơ sở tuân thủ, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật tố tụng, phù hợp với thực tiễn hoạt động tố tụng hiện nay.

3.1. Trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật

Trong các vụ việc dân sự, nếu có đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì ngay từ khi xem xét việc thụ lý, cũng như trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án luôn phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định đương sự có thuộc trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật hay không. Bởi lẽ, trong trường hợp này, Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật nào của đương sự là người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Để xác định đương sự có nhiều người đại diện theo pháp luật hay không, Tòa án có thể căn cứ vào các tài liệu sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, các tài liệu khác về việc thành lập doanh nghiệp hoặc trả cứu nhanh trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

Trường hợp đã xác định đương sự là công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật, Tòa án tiến hành xác định người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng của đương sự bằng các hoạt động tố tụng sau đây:

- Tùy giai đoạn tố tụng, Tòa án có thể thu thập điều lệ hợp lệ của công ty như sau: (i) Khi xem xét việc thụ lý vụ việc dân sự, Tòa án có thể yêu cầu đương sự cung cấp; (ii) Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cung cấp.

- Căn cứ nội dung điều lệ hợp lệ của công ty Tòa án xác định số lượng, chức danh quản lý và việc phân chia quyền, nghĩa vụ của những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để xác định người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng, cụ thể có các trường hợp như sau:

+ Trường hợp điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật và xác định một người đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án thì Tòa án xác định người này là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng.

+ Trường hợp điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật và xác định có nhiều người đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án thì Tòa án xác định tất cả những người này là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng.

+ Trường hợp điều lệ công ty không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật thì Tòa án cần triệu tập tất cả những người được ghi nhận là người đại diện theo pháp luật của công ty để xác định người đại diện tham gia tố tụng. Và xác định như sau: (i) Nếu Tòa án ghi nhận được tất cả ý kiến của những người đại diện theo pháp luật của công ty và thống nhất xác định một người hoặc nhiều người đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án thì Tòa án xác định người này hoặc những người này là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng; (ii) Nếu Tòa án không ghi nhận được tất cả ý kiến người đại diện theo pháp luật của công ty, không thống nhất xác định được người đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án thì Tòa án xác định tất cả những người đại diện theo pháp luật của công ty là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng.

3.2. Trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật

Như đã xác định ngay từ đầu, đề tài này không giải quyết vấn đề liên quan đến các “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật” theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 mà chỉ giải quyết vấn đề Tòa án xác định, chỉ định người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng trong trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thuộc trường hợp phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp đã có căn cứ xác định đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thuộc trường hợp phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật, Tòa án tiến hành xác định người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng của đương sự bằng các hoạt động tố tụng sau đây:

- Tùy giai đoạn tố tụng, Tòa án có thể thu thập giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ hợp lệ, danh sách thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông của công ty như sau: (i) Khi xem xét việc thụ lý vụ việc dân sự, Tòa án có thể yêu cầu đương sự cung cấp; (ii) Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án yêu cầu đương sự cung cấp; và có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý chứng khoán, tổ chức đang quản lý sổ đăng ký cổ đông của công ty cung cấp.

- Căn cứ thông tin thu thập được, tùy vào loại hình pháp lý của đương sự Tòa án xác định: (i) Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Tòa án xác định chủ sở hữu công ty, chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên (nếu có); (ii) Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân, Tòa án xác định hai thành viên công ty; (iii) Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Tòa án xác định thành viên Hội đồng thành viên; (iv) Nếu là công ty cổ phần, Tòa án xác định thành viên Hội đồng quản trị, danh sách cổ đông (nếu cần).

- Đối với trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật thuộc các “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật” thì Tòa án xác định thành viên còn lại là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng. Việc có cần ra quyết định chỉ định hay không sẽ được giải quyết khi đề tài giải quyết vấn đề Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho doanh nghiệp ở phần kế tiếp.

- Đối với trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Tòa án có văn bản gửi và/hoặc triệu tập chủ sở hữu công ty, chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên (nếu có) để thông báo đương sự là công ty có người đại diện theo pháp luật thuộc các “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật” và yêu cầu họ thực hiện các thủ tục theo điều lệ công ty, quy định pháp luật để cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

- Đối với trường hợp đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (trừ trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật), Tòa án có văn bản gửi và/hoặc triệu tập tất cả thành viên Hội đồng thành viên để thông báo đương sự là công ty có người đại diện theo pháp luật thuộc các “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật” và yêu cầu họ thực hiện các thủ tục theo điều lệ công ty, quy định pháp luật để cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

- Đối với trường hợp đương sự là công ty cổ phần, Tòa án có văn bản gửi và/hoặc triệu tập thành viên Hội đồng quản trị, một số cổ đông lớn (nếu cần) để thông báo đương sự là công ty có người đại diện theo pháp luật thuộc các “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật” và yêu cầu họ thực hiện các thủ tục theo điều lệ công ty, quy định pháp luật để cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

- Trường hợp, đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (trừ trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật), công ty cổ phần đã cử người hoặc những người khác làm người đại diện theo pháp luật thì Tòa án xác định người này hoặc những người này là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng. Trường hợp Tòa án không thể yêu cầu hoặc đã yêu cầu nhưng chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị không cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty thì trước mắt Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Việc Tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho công ty trong trường hợp này, đề tài sẽ giải quyết ở phần kế tiếp.

3.3. Trường hợp Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Nên việc lựa chọn người đại diện là quyền cơ bản của doanh nghiệp được pháp luật tôn trọng, công nhận và bảo hộ. Vì vậy, việc Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là sự can thiệp vào quyền của doanh nghiệp nên chỉ thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết, để nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chính doanh nghiệp, của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này lý giải cho việc tại khoản 7 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”. Theo đó, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác chỉ có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp để tham gia tố tụng, nghĩa là chỉ đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và việc chỉ định phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Như đã phân tích, hiện nay Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định Tòa án được chỉ định người đại diện theo pháp luật cho đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tham gia tố tụng tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật về tố tụng dân sự hiện hành không có quy định về vấn đề này. Nghĩa là về mặc nguyên tắc, Tòa án không được thực hiện thẩm quyền này.

Trong khi đó, như đã nêu trên, thực tiễn chỉ ra rằng, Tòa án phải xem xét giải quyết và gặp khó khăn, lúng túng trong hai trường hợp sau: (i) Thứ nhất, đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật thuộc các “trường hợp không còn đủ điều kiện làm người đại diện theo pháp luật” thì Tòa án xác định thành viên còn lại là người đại diện hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng có cần ra quyết định chỉ định người đại diện hay không; (ii) Thứ hai, đương sự là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (trừ trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên đều là cá nhân và có một thành viên là người đại diện theo pháp luật), công ty cổ phần phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật, Tòa án không thể yêu cầu hoặc đã yêu cầu nhưng chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị không cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty thì Tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho công ty hay không. 

Với trường hợp thứ nhất, pháp luật doanh nghiệp đã quy định rõ điều kiện, căn cứ, chỉ thiếu trình tự thủ tục theo pháp luật tố tụng để Tòa án chỉ định. Tuy nhiên, việc Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho đương sự trong trường hợp này vẫn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho đương, còn đảm bảo việc giải quyết vụ án và phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp. Về mặt tố tụng, quyết định chỉ định của Tòa án là cơ sở xác định thời hạn, phạm vi quyền, nghĩa vụ của người được chỉ định, là căn cứ pháp lý để tách bạch giữa tư cách đại diện tham gia tố tụng và tư cách đại diện công ty của người được chỉ định trong các quan hệ pháp luật khác. Vì vậy, việc Tòa án có quyết định chỉ định trong trường hợp này là cần thiết, có căn cứ.

Với trường hợp thứ hai, pháp luật doanh nghiệp đã quy định việc cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty là quyền của chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị. Pháp luật doanh nghiệp, quy định việc tham gia tố tụng là quyền của doanh nghiệp và pháp luật tố tụng quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự khi tham gia tố tụng. Vì vậy, trường hợp này, khi Tòa án không thể yêu cầu hoặc đã yêu cầu nhưng chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị không cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty thì Tòa án không nên, không được chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho đương sự. Sau khi tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, Tòa án cần tiếp tục thực hiện các thủ tục tố tụng đề tài đã nêu để yêu cầu chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Cần phải nói thêm rằng, các góc độ đề tài đã phân tích đối với trường hợp thứ hai nêu trên là khi công ty là đương sự với tư cách nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, nghĩa là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu như họ chỉ là bên đang bị yêu cầu thực hiện trách nhiệm dân sự thì vấn đề sẽ cần được xem xét lại. Việc chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty không chỉ còn là quyền mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ. Việc chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị không cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự khác, cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án thì việc Tòa án chỉ định là cần thiết, hợp lý.

Ngoài ra, trường hợp thật sự cần thiết, không thể trì hoãn, Tòa án cần phải chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng cho đương sự, đề tài cũng đề xuất một số nguyên tắc để thực hiện. Một là, Tòa án đã thực hiện việc yêu cầu nhưng chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị không cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty mà không có lý do chính đáng thì Tòa án mới được chỉ định. Hai là, người được Tòa án chỉ định phải ưu tiên những người quản lý công ty, mang tính đại diện cao cho công ty, có khả năng vì lợi ích của công ty, không đối lập, mẫu thuẫn về quyền lợi với công ty. Ba là, trước khi Tòa án chỉ định cần tham khảo ý kiến của người sắp được chỉ định; trường hợp người này không đồng ý thì không nên chỉ định; trường hợp người này đồng ý thì cần yêu cầu có văn bản cam kết sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Bốn là, trường hợp có khiếu nại việc chỉ định thì Tòa án cần xem xét để bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

NGUYỄN THỊ LÊ (Tòa án nhân dân huyện Kbang, tỉnh Gia Lai)

TAND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng xét xử vụ tranh chấp lao động - Ảnh: Hải Định