Trần Văn A phạm tội Cưỡng đoạt tài sản

Qua nghiên cứu bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Phạm Văn Phương đăng trên tạp chí điện tử ngày 21/8, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng A phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.

Thứ nhất, các dấu hiệu khác nhau cơ bản giữ hành vi cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

Theo Điều 170 và Điều 168 BLHS 2015, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tội cướp tài sản được thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Tức là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản là yếu tố cấu thành tội phạm bắt buộc.

Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện bằng hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần, buộc người có trách nhiệm về tài sản giao nộp tài sản nếu không giao nộp tài sản họ sẽ bị áp dụng dùng vũ lực hoặc sẽ bị gây thiệt hại đến nhân thân. Tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản đều có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhưng tính chất đe dọa ở hai tội khác nhau cơ bản. Tội cướp tài sản đe dọa ngay tức khắc sử dụng vũ lực, còn tội cưỡng đoạt tài sản đe dọa tương lai sẽ dùng vũ lực, nếu bị hại không trao tài sản.

Trường hợp đe dọa ngay tức khắc sử dụng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản thì định tội là cướp tài sản; còn đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản thì định tội là cưỡng đoạt tài sản.

Thứ hai, phân tích hành vi phạm tội của Trần Văn A theo tình tiết vụ án

Theo nội dung vụ án, A đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực để thu thêm tiền xe của khách đi xe - A đi thu tiền thì bị mọi người phản ứng lại, không nộp vì đã thanh toán tiền đầy đủ cho chủ xe trước đó là anh K. Thấy vậy A lấy trong xe một ống sắt dài 20 cm đe doạ nếu không nộp sẽ bị đuổi xuống xe giữa đường vắng và trời tối. Do lo sợ bị đuổi xuống xe nên 25 hành khách đã nộp tiền cho A. Tổng cộng số tiền là 5.000.000 đồng được A giao cho T nắm giữ.

Hành vi lấy ống sắt dài đe dọa hành khách của A là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực với ý thức làm cho hành khách lo sợ. Hành vi của A không làm cho hành khách trên xe bị tê liệt ý chí, không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự, các hành khách vẫn có thể suy nghĩ và cân nhắc để lựa chọn nộp thêm tiền cho A hoặc xuống xe để tìm cách khác, A cầm ống sắt chỉ mang tính chất đe dọa sẽ dùng vũ lực chứ không có ý định dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản nếu không giao tài sản sẽ bị đuổi khỏi xe chứ không có mục đích tấn công mọi người trên xe. Hành vi dùng phương tiện để đe dọa chiếm đoạt tiền của A không quyết liệt như đối với hành vi khách quan của tội Cướp tài sản.

Như vậy, hành vi của Trần Văn A phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 BLHS 2015.

Trên đây là quan điểm trao đổi về vụ án, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý đồng nghiệp và bạn đọc.

*Học viên lớp nghiệp vụ xét xử 10.1B - Học viện Toà án - Thư ký Tòa án quân sự Quân khu 3

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3 xét xử vụ án hình sự-  Ảnh: Duy Linh

DƯƠNG THỊ HỒNG NGÁT*