Trường hợp không đủ căn cứ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài
Hợp đồng được ký trên lãnh thổ Việt Nam giữa Công ty nước ngoài với Công ty Việt Nam nhưng không có bản dịch tiếng Việt, không được công chứng hay chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam... Phán quyết của Trọng tài là pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xét xử trọng tài.
1.Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài
Phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn. Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt do Tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán định trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.
Hiện nay, thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài được quy định trong Phần thứ bảy BLTTDS năm 2015. Theo đó, điều kiện để công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 424 như sau:
“a) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
b) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.”
Như vậy, để phán quyết của trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam, phán quyết đó phải thỏa mãn được hai điều kiện lớn là về quốc gia của trọng tài ban hành phán quyết và về tính chất của phán quyết. Khi một phán quyết trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì phán quyết đó sẽ có “hiệu lực pháp luật” như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, khi Tòa án được yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài, Tòa án không chỉ được yêu cầu công nhận hiệu lực pháp lý của phán quyết mà còn phải đảm bảo phán quyết đó được thi hành. Đồng thời, theo quy định tại Điều 427 BLTTDS năm 2015 thì phán quyết được công nhận sẽ được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và chỉ được thi hành sau khi có quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật.
2. Tình huống cụ thể
Ngày 15/5/2014, tại thành phố H, Việt Nam, Công ty A Investment (Công ty nước ngoài, gọi tắt là Công ty A) và Công ty M (Công ty Việt Nam) ký kết Hợp đồng vay chuyển đổi (hợp đồng không có bản dịch tiếng Việt hay người phiên dịch tiếng Việt). Theo Điều 2.1 của Hợp đồng thì Công ty A sẽ cấp cho Công ty M một khoản vay có tổng giá trị 3 triệu USD với giá trị giải ngân đợt đầu là 1 triệu USD. Việc tiếp tục thực hiện giải ngân phụ thuộc vào việc Công ty M đáp ứng các điều khoản và điều kiện được quy định tại Phụ 5 của Hợp đồng nêu trên để Công ty M đạt được các mục tiêu kinh doanh năm 2014.
Ngày 24/6/2014, bà M và bà N ký với Công ty A Hợp đồng bảo lãnh (hợp đồng không có bản dịch tiếng Việt và không được công chứng, chứng thực hay đăng ký giao dịch bảo đảm). Theo Điều 2.1 của Hợp đồng bảo lãnh, bà M và bà N đồng ý bảo lãnh trên cơ sở liên đới chịu trách nhiệm toàn bộ nghĩa vụ cho Công ty M trong trường hợp Công ty M không thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng vay chuyển đổi. Theo quy định tại Điều 20, Điều 21 của Hợp đồng vay chuyển đổi và Điều 17 của Hợp đồng bảo lãnh thì luật điều chỉnh các hợp đồng này đều là luật Việt Nam và mọi tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng này đều sẽ được giải quyết bởi Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC).
Ngày 30/6/2014, Công ty A giải ngân khoản vay đầu tiên trị giá 1 triệu USD. Trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty A phát hiện Công ty M có nhiều vi phạm Hợp đồng vay chuyển đổi. Ngày 06/6/2017, Công ty A gửi đơn đến SIAC để yêu cầu giải quyết buộc Công ty M, bà M và bà N phải trả nợ gốc, nợ lãi và các chi phí phát sinh khác. Ngày 02/5/2019, SIAC đã ra Phán quyết trọng tài buộc Công ty M, bà M và bà C chịu trách nhiệm riêng rẽ và liên đới thanh toán cho Công ty A các khoản theo yêu cầu của Công ty A. Trong đó, tại Phán quyết có nội dung: Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xét xử trọng tài.
Ngày 08/10/2019, Công ty A gửi đơn đến TaND thành phố H yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết nêu trên của SIAC.
3. Quan điểm đối với vụ án
Quan điểm thứ nhất cho rằn:g Hợp đồng chuyển đổi giữa Công ty A và Công ty M và Hợp đồng bảo lãnh được ký trên lãnh thổ Việt Nam giữa Công ty nước ngoài, Công ty Việt Nam và người Việt Nam nhưng không có bản dịch tiếng Việt hay người phiên dịch tiếng Việt để dịch lại cho các bên. Đặc biệt Hợp đồng bảo lãnh, các bên chỉ ký kết hoàn toàn bằng tiếng Anh, không được công chứng hay chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Ngoài ra, theo Điều 4 và Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:
Khoản 1 Điều 4: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”.
Khoản 1 Điều 20 về Điều kiện cấp Giấy phép:
1. Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;
b) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.
Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;
c) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;
d) Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Công ty A cho công ty M vay chuyển đổi bằng USD nhưng Công ty A không phải là tổ chức tín dụng được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, giao dịch cho vay chuyển đổi giữa hai Công ty đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, Điều 20 của Hợp đồng vay chuyển đổi và Điều 17.1 Hợp đồng bảo lãnh có nội dung: Hợp đồng bảo lãnh này và các quền và nghĩa vụ theo Hợp đồng bảo lãnh này sẽ được hiểu và điều chỉnh theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Tại Phán quyết ngày 02/5/2019 của SIAC có nội dung: Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xét xử trọng tài. Như vậy, về nội dung thỏa thuận trọng tài nêu trên không phù hợp với pháp luật việt Nam.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 459 BLTTDS năm 2015 quy định về Phán quyết của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy: “Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Từ phân tích và quy định của pháp luật nêu trên, không có cơ sở công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết trọng tài ngày 02/5/2019 của SIAC.
Quan điểm thứ hai xác định: Tranh chấp phát sinh giữa Công ty A và Công ty M phát sinh từ hợp đồng cho vay chuyển đổi nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của Công ty M. Khoản 1, khoản 2 Luật Trọng tài Thương mại của Việt Nam có quy định tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài.
Phán quyết ngày 02/5/2019 của SIAC đã có hiệu lực pháp luật tuyên phù hợp với quy định vì nước Singapore và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Bên cạnh đó, Hợp đồng các bên thỏa thuận được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam, thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nội dung phán quyết không vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Thỏa thuận của các bên phù hợp với Điều 3 BLDS năm 2015 trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng.
Đồng thời, tại Điều 5.1 Công ước New Yok 1958 đã định nghĩa: Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên phải thi hành phán quyết trọng tài. Do đó, bên phải thi hành phán quyết muốn từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết nói trên tại Việt Nam thì phải đưa ra chứng cứ chứng minh trước Tòa án rằng Phán quyết này đã vi phạm Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, cần chấp nhận yêu cầu của người được thi hành là Công ty A, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Phán quyết ngày 02/5/2019 của SIAC.
Trên đây là ý kiến về vụ án, rất mong nhận được trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.
Tòa nhà được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN
-
Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
-
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
-
Một số vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận