V phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS và cháu P là bị hại

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Tạ Ngọc Nam đăng ngày 18/9/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng hành vi của V đã thỏa mãn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị hại trong vụ án này là cháu P.

Hành vi khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau. Trước hết là hành vi lừa dối và tiếp sau đó là hành vi chiếm đoạt tài sản. Có hành vi lừa dối mới có hành vi chiếm đoạt. Có thể nói hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối.[1]

Lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Nếu người đưa ra thông tin đó không biết về việc thông tin đó không đúng sự thật thì không thuộc dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội biết rõ về nguồn thông tin đó, biết rõ đó là thông tin sai sự thật nhưng vì mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác mà cố tình đưa ra để thuyết phục người khác tin đó là sự thật. Bởi lẽ nếu bị hại biết về nguồn thông tin mà người phạm tội cung cấp thì đương nhiên, người phạm tội sẽ không thể đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản của mình. Hành vi lừa dối cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể thực hiện qua lời nói, qua hành động hoặc qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật.

Trong vụ án trên, khi V đến nhà của chị H thấy có chiếc xe đạp để ở sân nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Để thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản, V đã sử dụng thủ đoạn gian dối để lừa dối cháu P (là người đang thực tế quản lý tài sản), tin vào lời nói của V để cho V lấy được chiếc xe đạp. Cụ thể, khi thấy cháu P nằm ở ghế phòng khách, V đã nảy sinh ý định giả vờ mượn xe của cháu P. Để thực hiện được ý định này, V đã vào nhà hỏi thăm cháu P xem bố mẹ ở đâu. Khi được cháu P nói bố đang ở trên tầng 2 thì V đã giả vờ đi lên tầng 2 để gặp bố cháu P nhưng thực tế V không hề gặp anh D mà chỉ đang tạo lòng tin cho cháu P và nói với cháu P rằng V đã xin phép anh D. Khi nghe V nói đã nói với bố và là hàng xóm gần nhà có sang chơi nên P đã tin tưởng và giao chiếc xe đạp cho V. Do đó, hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của V đã hoàn thành.

Đối với việc xác định bị hại, chiếc xe đạp bị V chiếm đoạt là tài sản thuộc quyền sở hữu của anh D và chị H. Tuy nhiên, cháu P là người đang thực tế quản lý chiếc xe đạp đó, hành vi lừa dối của V được thực hiện nhằm vào đối tượng là cháu P. Nếu cháu P không tin tưởng và giao xe cho V thì đương nhiên V không thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản của mình. Vì vậy, cần xác định cháu P là bị hại, chị H và anh D là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc./.

TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Vi Thế Cường

 


*Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7

[1] GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), quyển 1, nhà xuất bản Tư pháp, 2018, tr.301.

NGUYỄN THANH HUYỀN*