Vướng mắc trong xử lý xử lý vật chứng, tài sản không phải là vật chứng trong vụ án hình sự và kiến nghị hoàn thiện
Khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền xử lý vật chứng, nhưng do quy định của pháp luật, việc xử lý vật chứng còn có những vướng mắc…
1.Quy định của pháp luật
Điều 89 BLTTHS năm 2015 quy định: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Vật chứng được xử lý theo khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Vướng mắc trong thực tiễn
Mặc dù BLHS, BLTTHS quy định rất chi tiết, cụ thể về xử lý vật chứng và tài sản không phải là vật chứng trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có vướng mắc sau:
Thứ nhất, đối với những tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án hình sự mà không phải là vật chứng, căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 106 BLHS quy định phải trả lại ngay cho cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó, nhưng nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì giải quyết như thế nào? Căn cứ vào điều khoản nào của BLTTHS để xử lý?
Thứ hai, đối với những tài liệu, đồ vật, tài sản là vật chứng mà xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì phải trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS, tuy nhiên, trong suốt quá trình giải quyết vụ án không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì chưa có hướng giải quyết.
Thực tiễn xét xử thường gặp các trường hợp: đối tượng sử dụng xe máy không giấy tờ hợp pháp (xe máy bị trộm cắp, hoặc được mua bán tay nhiều lần, không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp) thực hiện hành vi phạm tội như: vận chuyển ma túy, trộm cắp tài sản, cướp tài sản… Xe máy thu được là vật chứng trong vụ án, nhưng không thể trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp do không xác định được.
Để giải quyết trường hợp này, Tòa án thường xử lý bằng cách đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trường hợp tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trả lại cho họ nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án và không thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách Nhà nước. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trong bản án cần nêu rõ hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày đăng tin tìm chủ sở hữu, nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có yêu cầu thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn trên, tài sản sẽ được sung ngân sách Nhà nước. Đối với những tài liệu, đồ vật không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy.
3. Đề xuất, kiến nghị
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, tác giả đề xuất, kiến nghị sau:
Một là, bỏ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS, theo đó, bổ sung và thiết kế điểm a khoản 3 Điều 106 thành một điều luật riêng, bởi lẽ:
+ Về hình thức, điểm a khoản 3 Điều 106 quy định về việc xử lý tài sản không phải là vật chứng nhưng lại nằm trong điều luật quy định về xử lý vật chứng là không phù hợp.
+ Về nội dung, cần bổ sung cho đầy đủ, trong trường hợp tài sản không phải là vật chứng, buộc Tòa án phải xử lý mà không tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy.
Hai là, bổ sung nội dung đối với những vật chứng mà không tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy vào điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS cho đầy đủ, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý./.
Huyện Phục Hòa, Cao Bằng tổ chức tiêu hủy vật chứng - Ảnh: Phan Anh Trung
Bài liên quan
-
Bảo vệ người không có khả năng lao động bền vững - Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
-
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các dự án nhà ở xã hội
-
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai họp tháo gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận