Vướng mắc từ việc xác định thẩm quyền xét xử vụ án hình sự khi thực hiện kiến nghị của bản án
Xác định thẩm quyền xét xử là căn cứ vào tính chất mức độ hành vi, đối tượng phạm tội hay lãnh thổ nơi thực hiện tội phạm hoặc kết thúc điều tra cũng chỉ là bước ban đầu xác định Tòa án nhân dân hay Tòa án quân sự của nơi nào có thẩm quyền sau đó cũng sẽ phải phân cấp Tòa án để xét xử.
Kiến nghị điều tra, truy tố
Quy định tại Điều 268 BLTTHS về việc phân định thẩm quyền xét xử vụ án hình sự theo vụ việc tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng pháp luật và đối chiếu các quy định của BLTTHS về thẩm quyền của Tòa án các cấp khi giải quyết vụ án mà vụ án đó được điều tra, truy tố theo kiến nghị của một bản án khác, còn có cách hiểu khác nhau.
Ngày 14/01/2021, TAND tỉnh X xét xử Trần Văn T cùng đồng phạm bị VKSND tỉnh X truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo điểm a khoản 4 Điều 174 và điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS. Theo nhận định của Hội đồng xét xử, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của ngân hàng nên Trần Văn T cùng đồng phạm đã nhiều lần sử dụng con dấu và tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để làm thủ tục giải ngân tại Ngân hàng TMCP QP với số tiền 20 tỷ đồng, tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản tiền vay là lô hàng xăng A95 gửi tại Kho của Công ty TNHH T&T. Tuy nhiên, toàn bộ lô hàng xăng A95 gửi tại Kho của Công ty TNHH T&T không có trên thực tế nên hành vi của Trần Văn T cùng đồng phạm cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 và điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS.
Hội đồng xét xử nhận định việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để cho Trần Văn T cùng đồng phạm sử dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là do Nguyễn Văn L thực hiện. Hành vi của Nguyễn Văn L có dấu hiệu của tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 BLHS, Tòa án tỉnh X đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung về vấn đề này nhưng chưa được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, vì vậy Hội đồng xét xử kiến nghị đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Nguyễn Văn L về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Qua xem xét hành vi vi phạm, ngày 08/4/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh X đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn L về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS. Vụ án được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh X điều tra, kết luận và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh X ra quyết định truy tố đối với Nguyễn Văn L, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án sang TAND tỉnh X xét xử theo thẩm quyền.
Xoay quanh nội dung vụ án như trên, việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và TAND tỉnh X điều tra, truy tố, xét xử đối với Nguyễn Văn L là có đúng thẩm quyền hay là không?
Quan điểm khác nhau
Về vấn đề này hiện nay có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và TAND tỉnh X điều tra, truy tố, xét xử đối với Nguyễn Văn L là đúng quy định của pháp luật. Bởi vì, trước đó, đối với vụ án Trần Văn T cùng đồng phạm là thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh, vụ án Nguyễn Văn L được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo kiến nghị của bản án do TAND cấp tỉnh ban hành. Mặt khác, nếu Nguyễn Văn L được điều tra, truy tố, xét xử cùng với Trần Văn T và đồng phạm thì cũng sẽ do TAND tỉnh X xét xử. Vì vậy, vụ án Nguyễn Văn L thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tỉnh X là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả, việc xác định vụ án Nguyễn Văn L thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh là chưa có căn cứ thuyết phục. Vì Nguyễn Văn L bị điều tra, truy tố theo khoản 3 Điều 341 BLHS là tội phạm nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 07 năm tù); vụ án không phải thuộc trường hợp là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; không phải thuộc trường hợp các tội quy định tại Điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của BLHS; không phải các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không phải vụ án có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài và không phải là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành… Hơn nữa, vụ án Nguyễn Văn L mặc dù được khởi tố, điều tra, truy tố xuất hiện trên cơ sở từ một kiến nghị của bản án, nhưng việc khởi tố, điều tra, truy tố đó là hoàn toàn độc lập với những vụ án khác. Vì vậy, về bản chất, vụ án Nguyễn Văn L thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện mới phù hợp, việc TAND tỉnh X xét xử đối với vụ án này là vi phạm thủ tục tố tụng.
Tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc về vấn đề này.
TAND huyện Đại Lộc, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Mạc Văn Hinh
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận