Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2024. Đây là ấn phẩm số đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2023).

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2024, cụ thể như sau:

Bài viết Một số thành tích nổi bật trong công tác Tòa án năm 2024” của tác giả Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án thương trực TANDTC đánh giá những kết quả nổi bật mà hệ thống Tòa án nhân dân đã đạt được trong năm 2024. Để tiếp tục xây dựng Tòa án nhân dân liêm chính, chuyên nghiệp, uy tín, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bài viết định hướng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà hệ thống Tòa án nhân dân cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Với bài viết Quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp”, tác giả Nguyễn Văn Du – Phó Chánh án TANDTC nhận định: “Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn và quan trọng, trong đó có bổ sung quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp tại Điều 141.”. Nội dung bài viết này, tác giả tập trung phân tích làm sáng tỏ những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

Bài viết “Xây dựng Tòa án thông minh tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thanh Tùng nghiên cứu, chỉ ra các lợi ích, cũng như thách thức khi hệ thống Tòa án chuyển sang mô hình Tòa án thông minh và triển vọng khi xây dựng Tòa án thông minh ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.

Tác giả Đỗ Đức Hồng Hà và Lò Thị Việt Hà nêu nhận định trong bài viết “Luật tư pháp người chưa thành niên - đạo luật nhân văn thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp và nội luật hóa Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn” như sau: “Đảng và Nhà nước ta luôn xác định trẻ em được ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên yêu cầu “các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc hình thành những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và tổ chức riêng cho trẻ em bị coi là bị tố cáo hay bị thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự”. Bài viết trình bày sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và một số ý kiến về dự thảo Luật này.

Tác giả Đỗ Văn Đại và Thân Văn Tài nêu nhận định trong bài viết “Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất”: “Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng khả năng xác lập hợp đồng chuyển quyền đối với đất của cộng đồng dân cư, đất nông nghiệp và đất trồng lúa. Luật này đã làm rõ hơn điều kiện “đất không có tranh chấp” trong xác lập hợp đồng; làm rõ hơn sự ảnh hưởng của đăng ký biến động đất đai đến hiệu lực của hợp đồng; làm rõ hơn vai trò của Trọng tài trong giải quyết tranh chấp có liên quan đến đất đai.”. Bài viết phân tích, làm rõ những vấn đề trên, đồng thời, luận bàn về những vấn đề pháp lý phát sinh từ những điểm mới đó, như cơ chế xác lập hợp đồng chuyển quyền của cộng đồng dân cư; cách xác định nguồn gốc đất nông nghiệp để xem xét điều kiện tham gia hợp đồng chuyển đổi; trường hợp chuyển quyền không bị áp dụng điều kiện “đất không có tranh chấp.

Trong bài viết “Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và một số kiến nghị thực thi”, tác giả Tạ Đình Tuyên và Nguyễn Thành Nhân viết: “Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có quan điểm, chủ trương về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp đất đai.”. Bài viết phân tích những điểm mới về hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và đưa ra những kiến nghị thực thi trên cơ sở đánh giá những quy định có liên quan của Luật Đất đai năm 2024.

Với bài viếtMột số vấn đề tồn tại trong quy định về hợp đồng hợp tác và đề xuất, kiến nghị”, tác giả An Văn Khoái và Vũ Hoàng Long viết: “Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhu cầu hợp tác trong sản xuất, kinh doanh,… giữa các cá nhân, pháp nhân ngày càng tăng. Điều đó đòi hỏi cần có công cụ pháp lý hoàn thiện để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác này. Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó có sửa đổi quy định về hợp đồng hợp tác được đánh giá là tiến bộ, phù hợp hơn so với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng hợp tác thì thấy vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.”. Bài viết tập trung phân tích, luận bàn quy định về hợp đồng hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2015, từ đó chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết “Thẩm quyền của Tòa án đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – kinh nghiệm từ pháp luật Trung Quốc”, tác giả Đào Thị Vui cho rằng: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các yêu cầu, tranh chấp về dân sự có yếu tố nước ngoài tăng nhanh về số lượng với tính chất ngày càng phức tạp. Xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia là nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế.”. Bài viết phân tích làm rõ một số dấu hiệu xác định thẩm quyền của Tòa án nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong Luật sửa đổi Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc năm 2024, từ đó, gợi mở một số hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về vấn đề này.

Trong bài viết “Nghiên cứu các tội về rửa tiền trong pháp luật hình sự Liên bang Nga và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, tác giả Nguyễn Viết Tăng nêu nhận định: “Theo đánh giá của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), Nhóm Á - Âu và Moneyval về hệ thống chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Nga: “Liên bang Nga (Nga) hiểu biết sâu sắc về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố và đã thiết lập các chính sách và luật để giải quyết những rủi ro này,…”. Cùng với đó, khung pháp lý của Nga giải quyết những rủi ro này một cách thích hợp và nước này đã có các chính sách chính thức, được hỗ trợ bởi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ trong nước, để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài ra, Nga cũng được biết tới là một quốc gia có nền lập pháp tiến bộ, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đấu tranh, xử lý tội phạm rửa tiền.”. Bài viết tập trung phân tích những quy định về tội rửa tiền trong pháp luật hình sự của Nga, trên cơ sở chỉ ra những ưu điểm, cũng như những hạn chế trong pháp luật của quốc gia này đối với các tội rửa tiền, bài viết rút ra một số kinh nghiệm để hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam đối với tội rửa tiền, đồng thời, nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong thực tế.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 kỳ I tháng 9 năm 2024.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK